Con người không chỉ ở trong tình trạng nô lệ vào tự nhiên và xã hội, mà còn nô lệ vào nền văn minh nữa. Tôi sử dụng từ ngữ
“văn minh” trong ý nghĩa phổ biến gắn với quá trình xã hội hóa con người, về những giá trị văn hóa sẽ nói tới sau. Con người tạo ra văn minh để giải thoát mình khỏi quyền lực của những sức mạnh tự phát của tự nhiên. Con người chế ra các công cụ, đặt chúng vào giữa bản thân mình và tự nhiên, rồi hoàn thiện những công cụ ấy mãi. Trí tuệ đã là một công cụ vĩ đại nhất của con người, trong công cụ ấy con người đã đạt tới mức độ tinh vi rất lớn. Thế nhưng điều này đi kèm với suy giảm những bản năng, cơ thể con người bắt đầu thoái hóa vì rằng trong cuộc đấu tranh những công cụ hữu cơ bắt đầu bị thay thế bởi những công cụ kĩ thuật. Vào những thời đại khác nhau, con người của nền văn minh bị ám ảnh bởi ý nghĩ, rằng khi tách mình xa rời tự nhiên thì con người đánh mất đi tính toàn vẹn của mình và sức mạnh nguyên sơ, con người trở nên bị xé vụn ra. Ngoài ra con người còn đặt vấn đề về cái giá phải trả cho nền văn minh. Con người liên kết với con người nhằm mục tiêu vì cuộc sống mà đấu tranh với các sức mạnh tự phát của tự nhiên và nhằm tổ chức một xã hội văn minh. Thế nhưng rất nhanh chóng con người bắt đầu áp bức con người để phục vụ cho mục tiêu ấy, và đã xuất hiện những mối quan hệ thống trị và nô lệ. Chàng Robinson bắt đầu áp bức cậu [thanh niên] Thứ Sáu. Phát triển của văn minh đi kèm với áp bức và bóc lột số rất đông quần chúng nhân dân lao động. Áp bức đó được biện minh bởi những giá trị khách quan của văn minh. Có lẽ văn minh đã không thể xuất hiện và có lẽ nó đã không thể phát triển theo một cách thức khác với cách thức bất bình đẳng xã hội và áp bức thật kinh khủng, nó đã phôi thai trong tội lỗi. Đây là vấn đề rất sơ đẳng và tôi sẽ không quan tâm đến nó lúc này. Những con người như J. J. Rousseau, như Lev
Tolstoy, đã nổi loạn chống lại văn minh, cuộc nổi loạn của họ đã đặt ra vấn đề sâu sắc hơn. Hoài nghi về tính chính đáng của văn minh rất đặc trưng cho tư duy Nga. Và điều này không chỉ gắn với vấn đề bất bình đẳng xã hội và bóc lột. Trong văn minh có nọc độc, có dối trá và nó khiến con người bị nô lệ, ngăn cản con người đạt được tính toàn vẹn và sự đầy đủ của cuộc sống. Văn minh không phải là mục đích tối hậu của hiện hữu con người và không phải là giá trị tối thượng của mục đích ấy. Văn minh hứa hẹn giải phóng con người và hiển nhiên nó đang đem lại công cụ giải phóng. Nhưng văn minh cũng là khách thể hóa hiện hữu con người và vì vậy nó mang theo cả nô dịch. Con người trở thành nô lệ cho văn minh. Văn minh không chỉ đã được tạo ra trong tình trạng nô lệ, mà còn đã sinh ra tình trạng nô lệ vào văn minh, vấn đề đặt ra không phải như là cần đối lập lại văn minh bằng tình trạng hoang dã lành mạnh và thánh thiện nào đó, bằng con người của thiên nhiên nào đó hay bằng con thú hoang dã có bản chất hiền lành nào đó. Đây hoàn toàn là cách đặt vấn đề tự nhiên luận, đã quá lạc hậu nên không đáng nói tới. Không thể lấy cái thiện và tự do của tự nhiên để đối lập với cái ác và tình trạng nô lệ của văn minh. Tự nhiên không thể là người phán xử kết án văn minh, chỉ có tinh thần mới làm được điều đó. Không phải con người tự nhiên, mà con người tinh thần mới đối lập lại con người của nền văn minh với tất cả những khiếm khuyết của nó. Nền văn minh nằm ở giữa vương quốc của tự nhiên và vương quốc của tự do. Và vấn đề không phải là ở chỗ đi từ văn minh đến tự nhiên, mà là ở chỗ đi từ văn minh đến tự do. Cái tự nhiên mà những người lãng mạn muốn quay trở về, cái tự nhiên mà J. J.
