CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Một số giải pháp nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại vùng chè Tân Cương
3.5.1. Tăng cường cơ sở vật chất cho du lịch
Đầu tư xây dựng mở rộng các mô quy mô và số lượng các dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch trên địa bàn vùng chè Tân Cương.
Cần chú ý đến kiến trúc xây dựng và kết cấu hạ tầng để phù hợp với cảnh quan môi trường. Triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa bản địa: những phong tục tập quán, sinh hoạt, sản xuất, những trò chơi dân gian... cần có kế hoạch, biện pháp phù hợp để duy trì và không ngừng làm phong phú các giá trị này, tránh làm mai một, biến dạng.
Triển khai thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về công tác du lịch về việc tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn thân thiện.
Tăng cường mở rộng hợp tác, thu hút vốn đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Chú trọng các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ tài trợ cho phát triển du lịch về quy hoạch.
3.5.2. Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực
Mở các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ du lịch như: lễ tân, thuyết minh, giao tiếp cho lao động trực tiếp và gián tiếp mở các lớp phổ biến chủ trương, ý nghĩa của du lịch cho cả cộng đồng dân cư, chú trọng việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng làm du lịch tại địa phương.
Mở lớp học tiếng anh giao tiếp và tổ chức thi học viên nói tiếng anh giỏi cho các hộ tham gia du lịch trong cộng đồng. Tuyển dụng thêm cán bộ có trình độ ngoại ngữ.
Tổ chức các chuyến thăm quan thực tế tại các địa phương, vùng miền trong cả nước đang phát triển tốt các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... để học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho việc phát triển du lịch Thái Nguyên nói chung và du lịch tại vùng chè Tân Cương nói riêng.
3.5.3. Nâng cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch
Phối hợp với các chuyên gia tư vấn khảo sát đánh giá thực tế các tài nguyên du lịch: Làng văn hóa du lịch cộng đồng “Vùng chè đặc sản Tân Cương”; khu du lịch nghỉ dưỡng Phúc Xuân.
Sưu tầm, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian với các loại hình: Dân vũ truyền thống: múa mừng cơm mới, múa Tắc Slình, múa dâng trà...;
một số làn điệu dân ca: Hát soong cổ, hát trầu văn, hát then.... và các loại hình nhạc cụ dân tộc: đàn Tính, trống, đàn Nguyệt, mõ, sáo Bầu, sáo Mèo...
Tổ chức sưu tầm tập huấn chế biến các món ăn dân tộc phục vụ khách du lịch.
Duy trì các câu lạc bộ văn hóa Trà: Thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Trà, trình diễn pha trà phục vụ khách du lịch.
Hàng năm, duy trì tổ chức lễ hội “Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” nhằm quảng bá sản phẩm, truyền thống văn hóa cho nhân dân và khách tham quan.
3.5.4. Quy hoạch mở rộng quy mô một số hộ dân sản xuất chè theo hướng phát triển du lịch
Tiếp tục thực hiện đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020, áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt vào sản xuất chè. Đưa các giống năng suất, chất lượng vào sản xuất theo VietGAP. Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường chế biến sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nâng cao sức khỏe gắn với bảo vệ môi trường sinh thái xanh sạch đẹp.
Xây dựng vùng chè sinh thái gắn với du lịch cảnh quan Hồ Núi Cốc.
Mở rộng và ổn định diện tích chè qua các năm. Gắn phát triển chè với du lịch cộng đồng; giúp du khách đến thăm quan được tham gia mô hình trải nghiệm với cây chè, khai thác có hiệu quả không gian văn hóa trà. Chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo hướng VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ hiện đại.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật đối với ngành chè, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè đặc sản Tân Cương, TP.Thái Nguyên.
Tiếp tục quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH đối với các vùng trồng chè tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho ngành chè.
3.5.5. Xây dựng các tuyến du lịch liên kết
Xây dựng các tuyến du lịch liên kết với các điểm du lịch của tỉnh và các vùng lân cận nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu yêu cầu của khách du lịch khi đến với vùng chè Tân Cương như:
- Trung tâm Tp Thái Nguyên - Vùng chè Tân Cương - khu du lịch Hồ Núi Cốc.
- Trung tâm Tp Thái Nguyên - Vùng chè Tân Cương - Làng nghề bánh trưng Bờ Đậu - Đền Đuổm (huyện Phú Lương) - ATK (Định Hóa).
- Trung tâm Tp Thái Nguyên - chùa Hang (huyện Đồng Hỷ) - Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà...
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