CHƯƠNG 2 HIỆN THỰC NÔNG THÔN VÀ NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG
2.2.3. Con người với bi kịch giới tính
Bi kịch do giới tính trong tiểu thuyết Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung từ xưa đến nay chủ yếu thể hiện qua nhân vật người phụ nữ. Khi thể hiện bi kịch con người nông thôn trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, một trong những khía cạnh mà tác giả Nguyễn Khắc Trường quan tâm hàng đầu là bi kịch của những người phụ nữ. Cuộc sống sau lũy tre làng với bao quan niệm, ràng buộc khiến người phụ nữ bao giờ cũng là những người đầu tiên phải chịu nhiều khổ đau bất hạnh, ngang trái thiệt thòi. Nguyễn Khắc Trường đã dành cho họ sự đồng cảm sẻ chia, thương xót sâu sắc. Điển hình cho bi kịch của những người phụ nữ nông thôn trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, có thể kể đến là bi kịch của bà Son, cô Đào, chị Bé
Đời sống bà Son là điển hình của mẫu người vợ, người mẹ Việt Nam chân quê, thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng vị tha hi sinh, một đời sống vì người khác mà nhẫn nhục cam chịu. Những định kiến và lễ giáo phong kiến đã khiến bà luôn sống trong bất hạnh, lo âu khắc khoải. Ngay từ thời còn trẻ, Son đã được coi là người đẹp nhất làng. Mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong. Đi một bước là có người theo, một
bước là có người ghẹo. Nhưng chưa có ai lọt vào mắt xanh của cô cả. Thế rồi người trong cả làng Giếng Chùa đã đồn rằng cô phải lòng giáo Phúc. Son đến với Phúc bằng tình yêu chân thành, bằng sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Bởi vậy, Son đã hiến dâng và cuồng nhiệt trao cho Phúc sự trong trắng của cả đời con gái. Và khi gia đình bắt cô phải thành hôn với Trịnh Bá Hàm, Son đã tìm đến quãng Vai Cày bờ sông gặp Phúc, chủ động đưa ra lí lẽ thuyết phục mạnh mẽ quyết tâm vượt rào lễ giáo phong kiến để được sống với người mình yêu, để cùng tạo dựng hạnh phúc.
Thế nhưng đáp lại lời nói của Son, cô chỉ nhận được lời nói lẩm bẩm như người mất hồn của Phúc: “Nhưng biết đi đâu bây giờ? Sểnh nhà ra thất nghiệp”. Lời nói của Phúc như một gáo nước lạnh dội thẳng vào người Son, đến lúc này cô mới hiểu rõ con người thật của Phúc. Con người mà bấy lâu nay cô đã yêu thương ngưỡng mộ, con người mà cô đã không tiếc sẵn sàng hiến dâng thứ quý giá nhất của đời mình cho hắn, con người mà cô đặt cả niềm tin và số mệnh của mình trong đó, thì giờ đây, con người ấy chỉ là người “hèn nhát”, “chỉ gan cái lỗ mồm”, “chỉ biết đến cái thân”. Qúa thất vọng với mối tình đầu, Son đã chiều theo ý gia đình mình để đến với Hàm. Ngay sau đó một tuần, Son đã làm lễ thành hôn với Hàm-một người mà cô không hề yêu. Đám cưới của Hàm- Son được tổ chức linh đình. Nhưng Son không thể ngờ cuộc hôn nhân này lại là màn dạo đầu cho bao nhiêu bi kịch liên tiếp xảy ra sau bi kịch tình yêu tan vỡ với Phúc. Ngay trong đêm tân hôn, Hàm đã dở máu ghen tuông, khiến cho Son phải quấn chăn quanh người, ngồi co vào góc giường, nước mắt chảy ngoằn ngoèo trên má. Cuộc sống của Son với Hàm cứ thế dần trôi đi cùng với bốn đứa con được sinh ra, và nếu không có sự việc tai hại kia thì số phận của Son cứ bình lặng trôi đi theo năm tháng một cách yên