Chủ trương của tỉnh Khánh Hòa về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở khánh hòa luận văn ths kinh tế 5 02 01 pdf (Trang 46 - 57)

2.1.1. Thực trạng hệ thống doanh nghiệp nhà nước tỉnh Khánh Hoà

* Vài nét về tỉnh Khánh Hoà:

Là tỉnh ven biển cực Đông của Việt Nam, Khánh Hoà có diện tích tự nhiên 5258 km2, chiếm 1,6% diện tích cả nước; có 200 km bờ biển ở phía Đông, liền kề với Tây nguyên ở phía Tây, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận. Thành phố Nha Trang là tỉnh lỵ của Khánh Hoà, cách Đà Nẵng 550 km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 450 km về phía Bắc. Có trục quốc lộ 1A và đường sắt xuyên suốt chiều dài tỉnh.

Khánh Hoà được nối liền thuận lợi với các tỉnh trong khu vực miền trung.

Quốc lộ 26 nối Khánh Hoà với Đắc Lắc và Tây Nguyên. Tỉnh có nhiều cảng biển như cảng Cam Ranh, Nha Trang, thuận lợi cho việc giao lưu giữa Khánh Hoà với cả nước và quốc tế. Phần lãnh hải có huyện đảo Trường Sa - một vị trí rất quan trọng về quốc phòng và kinh tế của cả nước.

Khánh Hoà vừa có núi, vừa có biển với hơn 200 đảo lớn nhỏ ven bờ, tạo điều kiện để tỉnh phát triển một nền kinh tế đa dạng, đặc biệt là ngành du lịch, công nghiệp đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Về du lịch, Khánh Hoà là một trong mười trung tâm du lịch lớn của cả nước. Dân số trung bình của Khánh Hoà năm 2002 vào khoảng 1.094.000 người, trong đó dân số ở độ tuổi lao động vào khoảng 569.000 người, chiếm 52% dân số.

Thu ngân sách của Khánh Hoà hàng năm tăng đều với tốc độ cao, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách ở mức hợp lý. Tổng huy động ngân sách nhà

nước trên địa bàn tỉnh từ năm 1996 đến năm 2000 chiếm 18,4% GDP, những năm gần đây chiếm 20% GDP. Tổng thu ngân sách nhà nước, năm 1990 là 52,050 tỉ đồng, năm 1995 là 615 tỉ đồng (đứng vào Câu lạc bộ 500 tỉ), năm 2000 là 1.072,456 tỉ (đứng vào Câu lạc bộ 1.000 tỉ), năm 2003 là 2.300 tỉ (đứng vào Câu lạc bộ 2.000 tỉ). Sau 15 năm tái lập tỉnh, số thu ngân sách tăng gấp hơn 40 lần và Khánh Hoà đã tự hào đứng vào hàng ngũ một trong 15 tỉnh trong cả nước tự cân đối được ngân sách và có đóng góp về Trung ương[30].

Định hướng cơ cấu kinh tế từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là Công nghiệp - nông nghiệp- dịch vụ và du lịch, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là Công nghiệp - dịch vụ, du lịch- nông nghiệp. Hiện nay, nền kinh tế tỉnh đang chuyển dịch phát triển nhanh dịch vụ, du lịch để đến nhiệm kỳ tiếp theo thúc đẩy quá trình chuyển dịch theo hướng Dịch vụ, du lịch- công nghiệp- nông nghiệp [16].

Những điều kiện nói trên tạo thuận lợi cho Khánh Hoà phát triển sản xuất, mở rộng giao lưu kinh tế với cả nước và quốc tế.

* Thực trạng hệ thống DNNN tỉnh Khánh Hoà:

- Tình hình chung:

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp DNNN của Đảng, từ năm 1990 đến nay, cùng với cả nước, Khánh Hoà đã tiến hành 3 đợt sắp xếp lại DNNN.

