Cái “Tôi” không nói, nhưng cái “Tôi” làm.
F. Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế.
Hãy tạo dựng nên.
F. Nietzsche, Zamthustra đã nói như thế.[16]
Con người là câu đố trên thế gian, và có lẽ là câu đố vĩ đại nhất. Con người là câu đố không phải trong tư cách như một sinh vật, mà như một hữu thể xã hội, không phải như một bộ phận của thiên nhiên và xã hội, mà như một bản diện cá nhân. Toàn bộ thế gian chẳng là gì hết trong so sánh với bản diện cá nhân của con người, với gương mặt độc nhất của con người, với số phận duy nhất của nó. Ngay cả trong cơn hấp hối con người vẫn muốn biết nó từ đâu tới và đang đi về đâu. Từ thời Hi Lạp [cổ đại]
con người đã muốn tự nhận thức mình và đã nhìn thấy trong chuyện này lời giải đoán hiện hữu, ngọn nguồn của nhận thức triết học. Con người muốn tự nhận thức mình từ trên xuống và từ dưới lên, từ ánh sáng của mình, từ khởi nguyên thánh thiện bên trong bản thân mình, cũng như từ bóng tối của mình, từ khởi nguyên vô thức - tự phát ma quái bên trong mình. Và nó có thể làm được điều này bởi vì nó là một hữu thể lưỡng phân và đầy mâu thuẫn, một hữu thể phân cực ở mức độ cao nhất, mang tính thánh thiện và mang tính thú vật, cao cả và thấp hèn, tự do
và nô lệ, có khả năng vươn cao và sa đọa, có khả năng yêu thương và hi sinh thật vĩ đại và cũng có khả năng tàn nhẫn ghê gớm và vị kỉ vô biên. Dostoevsky, Kierkegaard[17], Nietzsche với sự sắc bén đặc biệt đã nhìn ra khởi nguyên bi thảm trong con người và tính mâu thuẫn trong bản chất của nó. Trước kia Pascal[18] đã diễn đạt hay hơn hết tính lưỡng phân ấy của con người. Những người khác đã nhìn vào con người từ dưới lên và khám phá ra những khởi nguyên tự phát thấp hèn nhất, dấu ấn sa đọa của nó. Như một hữu thể sa đọa, được quyết định bởi những sức mạnh tự phát, nó có vẻ như bị thúc đẩy hoàn toàn bởi những lợi ích kinh tế, những lôi cuốn tình dục vô thức, nỗi băn khoăn lo lắng. Tuy nhiên, nhu cầu đau khổ và giày vò ở Dostoevsky, nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng ở Kierkegaard, ý chí vươn tới hùng mạnh và tàn nhẫn ở Nietzsche còn chứng tỏ rằng:
con người là hữu thể sa đọa, nhưng lại đau khổ vì sa đọa ấy và mong muốn vượt qua nó. Chính là ý thức về bản diện cá nhân trong con người nói lên bản chất cao cả nhất và sứ mệnh cao cả nhất của nó. Giả sử con người không phải là một bản diện cá nhân, dù chỉ là chưa bộc lộ hay còn bị đè nén, dù chỉ là bị tổn thương do bệnh tật, dù chỉ tồn tại trong khả thể hay khả năng, thì con người hẳn đã giống như những vật thể khác của thế gian và trong nó chẳng có gì là phi thường cả. Thế nhưng bản diện cá nhân trong con người chứng tỏ rằng thế gian là không đầy đủ tự thân, rằng thế gian có thể được vượt qua và được vượt lên cao hơn. Bản diện cá nhân không giống bất cứ một thứ gì khác trên thế gian, không thể đối chiếu và so sánh nó với bất cứ cái gì. Khi bản diện cá nhân gia nhập thế gian, bản diện duy nhất không thể lặp lại, thì quá trình của thế gian bị gián đoạn và buộc phải thay đổi tiến trình, dù rằng điều đó không nhận ra được qua vẻ bề ngoài. Bản diện cá nhân không thể dung chứa được vào quá
trình liên tục dày đặc của đời sống thế gian. Nó không thể là một khía cạnh hay một nhân tố tiến hóa của thế gian. Hiện hữu của bản diện cá nhân đặt ra tính gián đoạn, hiện hữu ấy không thể giải thích được bằng bất cứ tính liên tục nào. Con người mà chỉ được biết đến bởi sinh học và xã hội học, con người như một hữu thể tự nhiên và xã hội, là sản phẩm của thế gian và những quá trình xảy ra trong thế gian. Thế nhưng bản diện cá nhân, con người trong tư cách một bản diện cá nhân, không phải là đứa con của thế gian, nó có nguồn gốc khác. Và điều đó khiến cho con người là một câu đố. Bản diện cá nhân là đột phá, là gián đoạn trên thế gian này, là đưa vào cái mới mẻ. Bản diện cá nhân không phải là tự nhiên, nó không thuộc về ngôi thứ khách quan mang tính tự nhiên như một bộ phận tùy thuộc của tự nhiên.