Rousseau kêu gọi, mà Tolstoy kêu gọi, để cứu thoát khỏi tình trạng dối trá của văn minh, đó hoàn toàn không phải là cái tự nhiên như là vương quốc của tất định luận và của tính quy luật,
đó là cái tự nhiên được biến cải, tiến rất gần đến vương quốc của tự do, đó không phải là cái tự nhiên “khách thể hóa”, mà là cái tự nhiên “chủ thể hóa”. Đặc biệt rõ ràng là cái “tự nhiên” của Lev Tolstoy đầy tính thánh thiện, không phải là cái tự nhiên đấu tranh tàn nhẫn cho hiện hữu và diệt trừ lẫn nhau, không phải là cái tự nhiên ưu thế cho kẻ mạnh trước kẻ yếu, cái tự nhiên của tất yếu cơ giới và vân vân, đây là cái tự nhiên được biến cải lại, đây chính là Thượng giới. Thế nhưng Lev Tolstoy trói chặt cái tự nhiên ấy vào đất đai và người nông dân, vào lao động chân tay sử dụng các công cụ thô sơ, tức là gán cho chuyện này tính chất giản lược và quay trở về trạng thái thô sơ. Thực ra ông muốn thô sơ hóa cuộc sống vật chất để con người có thể hướng đến cuộc sống tinh thần, vốn là điều bị nền văn minh ngăn trở. Việc phủ định văn minh và nền kĩ thuật của nó chưa bao giờ là nhất quán cả, luôn có thứ gì đó của văn minh, của nền kĩ thuật vẫn còn lại, nhưng trong những hình thức giản lược hơn, thô thiển hơn. Về thực chất đây là định hướng của ý chí hướng tới giải thoát khỏi quyền lực của thế giới số nhiều, hướng về kết hợp với cái Duy nhất, hướng về cuộc giải phóng ở trong cái Duy nhất. Đây là ước muốn chuyển từ tính phân tán sang tính toàn vẹn. Đằng sau sức hút trở về “tự nhiên”, trở về “tính hữu cơ” ẩn giấu cái nhu cầu được giải thoát khỏi tính số nhiều chia rẽ của văn minh và chuyển sang tính toàn vẹn và thống nhất của cuộc sống thượng giới. Con người cảm thấy bị đè nén bởi tính số nhiều, tính phân tán, tính ước lệ không sao chịu nổi ấy của thế giới văn minh. Con người rơi vào quyền lực của những công cụ do chính mình tạo nên. Ai cũng biết rõ là việc gia tăng số nhiều các đồ vật trong cuộc sống hằng ngày của con người gây khó khăn và nô dịch con người như thế nào, cũng như con người thật khó khăn biết bao để giải thoát khỏi quyền lực của các đồ vật. Nền văn minh đầy
phức tạp đã làm khổ con người bằng chuyện đó. Con người bị cột chặt trong những chuẩn tắc và những ước lệ của nền văn minh.
Toàn bộ hiện hữu của con người bị khách thể hóa trong nền văn minh, tức là bị ném ra bên ngoài, bị ngoại hiện hóa. Con người bị đè nén và nô dịch không chỉ bởi thế giới tự nhiên, mà còn bởi thế giới văn minh. Tình trạng nô lệ ở nền văn minh là phương diện khác của tình trạng nô lệ ở xã hội.
