Chương 3 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY
3.2. Các giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Khánh Hoà
Sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN là để các DN sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng bảo đảm các sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu của xã hội và quốc phòng, an ninh; để các DN trở thành lực lượng nòng cốt trong việc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. CPH DNNN là một biện pháp quan trọng để đổi mới, sắp xếp, đa dạng hoá sở hữu và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN; là bước đi tất yếu trong phát triển nền kinh tế thị trường.
Để thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch CPH DNNN của tỉnh Khánh Hoà trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
3.2.1. Nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Khánh Hoà
Nhận thức là khởi điểm cho hành động. Có nhận thức đúng, sâu sắc, triệt để thì mới hy vọng có hành động tích cực. Do đó, để quá trình CPH DNNN ở Khánh Hoà thành công, chúng ta phải quán triệt một cách sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách và các giải pháp đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức lý luận về cổ phần hoá. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN kéo dài việc thực hiện CPH là do chưa có sự nhất quán trong nhận thức của không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, khi CPH một bộ phận DN hoặc DN thành viên các tổng công ty, nhiều cán bộ lo ngại bị giảm
doanh thu, vốn, tài sản, lợi nhuận, giảm quy mô xếp hạng của công ty, tổng công ty. [31]
CPH một số DNNN là chủ trương đúng đắn, song phải mất một thời gian khá dài, chính thức là 5 năm, từ phác thảo đến mô hình; từ cách đặt vấn đề đến triển khai thực hiện một cách có tổ chức, có hệ thống Khánh Hoà mới CPH được một DNNN. Phải chăng đây là một vấn đề vừa mới mẻ, vừa phức tạp, trong đó có phần chưa thông suốt về quan điểm, tư tưởng từ trung ương đến địa phương, nhất là hầu hết các DNNN chưa quán triệt và thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết Đại hội VIII và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VIII) của Đảng về CPH DNNN.
Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của bộ máy tổ chức, chỉ đạo công tác CPH nên UBND tỉnh đã quyết định cho thành lập “Ban Đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước” của tỉnh. Song song với việc kiện toàn và tổ chức chỉ đạo, tỉnh phối hợp với các DNNN tăng cường, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền đến từng người dân và cán bộ, công nhân viên ở các DNNN, làm cho họ hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu của việc sắp xếp lại DNNN nói chung và CPH DNNN nói riêng. Việc làm này bước đầu đã giúp các cấp, các ngành, các DN, các cán bộ chủ chốt, người lãnh đạo trong các DN quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách CPH:
nhằm sắp xếp lại một cách hợp lý về mặt tổ chức; khắc phục tình trạng phân tán; tăng quy mô, tổ chức sản xuất - kinh doanh tập trung để tăng khả năng cạnh tranh và phát huy vai trò chủ đạo mà không phải thôn tính, hạn chế, làm yếu, làm mất đi cơ sở kinh tế của CNXH. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN của Khánh Hoà trong những năm tới, Khánh Hoà phải xây dựng, hoàn thiện hơn nữa bộ máy tổ chức và chỉ đạo, qua đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân, nhất là người lao động trong các DNNN thuộc diện chuyển đổi sở hữu, về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của CPH nhằm nâng cao nhận thức lý luận về vấn đề cổ phần hoá. Thực tế cho thấy, ở DN nào
có sự nhận thức tốt về mục đích, ý nghĩa ... của CPH thì ở đó tiến trình CPH diễn ra nhanh , hiệu quả.
Để nâng cao nhận thức lý luận về CPH DNNN, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách và các giải pháp đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN mà Đảng, Nhà nước đã đề ra thì Khánh Hoà phải thực hiện thực sự hiệu quả việc tuyên truyền. Có nhiều biện pháp, cách thức tăng cường công tác tuyên truyền. Chẳng hạn:
- Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh và truyền hình, báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh.
- Tổ chức hội thảo khoa học giữa các nhà kinh tế, các nhà quản lý với người lao động về những vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn của CPH; trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác để học hỏi cách thức thực hiện cho hiệu quả. Tổ chức tổng kết tình hình các DN đã chuyển đổi cơ cấu sở hữu, báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh của các DN CPH trong tỉnh nhằm phổ biến cách làm, bước đi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Tổ chức toạ đàm giữa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành với người lao động trong DN về các chủ trương, chính sách mới, đồng thời giải đáp thắc mắc cho họ, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ quá trình triển khai thực hiện CPH.
- Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng như: Công đoàn, Đoàn thanh niên.. .để vận động người lao động chấp hành, thực hiện chủ trương CPH của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ban, ngành.
Qua kinh nghiệm của một số địa phương khác chúng ta thấy, việc giải quyết vấn đề tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên chức trong các DNNN chuyển đổi hình thức sở hữu là rất quan trọng. Do đó, việc làm này phải được tiến hành sâu, rộng, kiên trì để họ nhất trí, ủng hộ thì tiến trình CPH mới có thể thực hiện đúng và có hiệu quả cao. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải
thiết thực, ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng, tránh phô trương hình thức, quan trọng hoá, phức tạp hoá vấn đề.
Thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân trong toàn tỉnh về công tác CPH DNNN cần chú ý mấy vấn đề cơ bản sau:
+ Xác định rõ những nội dung thiết thực của công tác CPH DNNN.
Ngoài những thông tin chung về công ty cổ phần và những chủ trương, chính sách chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần, phải xác định trọng tâm nội dung cần phổ biến, tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể, tránh dàn trải. Cụ thể, người lao động trong DNNN thường quan tâm nhiều hơn những thông tin liên quan đến quyền lợi được hưởng và trách nhiệm mà họ phải gánh vác khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Họ cũng rất quan tâm đến kết quả của những DNNN đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP. Do đó, tỉnh nên lập một bộ hồ sơ tài liệu hoàn chỉnh về CPH, đóng thành quyển và phát hành cho các cấp, các ngành và các DN. Trong đó có đầy đủ các văn bản của Bộ chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đồng thời phổ biến một số kết quả, kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động, quyền lợi của người lao động trong một số DN đã CPH.
+ Xã hội hoá công tác phổ biến, tuyên truyền về đổi mới, sắp xếp DNNN. Trong quá trình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, cần bảo đảm không khí dân chủ và cởi mở để người lao động bộc bạch một cách công khai, thẳng thắn những vấn đề còn vướng mắc trong tư tưởng. Những thắc mắc của người lao động, dù lớn hay nhỏ, phổ biến hay cá biệt, đều phải được đáp ứng cụ thể.
Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của các chuyên đề về chương trình đổi mới DNNN và CPH trên Đài phát thanh và Truyền hình cũng như trên Báo Khánh Hoà. Mở rộng thêm hình thức toạ đàm, trao đổi, đối thoại giữa các cán bộ quản lý DN và các cơ quan hoạch định chính sách về CPH.
+ Công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương CPH phải được thực hiện một cách thường xuyên trong suốt quá trình CPH chứ không phải chỉ trong giai đoạn chuẩn bị CPH. Trong quá trình xây dựng phương án CPH, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Khánh Hoà cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của người lao động trong doanh nghiệp, phát hiện kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của họ để có biện pháp giải quyết kịp thời.
3.2.2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong tiến trình CPH DNNN tỉnh Khánh Hoà
* Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng:
Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình CPH DNNN ở Khánh Hoà. Do đó, để đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN trong thời gian tới, cần quán triệt và đưa được chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng trong toàn Đảng nhằm quán triệt đầy đủ và thông suốt chủ trương CPH DNNN, đồng thời uốn nắn những nhận thức, quan điểm còn lệch lạc, sai trái để có sự thống nhất cao trong các cấp uỷ và chính quyền từ trung ương đến địa phương, trong toàn thể cán bộ, đảng viên của tỉnh về chủ trương đúng đắn này.
Thứ hai, ban cán sự đảng các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong chỉ đạo triển khai nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương CPH DNNN của Đảng, khắc phục tình trạng chần chừ, do dự, nghe ngóng, thiếu kiên quyết.
Thứ ba, tăng cường vai trò của tổ chức cơ sở đảng tại các DN trong chỉ đạo triển khai CPH, chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sau CPH, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, nhà doanh nghiệp và các chuyên gia có đủ đức, tài; lãnh đạo việc tuyển chọn cán
bộ, tuyển chọn nhân tài phục vụ có hiệu quả việc triển khai CPH và phát triển DN đã CPH.
Thứ năm, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra và kỷ luật để chủ trương CPH DNNN của Đảng được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt đẹp, khắc phục những biểu hiện tiêu cực.
* Về nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước:
Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước phải được cụ thể hoá bằng việc nâng cao năng lực của các cơ quan nghiên cứu và ban hành các văn bản, quy chế CPH DNNN. Rà soát lại và ban hành sớm những nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện pháp lý cho việc phát triển công ty CP và CPH DNNN. Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã thống nhất việc phân loại các DN mà Nhà nước giữ 100% vốn, loại DN mà Nhà nước thực hiện CPH. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách hệ thống các hình thức tiến hành CPH, sở hữu của cổ đông, định giá DN CPH, hệ thống tổ chức quyết định và thi hành CPH, quản lý và sử dụng các nguồn vốn do bán cổ phiếu,…phù hợp với đặc điểm và phong tục tập quán của địa phương sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi để người có vốn yên tâm đầu tư vào các công ty cổ phần và các DNNN CPH.
