Định hướng hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt

Một phần của tài liệu Giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam (FULL TEXT) (Trang 118 - 121)

3.1. ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

3.1.3. Định hướng hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt

Mục đích cuối cùng của hoạt động quản trị rủi ro tín dụng là đảm bảo các mức độ rủi ro tín dụng nằm trong khả năng kiểm soát của từng NHTM nói riêng và của toàn hệ thống NHTM nói chung. Trong trường hợp các tổn thất liên quan đến rủi ro tín dụng nếu có xảy ra đều có thể chấp nhận và chịu đựng được nhằm tối đa hoá giá trị mà ngân hàng thương mại kỳ vọng đạt được trong điều kiện biến động của môi trường

kinh doanh. Với phương châm đó, trong 25 năm qua hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát. Để tiếp tục hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng cho hệ thống NHTM trước những thời cơ và thách thức trong thời gian tới, định hướng quản trị rủi ro tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam cần tập trung vào các nội dung:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức của các cấp quản trị trong ngân hàng thương mại, xem đây là nhân tố đầu tiên quyết định để xây dựng và hoàn thiện môi trường quản trị rủi ro tín dụng hiện tại ở Việt Nam theo xu hướng hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện cơ cấu tổ chức ngân hàng thương mại theo hướng tập trung cho quản trị rủi ro. Như đã đề cập trong phần hạn chế của chương 2, tại nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, cơ cấu tổ chức vẫn áp dụng theo cơ chế phân tán, tức là chưa có sự tách biệt giữa bộ phận kiểm soát rủi ro với bộ phận tác nghiệp, nơi

“kiến tạo rủi ro” ở các chi nhánh. Chính vì chưa đảm bảo được yêu cầu độc lập và tập trung của bộ phận quản lý rủi ro nên nhìn chung hiệu quả quản trị rủi ro tại các ngân hàng còn thấp. Vì vậy yêu cầu đặt ra cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian tới là phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo xu hướng quản trị ngân hàng hiện đại, dựa trên tinh thần của Ủy ban Basel.

Thứ ba, hoàn thiện các nội dung của khung quản trị rủi ro tín dụng, nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất và đầy đủ quy trình quản trị nói chung, quản trị rủi ro tín dụng nói riêng. Trong tất cả các nội dung quản trị rủi ro tín dụng, các ngân hàng thương mại cần nhấn mạnh nội dung xây dựng và hoàn thiện hệ thống đo lường rủi ro tín dụng, xem đây là khâu có tính đột phá.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống kiểm toán nội bộ nhằm làm tốt vai trò của tuyến phòng thủ thứ ba trong quản trị rủi ro tín dụng. Muốn làm được điều này trước hết phải phân biệt rõ ràng vai trò, chức năng của hệ thống kiểm soát nội bộ với bộ phận kiểm toán nội bộ, nâng cao tính hiệu quả của kiểm toán nội bộ, xem đây là thành tố quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại hiện nay.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ nhân sự cho lĩnh vực tài chính ngân hàng, mà đặc biệt là đội ngũ trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành

và quản trị rủi ro. Bênh cạnh đó, yếu tố đầu tư về công nghệ thông tin cũng cần được chú trọng đầu tư hơn nữa nhằm tạo ra thuận tiện trong công tác quản trị và vận hành cho các NHTM.

Thứ sáu, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin khách hàng, hệ thống thông tin ngành, thị trường, kênh dự báo tình hình kinh tế vĩ mô nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu:

­ Cung cấp định kỳ các nguồn thông tin về kịch bản kinh tế vĩ mô, cảnh báo các rủi ro liên quan đến các ngành kinh tế, cảnh báo về năng lực cung cầu, năng lực cạnh tranh ngành của doanh nghiệp Việt Nam.

­ Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng cho toàn hệ thống NHTM

­ Xây dựng hệ thống phân tích, chấm điểm khách hàng tập trung làm cơ sở cho toàn hệ thống NHTM có thể tham khảo xem xét trước khi cấp tín dụng.

­ Xây dựng mô hình quản trị rủi ro phi tập trung sang mô hình quản trị rủi ro tập trung trên cơ sở rủi ro của một NHTM riêng lẻ là rủi ro của toàn hệ thống NHTM.

­ Xây dựng quy chế cạnh tranh giữa các NHTM một cách khoa học, hợp lý có phân tầng giữa các nhóm NHTM một cách rõ ràng.

3.2. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Để cho các giải pháp hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, xuất phát từ định hướng phát triển hoạt động tín dụng, định hướng hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng như đã nêu trên đây, kết hợp với thực trạng quản trị rủi ro tín dụng hiện tại của các ngân hàng Việt Nam, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng theo các nhóm sau đây

Một phần của tài liệu Giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam (FULL TEXT) (Trang 118 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)