CHƯƠNG 2 HIỆN THỰC NÔNG THÔN VÀ NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG
2.1.2. Những xung đột xã hội
Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, bức tranh hiện thực được nhà văn khắc họa vô cùng sâu đậm sắc nét là những xung đột xã hội qua xung đột giai cấp của thời kì Cải cách ruộng đất ở làng quê xưa. Cải cách ruộng đất là một trong những sự kiện lớn diễn ra ở nông thôn miền Bắc trong nửa đầu những năm 50 của thế kỉ XX.
Đề tài này từ lâu bị vắng bóng trên văn đàn vì nó là vấn đề nhạy cảm nhất trong tâm lí của mấy thế hệ, là chỗ khó nói, khó bàn nhất trong suốt thời gian dài văn học phấn đấu theo hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cải cách ruộng đất là một sai lầm, là một thất bại của cách mạng và do đó Đảng phải sửa sai. Nhưng sự sửa sai chỉ hàn gắn được vết thương trên bề mặt, còn trong chiều sâu tình cảm, tâm lí con người thì nó để lại những vết thương, những di chứng không thể hàn gắn, những bi kịch đau xót và làm nát tan nhiều giá trị văn hóa làng xã. Bởi vậy, trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, yêu cầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là khẳng định cuộc sống của con người mới và nâng cao tính Đảng thì việc đi sâu vào hậu quả của Cải cách ruộng đất là điều phải tránh. Phải đến thời kỳ Đổi mới sau năm 1986, văn học
mới có điều kiện để đề cập lại đề tài này và đã dựng lên một bức tranh chân thực toàn cảnh về nông thôn như đã từng diễn ra trong lịch sử
Trước Mảnh đất lắm người nhiều ma, các tác phẩm đã có những trang bi thảm về Cải cách ruộng đất như: Những thiên đường mù (Dương Thu Hương), Pháp trường trắng (Ông Văn Tình), Ác mộng (Ngô Ngọc Bội). Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên các tác phẩm này rất khó khăn trong việc ấn hành hay chịu sự soi xét khắt khe của dư luận. Mảnh đất lắm người nhiều ma còn đưa người đọc trở về với nông thôn Việt Nam trong quá khứ. Bao trùm tiểu thuyết là không khí ngột ngạt bức bối, hỗn loạn rối ren thời kỳ Cải cách ruộng đất với việc đấu tố địa chủ, thể hiện qua những mẩu đối thoại rùng rợn mà bất cứ ai đã từng trải qua hay từng nghe thấy cũng cảm thấy sợ hãi và buồn bã xót xa. Vẫn là hình ảnh con người và miền đất thôn quê thân thuộc, làng Giếng Chùa là nơi diễn ra nhiều thảm cảnh oái oăm, nhiều cảnh xung đột mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau không chỉ ở các dòng họ, các thành phần giai cấp mà nó tồn tại ngay trong nội bộ gia đình chi họ Vũ Đình. Thời Cải cách ruông đất, theo cách giải thích của Vũ Đình Phúc: “Thời bấy giờ nó nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngóe nhảy lên làm người! Muốn có chỗ đứng phải biết lựa, chân dù có nhún nhưng lòng vẫm khinh. Nhún với mấy thằng hách xằng để được cái lâu dài lớn. Bấy giờ không thế thì làm gì có Đảng! Mà không có cái chân Đảng viên thì cái họ nhà