Chính vì vậy, như sau đây ta sẽ thấy, cá biệt luận mang tính ngôi thứ là trá ngụy. Con người là một bản diện cá nhân không phải theo tự nhiên, mà theo tinh thần. Theo tự nhiên, con người chỉ là một cá thể. Con người không phải là một đơn tử (monade) gia nhập vào ngôi thứ của các đơn tử và tùy thuộc vào ngôi thứ ấy.
Bản diện cá nhân là một tiểu vũ trụ, là một toàn vẹn phổ quát.
Chỉ có bản diện cá nhân mới có thể dung chứa được một nội dung phổ quát, là một vũ trụ khả thể trong hình thức cá thể. Mọi hiện thực khác của thế giới tự nhiên hay thế giới lịch sử, luôn luôn có đặc tính bộ phận, đều không thể tiếp thu được cái nội dung phổ quát ấy. Bản diện cá nhân không phải là một bộ phận và không thể là một bộ phận trong quan hệ với một cái toàn vẹn nào đó, dù đó có là cái toàn vẹn rộng lớn, toàn thể thế giới đi nữa. Đó là nguyên lí quan trọng của bản diện cá nhân, là bí ẩn của nó. Vì rằng con người thường nghiệm gia nhập như một bộ phận vào một toàn vẹn xã hội hay tự nhiên nào đó, rằng nó làm điều đó không phải như một bản diện cá nhân, cho nên bản diện cá nhân của nó vẫn
ở bên ngoài tình trạng tùy thuộc ấy của bộ phận đối với cái toàn vẹn. Đối với Leibniz[19], cũng như đối với Renouvier[20], đơn tử chỉ là một thực thể gia nhập vào một cấu tạo phức tạp. Đơn tử là đóng kín, không có cửa sổ và cửa ra vào. Còn đối với bản diện cá nhân thì mở ra cái vô hạn, nó gia nhập vào cái vô hạn và cho cái vô hạn đi vào, nó hướng tới một nội dung vô hạn trong tự khai mở bản thân. Thế nhưng đồng thời với những điều ấy, bản diện cá nhân đòi hỏi hình hài và giới hạn, nó không hòa trộn vào thế giới xung quanh và không hòa tan vào trong đó. Bản diện cá nhân là một phổ quát trong hình thức cá thể không thể lặp lại.
Nó là kết hợp của cái phổ quát - vô hạn và cái cá thể - đặc biệt.
Trong điều này hàm chứa tính mâu thuẫn bề ngoài của hiện hữu bản diện cá nhân. Cái riêng biệt trong con người chính là cái ở trong nó không là chung với những người khác, thế nhưng ở trong cái không là chung ấy lại hàm chứa khả thể của cái phổ quát. Cách hiểu bản diện cá nhân của con người như một tiểu vũ trụ đối lập với cách hiểu ngôi thứ - hữu cơ, là cách hiểu biến con người thành bộ phận tùy thuộc của cái toàn vẹn, của cái chung, của cái phổ quát. Nhưng bản diện cá nhân không phải là bộ phận của cái phổ quát, cái phổ quát là bộ phận của bản diện cá nhân, là những phẩm tính của nó. Nghịch lí của cá biệt luận là như thế. Không được tư duy bản diện cá nhân như một thực thể (substantia), đó hẳn sẽ là cách tư duy tự nhiên luận về bản diện cá nhân. Bản diện cá nhân không thể được nhận thức như một khách thể, như một trong nhiều khách thể của hàng loạt các khách thể khác của thế gian, như một bộ phận của thế gian. Các bộ môn khoa học nhân học, sinh học, tâm lí học, xã hội học muốn nhận thức con người như thế. Một phần nào con người được nhận thức bằng cách như thế, nhưng bí ẩn của con người như một bản diện cá nhân, như một trung tâm hiện sinh của thế
gian, không nhận thức được bằng cách thức ấy. Bản diện cá nhân chỉ nhận thức được như một chủ thể trong tính chủ quan vô hạn mà bí ẩn của hiện hữu ẩn chứa trong đó.