ổn. Sự việc được nói đến kia chính là việc ông Hàm đã to gan đào mả ông Vũ Đình Đại. Sự việc bị phát giác, ông cùng mấy thằng cháu bị bắt vào tù. Để gỡ thế bí bách này, bà Son đã đồng ý làm theo Thủ để cứu chồng, cứu dòng họ Trịnh Bá. Và lại một lần nữa, bà Son không thể ngờ sự việc mình nhận lời gặp ông Phúc để nhờ ông Phúc rút đơn kiện lại là bước chuẩn bị cho một âm mưu tiếp theo mà bà chính là nạn nhân. Trong đêm tối, sau buổi họp Đảng ủy xã, bà Son đã gặp lại ông Phúc. Bao nhiêu tâm sự
giấu kín trong lòng bấy lâu được bà Son giãi bày một cách thoải mái, không chút vướng bận. Bà đâu biết rằng cuộc nói chuyện này đã bị thủ và Cao rình rập nghe lén rồi bất ngờ xuất hiện. Mặc dù không đồng tình với hành động này của Thủ nhưng bà Son vẫn phải chấp nhận bởi điều quan trọng nhất sau sự việc này là ông Phúc sẽ rút đơn kiện, bà sẽ cứu được ông Hàm, cứu được uy tín danh dự cho dòng họ Trịnh Bá. Nhưng điều mà Son không bằng lòng và rất tủi hổ, buồn bã cay đắng chính là việc cả chồng và em chồng đều ép buộc bà phải viết ra một lá đơn vu cáo Vũ Đình Phúc đã cưỡng bức bà nhằm triệt hạ danh dự của trưởng nam dòng họ Vũ. Hóa ra, bà chỉ là vật hi sinh, là bia đỡ đạn, là chiêu bài cứu cánh cho dòng họ Trịnh Bá.
Cuộc sống của bà Son lúc này chẳng khác nào địa ngục, bà luôn cảm thấy xấu hổ, tủi nhục cho số kiếp của mình. Và với Thủ, hành động tội ác dường như không có điểm dừng, hết buộc bà Son phải gặp Phúc, viết đơn tố cáo Phúc và giờ đây là buộc bà phải lên trước xã để đối chất với những nội dung bà viết trong đơn. Và để cho bà Son thêm thù hận Phúc, bọn Thủ-Cao còn giở trò đồi bại với bà (trên đường bà từ nhà chị gái trở về nhà) hòng vu oan lần nữa cho Vũ Đình Phúc. Giờ đây, bà Son cảm thấy uất ức, chán ngán cực điểm vì bị làm nhục: kẻ vu vạ và người được vu vạ đều hùa vào nhau làm nhục bà, khiến bà không còn thiết gì, không còn sợ gì nữa.
Bà Son quyết định giải thoát cho mình, chấm dứt bi kịch nô lệ cam chịu bằng con đường tìm đến với cái chết. Bà đã nhảy xuống sông tự tử ở chỗ Vai Cày. Có thể thấy, nhân vật bà Son là nạn nhân của những xung đột dòng họ, là công cụ của anh em nhà chồng. Thông qua số phận bi kịch của bà, nhà văn muốn con người hãy cởi bỏ mọi oán thù để sống với nhau có tình có nghĩa
Bên cạnh bà Son, nhân vật Đào cũng là một trong những người phụ nữ phải chịu bi kịch. Đào là một cô gái trẻ đẹp, một thanh niên của thế hệ mới, tràn đầy sức sống, “một cô gái hai mươi tuổi, được tiếng là xinh đẹp nhất nhì xóm Giếng Chùa…cháu bí thư Đảng ủy…con người giàu có tiếng”. Đào có đủ điều kiện để có cuộc sống hạnh phúc nhưng Đào cũng chính là nạn nhân của những xung đột dòng họ, những thù hằn toan tính. Cô yêu mãnh liệt Tùng nhưng tình yêu của cô lại bị ràng buộc bởi mối thù giữa hai gia đình Đào là người có cá tính mạnh mẽ, dám yêu,
dám nhận. Cô yêu Tùng nhưng biết được Tùng đã kêu người đến bắt quả tang cha cô quật mộ ông Đại, cô căm giận và không muốn thấy mặt Tùng nữa, muốn chấm dứt tình yêu với Tùng. Người phụ nữ có sức sống mãnh liệt này liệu có vượt qua được những xung đột dòng họ, những định kiến để đến với người mình yêu, để quyết định hôn nhân của mình không hay lại rơi vào bi kịch như cuộc đời của mẹ cô, bà Son?