Kết quả, số lượng DNNN giảm từ 140 DN năm 1990 xuống còn 64 DN vào đầu năm 2004. Nhìn chung các DNNN còn lại, sau khi sắp xếp, có những chuyển biến tích cực. DNNN sản xuất, kinh doanh về cơ bản, chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán kinh doanh độc lập; chủ động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, đổi mới thiết bị công nghệ. UBND tỉnh chỉ giao một pháp lệnh cho DNNN, đó là nộp ngân sách. DNNN được UBND giao vốn, tự chủ sử dụng vốn và các quỹ để kịp thời phục vụ nhu cầu

sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; được quyền huy động vốn và sử dụng các quỹ khấu hao, quỹ phát triển sản xuất để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ. Ngoài ra, được quyền tổ chức lại bộ máy quản lý, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, các DNNN thích ứng được và hoạt động có hiệu quả trong cơ chế mới, làm ăn có lãi, trình độ quản lý, thiết bị công nghệ có nhiều tiến bộ; vốn được bảo toàn và tăng thêm; bước đầu đa dạng hoá các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nòng cốt trong việc huy động vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đóng góp phần lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh và thu hút toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần, là lực lượng nòng cốt trong tương lai và phát triển kinh tế địa phương, phát huy vai trò chủ đạo của nền kinh tế tỉnh Khánh Hoà.

Tại thời điểm năm 1999, trong tổng số 81 DN được khảo sát, có tới 69 đơn vị làm ăn có lãi (gộp chung tổng số lãi ròng khoảng 59 tỉ 600 triệu đồng);

7 DN lỗ (gộp lại khoảng 2,5 tỉ đồng).

Căn cứ vào tài liệu lưu trữ 13 năm gần đây (1990-2003) của Cục thuế tỉnh Khánh Hoà, chúng ta thấy, số thu vượt hàng năm của tỉnh diễn biến khá sinh động. Năm 1991, thu vượt 39,9%; năm 1992, thu vượt 12,3%;năm 1993, thu vượt 33,1%; năm 1994 thu vượt 8,9%; năm 1995, thu vượt 17,5%; năm 1996, thu vượt 1,8% (ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế); năm 1997, thu vượt 15,5%; năm 1998, thu vượt 5,1%; năm 1999, thu vượt 20%; năm 2000, thu vượt 25%; năm 2001, thu vượt 23%; năm 2002, thu vượt 25%; năm 2003, thu vượt 27% [7]. Tuy mức tăng trưởng không đều, số thu vượt cũng không ổn định song xu thế chung của nền kinh tế tỉnh là, phát triển không ngừng, liên tục vững mạnh.

Chỉ tính riêng năm 2003, các DNNN thực hiện được 4.284 tỉ đồng doanh thu; nộp ngân sách 655 tỉ đồng; lãi thực hiện 150 tỉ đồng. Tính trung bình một

đồng vốn trong DN làm ra 0,14 đồng lợi nhuận trước thuế (cả nước là 0,095 );

doanh thu tăng 2,7 lần; lợi nhuận tăng 3,3 lần; số nộp ngân sách tăng 4,9 lần so với năm 1991, đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách địa phương. Tiêu biểu là các DN: Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Thương mại và đầu tư Khánh Hoà, Công ty Xổ số kiến thiết...

Số lao động bình quân năm 2003 tại các DNNN của tỉnh Khánh Hoà là 15.593 người, tăng 9% so với năm 2002, với tổng quỹ lương thực hiện là 220.830 triệu đồng; lương bình quân là 1.155.000 đồng/ người/ tháng, xấp xỉ mức lương bình quân năm 2002, nhưng nếu tính cả các khoản thu nhập khác thì mức lương trung bình của người lao động năm 2003 tại các DNNN là 1.309.000 đồng/ người/ tháng, tăng khoảng 80.000/ người/ tháng so với năm 2002.

- Tình hình cụ thể năm 2004:

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tỉnh năm 2004 nhìn chung ổn định nhưng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách... có nhiều biến động. Cụ thể:

Doanh thu thực hiện kế hoạch năm 2004 là 4.28 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch năm và tăng 29% so với thực hiện năm 2003.

