Thời gian phát hiện bệnh

Một phần của tài liệu tìm hiểu mức độ thiếu hụt kiến thức về bệnh của các bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại khoa nội tiết- bệnh viện bạch mai năm 2012- 2013 bằng bộ câu hỏi adknowl (Trang 43 - 49)

2. Giới thiệu về bộ câu hỏi ADKnowl (Audit of Diabetes Knowledge)

4.1.6. Thời gian phát hiện bệnh

Thời gian mắc bệnh liên quan đến kiến thức, hành vi và thái độ chăm sóc bệnh. Qua nghiên cứu 200 BN tôi thấy, thời gian phát hiện bệnh <1 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (32.5%), thời gian phát hiện bệnh từ 1-5 năm, 6-10 năm và >10 năm lần lượt là: 23,5%, 16%, 28%.

So với nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan 2012, BN có thời gian phát hiện bệnh <1 năm, 1-5 năm, 6-10 năm, >10 năm lần lượt là: 10%, 19%, 25% và 46% [9].

Sở dĩ có sự khác nhau đó là do tác giả chọn mẫu nghiên cứu trên các BN có tiêm insulin tại nhà nên có thời gian mắc bệnh lâu hơn các bệnh nhân trong nghiên cứu của tôi.

Mặt khác với những BN có thời gian mắc bệnh <1 năm, tỷ lệ chưa xuất hiện biến chứng của bệnh là 18% cao hơn tỷ lệ đã xuất hiện biến chứng của bệnh (14,5%). Và với những BN có thời gian mắc bệnh >1 năm thì tỷ lệ chưa xuất hiện biến chứng nào của bệnh lại thấp hơn tỷ lệ đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Đặc biệt với các BN có thời gian mắc bệnh trên 10 năm thì

tỷ lệ đã xuất hiện các biến chứng của bệnh (23%) cao hơn hẳn tỷ lệ chưa xuất hiện biến chứng nào của bệnh (5%). Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng các bệnh mãn tính nói chung và bệnh ĐTĐ nói riêng tại VN cũng như toàn thế giới.

4.2.Về mức độ kiến thức của bệnh nhân đái tháo đường.

Giáo dục giúp mọi người đạt được những mức độ kiến thức theo mong muốn. Ở các BN mắc ĐTĐ là một bệnh mạn tính, các BN phải có tư tưởng chung sống suốt đời với căn bệnh này. Và việc xuất hiện các biến chứng của bệnh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, để thực hiện chăm sóc bệnh đạt hiệu quả, hạn chế các biến chứng nhất thiết các BN phải trang bị cho mình một mức độ kiến thức đạt yêu cầu. Và nhiệm vụ đặt ra của ngành y tế đối với căn bệnh không lây nhiễm nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao này là phải tiến hành truyền thông giáo dục sức khỏe cho BN và toàn cộng đồng. Nhưng để xác định xem các BN mắc bệnh thiếu hụt kiến thức trầm trọng nhất ở mảng nào của chăm sóc bệnh để có biện pháp giáo dục phù hợp thì lại là vấn đề chưa được tiến hành.

Vì vậy, khi tiến hành nghiên cứu này trên 200 BN với việc sử dụng bộ câu hỏi ADKnowl được đánh giá là rất hữu ích trong việc đánh giá kiến thức của BN ở tất cả các mục liên quan đến chăm sóc và tự theo dõi bệnh, tôi nhận thấy (biểu đồ 3.9):

+ Thiếu hụt kiến thức lớn nhất xuất hiện trong theo dõi xét nghiệm HbA1c khi có đến 75% số BN được đánh giá là hiểu biết kém về điều này. Hơn nữa chỉ có 26% BN nhận ra rằng “HbA1c là giá trị phản ánh mức độ ổn định của đường huyết trong vòng 6-8 tuần”. Kết quả này thấp hơn trong NC của Speight J & Bradley C (2001), trong nghiên cứu của tác giả có 49,4% BN [21] nhận ra đúng điều này là do tác giả tiến hành NC trên quần thể BN điều trị ngoại trú tại một phòng khám, họ được đánh giá kiến thức hàng tháng nên

có thể trước đó họ đã có một mức độ kiến thức về điều này. Đồng thời trong nghiên cứu của tác giả không tìm thấy mối tương quan giữa kiến thức liên quan đến HbA1c với gía trị XN này của BN khi tham gia điều trị. Trong NC của tôi cũng chỉ có 41% BN có HbA1c thấp <7% là đưa ra nhận định chính xác về ý nghĩa của HbA1c.

