CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI
3.1. Không gian, thời gian nghệ thuật
3.1.1. Không gian nghệ thuật
3.1.2.2. Thời gian huyền ảo
Bên cạnh thời gian hiện thực thì thời gian huyền ảo chi phối mạnh mẽ thời gian trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Đó là thời gian của quá khứ, hiện tại và tương lai được quyện hòa, trộn lẫn tạo nên tính chất hư ảo, giúp cho thời gian trần thuật được nới rộng biên độ. Để tạo nên thời gian huyền ảo, tác giả đã dùng thủ pháp ảo hóa thời gian vật chất và ảo hóa thời gian tâm trạng
Ảo hóa thời gian vật chất là sự xáo trộn đan xen thời gian quá khứ và thời gian hiện tại. Trong tác phẩm, thời gian không diễn ra theo trật tự tuyến tính mà có thể từ hiện tại, nhân vật hồi tưởng về quá khứ, các sự kiện trong quá khứ được sâu
chuỗi lại thành một trường liên tưởng trong dòng hồi ức. Sự kiện quá khứ ám ảnh người đọc là câu chuyện về những ngày Cải cách ruộng đất trong gia đình của Vũ Đình Phúc. Vì lợi ích giai cấp, vì để chứng tỏ mình không liên quan gì đến tầng lớp địa chủ nên vợ chồng Phúc đã có hàng loạt những hành động vô đạo, đầy thú tính:
Tách bố đẻ của mình ra ở riêng, cổ động mọi người “đả đảo tên địa chủ Vũ Đình Đại”, đấu tố cha đẻ và anh em ruột ngay tại sân nhà người đã sinh ra mình. Nhờ có đoạn hồi tưởng quá khứ này, chân dung nhân vật Phúc hiện nguyên hình là một kẻ đầy tham vọng, cơ hội, tuyệt tình và đại bất hiếu
Hồi ức quá khứ khắc sâu mối thù truyền kiếp trong lòng ông Hàm và thôi thúc ông trả thù rửa hận bằng những việc làm táng tận lương tâm là câu chuyện về nguồn gốc bức truyền thần họa một ông ba mươi trên bàn thờ nhà ông Hàm. Hay đó còn là chuyện ông Phúc vớt xác bà Son dưới chỗ Vai Cày bờ sông lên, ông quay trở về tình yêu thuở ban đầu của mình theo dòng kí ức đan xen lẫn khổ đau…
Thời gian ảo hóa còn là những sự kiện được kể ra mà hiện tại chưa xuất hiện, chỉ mang tính chất dự báo. Một câu nói tưởng chừng như bâng quơ của vợ ông Phúc nhưng lại có giá trị báo trước về sự đoản mệnh của bà Son: “Rõ đồ quạ mổ! Không nhịn được nữa hay sao mà đâm đầu vào người đã có vợ, cho nó chết”
Thời gian tâm trạng là những khoảng thời gian được cảm nhận trong những tâm trạng khác nhau của nhân vật. Nó không trùng khít với thời gian vật lí. Thời gian ở đây đã bị chủ quan hóa theo cảm xúc của nhân vật. Thời gian tâm trạng của Thủ trong đêm ông anh trưởng Trịnh Bá Hàm quyết tâm đào mả cụ cố họ Vũ Đình được tác giả diễn tả thật khéo léo tinh vi. Với màn kịch đã được xếp đặt trước, trong suốt thời gian ngồi đánh chén tại nhà chủ tịch Sửu, bên ngoài Thủ cố tỏ ra bình thường nhưng bên trong Thủ đang mang một tâm trạng bồn chồn lo lắng: “Thủ giở nằm giở ngồi tựa lưng vào tường”[51, tr.103]. Rồi Thủ bủn rủn cả chân tay khi biết việc làm của ông anh bị phát giác. Thời gian tâm trạng của Thủ như bị níu lại, bị kéo giãn ra trong cùng khoảng thời gian khách quan khi ông Hàm và đám cháu đang thực hiện ý đồ đen tối độc ác của mình
3.1.2.3. Thời gian đan cài lồng ghép
Thời gian thống lĩnh trong Mảnh đất lắm người nhiều ma là thời gian đêm tối. Chỉ tính đến những ngày đói giáp hạt mà câu chuyện xảy ra thì thời gian đêm tối cũng đã được Nguyễn Khắc Trường dùng tới 12 lần. Các phân đoạn mở đầu hay kết thúc trong tác phẩm cũng gắn liền với cảnh chiều tà, bóng tối. Thời gian đêm tối có sự đan cài độc đáo của thời gian hiện thực và thời gian huyền ảo, của không gian và thời gian
