Bắt buộc phải thường xuyên nhắc lại rằng, con người là một hữu thể đầy mâu thuẫn và luôn ở trong xung đột với bản thân mình. Con người tìm kiếm tự do, trong nó có khao khát to lớn vươn tới tự do, nhưng nó không những dễ dàng rơi vào tình trạng nô lệ mà còn yêu thích tình trạng nô lệ. Con người là hoàng đế và kẻ nô lệ. Trong tác phẩm Hiện tượng học tinh thần[47] của Hegel có những suy ngẫm tuyệt vời về ông chủ và kẻ nô lệ, về Herrschaft và Knechtschaft[48]. Ở đây không nói về những phạm trù xã hội của
ông chủ và kẻ nô lệ, mà về cái gì đó khác, sâu sắc hơn. Đó là vấn đề cấu trúc của ý thức. Tôi thấy có ba trạng thái của con người, ba cấu trúc của ý thức có thể hàm nghĩa như “ông chủ”, “kẻ nô lệ” và “người tự do”. Ông chủ và kẻ nô lệ có tính tương liên, chúng không thể hiện hữu người này thiếu người kia. Còn người tự do hiện hữu tự thân nó, nó có trong bản thân mình phẩm chất riêng mà không có tính tương liên với cái đối lập. Ông chủ là ý thức hiện hữu cho bản thân mình, nhưng là ý thức hiện hữu cho bản thân mình thông qua kẻ khác, thông qua kẻ nô lệ. Nếu như ý thức của ông chủ là ý thức hiện hữu của kẻ khác cho bản thân mình, thì ý thức của nô lệ là ý thức hiện hữu của bản thân mình cho kẻ khác. Còn ý thức của người tự do là ý thức hiện hữu của mỗi người cho bản thân mình, nhưng tự do bước ra khỏi bản thân mình đi đến với kẻ khác và đi đến với tất cả mọi người. Giới hạn [tột cùng] của tình trạng nô lệ là tình trạng không có ý thức của nó. Thế giới của tình trạng nô lệ là thế giới tinh thần xa lạ với bản thân mình. Ngoại hiện hóa là nguồn gốc của tình trạng nô lệ.
Tự do là nội hiện hóa. Tình trạng nô lệ luôn hàm nghĩa việc làm xa lạ, ném bản chất con người ra ngoài. Feuerbach, rồi sau đó là Marx, đã nhận biết được nguồn gốc ấy của tình trạng nô lệ ở con người, nhưng lại gắn điều này với triết học duy vật, vốn là việc hợp pháp hóa tình trạng nô lệ của con người. Việc làm xa lạ, ngoại hiện hóa, ném bản chất tinh thần của con người ra ngoài, hàm nghĩa tình trạng nô lệ của con người. Tình trạng nô lệ kinh tế hiển nhiên có nghĩa là việc làm xa lạ bản chất con người và biến con người thành đồ vật. Marx thật đúng trong chuyện này.
Thế nhưng để giải phóng con người thì bản chất tinh thần của nó phải được trả lại, nó phải ý thức được bản thân là hữu thể tự do và có tinh thần. Còn nếu như con người vẫn là hữu thể vật chất và kinh tế, bản chất tinh thần của nó bị xem là huyễn tưởng của
ý thức, là ý thức hệ lừa dối, thì con người vẫn là nô lệ và là nô lệ theo bản chất. Con người trong thế giới bị khách thể hóa chỉ có thể tự do một cách tương đối, chứ không tuyệt đối được, tự do của con người đòi hỏi tranh đấu và kháng cự lại tính tất yếu mà nó phải vượt qua. Nhưng tự do đòi hỏi một khởi nguyên tinh thần trong con người kháng cự lại tính tất yếu nô dịch hóa. Cái tự do là kết quả của tính tất yếu thì không phải là tự do đích thực, nó chỉ là một yếu tố trong phép biện chứng của tất yếu. Hegel thực chất không biết đến tự do chân chính.
