8. Kết cấu của luận văn
1.2. Các tội về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân
Trong lịch sử phát triển của đất nước, pháp luật của các triều đại phong kiến Việt Nam luôn chú trọng tới việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, ở thời kỳ này các quy tắc xử sự chung chỉ được thể hiện qua các chiếu chỉ, dụ, sắc lệnh của nhà vua mà chưa được pháp điển hóa thành các quy định thành văn mang tính hệ thống; việc pháp luật thành văn được phát triển khoảng từ đầu thế kỷ XI, thời nhà Lý. Trong sách Đại Việt sử kí toàn thư Ngô Sĩ Liên viết:
Trước kia, việc kiện tụng trong nhà nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí nhiều người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện… [Dẫn theo 24, tr. 14].
Thời nhà Trần, Hình luật cũng khá được chú trọng, tuy nhiên do ảnh hưởng nhiều yếu tố đặc biệt là do thời gian và chiến tranh nên cho tới nay các bộ hình luật này đều bị thất truyền. Trong hơn 360 năm tồn tại, triều đại nhà Lê đã để lại những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật và điển chế. Trong đó có thể kể tới các đạo luật "Quốc triều hình luật", "Lê triều quan chế", "Thiên Nam dư hạ tập", "Hồng Đức thiện chính thư"… Tuy nhiên, nổi bật và quan trọng nhất trong số các đạo luật thời này là Bộ "Quốc triều hình luật", gồm 6 tập được hoàn thiện dưới thời vua Lê Thánh Tông. "Quốc triều hình luật" là thành tựu chung của toàn bộ nền pháp luật thời Lê với nhiều lần được bổ sung và hoàn chỉnh. Đạo luật này không chỉ điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực hình sự mà còn điều chỉnh các quan
hệ khác như hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân gia đình… Tuy nhiên, do những hạn chế khách quan mà chế tài do vi phạm các quan hệ xã hội được đạo luật bảo vệ đều là những chế tài mang tính hình sự. "Quốc triều hình luật" có các quy định riêng về các tội phạm trong lĩnh vực hình sự, trong đó có các tội phạm liên quan đến vũ khí, khí tài quân sự được quy định trong chương Quân chính, điều này được lý giải bởi hoàn cảnh lịch sử do đất nước luôn phải đối mặt với tình trạng chiến tranh chống quân xâm lược, do đó, vấn đề vũ khí được quy định nghiệm ngặt, nhất là trong công tác quản lý của nhà binh, còn đối với việc sử dụng vũ khí thì không được đưa vào để áp dụng các chế tài của triều đình do thời kỳ này, vũ khí chỉ là những VKTS, thậm chí là các phương tiện dùng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, không có khả năng sát thương hàng loạt và do đó việc sử dụng như thế nào không được triều đình đặt ra. Điều 13 chương Quân chính trong bộ luật quy định:
Những người giữ kho vũ khí, bán trộm đồ binh khí, thì phải chém; lại phải bồi thường gấp đôi, rồi sung công; viên chánh phó ngũ trưởng không xem xét để cho lính bán trộm mà không phát giác ra, thì bị biếm hoặc bị đồ. Người lính ở trong ngũ ấy biết mà không cáo thì bị tội đánh một trăm trượng, và bị giáng chức; nếu báo cáo và bắt được người bán trộm thì được miễn tội. Quan cai quản không răn đe để cho lính ăn trộm, thì phải biếm hay bị phạt. Nếu chính viên ấy bán trộm thì tội cũng thế [48, tr. 126].