này chúng nó cho ăn bùn”[51, tr.53]. Thời cơ ấy tạo cho những kẻ cơ hội lợi dụng chỗ đứng lập trường giai cấp, tham vọng quyền lực thực hiện mưu đồ của mình. Thời bấy giờ, bố của Phúc là ông Vũ Đình Đại bị vu là địa chủ. Lúc ấy, Phúc là Đảng viên kiêm Bí thư Đoàn thanh niên xã. Để chứng minh mình không bị địa chủ nhuốm đen và đã li khai nguồn gốc xuất thân: “Đêm nào Phúc cũng tổ chức thanh niên đi cổ động, đèn đuốc cứ rừng rực đình liệu” rồi hô to: “Đả đảo tên địa chủ bóc lột Vũ Đình Đại! Kiên quyết đánh đổ tên địa chủ Vũ Đình Đại!”. Hành động này của Phúc đã được đồng chí Hùng Cường tuyên dương là: “có tinh thần kiên quyết dứt bỏ được giai cấp phi vô sản, tự nguyện phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nông”[51, tr.21]. Hơn thế nữa, Phúc còn đi theo đội Cải cách đứng lên đấu tranh tố cáo bố mình trước dân làng. Cuộc đấu tố diễn ra ngay tại sân
nhà Vũ Đình Đại. Hai vợ chồng cùng mấy đứa con-chính là những người anh em của Phúc chưa vợ chưa chồng, vẫn ở cùng với bố mẹ. Tất cả đều bị lùa ra sân như một đám hành khất, ngồi bệt xuống giữa vòng trong vòng ngoài của dân làng Giếng Chùa. Vợ Phúc-con dâu trưởng trong gia đình đã “thể hiện xuất sắc” vai trò của mình trong cuộc đấu tố bố chồng mình: “Vợ Phúc cầm cái liềm nhảy choi choi trước mặt những kẻ bóc lột, cái mỏ liềm cứ mổ trước mặt Vũ Đình Đại, vừa mổ chị vừa kể tội bọn chúng đã bóc lột đè nén mình ra sao. Chị kể dài dòng và hay nói lắp quá…”. Đến lượt mình, con trai trưởng Vũ Đình Phúc bước ra, mở đầu cuộc đấu tố bằng câu hỏi dành cho đấng sinh thành ra mình:
-Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không?
-Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!
Một cuộc đối thoại đầy hài hước phi lí. Từ “trót” cất lên nghe sao mà cay đắng thế. Đạo lí con người, luân lí cha-con bị chà đạp chỉ trong một từ gọn ghẽ ấy mà thôi! Sự việc Phúc đứng lên đấu tố cha đẻ của mình là một việc làm đê tiện, không còn tình nghĩa cha con, trái với cương thường đạo lí và những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống. Người đọc đặc biệt chú ý đến cách xưng hô của nhân vật Phúc với bố mình: gọi mày xưng tao. Qua đó cho ta thấy tính chất mâu thuẫn giai cấp đã dâng lên đỉnh điểm. Ở đây, tình huyết thống vốn là thứ tình cảm rất cao cả thiêng liêng đã bị chà đạp vùi dập một cách tàn nhẫn mù quáng. Tên địa chủ bị quy kết thực tế chỉ là một người nông dân cần cù chăm chỉ, “cũng hai bữa cơm đèn, làm quần quật như trâu…” mới “có năm mẫu ruộng, ba trâu cày, ngày mùa ngày vụ dám thuê gầm chục nhân công làm cho nhanh…” nhưng người con đã kiên quyết kết tội cha mình hoặc là vì anh ta bị các ý thức giai cấp mù quáng bịt mắt, hoặc anh ta là kẻ cơ hội táng tận lương tâm. Điều đau xót nhức nhối là vì sao nhân tính con người, nhất là một con người đại diện cho ý chí sức mạnh của Đảng lại trở nên méo mó đến thế khi mà cách mạng luôn đặt mục đích là đem lại hạnh phúc cho con người lên trên hết? Đây được xem là tấn bi kịch trong gia đình họ Vũ Đình nói riêng và toàn xã hội Việt Nam nói chung thời kỳ Cải cách ruộng đất
