Chương 2 Vận dụng quan điểm toàn diện trong giáo dục đạo dức
2.1 Tình hình kinh tế xã hội tác động đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh THPT ở Việt Nam hiện nay
2.1.1 Tình hình thế giới
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ của loài người với những bước tiến nhảy vọt nửa sau thế kỉ XX và sang đầu thế kỉ XXI đưa thế giới từ kỉ nguyên công nghiệp sang kỉ nguyên thông tin và kinh tế tri thức theo xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Đó là một xu thế khách quan mang tính hai mặt vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên nhiều phương diện; sự cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia và các tập đoàn ngày càng quyết liệt; sự giao lưu và hội nhập văn hoá ngày càng phát triển nhờ những phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nhất là những giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị che lấp. Dễ dàng có thể nhận thấy những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại cho chúng ta: có thể chỉ trong thời gian ngắn bằng thao tác kích chuột bạn có thề tìm kiếm thông tin cho mình. Nhưng không phải ai, không phải bất cứ bậc phụ huynh nào cũng có thể nhận thấy ngay hạn chế mà công nghệ thông tin đưa lại cho con em mình. Cứ ngỡ mua máy tính, nối mạng internet cho con học tập là giúp con có điều kiện tiếp xúc kiến thức nhanh nhất, tránh được những cạm bẫy ngoài xã hội. Các bậc phụ huynh đâu biết rằng trong “thế giới ảo” ấy cũng có muôn vàn cạm bẫy: những trang web
“đen”, không lành mạnh, những trò chơi mang tính bạo lực…Thực tế đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra mà đến khi cha mẹ biết được thì đã quá muộn.
Chìm đắm trong thế giới ảo ấy các em dường như quên đi nghĩa vụ của mình
là phải học tập, là phải giúp đỡ bố mẹ những công việc hàng ngày, dần dần sẽ dẫn đến thái độ thờ ơ với những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ và những người xung quanh, làm mất dần đi lòng nhân ái, tình yêu thương, quên đi những chuẩn mực đạo đức mà một học sinh, một công dân cần phải có.
Xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hoá nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc. Khi những luồng văn hoá phương Tây tràn tới giới trẻ tiếp xúc với một số quan điểm, lối sống thực dụng dần làm phai tàn đi những chuẩn mực đạo đức thiêng liêng của dân tộc dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỉ, vô cảm, thờ ơ…đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
Không những thế tình hình thế giới, tình hình khu vực có những diễn biến phức tạp, khi tình hình biển Đồng vẫn còn là “điểm nóng” rất cần một cái nhìn, một cách đáng giá đúng đắn, sáng suốt. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực hệ tư tưởng diễn ra rất gay gắt và phức tạp. Lợi dụng sự thất bại tạm thời của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực phản động trong và ngoài nước đang dùng mọi âm mưu. thủ đoạn “diễn biến hoà bình” đối với đất nước ta nhất là đối với học sinh, sinh viên - những người không sinh ra trong bom đạn chiến tranh ác liệt. Mục đích của chúng là nhằm làm tan rã hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, làm lung lạc tinh thần, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn lựa.Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến tầng lớp học sinh THPT lứa tuổi đã có sự trưởng thành nhất định về mặt thể lực, trí tuệ, có thể chỉ 15 năm nữa một trong số họ có thể trở thành người lãnh đạo đất nước, làm nảy sinh tư tưởng tiêu cực như thủ tiêu đấu tranh giai cấp, thái độ thờ ơ chính trị, mất niềm tin, phương hướng. Phải chăng là do công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng chưa được xiết chặt hay do cuộc sống xô bồ, chạy đua kinh
kiếm tiền, phó mặc việc giáo dục con cái mình cho thầy cô “chăm sự nhờ thầy cô”. Kinh tế thị trường khốc liệt khiến người ta lầm tưởng chỉ cần giáo dục cái “Tài” của thế hệ trẻ mà quên đi hoặc xem nhẹ phần “Đức”. Vẫn biết tri thức là sức mạnh nhưng đạo đức mới là cái gốc cho sự phát triển nhân cách con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thế hệ trẻ phải luôn thấn nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Người cũng đã từng ví đức là gốc của cây, là nguồn của sông. Do đó phải đặc biệt chú ý giáo dục đạo đức cho học sinh THPT - chủ nhân tương lai, những nhà lãnh đạo tương lai.