Lợi nhuận thực hiện đạt 64.344 triều đồng. Tổng lãi năm 2004 là 150.189 triệu đồng, đạt 134% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với 2003. Tổng lỗ phát sinh trong năm 85.845 triệu đồng, lỗ lũy kế 128.370 triệu đồng.

Những doanh nghiệp đạt mức lãi cao tiêu biểu: Tổng công ty Khánh Việt:

65.327 triệu đồng; Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa: 18.776 triệu đồng;

Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu: 10.625 triệu đồng; Công ty Khai thác chế biến khoáng sản xuất khẩu: 9.693 triệu đồng; Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa: 6.192 triệu đồng, Công ty Thương Mại - đầu tư Khánh Hòa:

5.275 triệu đồng.

Số phát sinh nộp ngân sách: 728.351 triệu đồng, đạt 121% kế hoạch năm và tăng 25% so với năm 2004. Thực nộp ngân sách 655.00 triệu đồng, đạt 107%

kế hoạch năm và tăng 14,5% so với năm 2003. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt 481.043 triệu đồng, đạt 107% kế hoạch năm và tăng 15% so với năm 2003, thuế thu nhập doanh nghiệp 42.217 triệu đồng đạt 112% kế hoạch năm. Riêng thuế giá trị gia tăng thực nộp 78.236 triệu đồng, tăng 18% so cùng kỳ nhưng chỉ đạt 89% kế hoạch năm, nguyên nhân do một số doanh nghiệp có chỉ tiêu kế hoạch nộp thuế giá trị gia tăng lớn nhưng không đạt như: Công ty Đường thực nộp 5.298 triệu đồng chỉ bằng 27% kế hoạch, Công ty Cung ứng tàu biển - Thương Mại - Du lịch Nha Trang nộp 900 triệu đồng bằng 35% kế hoạch.

Cụ thể các khối doanh nghiệp nhà nước tỉnh Khánh Hòa như sau : - Các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh :

+ Tổng công ty Khánh Việt: Doanh thu của các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Khánh Việt thực hiện 2.444.590 triệu đồng, đạt 157% kế hoạch năm và tăng 43% so cùng kỳ năm trước.

+ Công ty Đường Khánh Hòa: Năm 2004, Công ty Đường Khánh Hòa sản xuất 25.116 tấn đường, đạt 49,5% kế hoạch năm và tăng 68% so với năm 2003. Trong năm tiêu thụ 24.188 tấn, bằng 96% sản lượng sản xuất. Doanh thu thực hiện 131.545 triệu đồng đạt 47% kế hoạch. Kết quả năm 2004 lỗ 79.424 triệu đồng. Tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, sản lượng mía thu mua chỉ đạt 42% so với kế hoạch, giá bán đường xuống thấp, lãi vay phát sinh trong năm hạch toán vào giá thành là 77.128 triệu đồng.

Số phát sinh phải nộp ngân sách 6.786 triệu đồng, thực nộp 5.297 triệu đồng, tăng 15% so với năm 2003, nhưng chỉ đạt 28% kế hoạch năm.

+ Công ty Thương mại và đầu tư Khánh Hòa: Doanh thu năm 2004 thực hiện 133.166 triệu đồng, đạt 170% kế hoạch và gấp 4,3 lần năm 2003. Lợi nhuận 5.275 triệu đồng đạt 76% kế hoạch năm và bằng 8,3 lần năm 2003.

Số nộp ngân sách và lợi nhuận tăng trưởng nhanh do Công ty đã mua lại khu nghỉ mát Ana - Mandara từ liên doanh với nước ngoài đem lại hiệu quả cao, riêng lãi từ hoạt động của khu nghỉ mát Hải Dương, bao gồm Ana- Mandara là 4.977 triệu đồng.

- Các doanh nghiệp thuộc các sở, ngành quản lý :

+ Công ty xổ sổ kiến thiết, là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá và nhiều năm liền hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. Doanh thu thực hiện năm 2004 là 118.776 triệu đồng, tăng 31% so với năm 2003 và đạt 105% kế hoạch. Lợi nhuận thực hiện 18.776 triệu đồng, tăng 12,8% so với năm 2003 và đạt 158% kế hoạch năm. Thực nộp ngân sách 29.000 triệu đồng, đạt 112%

kế hoạch năm và tăng 3,4% so với năm 2003.

