Phép liên kết từ vựng đề cập đến vấn đề lựa chọn những từ ngữ có quan hệ như thế nào đó với những từ ngữ đã có trước, làm cho câu có chứa từ ngữ có trước với câu chứa từ ngữ mới được chọn này liên kết với nhau.
Phép liên kết từ vựng gồm 3 phép nhỏ :
Lặp từ ngữ;
Dùng từ ngữ đồng nghĩa, gần nghĩa và trái nghĩa;
Phối hợp từ ngữ.
a. Lặp từ ngữ
Lặp từ ngữ là sử dụng trong câu sau từ ngữ đã được dùng ở câu trước, theo kiểu lặp y nguyên, trên cơ sở đó liên kết các câu chứa chúng với nhau. Những từ ngữ được lặp (vốn có trước) với những từ ngữ dùng để lặp (xuất hiện sau) có thể đồng nhất trong quy chiếu (có cùng cơ sở quy chiếu), mà cũng có thể không đồng nhất trong quy chiếu (không có cùng cơ sở quy chiếu).
VD: Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà.
Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cái cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa quả, mới là cây hoàn toàn. Một người phải có cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính nữa mới là hoàn toàn. (HCM) -> Cùng quy chiếu.
VD: Công việc làm ăn thường rất khó khăn. Muốn thành công thì phải biết khắc phục những khó khăn gặp phải. -
> Khác quy chiếu
b. Dùng từ ngữ đồng nghĩa, gần nghĩa và trái nghĩa
1- Về từ ngữ đồng nghĩa
Từ ngữ đồng nghĩa dùng trong liên kết VB có thể có tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan hệ nghĩa giữa các từ ngữ đồng nghĩa dùng trong liên kết VB là quan hệ đồng nhất trong quy chiếu (tức là những từ ngữ đồng nghĩa này cùng chỉ về một vật).
Từ ngữ đồng nghĩa trực tiếp : Thường được liệt kê trong từ điển đồng nghĩa.
VD: Phụ nữ lại càng cần phải học. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới.
Từ ngữ đồng nghĩa gián tiếp : Lớp từ đồng nghĩa có phần ít trực tiếp hơn là những từ ngữ có quan hệ thượng danh với từ ngữ có trước.
Từ ngữ thượng danh (từ ngữ trên bậc) là những từ ngữ có bậc khái quát cao hơn so với từ ngữ có trước.
Quan hệ giữa từ ngữ thượng danh với từ ngữ có trước cũng là quan hệ đồng nhất trong quy chiếu.
VD: Trâu đã già. (…) Trông xa, con vật thật đẹp dáng.
Tổ hợp con vật trong câu sau là từ ngữ trên bậc xét trong quan hệ với trâu ở câu trước. Hai yếu tố này có quan hệ đồng nhất với nhau trong quy chiếu.
2- Về từ ngữ gần nghĩa
Từ gần nghĩa với từ ngữ có trước trong liên kết là những từ ngữ không có sự đồng nhất trong quy chiếu. Muốn có sự đồng nhất về cấp loại thì thường phải kèm chỉ định từ (tức là kết hợp với phép quy chiếu chỉ định).
Những từ ngữ gần nghĩa có thể thuộc về một trong 2 kiểu quan hệ :
Quan hệ cấp loại (hyponymy) : là quan hệ của từ chỉ loại so với những từ chỉ vật cụ thể cùng nằm trong loại đó.
VD: đồ gỗ / bàn , ghế, giường, tủ…
Chúng tôi muốn sắm một bộ bàn ghế ở phòng khách.
Nghe nói đồ nội thất của cửa hàng X rất tốt, đẹp và giá phải chăng.
Quan hệ trên là quan hệ cấp loại, cái sau thuộc bậc cao hơn cái trước và ở đây nó không được dùng tương đương với cái trước, nó bao gồm cái trước, nên không có sự đồng chiếu. Hai câu này có quan hệ gần nghĩa.
Quan hệ chỉnh thể – bộ phận (meronymy) : là quan hệ của từ chỉ chỉnh thể trong quan hệ với những từ chỉ bộ phận bên trong chỉnh thể đó.
VD: nhà/ cửa, mái, hiên, cầu thang; cây / thân, cành, rễ, lá…
(1) Trong nhà có tiếng guốc lẹp kẹp. Cửa từ từ mở.
-> Cửa là bộ phận của nhà. Ở đây không có quan hệ đồng chiếu mà chỉ có quan hệ gần nghĩa.
(2) Trước bản, rặng đào đã trút hết lá. Trên những cành khẳng khiu đã lấm tấm những lộc non và lơ thơ những cánh hoa đỏ thắm đầu mùa.
Lưu ý : Sự phân biệt quan hệ cấp loại với quan hệ chỉnh thể – bộ phận không thực sự rành mạch.