Ý thức ngoại hiện hóa, làm cho xa lạ, bao giờ cũng là ý thức nô lệ. Thượng Đế là ông chủ, con người là nô lệ; giáo hội là ông chủ, con người là nô lệ; xã hội là ông chủ, con người là nô lệ; gia đình là ông chủ, con người là nô lệ; thiên nhiên là ông chủ, con người là nô lệ; khách thể là ông chủ, con người-chủ thể là nô lệ. Nguồn gốc của tình trạng nô lệ bao giờ cũng là khách thể hóa, tức là ngoại hiện hóa, làm cho xa lạ. Ấy là tình trạng nô lệ ở trong mọi thứ - trong nhận thức, trong luân lí, trong tôn giáo, trong nghệ thuật, trong đời sống chính trị và xã hội. Chấm dứt tình trạng nô lệ là chấm dứt khách thể hóa. Và chấm dứt tình trạng nô lệ không có nghĩa là xuất hiện thống trị, vì rằng thống trị là mặt trái của tình trạng nô lệ. Con người không được trở thành ông chủ, mà phải là người tự do. Plato đã nói thật đúng rằng chính bạo chúa cũng là kẻ nô lệ. Nô dịch kẻ khác cũng là nô dịch bản thân mình. Thống trị và nô dịch thoạt tiên gắn với ma thuật, là thứ không biết đến tự do. Ma thuật nguyên thủy là ý chí vươn tới hùng mạnh. Ông chủ chỉ là hình tượng của kẻ nô lệ gây lầm lạc cho thế gian. Prometheus là người tự do và người giải phóng, còn tên độc tài là kẻ nô lệ và đi nô dịch. Ý chí vươn tới hùng mạnh bao giờ cũng là ý chí nô lệ. Đức Kitô là người tự do, người tự do nhất trong những người con của nhân loại, Đức Kitô tự do với thế
gian. Người chỉ gắn bó với tình yêu. Đức Kitô đã phát biểu như một người có quyền lực, nhưng ngài không có ý chí ham quyền lực và không phải là ông chủ. César[49], vị anh hùng của chủ nghĩa đế quốc, là kẻ nô lệ, nô lệ của thế gian, nô lệ của ý chí vươn tới hùng mạnh, nô lệ của khối đông người mà thiếu khối đông người ấy thì ông ta không thể thực hiện ý chí vươn tới hùng mạnh. Ông chủ chỉ biết đến tầm cao mà những kẻ nô lệ nâng ông ta lên, César chỉ biết đến tầm cao mà đám quần chúng nâng ông ta lên. Thế nhưng những kẻ nô lệ, đám quần chúng, cũng quăng xuống tất cả các ông chủ, tất cả các César. Tự do là tự do không phải chỉ thoát khỏi các ông chủ, mà còn thoát khỏi các nô lệ nữa.
Ông chủ bị hạn định từ bên ngoài, ông chủ không phải là bản diện cá nhân, cũng như kẻ nô lệ không phải là bản diện cá nhân, chỉ có người tự do mới là bản diện cá nhân, dẫu cho toàn bộ thế gian đều muốn nô dịch anh ta.
Tình trạng sa đọa của con người bộc lộ ra hơn hết trong chuyện nó là tên bạo chúa. Có một khuynh hướng vĩnh hằng vươn tới bạo ngược. Con người là tên bạo chúa, nếu không trong việc lớn thì cũng trong việc nhỏ, nếu không ở trên những nẻo đường lịch sử, thì cũng ở trong gia đình của mình, trong cửa hàng của mình, trong văn phòng của mình, trong cơ quan quan liêu mà nó giữ một vị trí nhỏ bé nhất. Con người có xu thế không sao chế ngự được là sắm vai diễn và ở trong vai diễn ấy tự ban cho mình một ý nghĩa đặc biệt, bạo ngược với những người xung quanh. Con người là tên bạo chúa không chỉ trong căm thù, mà còn cả trong tình yêu. Kẻ yêu say đắm thường là tên bạo chúa kinh khủng. Kẻ ghen tuông là kẻ nô dịch, sống trong thế giới của những huyền hoặc và ảo ảnh. Con người là tên bạo chúa cả với bản thân mình, và có lẽ nhiều hơn hết là với chính bản thân mình. Nó bạo ngược với bản thân như với hữu thể lưỡng phân, đã
mất đi tính toàn vẹn. Nó bạo ngược với bản thân bằng ý thức giả trá của phạm tội. Ý thức chân thực của phạm tội hẳn đã giải phóng con người. Nó bạo ngược với bản thân bằng những đức tin giả trá, những dị đoan, những huyền thoại. Bạo ngược với bản thân bằng những nỗi sợ hãi đủ kiểu, bằng những ám ảnh bệnh hoạn. Bạo ngược với bản thân bằng lòng ghen tị, lòng tự ái, lòng thù hận[50]. Lòng tự ái bệnh hoạn là bạo ngược đáng sợ nhất. Con người bạo ngược với bản thân bằng ý thức tình trạng yếu đuối và ti tiện của mình và bằng khao khát hùng mạnh và vĩ đại. Bằng ý chí nô dịch con người không chỉ nô dịch người khác, mà cả bản thân mình nữa. Con người có một khuynh hướng vĩnh hằng hướng tới chuyên chế, khao khát quyền lực và thống trị. Cái ác tiên phát là quyền lực của người đối với người, là hạ nhục phẩm giá con người, là bạo hành và thống trị. Tình trạng bóc lột của con người đối với con người mà Marx coi là cái ác tiến khởi, chỉ là cái ác phái sinh, hiện tượng này là khả dĩ, như tình trạng thống trị của con người đối với con người. Thế nhưng con người trở thành ông chủ của người khác, là vì theo cấu trúc ý thức của mình nó đá trở thành kẻ nô lệ cho ý chí muốn thống trị. Cũng vẫn cái sức mạnh ấy, mà nó dùng để nô dịch người khác, lại nô dịch chính bản thân nó. Người tự do không muốn thống trị ai cả.