Một nhân vật nữa cũng góp phần làm nên bức tranh phức tạp của Giếng Chùa là cuộc đời bi kịch của chị Bé. Chị là “người đàn bà tuổi dòng dòng”, “cao và gầy”, “hốc hác và lôi thôi”. Cuộc đời chị trải qua bao thăng trầm đau khổ, tha phương cầu thực. Hoàn cảnh trớ trêu xô đẩy chị cùng đứa con bé bỏng tiều tụy, không đất dung thân. Chị đi ở nhờ cầu may, nhưng cũng không thành, đứa con bé bỏng ốm chết, chị trở thành tứ cố vô thân, không chồng không con…Cuộc sống xô đẩy đến đường cùng, khiến chị phải “giành sự sống đang chơi vơi lơ lửng như cánh diều trước gió chỉ trực bay tuột mất”. Bất chấp cõi linh thiêng, chị mượn danh cô Thống Biệu giả hồn ma bà Son lên đồng nhằm lừa gạt mọi người và không bị đuổi khỏi nhà. Bất chấp luật lệ gia phong, chị tiến dần từng bước thay thế vị trí bà Son trong gia đình ông Hàm: “Bóng đêm càng làm cho cái chất táo tợn của người đàn bà lồng lên như ngựa”. Và chị đã thành công khi dần có được một ít lòng tin của Thủ trong việc khôn khéo hứa giúp Thủ giành thế trong việc đấu đá, kiện tụng. Và với sức mạnh của người phụ nữ, chị đã làm cho ông Hàm phải điêu đứng, không cưỡng nổi sức hút của đam mê nhục dục. Sự ngoi lên của chị Bé chứng tỏ sức sống mãnh liệt của người phụ nữ ôm ấp khát vọng đổi đời. Nhưng thực chất sự ngoi lên này chỉ khiến chị rơi vào bi kịch luẩn quẩn khác, chị bị tha hóa bởi những hành động tội lỗi xấu xa, chị trở thành nô lệ của ông Hàm, thành tay sai cho Thủ: “Nhìn ông Hàm với ánh mắt trung thành tuyệt đối, như sẵn sàng xông vào những cuộc giành giật nếu ông sai bảo”[51, tr.75]
Tóm lại, con đường và nguyên nhân dẫn đến bi kịch của các nhân vật trong Mảnh đất lắm người nhiều ma khác nhau nhưng họ đều có nét chung là khổ đau và bất hạnh. Miêu tả các nhân vật bi kịch, Nguyễn Khắc Trường vừa muốn phơi bày
hiện thực đen tối bất công vừa gửi gắm ước mơ về một xã hội tốt đẹp để con người được sống sung sướng hạnh phúc
Nhìn chung, qua Mảnh đất lắm người nhiều ma nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã có cái nhìn mới mẻ về hiện thực nông thôn và người nông dân Việt Nam sau Đổi mới. Hiện thực nông thôn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ và người nông dân với số phận đầy bi kịch. Qua đó, tác giả đã đặt ra những vấn đề cần được giải quyết triệt để ở nông thôn nước ta trên bước đường đổi mới toàn diện của đất nước.
Đó là cái nghèo đói tha hóa nhân cách, đó là những tranh chấp quyền lực, đó là ý thức dòng họ, những hủ tục lạc hậu trì trệ, sự độc đoán tha hóa của một bộ phận lãnh đạo địa phương...đang bào mòn con người. Đó chính là những phần ma đang tồn tại và lấn át phần người. Nhưng ngay trong hoàn cảnh hỗn độn xô bồ, xung đột đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái thực và cái giả, giữa ma và người...vẫn tồn tại những tâm hồn đẹp đẽ. Điều đó được thể qua các nhân vật chính diện như Tùng, Đào, Minh. Và hơn nữa là một kết thúc mở đầy lạc quan. Bởi vậy, tác phẩm không làm người đọc bi quan tiêu cực mà có thái độ lạc quan tích cực, mong muốn tham gia cải tạo nông thôn, làm trong sạch đội ngũ những người lãnh đạo, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của nông thôn khi đặt trách nhiệm nặng nề lên vai những con người như thế. Đó chính là chiều sâu giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm