Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam (FULL TEXT) (Trang 39 - 43)

1.2. QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại

1.2.5.1. Các nhân tố thuộc về môi trường vĩ mô

­ Môi trường tự nhiên:

Khi môi trường tự nhiên có một sự biến động bất thường như động đất, núi lửa, bão lũ, lụt lội, hạn hán, dịch bệnh gia súc và cây trồng…gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ thì rủi ro sẽ xuất hiện và các ngân hàng sẽ không thu hồi được vốn, nguy cơ rủi ro tín dụng là bất khả kháng.

­ Môi trường kinh tế:

Môi trường kinh tế xã hội là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế xã hội tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Đối mặt với những thay đổi thất thường trên tầm vĩ mô của nền kinh tế, chính là thách thức đặt ra cho các ngân hàng. Chỉ có biện pháp quản trị rủi ro linh hoạt và hiệu quả mới giúp ngân hàng vượt qua. Dưới góc độ vĩ mô, kinh tế Việt Nam chưa thực sự có nền kinh tế thị trường toàn diện. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ dỡ bỏ hàng rào thuế quan và bảo hộ mậu dịch buộc các doanh nghiệp trong nước phải tự chống chọi với sức ép từ bên ngoài, chưa tính đến trường hợp là doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải cạnh tranh ngoài lãnh thổ. Mặc khác, đối với những doanh nghiệp đang được nhà nước bao cấp sau khi cổ phần hóa, ngân hàng sẽ phải thu hồi các khoản nợ tồn đọng từ trước. Sự thay đổi mang tầm vĩ mô của nền kinh tế nếu ngân hàng không có biện pháp xử lý và ứng phó kịp thời, hợp lý thì ngân hàng sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề.

­ Môi trường pháp lý:

Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống luật pháp, các văn bản của nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Do vậy, môi trường pháp lý ảnh hưởng không ít đến hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại. Hành lang pháp lý rộng hay hẹp đồng nghĩa với khả năng tự chủ của ngân hàng cao hay thấp. Hệ thống luật hiện nay chưa hoàn thiện, còn nhiều chồng chéo gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động ngân hàng; các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, chỗ thừa chỗ thiếu, chỗ quá khắt khe chỗ lại quá sơ hở, dễ bị lợi dụng, hoặc gây ách tắc không đáng có cho doanh nghiệp và ngân hàng.

­ Ngoài ra còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro như:

+ Môi trường xã hội: Đạo đức của cán bộ ngân hàng hoặc khách hàng xuống cấp đã tác động xấu đến rủi ro tín dụng.

+ Những biến động của giá cả thị trường ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng giá trị tài sản bảo đảm, xử lý các tài sản bảo đảm.

+ Hệ thống thông tin hiện nay làm giảm đáng kể tính hiệu quả trong quản trị rủi ro tín dụng do thiếu vắng và kém tin cậy của hệ thống thông tin được kiểm tra bỡi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đánh giá các doanh nghiệp, người tiêu dùng (như kiểm toán, kế toán, xếp hạng, đánh giá rủi ro). Do không có

“trọng tài” khách quan cũng như các thông tin được kiểm chứng, ngân hàng phải tự mình đánh giá đối tác trong từng giao dịch. Trên thế giới, các thông tin của doanh nghiệp được công bố rộng rãi mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận khi tiến hành các giao dịch với ngân hàng hoặc giao dịch mua bán với nhau

+ Vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế. Việc giám sát, thanh tra, xử lý hiệu lực còn thấp, thiếu kiên quyết, không dứt điểm, do vậy chưa phát huy được tác dụng. Quy chế hướng dẫn còn chưa đồng bộ, chậm trễ bổ sung sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Tất cả những yếu tố nêu trên đều ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro tín dụng. Muốn quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại có hiệu quả cần phải có các tiền đề, hình thành môi trường kinh doanh ổn định có sự can thiệp và điều tiết của ngân hàng Nhà nước.