Cái ý thức bất hạnh nơi Hegel là ý thức tình trạng ti tiện của mình, đối lập với bản chất. Khi bản chất con người trải qua ý thức ấy như đối lập với nó, thì con người có thể cảm thấy bị áp bức bởi ý thức nô lệ của tình trạng phụ thuộc. Thế nhưng khi đó nó thường gỡ gạc lại, bù đắp cho bản thân bằng việc nô dịch những người khác. Đáng sợ nhất là kẻ nô lệ trở thành ông chủ.
Trong tư cách ông chủ thì dù sao nhà quý tộc cũng ít đáng sợ hơn: ông ta ý thức được tính cao thượng và phẩm giá vốn có của mình, nên không có lòng thù hận. Nhà quý tộc như thế không bao
giờ là kẻ độc tài, không bao giờ là người muốn vươn tới hùng mạnh. Tâm lí của kẻ độc tài mà về thực chất vốn dĩ là kẻ hãnh tiến[51], chính là sự méo mó của con người. Nó là kẻ nô lệ cho những hành động nô dịch của mình. Nó đối lập một cách sâu sắc nhất với Prometheus-người giải phóng. Lãnh tụ của đám đông cũng ở trong tình trạng nô lệ y như đám đông, hắn ta không có hiện hữu ở bên ngoài đám đông, ở bên ngoài đám nô lệ mà hắn ta thống trị, hắn ta hoàn toàn bị ném ra bên ngoài. Tên bạo chúa là tạo vật của khối quần chúng đang cảm thấy kinh sợ khi đối diện với hắn. Ý chí vươn tới hùng mạnh, vươn tới ưu thế và thống trị, chính là bệnh cuồng si, đó không phải là ý chí tự do và ý chí vươn tới tự do. Kẻ cuồng si với ý chí vươn tới hùng mạnh nằm trong tay quyền lực của định mệnh và biến thành con người định mệnh. César-nhà độc tài, vị anh hùng của chủ nghĩa đế quốc, tự đặt mình dưới dấu hiệu của định mệnh. Ông ta không thể dừng lại, không thể tự giới hạn mình, ông ta cứ đi xa mãi, xa mãi tới cái chết. Đó là con người đã bị số phận định đoạt. Ý chí vươn tới hùng mạnh không bao giờ biết đủ. Nó không chứng tỏ dư thừa sức mạnh hiến dâng bản thân cho mọi người. Ý chí đế quốc chủ nghĩa tạo ra vương quốc hư ảo phù du, sinh ra những tai họa và những cuộc chiến tranh. Ý chí đế quốc chủ nghĩa là xuyên tạc ma quái sứ mệnh đích thực của con người. Trong nó có xuyên tạc tính phổ quát mà con người được hiệu triệu hướng tới. Người ta định thực hiện tính phổ quát ấy thông qua khách thể hóa giả trá, thông qua việc ném hiện hữu của con người ra bên ngoài, thông qua ngoại hiện hóa biến con người thành nô lệ.