+ Các doanh nghiệp thuộc ngành Công nghiệp: Doanh thu thực hiện 118.247 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với năm 2003.

Lợi nhuận 11.688 triệu đồng, đạt 98% kế hoạch năm và bằng số thực hiện năm trước. Thực nộp 6.673 triệu đồng, đạt 80% kế hoạch năm và bằng 82%

số nộp năm 2003.

Công ty Khai thác chế biến khoáng sản xuất khẩu: Là đơn vị duy nhất của ngành hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách năm 2004.

Công ty Nước khoáng Khánh Hòa: Năm 2004 tiêu thụ được 25 triệu lít nước khoáng các loại, đạt 90% kế hoạch. Tình hình tiêu thụ có mặt thuận lợi nhờ thời tiết nhưng do cạnh tranh gay gắt với quá nhiều chủng loại loại nước khoáng, nước tinh khiết trên thị trường nên sản lượng tiêu thụ cũng như

doanh thu không đạt kế hoạch, nộp ngân sách 2.010 triệu đồng, chỉ đạt 65%

kế hoạch năm và bằng 62% thực hiện năm 2003.

Công ty cơ khí Khánh Hòa: Sản xuất, kinh doanh vẫn không có hướng phát triển. Doanh thu thực hiện 2,5 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch. Kết quả kinh doanh tiếp tục lỗ 183 triệu đồng, lỗ lũy kế 2 tỷ đồng.

+ Các doanh nghiệp thuộc ngành Giao thông vận tải: Doanh thu năm 2004 đạt 92.954 triệu đồng, bằng 114% kế hoạch năm và tăng 9% so với năm 2003.

Lợi nhuận thực hiện 3.361 triệu đồng, đạt 99% kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2003. Thực nộp ngân sách 2.612 triệu đồng, đạt 106% kế hoạch năm và tăng 20% so với năm 2003.

+ Các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng: Lợi nhuận thực hiện 18.706 triệu đồng, đạt 156% kế hoạch năm và tăng 42% so cùng kỳ. Những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá là Công ty Quản lý Kinh doanh và Phát triển nhà lãi 7.449 triệu đồng, bằng 141% kế hoạch; Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng đạt mức lợi nhuận 905 triệu đồng, bằng 232% kế hoạch.

+ Các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện doanh thu 67.984 triệu đồng, đạt 110% kế hoạch và bằng 80% so cùng kỳ.

Các đơn vị lâm nghiệp: Năm 2004, các lâm trường đã khai thác được 24.266m3 gỗ, đạt 120% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty Lâm sản Khánh Hòa, Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh, Lâm trường Ninh Hòa, Lâm trường Sông Trang là những nơi đạt kết quả cao, doanh số thực hiện là 41.668 triệu đồng, đạt 118% kế hoạch năm. Lợi nhuận thực hiện năm 2004 là 2.768 triệu đồng, đạt 133% kế hoạch năm.

Các doanh nghiệp thủy lợi: Ngoài Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi và Công ty Xây dựng thủy lợi có tình hình hoạt động kinh doanh khá tốt, chỉ tiêu lợi nhuận vượt kế hoạch và có tăng trưởng so với năm trước. Thì số doanh nghiệp còn lại doanh thu đều thấp chỉ bằng 82% kế hoạch do thực hiện chủ

trương giảm một phần thủy lợi phí khi kiên cố hóa kênh nương, thêm vào đó tình hình hạn hán mất mùa trên địa bàn huyện Vạn Ninh và huyện Ninh Hòa làm sản lượng tưới tiêu đạt thấp nên việc thu thủy lợi phí trong kỳ của các đơn vị thủy nông gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp ngành Thủy sản: Hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thủy sản trong năm gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đánh bắt giảm nhiều so với các năm trước, nguồn hải sản nuôi như tôm thường bị mất mùa, dịch bệnh. Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, do ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản ra đời nên việc cạnh tranh gay gắt trong thu mua nguyên liệu và tiêu thụ làm cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chế biến hải sản không thuận lợi như các năm.