Cách xây dựng nhân vật Vũ Đình Phúc trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, gần giống với nhân vật Ngô Quất trong tiểu thuyết Bóng đêm và mặt trời (Dương Hướng). Vì lợi ích cá nhân và cái nhìn sai lệch trong Cải cách mà Ngô Quất đã sẵn sàng từ bỏ gia đình đã nuôi sống mình qua bao ngày tháng đói khổ cơ cực nay bị xếp vào thành phần địa chủ bóc lột. Ngô Quất cũng hăm hở đấu tố, thậm chí hắn còn sáng chế ra phương pháp “gầu sòng” để xử tử chính bố đẻ mình. Hay trong tiểu thuyết Bến không chồng (Dương Hướng), để thử thách lòng trung thành của Thước với Đảng, anh phải làm một việc khủng khiếp là phải bắn địa chủ Hào trong khi Thước vốn là con nuôi được địa chủ Hào cưng nhất; Còn đối với Nguyễn Vạn, có lẽ cũng đau đớn chẳng kém khi nhiệm vụ của anh là phải bắn hai tên Xèng, Xình, người cùng họ Nguyễn nhà anh
Bối cảnh này cũng gợi chúng ta nhớ đến khung cảnh đấu tố trong Bến không chồng (Dương Hướng). “Ngày hội” của bần cố nông làng Đông trong ngày đấu tố cũng là ngày tận thế của gia đình địa chủ Hào. Người ta rộn rã chia nhau chiếc cối đá thủng, cối xay lúa, vựa ngô khoai, vại dưa muối rồi “cày bừa, cuốc xẻng, gạo thóc, nồi niêu, bát đĩa, mâm đồng”. Ngày đấu tố quả thực là một thảm kịch gây ra cảnh đổ máu tang thương không chỉ cho những người bị quy kết là địa chủ bị tịch thu tài sản mà còn cho cả những người nông dân được nhận của chia: “Thằng Công con của lão Hào đã cắn lưỡi tự tử, không hiểu nó tiếc của hay do uất ức quá”, “Nhà chú Dĩ ba đời đi hót cứt trâu được chia trục đá kéo lúa. Chắc nhà Dĩ tiếc buổi đi hót phân trâu nêm sai hai thằng con đi nhận. Thằng anh cầm càng đi trước, thằng em chổng mông chổng tĩ đẩy phía sau, trẻ con khoái chí xúm vào đẩy. Chúng vừa đẩy vừa reo hò. Chiếc trụ đá lăn cồng cộc lao phăng phăng trên đường làng. Thằng anh cầm càng, tới khúc quanh mất đà, cả người lẫn trục lao ùm xuống ao, bị trục đá tương vào đầu phọt óc chết tươi”. Chi tiết dở khóc dở cười này thực sự làm day dứt, ám ảnh lòng người
Tóm lại, khám phá những xung đột xã hội trong Mảnh đất lắm người nhiều ma ta thấy được những xung đột giai cấp quyết liệt căng thẳng, tàn khốc bi đát diễn ra qua công cuộc Cải cách ruộng đất. Qua đó, hiện thực nông thôn thời Cải cách
ruộng đất với những mảng sáng tối, đậm nhạt, những sai lầm được hiện lên rõ ràng sắc nét, để cho cuộc sống được nhìn nhận một cách đầy đủ trọn vẹn hơn. Nhà văn đã dũng cảm nhìn vào những sai lầm, mổ xẻ phanh phui nó ra, tìm nguyên nhân để tránh lặp lại sai lầm, để phục sinh những giá trị nhân văn đã bị hủy hoại một cách đáng tiếc. Có lẽ đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc qua tiểu thuyết của mình
2.1.3. Những xung đột văn hóa
Trước khi viết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã có nhiều ngày tháng đi sâu khám phá cuộc đời thực. Nhà văn đã nói về mục đích chuyến đi này như sau: “Tôi muốn truy tìm tận gốc rễ sự xuống cấp, tha hóa đạo đức của nông thôn chúng ta. Tôi muốn thông qua những hiện tượng tiêu cực như tham ô, cửa quyền hống hách, tệ chè chén ăn uống của một số người có chức có quyền mà báo chí gọi là tầng lớp cường hào mới, để xây dựng tác phẩm văn học có chiều sâu hơn…Tôi thấy một trong những nguyên nhân sâu xa là vấn đề dòng họ”
(dẫn theo Phạm Đình Ân- Đặc san báo văn nghệ tháng 7-1991). Vấn đề gia tộc – dòng họ được tác giả lấy làm vấn đề trung tâm để để lột tả chân thực hiện thực cuộc sống nông thôn trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Những xung đột gia tộc, dòng họ thực chất là những xung đột văn hóa hết sức dữ dội dai dẳng và gay gắt quyết liệt giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Nói như Hà Minh Đức thì: “Cuộc xung đột giữa cánh này, cánh kia, mượn danh đoàn thể, Đảng, Đoàn để đấu nhau thực chất là cuộc xung đột giữa các dòng họ, các gia đình mang nặng tư tưởng và lề thói phong kiến cũ”. Ý thức dòng họ đã chi phối mọi suy nghĩ và hành động của từng con người trong hai dòng họ này, nhất là những người đại diện cho hai họ như Trịnh Bá Hàm, Trịnh Bá Thủ, Vũ Đình Phúc
Nổi bật lên giữa các dòng họ là những người Đảng viên. Những lợi ích dòng họ vô hình dung đã phân tuyến, đối lập họ với nhau. Sự bè phái theo tổ chức Đảng ở Giếng Chùa khoác chiếc áo họ tộc. Tình máu mủ, một giọt máu đào vốn hơn ao nước lã của họ tộc làm cho bè cánh càng thêm thâm hậu không dễ dàng bứt ra được.
Cuộc chiến với mục đích loại trừ nhau giữa những người Đảng viên khoác màu áo
dòng họ đã diễn ra với biết bao hành vi vô đạo. Hôn nhân và đất đai là hai thứ dễ gây oán thù và đó là nguyên nhân khiến cho hai họ Trịnh Bá và Vũ Đình không thể ngồi chung chiếu với nhau. Chuyện chức tước, dù nhỏ nhưng “là danh dự, là chuyện được thua giữa hai dòng họ, là phần đầu gà má lợn, là chỗ ngồi chiếu nhất giữa đình làng”. Vũ Đình Đại sau hơn ba mươi năm từ mặt con mình là Vũ Đình Phúc vì đã đấu tố cha thì nay mối hận thù ấy được hóa giải vì lúc này đối với ông, cha con họ nhà Trịnh Bá mới là kẻ thù lớn nhất. Trước khi từ giã cõi đời, ông vẫn còn ôm mối hận thù chưa trả, “vẫn nuốt một cục uất ức trong người” và ông đã bàn giao lại cho con là Vũ Đình Phúc rồi mới yên tâm ra đi. Ông Trịnh Bá Hoành trước khi nhắm mắt còn trăng trối với con trai trưởng Trịnh Bá Hàm: “Sống ở đời phải biết bố con Đại- Phúc là người không thể đi chung đường, ngồi chung chiếu”[51, tr.62]. Và thế là hai gia tộc không bỏ lỡ một dịp nào có thể để cho nhau “ăn bùn”, “không cho nhau ngóc đầu lên được”, “hai dòng họ này cứ lừa miếng nhau không biết mệt”.
Mối thù dòng họ đã ngấm sâu vào máu thịt những con người trong hai dòng họ Trịnh Bá- Vũ Đình, trở thành mối thù truyền kiếp từ đời bố sang đời con. Nếu như đời các cụ cố là chuyện đất cát, chuyện chức tước thì đến đời Trịnh Bá Hàm lại là chuyện tình. Khi đó, Trịnh Bá Hàm (là trưởng chi họ Trịnh Bá) là con người gia trưởng, nham hiểm, bị lòng ghen ghét đố kị chi phối đã trở nên độc ác tàn nhẫn, vô cảm trước đối thủ và người thân trong gia đình. Ông Hàm mang trong mình mối thù dòng họ và mối thù duyên phận với Vũ Đình Phúc (là trưởng chi họ Vũ Đình). Bà Son, vợ ông, thời con gái đã từng phải lòng ông Phúc. Hàm oán hận Phúc vì Phúc đã chiếm đoạt bà Son trước mình. Để trả thù dòng họ Vũ Đình, để đối phương phải lụi bại từ gốc đến ngọn, Hàm đã bàn với Thủ (là em ruột-Bí thư Đảng ủy xã, một con người nham hiểm, đầy mưu mô thủ đoạn) cách trả thù dòng họ Vũ Đình bằng cách đào mả cụ cố Đại để yểm bùa. Nhưng thật trớ trêu khi kế hoạch bại lộ, sự việc bị phát giác, ông Hàm và đám tay chân bị bắt giam với hai tội danh tày đình là phá mộ người chết và hành hung thân nhân của họ. Khi biết chồng bị bắt, bà Son rất đau đớn tủi nhục. Thủ dẫu biết trước việc làm của anh trai nhưng cũng không lường hết được hậu quả khi sự việc bị phơi trần ra ánh sáng. Lo sợ cả họ Trịnh đi xuống, lo sợ
quyền lực, uy tín và danh dự của mình bị đe dọa, Thủ quyết tâm xoay chuyển tình thế để chuyển bại thành thắng. Thủ quyết định bày kế cho bà Son tới gặp ông Phúc để rút đơn kiện, giải quyết với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Vì chồng, vì dòng họ Trịnh Bá, bà Son đã nhịn nhục đến gặp ông Phúc. Khi đó, Thủ và Cao (phó công an xã ) bất ngờ xuất hiện diễn trò bắt quả tang trai gái quan hệ bất chính rồi lập biên bản buộc ông Phúc phải thôi kiện cho ông Hàm thoát tội. Thủ đã giành được thế thắng về mình còn dòng họ Vũ Đình bị dồn vào thế bại. Không dừng lại ở đó, Thủ còn lợi dụng thế cờ đang lên dồn ông Phúc đến đường cùng. Thủ ép bà Son viết đơn tố cáo ông Phúc cưỡng đoạt mình và bắt bà phải đối chất với nội dung tố cáo trong đơn. Nhận thấy việc làm vu khống bất nghĩa vô lương của anh em nhà chồng, bà Son rất đau đớn, buồn tủi cho thân phận nhỏ bé phụ thuộc của mình. Để đạt được mục đích, Thủ và Cao còn lợi dụng mượn tên ông Phúc ức hiếp bà Son nhằm gây thêm áp lực cho bà Son tin họ Vũ Đình làm nhục bà. Không ngờ vì quá uất ức mà bà Son đã tìm đến cái chết nơi dòng sông xưa chứng kiến mối tình thời con gái của bà. Cái chết oan nghiệt của bà Son là kết cục bi thảm về sự hận thù giữa hai dòng họ ngay trên mảnh đất Giếng Chùa. Cái chết ấy đã chỉ ra cho đám người đang ngùn ngụt lửa hận thù kia rằng: “Các anh chỉ là những kẻ say thù hằn ti tiện! một cái chết như thế kia vẫn chưa đủ để sáng mắt ra hay sao?”. Hay mối tình ngang trái của Đào và Tùng cũng vậy. Môtip tình yêu mãnh liệt đắm say đâm chồi trên mảnh đất thù hằn giữa hai dòng họ gợi cho người đọc nhiều cảm xúc. Ở cuối tác phẩm, Minh khóc khi thấy Đào và Tùng bên nhau gửi gắm một kết luận đa chiều. Liệu Minh khóc vì không được yêu Tùng hay thương cảm cho bi kịch tình yêu của đôi bạn trẻ?
Rõ ràng, những xung đột giữa hai họ tộc đã ảnh hưởng rất lớn trong lòng xã hội.
Đây là lời cảnh tỉnh với những người có thế lực của hai dòng họ mà hầu hết họ là những người Đảng viên đang nắm trong tay mọi chức vụ to nhỏ trong và ngoài làng xã. Lòng dạ họ xấu xa nhưng móng vuốt lại được che giấu trong diện mạo của người khác. Và chỉ vì toan tính vụ lợi, vì sự hả hê thù hằn dòng tộc, họ cứ vờn nhau như mèo vờn chuột, họ như những con thú say mồi không chỉ cấu xé gây thương tích cho nhau mà còn xô đẩy biết bao người vào ngõ cụt, chân tường