Tìm hiểu cách lập luận

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH NGÔN NGỮ HỌC VĂN BẢN (Trang 210 - 236)

6. Phân tích đoạn văn

6.2 Tìm hiểu cách lập luận

a. Khái niệm lập luận

Hãy so sánh hai cách viết sau :

 1- “ Nhật Bản là nước công nghiệp đứng hàng thứ hai trong thế giới tư bản chủ nghĩa, nhưng lại là nưóc hầu như duy nhất thiếu nguồn tài nguyên cơ bản. Nền công nghiệp Nhật Bản luôn luôn nằm trong tình trạng khó khăn, phụ thuộc vào nước ngoài.”

 2- “ Nhật Bản là nước công nghiệp đứng hàng thứ hai trong thế giới tư bản chủ nghĩa, nhưng lại là nước hầu như duy nhất thiếu nguồn tài nguyên cơ bản. vậy, nền công nghiệp Nhật Bản luôn luôn nằm trong tình trạng khó khăn, phụ thuộc vào nước ngoài.”

 Quan sát hai cách viết trên , ta thấy :

(1) Người viết trình bày những sự kiện anh ta quan sát được ở Nhật

(2) Người viết không chỉ đơn thuần nêu các sự kiện mà còn nêu mối quan hệ giữa các sự kiện . Trường hợp (2) là một lập luận.

Lập luận là đưa ra một hoặc một số luận cứ (lí do) nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc đến một kết luận nào đấy mà người viết, người nói muốn đạt tới.

 Trong lập luận, cần dùng các lí lẽ, dẫn chứng (thuộc các loại khác nhau) để khẳng định (bác bỏ) một nhận xét, một kết luận. Các lí lẽ, dẫn chứng phải có sức thuyết phục.

 Mỗi đoạn văn thường thể hiện một ý , một luận điểm, trong đó có cả quan điểm, cách nhìn nhận của người viết. Do đó, người viết cần phải lập luận. Phát hiện lập luận là cần thiết khi phân tích đoạn văn.

b. Các kiểu lập luận thường gặp trong văn bản

 Lập luận chỉ có giá trị thuyết phục khi có các luận cứ tin cậy, bảo đảm sự tương hợp giữa luận cứ và kết luận. Tuy nhiên, các điều kiện đó chưa đủ. Để làm rõ tính thuyết phục của lập luận, đoạn văn cần phải sắp xếp trình tự các câu theo những tiến trình hợp logic.

Quy nạp

Là quá trình lập luận đi từ cái riêng đến cái chung, từ sự quan sát, nghiên cứu những các hiện tượng, đối tượng cụ thể tiến đến những kết luận tổng quát, từ luận chứng riêng suy ra nguyên tắc, nguyên lý phổ biến.

Nói cách khác đó là quá trình suy nghĩ vận động từ việc xem xét những hiện tượng, đối tượng riêng lẻ, tìm ra mối liên hệ bản chất giữa chúng, từ đó nâng lên thành nhận định khái quát, trừu tượng về những dấu hiệu chung của chúng.

Ví dụ : Ai trồng cây đào cây mận thì mùa hè sẽ được bóng mát nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn.

Ai trồng cây tật lê thì mùa hè bóng mát không có, mùa thu chỉ được chông gai. Cứ như vậy thì có phải do cây mình trồng lúc trước không ? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế, là vì ông gây dựng cho những kẻ không ra gì. Cho nên người quân tử phải chọn người trước rồi sau mới gây dựng.

Diễn dịch

Diễn dịch là phương pháp ngược với quy nạp.

Vận dụng phương pháp này, chúng ta đi từ cái chung đến cái riêng, cái khái quát đến cái cụ thể.

Ví dụ : Phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay thì còn dễ, chứ để lâu ngày thì tất khó hơn hoặc có khi nguy, không sao chữa được nữa. Suy rộng ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, đại khái đều như thế cả. Nghĩa là bất cứ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng thì phải sớm biết lo xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ nếu để lâu ngày quá, đợi khi nước đã đến chân thì dù có muốn cũng không sao kịp được nữa, vì để quá trễ rồi.

Phối hợp diễn dịch với quy nạp

Quy nạp và diễn dịch thường đi đôi với nhau và trong thực tế lập luận ít khi thấy quy nạp hay diễn dịch tồn tại như một phương pháp duy nhất.