+ Các doanh nghiệp thuộc ngành Thương mại và du lịch: Doanh thu thực hiện 191.841 triệu đồng, đạt 91% kế hoạch và bằng 99% năm 2003. Lợi nhuận thực hiện 4.039 đạt 78% kế hoạch và bằng 59% năm 2003 do có phát sinh lỗ của Công ty Thương mại Tổng hợp 1.677 triệu đồng. Thực nộp ngân sách 7.877 triệu đồng, chỉ đạt 77% kế hoạch năm và bằng 85% cùng kỳ năm trước.

+ Các doanh nghiệp ngành văn hóa thông tin: Doanh thu thực hiện 48.924 triệu đồng, đạt 124% kế hoạch năm và tăng 18% so với năm 2003. Lợi nhuận thực hiện 529 triệu đồng, đạt 69% kế hoạch và bằng 64% thực hiện năm 2003.

Công ty Sách và Thiết bị trường học: Thực hiện doanh thu 14.891 triệu đồng, đạt 216% kế hoạch và tăng 122% so với năm 2003, doanh thu 14.891 triệu đồng, đạt 194% kế hoạch năm và tăng 38% so với số thực hiện năm 2003.

Nộp ngân sách vượt 58% kế hoạch giao.

+ Các doanh nghiệp công ích môi trường đô thị các huyện, thành phố, lợi nhuận thực hiện của các doanh nghiệp là 889 triệu đồng, đạt 118% kế hoạch năm. Nộp ngân sách 680 triệu đồng đạt 161% kế hoạch năm.

* Những hạn chế nổi bật:

Mặc dù đã đạt được những thành quả nói trên nhưng các DNNN nói chung, các DNNN của tỉnh Khánh Hoà nói riêng, vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể:

- Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, tốc độ phát triển chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp. Nhiều DNNN chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, cộng với số lượng các mặt hàng xuất khẩu hạn chế nên giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

- Số lượng DNNN nhiều nhưng không mạnh, tỉ trọng giữa các ngành, giữa các năng lực sản xuất hàng hoá mất cân đối. Khánh Hoà sản xuất thuốc lá vẫn chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn về số thu trong toàn bộ những chỉ số thuế thu được. Phần lớn vốn tích luỹ và phần lớn số nộp ngân sách chỉ phát sinh chủ yếu ở 16 DN (có năm 17DN) so với 81 DN của địa phương được khảo sát. Chỉ tính riêng các DN thuộc Khatoco thì đã chiếm tới 35% tổng số vốn của tất cả các DNNN của Khánh Hoà và mức nộp ngân sách của DN này lên tới 70% tổng số thu nội địa kinh tế quốc doanh Khánh Hoà. Sự mất cân đối về tỉ trọng, về cơ cấu kinh tế giữa các ngành, các đơn vị trên cùng một địa bàn như vậy gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế đa dạng ở Khánh Hoà.

- Hầu hết các DNNN đều thiếu vốn khá nghiêm trọng, do đó để có vốn hoạt động, DNNN phải tăng cường vay ngân hàng, chiếm dụng vốn của các đơn vị khác, ăn dần vào vốn kinh doanh, trì hoãn và chiếm dụng cả thuế phải nộp. Riêng năm 2002, lãi vay của các DNNN của tỉnh Khánh Hoà phát sinh đã hạch toán vào chi phí là 105.780 triệu đồng. Bên cạnh đó, số DNNN của tỉnh có vốn chủ sở hữu trên 10 tỉ đồng chỉ chiếm 16%, loại DNNN có vốn từ 1 đến 5 tỉ đồng chiếm tỷ lệ cao, khoảng 56%; vả lại, nợ xấu, nợ chồng nợ cũng làm xấu đi tình hình tài chính của DN và tiềm ẩn những rủi ro lớn dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền, kéo theo sự suy thoái cả mảng lớn trong nền kinh tế Khánh Hoà.

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở khánh hòa luận văn ths kinh tế 5 02 01 pdf (Trang 46 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)