+ Tiếp theo thiếu hụt KT được xác định liên quan đến chăm sóc bàn chân với 75 BN chiếm 32,5% có hiểu biết mức kém.

Cụ thể là hầu hết các bệnh nhân (khoảng 60%) trong nghiên cứu của tôi đều không biết rằng “họ có thể bị mất cảm giác hoặc nếu có vết thương thì sẽ lâu liền hơn so với người bình thường”, có thể là do họ không kiểm tra bàn chân hàng ngày nên họ không biết mình bị thương từ khi nào. Về kiến thức lựa chọn giầy dép dành riêng cho BN ĐTĐ thì chỉ có 61% BN biết được rằng họ nên dùng loại giầy có dây buộc hoặc giầy thể thao để đi lại hàng ngày nhằm bảo vệ đôi chân phòng các thương tổn. Y văn trên thế giới cho rằng đi chân trần thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng bàn chân và cắt cụt chi ở các BN mắc ĐTĐ. Tuy nhiên trong NC của tôi vẫn còn 43% BN cho rằng nên sử dụng giầy dép hở mũi đi lại, điều này là hoàn toàn sai lầm.

Trong nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001), chỉ có 24,5% BN có kiến thức về cách cắt tỉa móng tay, móng chân, còn trong nghiên cứu của tôi, có 63,5% BN biết cách cắt tỉa móng hợp lý. Theo tác giả kiến thức liên quan đến cắt tỉa móng chân thiếu hụt ở những người mắc bệnh lâu năm [25]. Trong NC của tôi, những BN mới mắc có 23 trong số 65 BN BN chiếm 35,4% không biết phải cắt lựa theo hình móng, còn trong số 32 BN mắc từ 6- 10 năm lại có đến 19 BN chiếm 59,375% không biết đên khuyến cáo này. Kết quả này giống với NC của Speight & Bradley 2001, điều này cho thấy cần thiết phải tái giáo dục trên những BN mắc bệnh lâu năm.

+ Ngoài ra, kiến thức về tự theo dõi và khám định kỳ các chức năng của các cơ quan trong cơ thể cũng được xác định là rất yếu kém khi kết quả cho thấy chỉ có 20%- 40% BN biết rằng họ cần phải đi khám định kỳ các tổn thương thần kinh ngoại vi và mắt. Điều này xảy ra là do thực tế các BN của chúng ta đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng họ chỉ làm xét nghiệm đường máu thường quy và kiểm tra huyết áp. Rất ít BN được khám mắt và các chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể một phần vì thiếu trang thiết bị tại các tuyến y tế cơ sở, mặt khác họ nghĩ rằng không cần thiết vì họ chưa gặp phải những thay đổi sinh lý ở các cơ quan này. Điều đó làm cho công tác điều trị bệnh của các thầy thuốc nước ta gặp rất nhiều khó khăn vì phảo điều trị phối hợp nhiều bệnh lý đi kèm. Thực tế trong kết quả nghiên cứu của tôi, chỉ có 40% BN biết nên khám mắt định kỳ, nhưng vẫn có một tỷ lệ lớn (18%) BN cho rằng “không cần thiết khám mắt hàng năm nếu trước đó mắt họ hoàn toàn khỏe mạnh”. Kết quả này phù hợp với tình hình mắc bệnh tại Việt nam khi mà người dân vẫn rất thụ động trong tiếp nhận kiến thức và thực hiện hành vi mặc dù họ mắc các bệnh mạn tính.