Cần nghiên cứu, ban hành cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các DN thuộc mọi thành phần kinh tế để theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể thành lập thí điểm Công ty Đầu tư tài chính làm nhiệm vụ dùng vốn nhà nước đầu tư vào các DN, tổ chức quản lý số vốn nhà nước đầu tư vào các DN khác, kể cả các công ty cổ phần có vốn của Nhà nước.
Phát huy vai trò của các trung tâm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật để làm tốt việc cung cấp, trao đổi thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ; sớm có đủ lực lượng cán bộ và nhân viên chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu CPH DNNN, quản lý công ty cổ phần, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán.
3.2.3. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài chính thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Việc chậm trễ tiến trình CPH ở Khánh Hoà còn do những vướng mắc về mặt tài chính. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các giải pháp tài chính là yêu cầu bức thiết đối với tiến trình CPH DNNN ở Khánh Hoà.
* Cơ cấu nợ và thị trường hoá các khoản nợ:
- Theo tôi, hướng xử lý các khoản nợ như sau:
+ Đối với các khoản nợ khó đòi do nguyên nhân khách quan thì được hạch toán vào các kết quả sản xuất, kinh doanh nếu là doanh nghiệp có lãi, hoặc giảm giá trị doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp không lãi.
+ Đối với các khoản nợ khó đòi do nguyên nhân chủ quan tạo quy định được trách nhiệm cá nhân hay tập thể thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phần tổn thất không thể thu hồi được xử lý như khoản nợ do nguyên nhân khách quan nói trên.
+ Đối với các khoản vay Ngân hàng Thương mại thì công ty cổ phần phải tiếp tục kế thừa. Các công nợ tồn đọng khác đã xác định được chủ nợ mà doanh nghiệp cổ phần hoá chưa giải quyết hết thì giao lại cho công ty cổ phần tiếp tục xử lý.
Khi xác định giá trị phần vốn nhà nước có tại doanh nghiệp phải lấy giá trị thực tế doanh nghiệp trừ đi tổng nợ phải trả.
- Việc tiến hành thị trường hoá các khoản nợ:
Tại Khánh Hoà hiện nay xảy ra tình trạng công nợ “lòng vòng” vào khoảng hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa được giải quyết xong. Vì vậy, phải tiến hành thể chế hoá chi tiết và hướng dẫn cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ thương phiếu để giúp họ thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính và có được sự lành mạnh tài chính khi công ty đi vào hoạt động. Việc thành lập công ty mua bán nợ là một
giải pháp quan trọng để vừa xử lý triệt để các khoản nợ phải thu của các doanh nghiệp, vừa tìm cách thu xếp thanh toán với các chủ nợ.
* Việc xác định giá trị doanh nghiệp CPH:
- Khi xác định giá trị tài sản cố định là vật kiến trúc của DN CPH, không nên lấy giá đền bù giải toả để tính. Trong trường hợp vẫn áp dụng giá đền bù giải toả để tính như hiện nay thì cần có quy định giảm một tỷ lệ phần trăm nào đó để khuyến khích người mua cổ phần. Đối với nhà cửa, vật liệu kiến trúc nằm ở vùng, vị trí không thuận lợi cho việc kinh doanh, UBND tỉnh nên cho phép giảm một tỷ lệ phần trăm so với giá trị đánh giá lại.
- Tại Khánh Hoà hiện nay, nhiều DN đầu tư mua sắm tài sản cố định bằng vốn vay và tích cực trả tiền vay nhanh trước thời hạn sử dụng của tài sản, vì vậy đến thời điểm CPH không còn số dư tiền vay hoặc giá trị tiền lãi của tài sản trên sổ sách kế toán rất thấp, trong khi tài sản vẫn còn sử dụng có hiệu quả. Khi xác định giá trị thực tế DN để CPH sẽ phát sinh chênh lệch, làm tăng giá trị phần vốn khi CPH. Do đó, cần có chính sách khuyến khích DN có tài sản mua sắm sử dụng bằng vốn vay nói trên theo phương pháp đánh giá lại giá trị tài sản này. Những chênh lệch tăng thêm không tính vào giá trị DN trước khi CPH để bán cho cổ đông mà được cộng thêm vào giá trị DN sau khi trở thành công ty cổ phần.
Việc xác định giá trị DN CPH: Việc xác định giá trị DN theo 3 phương pháp như Nghị định 187/2004 của Chính phủ ngày 16/11/2004 đã khá linh hoạt và khách quan, sát với thực tế. Khi định giá các DN bằng một phương pháp chuẩn cần sử dụng thêm một số phương pháp khác để kiểm tra xem việc đánh giá đã hợp lý chưa, mức độ chênh lệch là bao nhiêu. Tuy nhiên, nên tiến mạnh hơn đến phương pháp đấu thầu vì phần lớn các DN CPH ở Khánh Hoà hiện nay không đủ tiêu chuẩn niêm yết thị trường chứng khoán do phần lớn là các DN vừa và nhỏ. Cơ chế định giá phức tạp như hiện nay sẽ gây tốn kém chi phí và