CHƯƠNG I: LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.2. Thành phần thiên địch trên ruộng lúa
1.2.2 Thành phần thiên địch kí sinh
Nhóm ong kí sinh gồm rất nhiều loài khác nhau, phổ biến nhất là các loài thuộc các họ như Braconidae, Ichneumonidae, Encyrtidae, Eulophidae, Scelionidae,…. và
ruồi kí sinh chủ yếu thuộc họ Tachinidae. Nhóm này thường có kích thước rất nhỏ so với kí chủ, phần lớn côn trùng kí sinh có tính chuyên biệt cao và thường chỉ tấn công ở một giai đoạn phát triển nhất định của kí chủ như trứng, ấu trùng và nhộng. Côn trùng kí sinh thường có chu kỳ sinh trưởng rất ngắn và có thể gia tăng mật số rất nhanh so với nhiều nhóm ăn mồi. Mật số côn trùng kí sinh tùy thuộc rất nhiều vào mật số của kí chủ, vì vậy để duy trì lực lượng kí sinh này trong điều kiện tự nhiên cần có số lượng nhỏ kí chủ còn tồn tại trong đồng ruộng. Khác với nhóm ăn mồi có thể giết chết kí chủ rất nhanh, nhóm kí sinh thường giết con mồi chậm hơn, thiên địch kí sinh có thể giữ vai trò rất quan trọng trong việc khống chế hầu hết các loại côn trùng gây hại. Tuy nhiên, do kích thước của nhóm kí sinh thường quá nhỏ nên sự hiện diện của chúng không được ghi nhận và phát hiện, vì vậy việc điều tra sự hiện diện của các loài này trong điều kiện tự nhiên là rất quan trọng (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
* Ong kí sinh kén nhỏ (Braconidae)
Nhóm này rất phổ biến trong tự nhiên, có kích thước từ rất nhỏ đến nhỏ. Có thể sống nội hoặc ngoại kí sinh. Đa số thuộc nhóm kí sinh cấp một. Kí sinh chủ yếu trên ấu trùng bộ cánh vẩy, rầy mềm và ấu trùng của một số loài thuộc bộ cánh cứng. Các loài Braconids thuộc giống nội kí sinh trên rầy mềm. Một số loài hóa nhộng bên trong cơ thể (đã chết) của rầy mềm, sau khi vũ hóa, ong sẽ khoét một lỗ tròn trên cơ thể kí chủ để chui ra. Một số loài khác lại hóa nhộng bên ngoài cơ thể, kéo kén làm nhộng bên dưới cơ thể (đã chết) của kí chủ. Giống như ong cự Ichneumonid, ong Braconid có râu dài và cong (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Rất nhiều ong kí sinh họ Braconidae tấn công trên sâu gây hại bên trong cây như sâu cuốn lá, sâu đục thân. Bộ phận đẻ trứng thường rất phát triển, đặc biệt ở các loài thuộc giống Tenobracon và Macrocentrus (Kashoven, 1981).
Giống Apanteles gồm những loài có kích thước rất nhỏ (1,5 - 3mm), màu đen, ống đẻ trứng ngắn. Nội kí sinh trong cơ thể ấu trùng bộ cánh vẩy, nhiều loài thuộc giống Apanteles chỉ đẻ 1 trứng trong cơ thể kí chủ và một số loài khác đẻ rất nhiều trứng trong một kí chủ. Giai đoạn ấu trùng sống hoàn toàn bên trong cơ thể kí chủ, sau
khi phát triển đầy đủ, ấu trùng chui ra bên ngoài cơ thể kí chủ, kéo kén hóa nhộng bên xác kí chủ (Kashoven, 1981).
* Ong cự (Ichneumonidae)
Ong cự kí sinh họ Ichneumonidae thường có kích thước lớn, dài so với ong kén nhỏ (Braconidae). Râu dài, cong, có từ 16 đốt trở lên. Con cái thường có ống đẻ trứng nhọn, dài, thường đẻ trứng xuyên qua cành non (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Đa số kí sinh trên ấu trùng bộ cánh vẩy, ruồi và cả côn trùng đục gỗ. Một số loài là kí sinh bậc hai trên các loài ong và ruồi kí sinh (Kalsoven, 1981).
Sau khi ăn phá bên trong cơ thể kí chủ, ong chui ra ngoài để làm nhộng trong một cái kén rất đặc biệt có hoa văn và kén được treo gần vị trí sâu kí sinh với sợi tơ (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
* Ong kí sinh (Encyrtidae)
Nhóm này gồm rất nhiều loài khác nhau, giữ một vai trò rất quan trọng trong công tác phòng trừ sinh học. Thành trùng có kích thước rất nhỏ, râu đầu thường gấp khúc rất rõ ràng. Rất nhiều loài thuộc nhóm này sống nội kí sinh trên rệp dính và rầy bông, tuy nhiên nhiều loài khác trong nhóm này có khả năng tấn công cả ấu trùng của bộ cánh vẩy và ấu trùng bộ cánh cứng. Một số loài khác kí sinh trên trứng. Trong nhóm này cũng có một số loài thuộc nhóm kí sinh bậc hai (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Ong đa phôi Copidosomopsis nacoleiae Eady kí sinh sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành có màu xám đến màu đen, khó nhìn bằng mắt thường. Nhìn dưới kính hiển vi cánh của chúng có lông ngắn. Loài ong này thường tìm trứng sâu cuốn lá nhỏ ở cả ruộng nước lẫn ruộng khô. Ong đẻ trứng trên trứng sâu cuốn lá nhỏ và ong non kí sinh phát triển trong cơ thể sâu cuốn lá nhỏ kể cả sau khi trứng kí chủ đã nở. Trứng ong, phân cắt nhiều lần và 200 - 300 ong có thể được sinh ra từ một vài trứng. Có thể nhìn thấy hàng trăm con nhộng của loài ong này trong da của sâu cuốn lá nhỏ. Ong kí sinh trưởng thành chỉ sống 2 - 3 ngày (Shepar et al., 1989).