+ Tiếp theo thiếu hụt xuất hiện ở mục “Ảnh hưởng của rượu và thuốc lá đến đường huyết” khi kết quả biểu đồ 3.9 cho thấy: có tới 36% BN có kiến thức kém về tác động của rượu, thuốc lá đến đường huyết và chỉ có 45% bệnh nhân nhận ra rằng hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ cắt cụt chi nhất là ở các bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường. Theo nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001), có 67,2% BN có kiến thức đúng về điều này. Vậy kết quả nghiên cứu của tôi thấp hơn của tác giả có thể là do ở nước ngoài tỷ lệ người hút thuốc lá cao hơn ở Việt nam kể cả nữ giới nên khi họ mắc bệnh họ sẽ quan tâm tìm hiểu đến nó nhiều hơn và kết quả là họ có kiến thức tốt hơn.

+Cải thiện chế độ ăn góp phần lớn vào công tác điều trị của các BN ĐTĐ nói chung và typ 2 nói riêng. Nhưng kiến thức về dinh dưỡng và chế độ ăn của BN vẫn rất kém khi có 21% BN chưa có kiến thức về điều này. Cụ thể là: có đến 78,5% BN không nhận ra mặt sai của nhận định “Ăn lượng đường

bằng lượng chất xơ”. Theo nghiên cứu của McIntosh Miller (2001), bệnh

nhân đái đường ăn nhiều chất xơ từ nguồn tự nhiên, đặc biệt là quả chín (chứa 50% chất xơ hòa tan) trong vòng 6 tuần đã cải thiện có ý nghĩa chỉ số đường huyết và lipid máu [19]. Trong NC này, tôi nhận thấy chỉ có 79% BN biết rằng “Chất xơ giúp cải thiện tốt đường huyết” và có đến 18,5% BN không biết đến khuyến nghị này dành cho BN ĐTĐ. Vì vậy, bác sĩ và nhân viên y tế cần tư vấn cho BN về tầm quan trọng của rau quả trong chế độ ăn của BN ĐTĐ.

Hầu hết kiến thức về “các biến chứng của bệnh đái tháo đường” đều bị thiếu hụt ở các bệnh nhân trong nghiên cứu của tôi, chỉ có 21% BN biết đến biến chứng thần kinh ngoại vi, 27% BN biết đến biến chứng mắt và 25,5% BN biết đến biến chứng thận là các biến chứng thường gặp của bệnh ĐTĐ. Kết quả này thấp hơn kết quả của Speight J & Bradley C (2001), theo tác giả có 89,8%, 86,7%, 92,6% BN biết đến lần lượt các biến chứng TKNV, mắt, thận. Điều này lý giải là do ở nước ta, hệ thống giáo dục sức khỏe phát triển chưa mạnh và chưa đồng đều giữa các vùng, hơn nữa ở nước ngoài hệ thống bác sĩ gia đình phát triển rộng khắp và hoàn thiện, các bệnh nhân mắc bệnh đều nhận được những lời tư vấn và chăm sóc rất nhiệt tình, chu đáo của hệ thống y tế này nên họ có được những kiến thức rất tốt về bệnh cũng như cách phòng chống các biến chứng của bệnh.

Hạ đường huyết là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân mắc đái tháo đường, nó thường xuyên xảy ra và xuất hiện các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nồng độ đường huyết. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hạ đường huyết như: bỏ bữa, dùng thuốc quá liều, hoạt động thể lực quá mức,

hoặc có một chế độ ăn quá khắt khe. Tuy nhiên trong nghiên cứu của tôi vẫn có 23,5% BN không biết rằng họ có nguy cơ bị hạ đường huyết nếu họ hoạt động thể lực quá mức.