Chẳng có gì tầm thường và hời hợt hơn việc bảo vệ cho những điều tốt đẹp của văn minh bởi những tư tưởng gia của giai cấp tư sản. Những giai cấp ấy ưa thích tự xem mình như hiện thân của văn minh và đem bản thân họ ra đối lập với những kẻ mọi rợ ở bên trong mà họ thường hiểu là giai cấp công nhân. Họ sợ hãi người vô sản, vì rằng người vô sản có nghĩa là hữu thể bị tước đoạt hết tất cả những điều tốt đẹp của văn minh và tất cả những giá trị của văn hóa, là người, theo ý tưởng của Marx, mà bản chất nhân bản bị làm cho xa lạ đi. Thế nhưng ai có lỗi trong việc xuất hiện hữu thể bất hạnh như thế và trong việc gia tăng số lượng những hữu thể như thế? Kẻ có lỗi chính là những giai cấp chỉ huy, vì bảo vệ lợi ích của mình mà đang cao giọng chống lại gã mọi rợ ở bên trong, la lối về mối đe dọa cho nền văn minh.
Không có gí đáng kinh tởm hơn việc bảo vệ theo kiểu tư sản cho nền văn minh, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Có thứ mọi rợ của văn minh mà đằng sau nó không cảm nhận thấy “bản chất”, ấy là cỗ máy, cơ giới. Nền văn minh kĩ thuật công nghiệp biểu hiện mình như thứ mọi rợ của văn minh đang ngày càng gia tăng, như sa sút của phẩm tính. Thế nhưng trong cái thứ mọi rợ của văn minh ấy chẳng có tình trạng quay trở về nào với “tự nhiên” cả. Trong con người của nền văn minh có con thú và động vật hoang dã cứ thi thoảng lại thức dậy, nhưng vẫn ở trong hình thức không thay đổi do văn minh tạo ra, tức là trong hình thức ngày càng tồi tệ
hơn. Việc văn minh hóa con người là một quá trình không đi vào chiều sâu nhiều lắm và lớp vỏ văn minh rất dễ bị lột khỏi con người. Trong khi đó con người vẫn tiếp tục sử dụng tất cả những công cụ của văn minh. Carlyle[83] đã có những ý tưởng rất sâu sắc về trang phục (Sartor Resartus). Đó chính là vấn đề tương quan giữa tính chất nhìn thấy được và tính chân thực. Những mối quan hệ giữa thô lậu và văn minh rất phức tạp và rối rắm.
Thô lậu tiếp tục hiện hữu ở bên trong văn minh, nhưng nó được vũ trang bởi văn minh và mất đi tính nguyên sơ, tính ngây thơ và vẻ tươi tắn. Những tính chất của văn minh kĩ thuật khiến cho cả kẻ dã man cũng như người có văn hóa cao đều hoàn toàn có thể sử dụng nó được. Gắn với điều này là vấn đề xâm nhập tích cực của những đám đông to lớn vào lịch sử và văn hóa, vốn dĩ là mang tính quý phái theo nguyên tắc. Ortega sử dụng biểu ngữ
“cuộc nổi loạn của đám đông”[84]. Gia tăng số lượng và quyền lực của số đông làm thay đổi đặc trưng của văn hóa, làm biến chất bản thân đời sống tinh thần. Ý kiến nói rằng gia tăng dân số luôn là điều tốt lành là một định kiến cực lớn. Chính điều ngược lại mới là khả dĩ. Cần xóa bỏ hiểu lầm theo đó “đám đông” bị đồng nhất với giai cấp công nhân hay “nhân dân”. Đám đông là phạm trù số lượng và nó không được xác định bởi các phẩm tính và các giá trị cao nhất. Đám đông có thể có nguồn gốc giai cấp khác nhau. Có đám đông tư sản, và nó là đám đông khó chịu nhất. Giới tiểu tư sản và giới viên chức nhỏ, những phần tử bị vô sản hóa của tất cả các giai cấp, hợp thành những đám đông to lớn, các băng đảng phát xít chiêu mộ người từ những đám đông ấy. Đám đông không những được xác định bởi những chỉ dấu xã hội mà còn bởi những chỉ dấu tâm lí. Đối lập với đám đông không phải là một giai cấp nào đó, mà là bản diện cá nhân. Những chỉ dấu chủ yếu của việc thuộc về đám đông phải xem là không có biểu lộ
của bản diện cá nhân, thiếu vắng tính độc đáo cá nhân, khuynh hướng hòa trộn với sức mạnh số lượng vào thời khắc hiện tại, có khả năng lây nhiễm phi thường, tính bắt chước, học đòi theo.