Bản diện cá nhân là cái bất biến trong biến đổi, là cái thống nhất trong đa dạng. Chúng ta đều thấy ngạc nhiên khó chịu như nhau, nếu trong con người có bất biến mà không có biến đổi, hay nếu có biến đổi mà không có bất biến, nếu có thống nhất mà không có đa dạng, hay có đa dạng nhưng lại không có thống nhất. Cả trong trường hợp này lẫn trường hợp kia thì việc xác định phẩm tính quan trọng nơi bản diện cá nhân đều bị phá hủy.
Bản diện cá nhân không phải là một trạng thái ngưng đọng, nó xáo tung tứ phía, phát triển lên, phong phú lên, nhưng nó là sự phát triển của cùng một chủ thể đang lưu trú, của chính cái người nào đó ấy. Bản thân biến đổi xảy ra là để gìn giữ cái bất biến ấy, cái đang lưu trú như Poulain nói thật xác đáng. Bản diện cá nhân tuyệt nhiên không phải là một tư chất, nó là nhiệm vụ, là lí tưởng của con người. Thống nhất hoàn hảo, tính toàn vẹn của bản diện cá nhân là lí tưởng của con người. Bản diện cá nhân tự nó tạo dựng nên. Không một người nào có thể nói về bản thân rằng mình hoàn toàn là một bản diện cá nhân. Bản diện cá nhân là một phạm trù giá trị luận, mang tính đánh giá. Ở đây ta đang gặp phải nghịch lí cơ bản của hiện hữu bản diện cá nhân.
Bản diện cá nhân phải tạo nên chính bản thân mình, làm nó phong phú, làm đầy nó bằng nội dung phổ quát, đạt tới thống nhất trong toàn vẹn qua suốt cuộc đời mình. Nhưng để làm điều đó nó lại phải đã hiện hữu rồi. Thoạt tiên đã phải có cái chủ thể mang sứ mệnh tự tạo nên bản thân mình. Bản diện cá nhân ở đầu con đường, và nó lại chỉ ở cuối con đường. Bản diện cá nhân không hợp thành từ những bộ phận, nó không phải là tổ hợp máy, nó không phải là yếu tố hợp thành, nó là một toàn vẹn tiên
khởi. Quá trình lớn lên của bản diện cá nhân, việc hiện thực hóa bản diện cá nhân hoàn toàn không có nghĩa là thành lập một cái toàn vẹn từ những bộ phận, mà có nghĩa là những hành vi sáng tạo của bản diện cá nhân, như một toàn vẹn không thứ sinh từ bất cứ cái gì và không cấu thành từ bất cứ cái gì. Hình tượng của bản diện cá nhân mang tính toàn vẹn, nó hiện diện thật toàn vẹn trong mọi hành động của bản diện cá nhân. Bản diện cá nhân có một hình tượng duy nhất, không thể lặp lại, Cấu trúc.[21] Cái được gọi là Tâm lí học cấu trúc[22] là môn học nhìn thấy những trọn vẹn, những hình thức tiên khởi và có phẩm tính, môn học ấy thuận lợi hơn cho cá biệt luận so với những phương hướng khác của môn tâm lí học. Bản thân tình trạng tha hóa của hình tượng bản diện cá nhân không có nghĩa là bản diện cá nhân ấy biến mất triệt để. Bản diện cá nhân không thể bị hủy diệt. Bản diện cá nhân tự sáng tạo ra chính mình và thực hiện số phận của mình, tìm thấy nguồn sức mạnh trong một tồn tại vượt qua nó. Bản diện cá nhân là cái phổ quát khả thể, nhưng nhất thiết là hữu thể phân biệt được, không thể lặp lại được, không thể thay thế được với hình tượng duy nhất. Bản diện cá nhân là ngoại lệ chứ không phải quy luật. Bí ẩn của hiện hữu bản diện cá nhân ở trong tính không thể thay thế của nó, ở trong tính một lần và duy nhất của nó, ở trong tính không thể so sánh của nó. Tất cả những gì mang tính cá nhân là không thể thay thế được. Nếu một hữu thể cá nhân mà anh đã yêu mến, sau khi vĩnh viễn đã nhận ra được ở trong hữu thể ấy hình tượng của một bản diện cá nhân, thì việc thay thế hữu thể ấy bằng một hữu thể khác sẽ là việc đê tiện. Cái tính không thể thay thế ấy không chỉ có trong quan hệ đối với những con người, mà còn đối với những động vật nữa. Một bản diện cá nhân có thể có những nét giống với những bản diện cá nhân khác, cho phép có so sánh. Thế nhưng những nét giống
nhau ấy không đụng chạm đến cái thực chất của bản diện cá nhân mà chính cái thực chất ấy mới làm cho bản diện cá nhân trở thành bản diện cá nhân, không phải là một bản diện cá nhân nói chung, mà là cái bản diện cá nhân [cụ thể] đó. Trong mỗi bản diện cá nhân của con người có cái chung, có cái phổ quát, không phải cái phổ quát nội tại như là thủ đắc sáng tạo nội dung có phẩm tính của cuộc sống, mà là tính phổ quát ngoại tại, áp đặt vào. Thế nhưng, bản diện cá nhân, cái bản diện cá nhân cụ thể ấy tồn tại không phải bằng cái biểu hiện chung của mình, không phải bằng việc nó có hai mắt như mọi người, không phải bằng biểu hiện chung của những con mắt ấy. Trong bản diện cá nhân của con người có nhiều thứ dòng tộc, thuộc về tộc người, nhiều thứ lịch sử, truyền thống, xã hội, giai cấp, gia tộc, nhiều thứ được di truyền và bắt chước, nhiều thứ “chung”. Nhưng chính những thứ ấy lại không phải là cái “cá nhân” trong bản diện cá nhân.
Cái “cá nhân” độc đáo, gắn với nguồn gốc đầu tiên, đích thực.
Bản diện cá nhân phải thực hiện những hành vi đặc sắc, độc đáo, sáng tạo và chỉ có như vậy mới làm nên bản diện cá nhân của nó, tạo ra giá trị duy nhất của nó. Bản diện cá nhân phải là ngoại lệ, không có định luật nào áp dụng được cho nó. Tất cả những thứ bẩm sinh và di truyền chỉ là vật liệu cho tính hoạt động sáng tạo của bản diện cá nhân. Toàn bộ sức nặng đặt lên con người bởi thiên nhiên và xã hội, lịch sử và những đòi hỏi của nền văn minh, là trở ngại đặt ra trước chúng ta đòi hỏi phải kháng cự lại và thực hiện sáng tạo nhằm biến thành cái cá nhân, cái cá nhân duy nhất. Những điển hình con người mang tính phe nhóm, giai tầng, nghề nghiệp có thể là những cá thể sáng chói, nhưng không phải là những bản diện cá nhân sáng chói. Bản diện cá nhân trong con người là thắng lợi trước cái hạn định của nhóm xã hội. Bản diện cá nhân không phải là một thực thể
(substantia), mà là hành vi, hành vi sáng tạo. Bất cứ hành vi nào cũng là hành vi sáng tạo, hành vi không sáng tạo là mang tính thụ động. Bản diện cá nhân là tính hoạt động, là kháng cự, là thắng lợi trước sức nặng thế gian, thắng lợi của tự do trước tình trạng nô lệ của thế gian. Nỗi sợ hãi không dám nỗ lực là thù địch đối với thực hiện bản diện cá nhân. Bản diện cá nhân là nỗ lực và tranh đấu, là chiếm lĩnh bản thân và thế gian, là thắng lợi trước tình trạng nô lệ, là giải phóng. Bản diện cá nhân là hữu thể có lí trí, nhưng lí trí không quyết định nó và không được định nghĩa nó như đại diện cho lí trí. Lí trí tự thân nó không mang tính cá biệt, ở Kant con người là một bản chất chung vô diện mạo. Cách hiểu Hi Lạp [cổ đại] về con người như một hữu thể có lí trí không thích hợp cho triết học cá biệt luận. Bản diện cá nhân không chỉ là hữu thể có lí trí, mà còn là hữu thể tự do nữa. Bản diện cá nhân là tư duy toàn vẹn của tôi, là thực hiện ý chí toàn vẹn của tôi, là cảm xúc toàn vẹn của tôi, là những hành vi sáng tạo toàn vẹn của tôi. Lí trí của triết học Hi Lạp, lí trí của chủ nghĩa duy tâm Đức là lí trí vô diện mạo, lí trí chung cho tất cả. Thế nhưng còn có cả lí trí cá biệt của tôi nữa và đặc biệt là ý chí cá biệt của tôi. Cá biệt luận không thể đặt cơ sở trên chủ nghĩa duy tâm (kiểu Plato hay kiểu Đức) và cũng không thể đặt cơ sở trên chủ nghĩa tự nhiên, trên triết học tiến hóa hay triết học của cuộc sống, là thứ triết học hòa tan bản diện cá nhân vào quá trình sống vô diện mạo của vũ trụ. M. Scheler[23] đã thiết lập một cách đúng đắn khác biệt giữa bản diện cá nhân và cơ thể, giữa hữu thể tinh thần và hữu thể có đời sống.
* * *
Bản diện cá nhân không phải là một phạm trù sinh học hay