* Ong nhỏ kí sinh (Eulophidae)
Cơ thể thường có màu sắc kim loại. Đa số thuộc nhóm ngoại kí sinh. Thành trùng cái làm tê liệt kí chủ trước khi đẻ trứng trên cơ thể của kí chủ, ấu trùng sống ngoại kí sinh trên kí chủ. Một số loài ong khác kí sinh trên trứng và ấu trùng sâu đục lòn trong lá. Một số loài khác thuộc kí sinh bậc hai (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Hai phân họ Eulophinae và Entedoninae gồm chủ yếu các loài ong kí sinh trên các loài sâu đục lòn trong lá hoặc sâu đục thân (Kalshoven, 1981).
* Ong kí sinh trứng (Scelionidae)
Có kích thước rất nhỏ, thường kí sinh trên trứng của nhiều loài côn trùng và nhện.
Trong tự nhiên trứng của các loại bọ xít thường bị các loại ong kí sinh Trissolcus tấn công, trái lại giống Telomus chủ yếu tấn công trên trứng bộ cánh vẩy ( Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
* Ong kí sinh trứng (Trichogrammatidae)
Gồm những loài có kích thước rất nhỏ, khó có thể quan sát được nếu không có kính phóng đại. Kí sinh chủ yếu trên trứng của các loại côn trùng thuộc bộ cánh vẩy, mỗi trứng có thể bị đến ba con kí sinh gây hại cùng một lúc (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Sau khi vũ hóa, thành trùng bắt cặp rất sớm. Con cái không thụ tinh hầu như chỉ sản sinh ong đực. Phát triển rất nhanh, trong khoảng 7 - 14 ngày. Một con cái có thể sản sinh ra 20 - 50 cá thể (Kalshoven, 1981).
* Ruồi kí sinh (Tachinidae)
Gồm rất nhiều loài chuyên tấn công trên các loài côn trùng khác (Kalshoven, 1981).
Kí sinh trên nhiều nhóm kí chủ khác nhau như ấu trùng bộ Cánh vẩy, ấu trùng các loại ong ăn lá, bọ xít và cả bộ cánh cứng. Thành trùng ruồi kí sinh thường có kích thước trung bình, cơ thể phủ đầy lông, nhìn rất giống ruồi nhà. Rất nhiều loài đẻ trứng ngay trên cơ thể kí chủ hoặc gần chỗ kí chủ sinh sống. Ấu trùng mới nở sẽ chui vào cơ thể kí chủ và sống nội kí sinh bên trong cơ thể của kí chủ. Sau khi hoàn thành giai đoạn ấu trùng, ruồi kí sinh thường hóa nhộng bên ngoài cơ thể của kí chủ (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2002).
Thành trùng thường hiện diện dưới ánh sáng mặt trời, trên bông, loài lớn nhất dài khoảng 15mm, loài nhỏ nhất, dài khoảng 3mm. Ruồi kí sinh thường ít chuyên biệt như các loài ong kí sinh (Kalshoven, 1981).
* Ong kí sinh sâu cuốn lá nhỏ (Bethylidae)
Là các loài ong giống kiến, thân bẹp, có cánh ít gân. Loài Goniozus sp. có thân đen và cánh màng trong. Ong bò lên lá lúa, tìm sâu cuốn lá ở ruộng ẩm và ruộng khô.
Ong chui vào những lá lúa bị cuốn và làm tê liệt sâu kí chủ trước khi đẻ 3 - 8 quả trứng lên bên ngoài thân kí chủ (Shepar et al., 1989).
* Ong đen kí sinh (Elasmidae)
Họ ong kí sinh Elasmidae là các loài ong nhỏ, dài, bụng có đốm. Đốt bụng gần chân to và hình dĩa. Ong Elasmus đen, bụng có màu đen đỏ. Chúng xuất hiện ở tất cả môi trường trồng lúa và kí sinh sâu cuốn lá. Chúng đẻ 1 - 2 trứng vào một sâu non hoặc sâu tuổi lớn. ong non Elasmus rất hiếu chiến và giết chết tất cả các sâu non kí sinh khác xuất hiện bên trong kí chủ. Ong trưởng thành chui ra từ sâu non hoặc nhộng kí chủ và sống 2 - 4 ngày (Shepar et al., 1989).
* Ong kí sinh (Chalcididae)
Gồm nhiều loài có kích thước lớn (có thể dài đến 12mm). Trong họ này, có giống Brachymeria hiện diện rất phổ biến, các loài ong thuộc giống Brachymeria thường có hình dạng giống như các loài ong mật nhỏ, tuy nhiên gân cánh thì hoàn toàn khác hẳn, gồm nhiều loài kí sinh bậc một và bậc hai trên ấu trùng bộ cánh vẩy (Kalshoven, 1981).
Loài Brachymeria euploeae là loài kí sinh phổ biến tại vùng Đông Nam Châu Á, phổ kí chủ của loài này rất rộng. Tại Java, loài này được ghi nhận kí sinh trên sâu họ Hesperidae (Hidari, Erionota), Noctuidae (Plusia, Pygaera), Limacodidae (Parasa) và Pyralidae (Kalshoven, 1981).