Con người với các tính chất như thế là con người của đám đông, dù anh ta có thuộc về giai cấp nào đi nữa. Le Bon nói thật chính xác rằng đám đông có thể rộng lượng và đầy hi sinh hơn một cá nhân riêng rẽ, cũng như có thể tàn bạo và nhẫn tâm hơn. Điều này bộc lộ trong các cuộc nổi loạn và các cuộc biểu tình, trong các cuộc cách mạng và phản cách mạng, trong các phong trào tôn giáo. Đám đông dễ bị kích động, nhưng có lẽ dễ là bảo thủ hơn là cách mạng. “Nhân dân” không phải là “đám đông”, và nó có định nghĩa phẩm tính gắn với lao động của nó, gắn với những đức tin tôn giáo của nó, gắn với những hình thức linh hoạt trong hiện hữu của nó. Xâm nhập của đám đông là xâm nhập của số lượng rất lớn những con người, mà ở họ bản diện cá nhân không biểu lộ ra, ở họ không có những định nghĩa phẩm tính, ở họ có tính dễ bị kích động cao, ở họ sẵn sàng về tâm lí rơi vào tình trạng nô lệ. Điều này tạo ra khủng hoảng của nền văn minh.
Đám đông lĩnh hội được văn minh kĩ thuật và háo hức trang bị văn minh kĩ thuật cho mình, nhưng nó rất khó lĩnh hội được văn hóa tinh thần. Quần chúng nhân dân trong quá khứ đã có được văn hóa tinh thần của mình dựa trên đức tin tôn giáo, còn đám đông vào cái thời quá độ này không có bất cứ văn hóa tinh thần nào, và họ chỉ trân trọng những huyền thoại và những biểu tượng mà người ta đã thôi miên ám thị cho họ một cách mị dân, các huyền thoại và các biểu tượng dân tộc và xã hội, chủng tộc, quốc gia, nhà nước, giai cấp và vân vân. Đồng thời lại luôn luôn xảy ra thói sùng bái ngẫu tượng. Các giá trị biến thành các ngẫu tượng thật dễ dàng phi thường. Vì ngay bản thân nền văn minh có thể cũng biến thành ngẫu tượng, như nhà nước, dân tộc,
chủng tộc, giai cấp vô sản, chế độ xã hội này hay chế độ xã hội kia. Liệu khác biệt giữa văn minh và văn hóa có phải chỉ đơn thuần mang tính thuật ngữ hay chăng?