Người ta thường kết hợp vận dụng chúng với nhau để gây thêm nhận thức thêm cao, thêm sâu.

Kiểu lập luận này tương ứng vói bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) của một văn bản nghị luận hoặc đoạn văn có kết cấu tổng - phân - hợp.

Ví dụ : Sau cùng hỏi đến Hồ tinh, thì Hồ tinh đáp : Ta chỉ sợ Hồ tinh.

Ai nấy đều cười, bảo rằng : Người ta sợ Hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ ? Phạt anh một chén rượu.

Hồ tinh cười nói : Thiên hạ duy chỉ có đồng loại là sợ nhau. Con cùng nhau, mới tranh nhau gia sản, gái cùng chồng mới hay ghen tuông, kẻ tranh quyền tất là quan lại trong triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Nay lại còn người bẫy con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào hồ tinh mà chẳng sợ hồ tinh ?

Nêu phản đề

Bản chất của lập luận là có tính chất tranh luận và thuyết phục, tranh luận với những ý kiến, quan điểm trái quan điểm, ý kiến của mình. Nêu phản đề túc là nêu ý kiến phản bác lại kết luận, ý kiến của mình. Nếu người lập luận “cao tay” bác bỏ được các ý kiến đó thì sự khẳng định càng có sức thuyết phục hơn.

Ví dụ : Hãy xét lập luận :

Lâu nay, nói về những nhân cách cao thượng, người ta thường nhấn mạnh đến tinh thần gang thép, đến cái “vô uý”, cái không biết sợ trước những lực lượng thù địch. Thiên hướng ấy thực ra cũng dễ hiểu đối với một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với những bọn xâm lược, với bạo lực hung hãn nhất.

Ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục và thơ lại đều có cái “vô úy” ấy !...

Nhưng thử nghĩ xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả liệu có phải là con người không? Cái gì cũng

“vô uý”, cũng tỏ thaí độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người. “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân dạy cho ta hiểu rằng, muốn nên người phải biết kính sợ ba điều này : cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người. Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này thực ra rất hiếm hoi.

Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít : sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ dày xéo. Phân tích “Chữ người tử tù”, không những cần đề cao thái độ không biết sợ của Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại mà còn phải ca ngợi cái “biết sợ” của những nhân vật này nữa.”

So sánh

- So sánh tương đồng : Từ một chân lí đã biết, đã được công nhận, suy ra một chân lí tương tự, có chung logich bên trong.

Ví dụ :Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời nói bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mĩ. suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”

- So sánh tương phản: Đối chiếu các mặt trái ngược với nhau (trắng - đen, phải - trái, cũ - mới, xấu - tốt...) để làm nổi bật điều mình mốn hướng tới.

Ví dụ :Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng viết :

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”

(HCM)

Nhân quả

Dựa trên mối quan hệ nhân quả, phương pháp lập luận nhân - quả nhằm vạch rõ nguồn gốc của các hiện tượng cụ thể và cũng là nhằm dự kiến các hiện tượng xảy ra.

Phương pháp lập luận nhân - quả có thể có các dạng sau :

Trình bày nguyên nhân trưóc, chỉ ra kết quả sau:

Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình có ý định làm, lúc đã làm được thì lại vui rằng mình có tài làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.”

Trình bày kết quả trước, nguyên nhân sau :

Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân dân ta từ trước đến nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.” (PVĐ)

Trình bày hàng loạt sự việc theo quan hệ nhân - quả liên hoàn :

Nhân 1  quả 1

Nhân 2  quả 2

Nhân 3  quả 3

Nhân 4  …

 “ Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kĩ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kĩ thuật thì phải có văn hoá. Vì vậy, công việc bổ túc văn hoá là cực kì quan trọng.” (HCM)

Trong khi lập luận cần chú ý :

- Phải thể hiện được tính chặt chẽ, sắc bén; sự mạch lạc của các luận điểm (tránh lan man, lạc đề); tính hợp lý trong hệ thống lý lẽ; tính chính xác, đầy đủ , đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và phù hợp với các luận cứ, dẫn chứng…

trong khi triển khai luận điểm.

- Để làm rõ tính thuyết phục của lập luận, phải sắp xếp trình tự các câu theo tiến trình logic.

- Kết luận phải rõ ràng

- Luận cứ và kết luận (của lập luận) phải hợp nhau.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH NGÔN NGỮ HỌC VĂN BẢN (Trang 210 - 236)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(238 trang)