Trong các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết thì có một tỷ lệ lớn BN (chiếm 98%) biết đến hai triệu chứng điển hình là: vã mồ hôi và hoa mắt chóng mặt còn các dấu hiệu khác như nói ngọng, nói khó, rối loạn ý thức thì BN thường không biết đến, có thể là do họ chưa trải qua các triệu chứng đó.

Về cách xử trí khi bị hạ đường huyết thì có một tỷ lệ lớn BN biết cách xử trí đó là: ngay lập tức ăn hoặc uống các loại thức ăn ngọt và nghỉ ngơi 15 phút. Nhưng có tới 20,5% BN không biết rằng “cần phải kiểm tra đường huyết” ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu của hạ đường huyết. Và có 12,5% BN sai lầm khi nghĩ rằng: “nếu bị hạ đường huyết thì cần dùng insulin hoặc thuốc viên ngay lập tức”, điều này có thể dẫn tới nguy cơ bị hôn mê do hạ đường huyết nếu BN không biết cách xử trí đúng. Thông thường tiêm insulin hay gặp phải nguy cơ bị HĐH hơn những BN uống thuốc. Chính vì vậy mà số BN trong NC của tôi có kiến thức rất tốt khi được hỏi về cách xử trí HĐH ( biểu đồ 3.7).

+ Thiếu hụt kiến thức cũng được thấy rõ trong những câu hỏi liên quan đến bệnh nhân điều trị bằng thuốc viên hoặc insulin trong những ngày bị ốm. Cụ thể là:

Với các BN dùng thuốc viên điều trị thì chỉ có 57,1% BN nhận ra được mặt sai của nhận định “Không dùng thuốc viên nếu bỏ bữa”, vẫn còn 17,5% BN nghĩ rằng: “thuốc viên không cần thiết phải dùng hàng ngày và sẽ ngừng dùng nếu kiểm tra đường niệu âm tính”. Khi được hỏi họ nghĩ thế nào nếu đang trong quá trình dùng thuốc mà bị bệnh hoặc không ăn uống được, thì có 91,2% BN biết rằng họ cần phải kiểm tra đường huyết ngay, số còn lại họ không biết phải xử trí thế nào. Tổng điểm chung của các câu hỏi mục này cho

kết quả: 41,2% BN có kiến thức kém, chỉ có 9,5% BN có kiến thức tốt ( biểu đồ 3.14). Đây thực sự là những thiếu hụt trầm trọng của các bệnh nhân mà các bác sĩ cần phải giải thích rõ ràng cho họ sau khi họ ra viện giúp họ tuân thủ chế độ điều trị tốt hơn góp phần đạt hiệu quả điều trị cao hơn.

+ Còn với các BN dùng insulin để điều trị thì họ cũng rất thiếu hiểu biết về cách điều chỉnh liều lượng insulin khi họ bị mệt hoặc họ có hoạt động thể lực tăng lên. Cụ thể là chỉ có 17,7% BN biết là họ cần phải giảm liều insulin và vẫn ăn uống bình thường nếu họ có tăng hoạt động thể lực thì mới đảm bảo đường huyết không bị hạ xuống quá mức bình thường. Kết quả này so với nghiên cứu của Speight J & Bradley C (2001) thì thấp hơn, theo kết quả của tác giả có 49,4% BN có nhận thức đúng về điều này [25]. Từ biểu đồ 3.15 cho thấy BN thiếu hụt rất trầm trọng (chỉ có 5,2% BN có kiến thức tốt) các kiến thức liên quan đến điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp với sức khỏe và tình trạng vận động. Như vậy, một lần nữa lý giải cho mức thiếu hụt trầm trọng này là do hệ thống giáo dục sức khỏe ở nước ta còn yếu kém và BN của chúng ta cũng rất thụ động trong việc tìm hiểu kiến thức về bệnh để trang bị cho mình những kiến thức trong phòng và điều trị bệnh.

Một phần của tài liệu tìm hiểu mức độ thiếu hụt kiến thức về bệnh của các bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại khoa nội tiết- bệnh viện bạch mai năm 2012- 2013 bằng bộ câu hỏi adknowl (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w