CHƯƠNG 1:MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN
2.4. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN
2.4.1. Nguyên nhân từ phía cơ sở sản xuất kinh doanh a. Yếu tố Vốn
Vốn là yếu tố cần thiết không thể thiếu để tạo nên kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tiềm lực vốn mạnh, thì trang bị đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến
hiện đại, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên, chất lượng sản phẩm được tăng lên, giảm chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Qua số liệu phân tích ở trên cho thấy, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy có vốn nhỏ, quy mô SXKD không lớn, doanh thu không cao, bên cạnh đó chi phí sản xuất khá cao nên kết quả và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp thấp.
b. Yếu tố lao động
Tất cả các ngành nghề đều sử dụng sức lao động con người, yếu tố lao động thể hiện quy mô của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp khi tiến hành tổ chức sản xuất kinh doanh, phải tính toán xác định quy mô, khả năng quản lý và tổ chức phân công đúng người, đúng việc
Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy chủ yếu sử dụng lao động có tay nghề không cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nên năng suất lao động thấp; Số lượng bình quân lao động trên một doanh nghiệp ở lĩnh vực CN-XD cao hơn so với TM-DV, nhưng không cao, dẫn đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp còn thấp.
c. Trình độ, năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp
Trình độ của chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chủ doanh nghiệp là người quyết định chiến lược SXKD của doanh nghiệp, chiến lược đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển, chiến lược không phù hợp sẽ gây ra thiệt hại cho chính doanh nghiệp và xã hội.
Hầu hết chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện Lệ Thủy còn thiếu trình độ và kinh nghiệm về nhiều mặt, từ kỹ năng quản lý đến hiểu biết về công nghệ và thị trường; các doanh nghiệp tư nhân còn được tổ chức
và quản trị theo kiểu “ gia đình trị”, họ không muốn người ngoài vào quản lý doanh nghiệp; ngoài ra chủ doanh nghiệp còn yếu kém chiến lược và kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn một cách hợp lý.
Chủ doanh nghiệp vẫn thích thú với lợi ích ngắn hạn và sẵn sàng đổi cơ hội đầu tư và lợi ích dài hạn để lấy cơ hội đầu tư và lợi ích ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp kinh tế tư nhân là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn và lúng túng về định hướng phát triển dài hạn.
d. Tính liên kết
Các doanh nghiệp thiếu tính chủ động, chưa thiết lập được mối quan hệ với các doanh nghiệp khác, hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác chưa chặt chẽ, dẫn đến sự hạn chế trong chất lượng, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp chưa ý thức được việc liên kết với nhau, hoạt động của các doanh nghiệp còn mang tính tự phát, chụp giật, manh mún. Điều đó làm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đã hạn chế lại càng suy yếu hơn, bị chèn ép trên thị trường; dẫn đến hiệu quả SXKD chưa tương xứng với tiềm năng.
e. Ứng dụng khoa học công nghệ
Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy có quy mô vốn nhỏ và thiếu quan tâm đến thị trường công nghệ nên việc chuyển giao chưa thật kịp thời, công nghệ chuyển giao chưa hiện đại, năng suất lao động thấp, đẩy giá thành cao.
Hầu như khu vực KTTN trên địa bàn chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đổi mới công nghệ thường thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu phát sinh trong quá trình sản xuất, không có kế hoạch dài hạn, phương thức được sử dụng nhiều nhất là nhập khẩu công nghệ.
Do đó, đẩy chi phí xã hội tăng cao, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
2.4.2. Nguyên nhân từ môi trường kinh doanh a. Thủ tục hành chính và cơ chế chính sách
- Thủ tục hành chính: Chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Việc giải quyết thủ tục hành chính đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng khá tốt nhu cầu đặt ra, song vẫn có nhiều hạn chế. Ví dụ, các quy định về báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân , hệ thống biểu mẫu tài chính nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh còn nhiều phức tạp, khó thực hiện, vì thế nhiều doanh nghiệp chỉ báo cáo cho đủ thủ tục, mang tính đối phó; việc kê khai đăng ký vốn do chủ doanh nghiệp tự khai và chịu trách nhiệm nên rất khó xác định được số vốn đầu tư và thực hiện, có những doanh nghiệp đăng ký vốn lớn hoặc đăng ký vốn ít nhưng đăng ký kinh doanh rất nhiều ngành nghề, do đó cơ quan quản lý khó kiểm soát được khả năng thực tế của doanh nghiệp.
- Chính sách nguồn nhân lực: Trong những năm qua, chính quyền đã có những chính sách thiết thực và phát triển nguồn nhân lực như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, mở rộng và xây mới trường nghề trên địa bàn nhằm đào tạo lao động có tay nghề cao cung cấp cho các doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều bất cập như: Thời gian đào tạo nghề thường ngắt quãng, không liên tục; lao động được đào tạo trên địa phương nhưng làm việc ở địa phương khác…
- Chính sách tín dụng: Thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Lệ Thủy chưa có chính sách cụ thể thiết thực nào về hỗ trợ tín dụng cho khu vực KTTN, mà chỉ có những chính sách chung của nhà nước. Vì thế, các doanh nghiệp KTTN trên địa bàn thường khó tiếp cận với nguồn vốn, vay từ các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh với lãi suất cao; làm chi phí tăng lên, hiệu quả SXKD thấp.
b. Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, cất giữ sản phẩm… từ đó giảm chi phí đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp.
So với mặt bằng chung của tỉnh, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Lệ Thủy còn yếu kém; nhiều hệ thống giao thông, chợ… đã bị xuống cấp, tỷ lệ xây mới còn thấp. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm qua đã có bước tích cực, nhưng vẫn còn chậm, hệ thống kho tàng bến bãi còn đơn giản. Dù những năm gần đây được sự quan tâm của cấp chính quyền nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được với tiềm năng phát triển kinh tế của huyện. Như vậy, điều kiện cơ sở hạ tầng huyện Lệ Thủy ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SXKD của doanh nghiệp KTTN trên địa bàn.
c. Thị trường tiêu thụ
Thị trường quyết định đến mặt hàng sản xuất và cầu sản phẩm. Những năm trở lại đây, lượng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chưa tương xứng với số dân trên thị trường huyện Lệ Thủy. Thị trường trên địa bàn huyện và các vùng lân cận còn quá nhỏ bé và tăng trưởng chậm do thu nhập của người dân còn thấp.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp KTTN trên địa bàn chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu nên dễ bị các đối thủ chiếm lĩnh và cũng như đánh mất thị trường vốn có của mình.
Bên cạnh đó, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là thiếu thông tin thị trường, thiếu mạng lưới tiếp thị. Các doanh nghiệp KTTN gặp không ít khó khăn trong việc tham gia vào các hội chợ sản phẩm hàng hóa.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH TRONG
THỜI GIAN TỚI