Bối cảnh thế giới đưa lại những mặt tích cực cho đời sống xã hội nhưng cũng kéo theo những thách thức trong giáo dục đạo đức cho học sinh THPT. Cần phải xác định đúng đắn những nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức phù hợp giúp học sinh định hướng cho mình những chuẩn mực đạo đức đúng đắn.
2.1.2 Tình hình trong nước
Từ sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12 năm 1986) đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới hệ thống chính trị với những bước đi thích hợp và vững chắc. Nhờ đó trong 10 năm đổi mới: chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa rất quan trọng, đất nước đã cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, nhiệm vụ cụ thể đề ra cho chặng đường đầu của thời kì quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã hoàn thành căn bản, nước ta bước sang một thời kì mới đẩy mạnh CNH - HĐH đấn nước, con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.
Từ đó công tác giáo dục đạo đức học sinh phải làm cho học sinh có thái độ đúng đắn, biết trân trọng những thành quả đổi mới, hiểu được rằng đất
nước ta phải trải qua thời gian phấn đấu, tìm tòi gian khổ mới có được kết quả như thế. Mặt khác cũng cần giáo dục để học sinh quán triệt sâu sắc công cuộc đổi mới của đất nước ta đang ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng có những khó khăn, phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực vẫn là thách thức to lớn do xuất phát của ta quá thấp lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt tệ tham nhũng, lãng phí và suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ bị xói mòn. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bị thi hành sai lệch, đó là mảnh đất thuận lợi cho “diễn biến hoà bình”.
Những vấn đề trên đây cần từng bước làm cho học sinh có nhận thức đầy đủ, giúp học sinh hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước, tăng thêm lòng yêu nước, yêu chế độ XHCN, gắn bó với truyền thống dân tộc, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cánh mạng.
Nhưng thực tế, ngay từ văn kiện Đại hội VII Đảng đã nhận định: chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục tư tưởng đạo đức còn kém, một bộ phận học sinh, sinh viên mờ nhạt về lý tưởng XHCN, số học sinh phổ thông chán học, bỏ học ngày càng nhiều…Trong văn kiện Đại hội IX Đảng cũng đưa ra nhận định: chất lượng và hiệu quả đào tạo tuy đã có những chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu, việc giáo dục đạo đức, chính trị trong các trường học chưa được quan tâm đúng mức. Trong kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX cũng nêu rõ “Về xây dựng con người Việt Nam” : yếu kém, khuyết điểm nổi bật là tình trạng xuống cấp về phẩm chất đạo đức chưa được ngăn chặn, nhiều mặt còn diễn biến phức tạp, trầm trọng hơn, trở thành sự bức xúc, lo lắng thậm chí là
bất bình trong xã hội. Công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa đạt yêu cầu.
Như vậy xuất phát từ điều kiện khách quan trong bối cảnh thế giới hiện nay đang có những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc, khi trên đất nước ta có những biến đổi toàn diện thì việc giáo dục đạo đức được coi là hàng đầu, đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí của nó. Chúng ta đang thực hiện nhất quán nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Cơ chế thị trường có mặt tích cực của nó là kích thích sản xuất, phát huy mọi khả năng sáng tạo của các thành phần kinh tế, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, của mọi doanh nghiệp, của nhân dân vào sản xuất kinh doanh để làm ra nhiều của cải nuôi sống xã hội. Do tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nên một bộ phận không nhỏ cán bộ giáo viên, đảng viên rơi vào sự suy thoái đạo đức, lối sống, không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Những tiêu cực ấy đã và đang có những ảnh hưởng trong học sinh ở những mức độ khác nhau: Điều đáng lo ngại là một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu ý thức vươn lên trong học tập và tu dưỡng, ngại khó khăn gian khổ chạy theo lối sống thực dụng. Ma tuý và các tệ nạn xã hội đang có xu hướng lây lan, thâm nhập vào các đối tượng học sinh, sinh viên.
Bối cảnh quốc tế và trong nước đã và đang đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức cho hoc sinh THPT.