Con người được hiệu triệu làm chúa tể trái đất và thế gian, tính đế vương là cố hữu trong ý tưởng của con người. Con người được hiệu triệu thực hiện bành trướng và chiếm hữu không gian. Con người bị lôi cuốn vào cuộc phiêu lưu vĩ đại. Thế nhưng tình trạng
sa đọa của con người gán cho ý chí phổ quát ấy một phương hướng nô dịch đầy trá ngụy. Nietzsche cô đơn và bất hạnh là triết gia của ý chí vươn tới hùng mạnh. Và người ta đã sử dụng Nietzsche thật dị dạng thế nào, đã dung tục hóa ông ta, đã biến đổi ra sao các ý tưởng của ông ta thành công cụ cho những mục đích mà hẳn Nietzsche phải thấy kinh tởm. Nietzsche hướng về một số ít người, ông là nhà tư tưởng quý tộc, ông khinh miệt khối quần chúng mà thiếu khối quần chúng ấy thì không sao thực hiện được ý chí đế quốc chủ nghĩa. Ông đã gọi nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất trong các quái vật và đã nói rằng, con người chỉ bắt đầu được ở nơi nhà nước kết thúc. Làm sao mà tổ chức được đế chế, vốn luôn luôn là tổ chức của khối quần chúng, của con người trung bình? Nietzsche là con người yếu đuối, chẳng có chút hùng mạnh nào, là con người yếu ớt nhất trong thế giới này. Ông không hề có ý chí vươn tới hùng mạnh, mà chỉ có ý tưởng về ý chí vươn tới hùng mạnh, ông kêu gọi mọi người phải cứng rắn. Thế nhưng chắc gì ông đã hiểu cứng rắn như bạo lực của các nhà nước và các cuộc cách mạng, như cứng rắn của ý chí đế quốc chủ nghĩa. Hình tượng Césare Borgia đối với ông chỉ là biểu tượng cho bi kịch tinh thần nội tâm mà ông đã trải qua.
Thế nhưng tán dương ý chí đế quốc chủ nghĩa, ý chí vươn tới hùng mạnh và vươn tới nô dịch ít nhất cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với luân lí của kinh Phúc âm. Việc đoạn tuyệt ấy đang diễn ra trên thế giới, đoạn tuyệt ấy còn chưa có trong chủ nghĩa nhân văn xưa cũ, còn chưa có trong cuộc cách mạng Pháp. Cử chỉ nô dịch của bạo lực muốn được là cử chỉ của sức mạnh, nhưng thực chất nó bao giờ cũng là cử chỉ của yếu ớt. César là kẻ bất lực nhất trong những con người. Mọi kẻ hành quyết [người khác] đều là con người đã mất đi sức mạnh tinh thần, mất đi mọi ý thức về nó. Chúng ta đang đi đến vấn đề rất phức tạp về bạo lực.
Ý chí vươn tới hùng mạnh, ý chí đế quốc chủ nghĩa là kinh tởm đối với phẩm giá và tự do của con người, chuyện này đã hoàn toàn rõ ràng. Mà triết lí đế quốc chủ nghĩa cũng không bao giờ nói rằng nó bảo vệ tự do và phẩm giá của con người. Nó ca tụng bạo lực đối với con người như trạng thái cao cả nhất. Thế nhưng bản thân vấn đề bạo lực và mối quan hệ với nó thì rất phức tạp. Khi người ta phẫn nộ chống lại bạo lực, thì thường là có ý nói tới những hình thức bạo lực thô bạo và có thể nhìn thấy rõ.
Người ta đánh đập, bỏ tù, giết chóc con người. Thế nhưng đời sống con người đầy rẫy những hình thức bạo lực không thấy rõ, tinh tế hơn. Bạo lực tâm lí còn đóng vai trò lớn hơn là bạo lực thân thể. Con người mất đi tự do và trở thành nô lệ không phải chỉ vì bạo lực thân thể. Thôi miên xã hội mà con người phải chịu đựng từ nhỏ có thể nô dịch anh ta. Hệ thống giáo dục có thể hoàn toàn làm con người mất đi tự do, khiến cho anh ta không có khả năng tự do xét đoán. Sức nặng, tính đồ sộ của lịch sử cưỡng bức con người. Cưỡng bức con người có thể bằng cách đe đọa, bằng cách lây nhiễm, vốn là thứ đã biến thành hành động tập thể. Việc nô dịch là việc giết người. Con người luôn luôn gửi cho con người những dòng điện sống và dòng điện chết. Lòng căm thù bao giờ cũng là dòng điện chết, được hướng tới người khác và cưỡng bức anh ta. Lòng căm thù bao giờ cũng muốn tước đoạt tự do. Nhưng thật đáng kinh ngạc là cả tình yêu cũng có thể làm chết người và truyền đi dòng điện chết. Tình yêu nô dịch không kém lòng căm thù. Cuộc sống con người thẩm thấu những dòng điện hoạt động ngầm, và con người rơi vào bầu khí quyển cưỡng bức và nô dịch anh ta mà không nhận thấy. Có tâm lí học bạo lực cá nhân, và có cả tâm lí học bạo lực tập thể, bạo lực xã hội. Dư luận xã hội kết tinh lại, trở thành rắn chắc biến thành bạo lực đối với con người.
Con người có thể trở thành nô lệ của dư luận xã hội, nô lệ của các