1.2.5.2. Các nhân tố thuộc về ngân hàng

­ Nhân sự

Nhân sự là nhân tố trung tâm trong mọi hoạt động và trong hoạt động tín dụng cũng không phải là ngoại lệ. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, hệ thống ngân hàng ngày càng hiện đại đòi hỏi nhân sự phải có trình độ, năng lực, khả năng tư duy, nhạy cảm và có đạo đức nghề nghiệp và đây cũng là những nhân tố quyết định đến hiệu quả quản lý rủi ro rủi ro tín dụng. Nếu bố trí không hợp lý như một cán bộ phải theo dõi quá nhiều khách hàng, quy mô và tính phức tạp của khoản vay vượt quá khả năng quản lý của cán bộ tín dụng, chất lượng tín dụng sẽ giảm sút, nguy cơ rủi ro tín dụng là tất yếu. Đối với những dự án công nghệ cao, khả năng tiếp cận

thông tin và thực tiễn của các cán bộ tín dụng hạn chế cũng gây ra chất lượng tín dụng thấp, mức độ rủi ro cao.

­ Công nghệ

Công nghệ đó là nhân tố không thể thiếu trong hoạt động của một ngân hàng hiện đại. Trong điều kiện công nghệ thông tin toàn cầu phát triển như vũ bão, thì các phương pháp thu thập thông tin truyền thống đã quá lạc hậu đối với ngân hàng.

Rủi ro mất vốn cũng có thể xảy ra từ việc ngân hàng thu thập thông tin bằng phương pháp truyền thống. Do lĩnh vực kinh doanh của khách hàng lại rất đa dạng phần lớn là ngoài chuyên môn của cán bộ tín dụng. Nếu công nghệ ngân hàng lạc hậu sẽ là cản trở rất lớn cho việc thu thập và xử lý thông tin của ngân hàng.

­ Hệ thống kiểm soát

Các ngân hàng thương mại chưa phát huy đúng tác dụng của hệ thống kiểm soát. Do đó, sau khi cho vay, các ngân hàng thương mại yên tâm với tài sản bảo đảm và thiếu sự giám sát chặt chẽ đối với các khoản cho vay, trong khi tài sản bảo đảm còn bị đánh giá sai lệch về giá trị.

Một ảnh hưởng nữa làm trầm trọng thêm mức độ rủi ro của các khoản tín dụng là những ngân hàng thương mại trong quá trình cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận đã bỏ qua quy trình tín dụng. Họ hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá khách hàng, không thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc quản lý kinh tế tài chính, quy chế bảo đảm tiền vay…Không ít ngân hàng quá chú trọng vào tài sản bảo đảm, chỉ đặt ra yêu cầu có thế chấp đầy đủ là được cấp tín dụng. Họ đã nới lỏng trong thẩm định cũng như giám sát thực hiện hợp đồng. Các ngân hàng có xu hướng muốn nhanh chóng tăng trưởng dư nợ. Nhưng việc mở rộng tín dụng quá nhanh cũng đe dọa gây ra tình trạng quá tải, vượt quá khả năng quản lý của ngân hàng. Như vậy, một chính sách tín dụng thiếu linh hoạt, không phù hợp, quá nới lỏng cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ rủi ro tín dụng.

Nguy cơ đe dọa hoạt động kinh doanh bình thường của ngân hàng cũng sẽ gia tăng nếu như công tác trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không được thực hiện nghiêm túc, chất lượng phân loại nợ và xếp hạng tín dụng không đảm bảo.

­ Công tác thu thập và xử lý thông tin

Hiện công tác thu thập và xử lý thông tin chưa được chú trọng và tổ chức bài bản có hệ thống. Do vậy đã xảy ra tình trạng ngân hàng cho vay vốn nhưng lại thiếu những thông tin chính xác về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của khách hàng và thiện chí trả nợ của khách hàng. Trọng tâm của việc phòng ngừa rủi ro là phải tập hợp thông tin từ nhiều phía và quan tâm thường xuyên đến việc khai thác thông tin khách hàng. Từ đó tạo điều kiện để hoạt động của ngân hàng thương mại An toàn – Bền vững – Hiệu quả.

Một phần của tài liệu Giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam (FULL TEXT) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)