Chương 1. NHÂN VẬT TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THỂ LOẠI VÀ
1.3. Nhân vật trong mối quan hệ với phong cách tác giả
1.3.3. Nhân vật truyện ngắn và phong cách nữ
Truyện ngắn trong thời kì đổi mới có sự đóng góp đông đảo các cây bút nữ. Nhân vật người phụ nữ cũng giành được sự quan tâm lớn của đông đảo người cầm bút, đặc biệt là các cây bút nữ. Và chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều tác phẩm viết về “cô gái”, “người đàn bà”, “thiếu phụ”, “người đẹp” như bây giờ. Nhân vật nữ trở thành đối tượng thẩm mĩ của truyện ngắn khi viết về hiện thực cuộc sống sau chiến tranh. Bởi nếu như nói chiến tranh không nên mang khuôn mặt của đàn bà thì chốn của họ là nơi im tiếng súng. Hay nói cách khác, nếu người đàn ông là nhân vật chính của chiến tranh, họ dùng máu để viết lên những bản anh hùng ca chiến trận thì nhân vật chính của thời bình là những người phụ nữ đang lặng lẽ hát khúc ca về hạnh phúc chân chính của con người trong cuộc sống bình dị. Tất nhiên nhân vật nữ không phải là đối tượng duy
nhất để thể hiện cảm hứng thế sự đời tư trong văn xuôi từ thời kì đổi mới đến nay, nhưng rõ ràng việc sử dụng kiểu nhân vật nữ có nhiều ưu thế hơn trong việc dẫn dắt độc giả vào mảng hiện thực này.
Nổi bật trong thế giới nhân vật của các nhà văn nữ là những người phụ nữ hiện đại với số phận và tính cách cụ thể. Các cây bút nữ đã biết phát huy lợi thế của mình trong việc diễn tả đời sống nội tâm nhân vật nữ. Hơn ai hết họ là người cảm nhận được niềm vui cũng như nỗi buồn của người đồng giới. Giải thích về điểm này, Hoàng Thị Hồng Hà gọi đó là “xu hướng tự nghiệm”, nhà phê bình Đặng Anh Đào thì cho rằng: phụ nữ thường mạnh ở chỗ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn mình vào trang sách, hoặc nói như phương tây họ tự ăn mình. Giáo sư Phương Lựu trong bài “suy nghĩ về các nữ văn sĩ” đã giải thích bằng góc độ tâm lý học. Theo ông, nữ giới mang tâm hồn nhạy cảm, có tài quan sát tinh tế và rất giàu trí tưởng tượng. Nữ giới thuộc loại hình tình cảm ... rõ ràng hơn là tư duy. Vì vậy hơn ai hết các nhà văn nữ sẽ viết rất sâu sắc về thế giới nội tâm của mình và những người giống mình. Y Ban cũng không nằm ngoài những đặc điểm tư duy chung đó của các nữ văn sĩ. Là một cây bút thuộc lớp nhà văn thời kì đổi mới, Y Ban thể hiện đặc điểm nhân vật nữ vừa mang nét chung của cả thời kì văn học, vừa để lại dấu ấn riêng của mình, của giới mình.
Cùng viết về người phụ nữ hiện đại song gắn với mỗi phong cách tác giả khác nhau nhân vật nữ lại mang những nét riêng. Đọc truyện ngắn của Võ thị Hảo ta gặp những người phụ nữ vui buồn, sướng khổ, được mất của đời người nhưng lại có tấm lòng nhân ái, bao dung,... Khác với Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà thu hút người đọc với những nhân vật nữ đầy bí ẩn, ở họ luôn xáo trộn giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỉ, luôn tự tin nhưng cũng dễ bị cám dỗ, sống yên phận nhưng không phải ngoan ngoãn chấp nhận số phận đã an bài. Hay những cô nàng cá tính, khôn ngoan,
lọc lõi, dám yêu, dám sống trong truyện ngắn của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, ... Từ sau 1975 Nguyễn Minh Châu dành nhiều trang viết về số phận của người phụ nữ: Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Thai trong Cỏ lau, Huệ trong Phiên chợ giát, Người mẹ trong Mùa trái cóc ở Miền Nam, người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa,... Các nhân vật nữ của ông với vẻ ngoài hiền dịu nhưng bên trong thì luôn mạnh mẽ vượt lên trên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, họ có đức hi sinh cao cả, lòng thủy chung vẹn nguyên và ý thức rất rõ về thiên chức rất đẹp của mình. Với những phẩm chất đó giúp họ trở lên cao cả hơn và làm nên những nét riêng cho nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu dù ở thời nào vẫn luôn mải mê đi tìm
“Hạt ngọc ẩn dấu” trong con người, đó là cái độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, nó khác nhân vật nữ trong truyện ngắn của các tác giả nữ.
Qua những dẫn chứng cụ thể ở trên chúng ta thấy rất rõ những nét riêng trong cách xây dựng nhân vật ở mỗi tác giả khác nhau, dù cùng giới hay khác giới. Bởi lẽ phong cách nghệ thuật luôn luôn gắn liền với cá tính sáng tạo của nhà văn, để khẳng định sự tồn tại của mình trong đời sống văn học, mỗi nhà văn phải tạo cho mình một phong cách riêng với cá tính sáng tạo riêng vì đây là chuẩn giá trị trong sáng tạo nghệ thuật và để xác định nhà văn này khác với nhà văn kia.
Nhân vật văn học là một yếu tố nghệ thuật có vai trò quan trọng trong cấu trúc của tác phẩm. Ở thể loại truyện ngắn, nhân vật lại càng quan trọng, bởi lẽ nhân vật là nơi tập trung hết thảy mọi biểu hiện của thế giới nghệ thuật trong truyện. Gắn với mỗi phong cách tác giả lại có những kiểu nhân vật mang những đặc điểm khác nhau. Nhân vật chính là phương tiện để nhà văn thể hiện quan điểm, cách nhìn của mình đối với con người và cuộc sống.
Chương 2