Đặc trưng thời gian của tác phẩm là thời gian bóng đêm. Đó là thời gian đêm cuối tháng không trăng sao, hoặc có trăng thì chỉ thấy hình hài kì dị qua những mảnh trăng khuyết, trăng hao mòn, trăng đồng hành với tiếng cú rúc với vẻ vắng lặng đầy bí hiểm: “Chênh chếch trên trời khuya, mảnh trăng khuyết hao gầy vàng úa bơi trong sương mù” hay “trăng giữa tháng rời rợi, nhưng lối ngõ vẫn tối thẫm vì những ngọn tre ngả rợp ánh trăng lổ đổ chiếu qua kẽ lá…”. Tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã kết luận: “Thời gian đêm tối là sự thống lĩnh trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, đồng thời nó lấn át ánh sáng của trăng sao, càng vượt qua, thậm chí triệt tiêu sự mô tả ánh bình minh, mặt trời, nắng ấm rực rỡ, hoa nở, chim bay…”. Thời gian đêm tối thường là thời điểm diễn ra những sự kiện biến cố nơi Giếng Chùa, cả trong quá khứ và hiện tại. Mở đầu tác phẩm là những hồi ức về chuyện mấy chục năm trước lão Quềnh đã từng gặp ma và ăn ở với ma trong đêm; Đêm tối cũng là lúc ông bố Quềnh đi làm cái việc cứu cậu cả thoát khỏi bùa mê thuốc lú của ma nữ nhưng người bố khốn khổ ấy chưa kịp hoàn thành “sứ mệnh” của mình thì ông đã ra đi vào đêm tối: “ông chết nhẹ như đùa! Đêm nằm ngủ, thế là ông không dậy nữa”;
rồi cảnh đám ma cụ cố Đại trong đêm; cảnh Thó lợi dụng đêm tối bê trộm hũ rượu mà vợ ông Phúc tưởng mình đã gặp “ma” hiện lên; cảnh mẹ con chị Bé lẻn đến ngụ đêm tại túp lều của lão Quềnh mà thằng Thó và bà Đồ Ngật cứ nghĩ đó là con ma
“áo cánh quần thâm, đầu tóc rũ rượi”; cũng trong một đêm tối, bí thư Thủ và phó công an Cao đã bày trận địa giả để bà Son gặp người tình cũ nhằm bẫy ông Phúc;
chưa thỏa mãn mục đích, chú cháu Thủ- Cao còn lợi dụng bóng đêm để diễn kịch, giả làm ông Phúc bắt cóc cưỡng bức bà Son để buộc bà phải ra mặt chống ông Phúc, triệt hạ ông Phúc và dòng họ Vũ Đình đến cùng. Bị cả hai phía dồn đẩy, bà
Son mê mụ phẫn uất lao mình xuống sông giữa bóng đêm: “Đường tối nhờ nhờ như hư như thực giống y như lòng dạ và tâm trí bà Son lúc này…bà chạy như mê như mụ. Cánh đồng mờ mịt hơi sương…Đôi chân chạy như bị xui bị khiến. Có tiếng nước chảy ồ ồ phía trước. Bà Son hổn hển lao tới, như đấy chính là nơi giải thoát duy nhất đang chờ đón”[51, tr.264]
Ma không chỉ xuất hiện về đêm, nó còn xuất hiện giữa ánh bình minh mà cô Thống Biệu đã chứng kiến: “Các vị có nhớ hôm trước họp hợp tác để chia ruộng khoán không?…Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma! Những người thân ngồi đấy mà cấm có còn nhận ra ai nữa. Càng nhìn càng thấy đúng là những ụ mối, những bao bì dựng ngược, cái cao cái thấp lố nhố đầy nhà! Những con ma tham, ma ác từ đấy chui ra…ma nó vẫn ngủ gà ngủ gật ngay trong lòng các người”[51, tr.14-15]
Có thể thấy, thời gian đêm tối chiếm lĩnh trong Mảnh đất lắm người nhiều ma là mang dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Bóng đêm là thời gian của ma quỷ, hắc ám và đầy hiểm họa, là sự đồng lõa với tâm địa đen tối của từng con người, đây là thời điểm tốt nhất cho phần ma trong con người bộc lộ: “Đêm chở che và đêm đồng lõa”. Không khí hắc ám, ngột ngạt trong bóng tối hòa lẫn cùng những bóng ma ẩn hiện tạo nên một thế giới người- ma hỗn độn. Sự hòa quyện, đan cài lồng ghép ấy tạo nên một thế giới nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm và biểu đạt một tầng giá trị độc đáo của tiểu thuyết này như tác giả Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Phải chăng ý nghĩa thanh lọc, khát khao hoàn thiện tính người; dứt bỏ bóng đêm ma quỷ mới chính là thông điệp tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc”
Trong văn học thời kỳ Đổi mới, chúng ta thấy có một loạt tác phẩm viết về đề tài nông thôn lấy thời gian đêm tối làm nền cho nhân vật của mình thể hiện, bộc lộ tính cách và truyền tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn như: Thời xa vắng (Lê Lựu);
Thủy hỏa đạo tặc (Hoàng Minh Tường); Dòng sông mía (Đào Thắng)…
Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma là điển hình tiêu biểu cho những tiểu thuyết viết về nông thôn sau Đổi mới tuy quy mô không lớn (khoảng bốn trăm trang) song đã tái hiện được nhiều sự kiện, nhiều biến cố và đặt ra nhiều vấn đề xã hội, nhiều vấn đề nhân sinh làm day dứt, nhức nhối lòng người. Có được thành công
ấy một phần quan trọng là nhờ ngòi bút tài hoa, khéo léo và linh hoạt của tác giả trong việc sử dụng phối kết hợp không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật vừa có những sáng tạo đổi mới vừa có sự kế thừa phát huy của truyền thống mang đặc thù của thể loại tiểu thuyết