* * *
Phân biệt văn hóa và văn minh trở thành phổ biến từ thời Spengler[85], nhưng đó không phải là sáng tạo của ông. Ở đây thuật ngữ có tính ước lệ. Ví dụ như người Pháp ưa thích từ “văn minh”, hiểu nó như văn hóa, những người Đức lại ưa thích từ
“văn hóa”. Người Nga trước đây đã dùng từ “văn minh”, nhưng từ đầu thế kỉ XX lại ưu tiên cho từ “văn hóa”. Thế nhưng những người Slavyanofil, K. Leontev, Dostoevsky và nhiều người khác đã hiểu rất rõ khác biệt giữa văn hóa và văn minh. Sai lầm của Spengler là ở chỗ ông ta gán cho các từ ngữ “văn minh” và “văn hóa” một ý nghĩa thuần túy mang tính biên niên và nhìn thấy trong những từ ngữ ấy thay đổi của các thời đại. Trong khi đó thì văn hóa và văn minh bao giờ cũng hiện hữu, và trong một ý nghĩa nhất định văn minh có trước và nguyên khởi hơn văn hóa, văn hóa hình thành muộn hơn. Sáng chế ra các công cụ kĩ thuật, những công cụ sơ đẳng nhất, bởi những con người thô lậu, chính là văn minh, vì văn minh là bất kì quá trình xã hội hóa nào. Từ Latin của “văn minh” chỉ ra tính chất xã hội của quá trình ấy bằng từ gốc này. Cần phải hàm ý văn minh có nghĩa là một quá trình mang tính xã hội-tập thể nhiều hơn, còn văn hóa hàm ý một quá trình mang tính cá nhân và đi vào chiều sâu nhiều hơn.
Ví dụ như chúng ta nói rằng người này có văn hóa cao, nhưng chúng ta không thể nói rằng người này có văn minh cao. Chúng ta nói “văn hóa tinh thần” chứ không nói “văn minh tinh thần”.
Văn minh có nghĩa là một thang bậc lớn hơn nữa của khách thể
hóa và xã hội hóa, còn văn hóa thì gắn nhiều hơn với bản diện cá nhân và tinh thần.
Văn hóa có nghĩa là gia công vật liệu bằng hành động tinh thần, thắng lợi của hình thức trước vật liệu. Nó gắn nhiều hơn với hành vi sáng tạo của con người. Dẫu cho phân biệt ở đấy là tương đối, giống như tất cả những phân loại khác biệt được thiết lập. Phần nhiều có thể gọi một thời đại là thời đại văn minh, khi ở thời đại ấy những khối quần chúng và kĩ thuật có ý nghĩa nổi trội. Điều này thường được nói về thời đại hiện nay. Thế nhưng vào thời đại văn minh cũng hiện hữu văn hóa, cũng giống như vào thời đại văn hóa có hiện hữu văn minh. Kĩ thuật bao trùm toàn bộ đời sống, gây tác động phá hủy lên văn hóa, làm cho văn hóa trở thành vô diện mạo. Nhưng vào thời đại như thế luôn có những phần tử nổi loạn chống lại bước hành tiến chiến thắng của văn minh kĩ thuật. Vai trò của những người lãng mạn là như thế. Có những nhà sáng tạo thiên tài của văn hóa. Thế nhưng môi trường văn hóa, truyền thống văn hóa, không khí văn hóa cũng dựa trên tính bắt chước, giống như văn minh. Con người rất có văn hóa của một phong cách nhất định thường phát biểu những ý kiến về mọi thứ mang tính bắt chước, được trung bình hóa, mang tính phe nhóm, dẫu cho tính bắt chước ấy được tạo nên ở môi trường văn hóa tinh hoa, trong một nhóm người rất chọn lọc. Phong cách văn hóa bao giờ cũng chứa đựng trong nó tính bắt chước, tình trạng lĩnh hội truyền thống, nó có thể có tính độc đáo về mặt xã hội ở trong xuất hiện của mình, nhưng về phương diện cá nhân nó không độc đáo. Văn hóa không bao giờ dung chứa được thiên tài thật hoàn toàn trọn vẹn, và văn hóa bao giờ cũng cố biến thiên tài từ con thú hoang dã thành gia súc nuôi trong nhà. Không chỉ gã man khai phải chịu xã hội hóa, mà cả thiên tài sáng tạo nữa. Hành vi sáng tạo chứa đựng trong nó