- Số liệu lấy trên BCTC năm 2009 của đơn vị;
2.1.2 Những tồn tại trong kiểm toán khoản mục Tài sản cố định
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, ngoài những ưu điểm trên, kiểm toán tại Công ty TNHH Kiểm toán Mỹ vẫn tồn tại những mặt hạn chế.
Ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
Thu thập thông tin : Ở giai đoạn này Công ty thực hiện rất tốt công tác tiếp cận khách hàng khi thực hiện công việc này với khách hàng mới. Nhưng do quỹ thời gian hạn hẹp phân bổ cho khối lượng công việc lớn của mỗi cuộc kiểm toán nên việc tiếp nhận và thu thập thông tin về khách hàng thường niên chưa được chú trọng. Đồng thời việc trao đổi thông tin về đặc thù khách hàng kiểm toán giữa các KTV đã kiểm toán và KTV mới kiểm toán chưa nhiều.
Công việc đánh giá mức độ trọng yếu: Công việc này trong Công ty thường được KTV xác định dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp, đối với các KTV lâu năm thì khả năng chính xác cao còn đối với những KTV trẻ còn thiếu kinh nghiệm, không trách khỏi sai sót. Đồng thời, việc đánh giá mức độ trọng yếu chưa được chú trọng trong Công ty, thường công việc này thực hiện rất sơ sài, thiếu cơ sở đánh giá. Điều này cũng vì vậy ảnh hưởng đến việc xây dựng và lập kế hoạch kiểm toán.
Công việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ: Việc đánh giá hệ thống KSNB tại Công ty được thiết kế trên chương trình kiểm toán nhưng thực tế công việc này chỉ được thực hiện đối với những khách hàng lớn và có bên thứ ba soát xét chất lượng thực hiện kiểm toán. Hơn nữa, việc đánh giá nhiều khi mang tính chất khái quát, không chi tiết và thường không lưu lại trên giấy làm việc mà chủ yếu qua sự phán xét của KTV. Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chung của công tác kiểm toán, đặc biệt đối với những khách hàng kiểm toán năm đầu tiên.
Khi tìm hiểu hệ thống KSNB của khách hàng, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán chủ yếu thông qua phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị khách hàng, Thêm vào đó, các tài liệu thu thập được lưu ít trong Hồ sơ kiểm toán, chủ yếu bao gồm: quy chế làm việc, quy chế quản lý tài chính, Báo cáo của Ban kiểm soát., Biên bản họp HĐQT. Các thông tin này được xếp vào một File mà không có sự chắt lọc, phân tích, tổng hợp. Điều này sẽ khó khăn cho các lần kiểm toán tiếp theo, nhất là khi công việc do KTV mới đảm nhiệm.
Ở giai đoạn thực hiện kiểm toán
Phần hành TSCĐ được Công ty thực hiện kiểm toán theo quy trình gồm 6 bước như thiết kế chung của Công ty cho mọi phần hành. Tuy nhiên, quy trình này thường không được KTV Công ty thực hiện một cách đầy đủ. Chỉ đối với những phần hành như TSCĐ, hàng tồn kho, doanh thu-giá vốn thì KTV mới thực hiện đầy đủ, còn những phần hành khác thường không đầy đủ, thường thiếu thủ tục phân tích và bước tổng hợp đối ứng tài khoản.
Trong bước thực hiện thử nghiệm kiểm soát, KTV chủ yếu sử dụng phương pháp phỏng vấn và quan sát để đánh giá về hệ thống KSNB và hệ thống kế toán của
khách hàng. Việc sử dụng hai phương pháp này đòi hỏi tư duy và kinh nghiệm, phụ thuộc vào sự nhạy bén và khả năng đưa ra câu hỏi của KTV.
Về thủ tục phân tích: Công ty chủ yếu áp dụng thủ tục phân tích ngang, so sánh sự biến động giữa năm trước với năm tài chính, điều này dẫn tới việc các KTV khó phát hiện ra những mâu thuẫn và biến động bất hợp lý, và các KTV phải tăng thủ tục kiểm tra chi tiết. Trong điều kiện hiện tại, KTV không có trong tay số liệu ngành để so sánh nên không thể đưa ra các kết luận chính xác đối với các biến động bất thường trong kinh doanh. Vì vậy, thủ tục phân tích chỉ dừng lại ở việc phân tích các biến động nhằm hiểu rõ hơn tình hình hoạt động của khách hàng, đồng thời phán đoán những rủi ro có thể xảy ra đối với từng khoản mục trên BCTC. Sau đó, kết quả của quá trình phân tích sẽ được sử dụng để hướng các thủ tục kiểm tra chi tiết vào các sai sót tiềm tàng.
Mặt khác, KTV trong Công ty khi thực hiện thủ tục phân tích chỉ dừng lại ở việc xem xét các thông tin tài chính, ít khi chú ý đến các thông tin phi tài chính.
Về kiểm tra chi tiết: Hiện tại Công ty thực hiện kiểm tra 100% chứng từ liên quan đến TSCĐ. Tuy nhiên trong giai đoạn hội nhập kinh tế, khách hàng của Công ty ngày càng đa dạng và phong phú, các nghiệp vụ phát sinh cũng ngày càng nhiều và phức tạp, vì vậy việc chọn mẫu 100% như thế khối lượng công việc sẽ rất lớn, chi phí cuộc kiểm toán cao, khó hoàn thành đúng tiến độ.
Sử dụng ý kiến của chuyên gia:
Tại Công ty , kiểm toán khoản mục TSCĐ mới chỉ sử dụng ý kiến của chuyên gia khi định giá lại TSCĐ (trong trường hợp nghiệp vụ TSCĐ phát sinh của đơn vị khách hàng đòi hỏi cần định giá lại tài sản), còn các trường hợp khác khi thực hiện kiểm toán BCTC chưa có kế hoạch sử dụng chuyên gia bên ngoài trợ giúp kiểm toán khoản mục TSCĐ. Trên thực tế việc sử dụng ý kiến của chuyên gia là cần thiết trong những trường hợp TSCĐ là đặc biệt, KTV không biết rõ về cách xác định giá trị cũng như phân loại,hạnh toán Tài sản đó. Tuy nhiên, Công ty hầu như không sử dụng kỹ thuật này khi kiểm toán.
Công cụ thực hiện và trình độ tin học của KTV
Những kiến thức về công nghệ thông tin và phần mềm kế toán cũng như việc sử dụng thành thạo các công cụ tin học trong quá trình kiểm toán của KTV trong Công ty vẫn còn hạn chế nhất định và chưa có sự đồng đều. Công ty chưa đầu tư tốt hệ thống máy tính cho các KTV, đồng thời các phương pháp áp dụng tin học vào kiểm toán của các KTV thường dựa vào kinh nghiệm mà chưa có sự đào tạo trong Công ty, gây trở ngại lớn cho KTV còn ít kinh nghiệm. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng của cuộc kiểm toán và thời gian thực hiện một cuộc kiểm toán của Công ty.