Như vậy có thể thấy, Quốc triều hình luật quy định hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi bán trộm đồ quân khí do những người có trách nhiệm quản lý gây ra (hình phạt chém), luật quy định luôn cả chế tài dân sự, đó là việc phải bồi thường cho triều đình do hành vi phạm tội gây ra. Bên cạnh đó, hình phạt biếm (phạt tiền) cũng được quy định và áp dụng rất phổ biến, đây là một điểm có thể nghiên cứu học tập trong quá trình lập pháp hiện tại. Về hành vi vận chuyển quân khí, triều đình cũng chỉ quy định áp dụng chế tài nếu vi phạm trong quá trình chống giặc ngoại xâm, đó là việc cố tình chậm
trễ trong việc vận chuyển ra trận tuyến, mức độ nghiêm khắc của hình phạt được tính trên cơ sở thời gian để chậm trễ trong việc vận chuyển:
Những người nhận đồ quân khí, đã nhận xong mà dùng dằng không chuyển vận đến nơi đánh giặc, chậm mười ngày thì phạt 80 trượng; chậm một tháng thì biếm một tư; chậm hơn 100 ngày thì khép vào tội ăn trộm mà giảm cho 2 bậc. Nếu làm hư hỏng hay bỏ mất, thì cũng như tội ăn trộm. Trong khi đánh giặc mà tổn mất đồ quân khí thì không phải tội. Nhân đã qua trận mạc mà giấu đồ quân khí, thì phải biếm hay bị đồ; và phải đền số tiền giấu đồ quân khí sung công… [48, tr. 129].
Luật cũng quy định yếu tố giảm nhẹ nếu cố ý làm mất, hay có hành vi trộm đối với các vật dụng phục vụ chiến đấu nhưng tính chất không quan trọng như: "giấu đồ nghi trượng (cờ, tán v.v...) thì được giảm hai bậc" [48, tr. 129].
Một hành vi khác liên quan đến trách nhiệm của người cai quản vũ khí được quy định trong Quốc triều hình luật là đối với người có trách nhiệm trông coi vũ khí nhưng có những hành vi liên quan đến ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm định mức vũ khí phục vụ việc quân và hành vi tự tiện phân phối vũ khí khi chưa có lệnh (tương ứng với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong luật hiện hành):
Người coi kho vũ khí thấy trong kho quân khí thiếu hụt mà không xin chế tạo thêm vào thì phải biếm hai tư. Những đồ vật trong kho, không có giấy cho phát ra mà phát ra thì xử tội thêm một bậc. Dẫu có chiếu chỉ cho phát, nhưng chưa nhận được công văn mà đã phát trước, thì phải phạt 60 trượng; phát đồ nghi trượng thì phải phạt 30 roi [48, tr. 131].
Về hành vi tương ứng với hành vi sử dụng VKQD trong pháp luật hiện hành, Quốc triều hình luật quy định tại Điều 34: "Những quan quân thị vệ mà đồ binh, trượng, khí giới, bài đeo, nón, không theo đúng số hiệu, hình thức của hiệu quân mình thì đều xử tội biếm hay đồ; nếu có ý gian trá thì sẽ
theo sự tình nặng nhẹ mà xử thêm tội" [48, tr. 133]; theo đó, nếu không sử dụng đúng loại quân khí đã được triều đình quy định thì cũng bị coi là tội phạm và phải chịu hình phạt, tuy nhiên chế tài áp dụng đối với hành vi này là
"biếm" hay "đồ" được coi là nhẹ hơn so với các hành vi khác gây mất mát, thiệt hại quân khí của triều đình.
Hành vi liên quan đến mua bán vũ khí được quy định tại Điều 26 nằm trong chương Cấm vệ với những hình phạt hết sức nghiêm khắc.
Những người đem binh khí và các thứ thuốc có thể chế hỏa pháo, hỏa tiễn bán cho nước ngoài hay tiết lộ việc quân cơ ra nước ngoài đều phải tội chém. Nếu bán binh khí không đến 10 cái, thuốc súng không đến 10 cân, thì bị xử lưu đi châu xa, bán đồng và sắt thì bị xử lưu đi châu gần… [48, tr. 69].
Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng và tầm quan trọng của mối quan hệ xã hội mà triều đình xác định nếu có hành vi vi phạm. Về hành vi tàng trữ vũ khí được quy định như sau:
Các vương hầu, quan liêu xuống đến dân thường cấm chứa trong nhà những đồ binh khí (là các thứ súng, kích, giáo, gậy, ống hỏa hổ, nỏ và tên, áo giáp, mộc, cùng những thứ có mũi nhọn. Dao và gươm thì không cấm, cung tên để luyện tập cũng không cấm), cùng là chế tạo riêng những đồ nói trên, và cầm binh khí đi lại ngoài đường. Những tướng hiệu được lệnh sửa chữa binh khí thì không theo luật này. Quan quân phải cất để những đồ binh khí trong kho hoàng thành. Các quan tướng và chánh phó lãnh binh cùng là quân ra đóng ở các trấn thì đồ binh khí phải cất ở các kho tàng. Các quan giữ các sảnh, quan giữ cửa bể, quan giữ cửa quan và các đội lính phải cất binh khí ở kho tàng. Quan liêu các đạo cất binh khí ở kho nơi mình làm quan, nhân dân thì phải thu mà cất vào kho của quan ở bản hạt; nếu có việc thì xin chỉ vua lấy ra mà dùng, nếu không có việc thì không được dùng càn. Những lính túc vệ tập
luyện và lính đóng đồn tập luyện đều được phép mang cầm binh khí đúng phép, nhưng không được đem địa hạt khác; nếu trái thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà bắt tội biếm, đồ hay lưu [48, tr. 70].
Quy định trên thể hiện Quốc triều hình luật rất quan tâm và bảo vệ nghiêm ngặt vấn đề liên quan đến quân khí, nhất là quân khí quan trọng, có độ sát thương cao, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc luyện tập và chiến đấu của quan binh triều đình, các vũ khí phổ biến, thậm chí là phổ biến trong đời sống, sinh hoạt như gươm, dao v.v... thì không bị cấm cất giữ, vận chuyển.
Hoàng Việt Luật lệ (hay còn gọi là Luật Gia Long) được xây dựng và hoàn thiện dưới triều vua Gia Long - nhà Nguyễn, Luật Gia Long được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật nổi tiếng nhất trong lịch sử đất nước khi đó là Bộ "Quốc triều hình luật", nhưng với số lượng chương, điều lớn hơn, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Hình luật cũng được quy định rất cụ thể và chi tiết. Hành vi mua bán quân khí được quy định tại Điều 13, quyển III về tội "Tư mại quân khí" (lén bán quân khí):
"Phàm quân nhân đem đồ quan cấp cho mình như quần áo, đao, thương, cờ, xí và vũ khí, quân khí mà bán riêng cho thường dân. Phạt 100 trượng, phát phối ra biên giới xa thì sung lính" [33, tr. 497].
Tư gia không có cách sắm vũ khí, mà mua nó làm vật tư hữu thì phạt 80 trượng. Mỗi món thêm một bậc tội, mút tội là 100 trượng lưu đày 3000 dặm. Những quân khí đã mua, bất cứ là món nào, bao nhiêu tiền thì đều cho vào nhà quan cả. Không kể là mua bán. Tội buộc vào người mua [33, tr. 497].
Điều 14 Hủy khí quân khí (làm hư quân khí): "Phàm tướng lãnh ký nhận một lúc quân khí chuẩn bị xuất chinh, phòng ngự; sau khi xong việc 10 ngày, bất đắc từ ngày chấm dứt công việc, phải thu hồi nộp quan, không được chậm trễ. Ai phạm phạt 60 trượng, 10 ngày tăng thêm một bực, mút tội là 100 trượng" [33, tr.499].
Hành vi làm hư hỏng và mất mát quân khí được quy định: "Làm mất và rủi hư, mỗi món giảm 3 bực tội. Quân nhân làm mất, rủi làm hư quân khí, mỗi
món bớt 01 bực, và kiểm nghiệm sự hư mất ấy bao nhiêu món mà bồi đền tiền lại nộp cho quan" [33, tr. 499]. Ngoài ra triều đình cũng có những quy định nghiêm khắc liên quan đến việc bảo vệ bình khí như bảo vệ tài sản quốc gia, người được giao sử dụng phải có trách nhiệm giữ gìn, tránh làm hao tổn:
"Nếu đánh giặc, chống giữ xong mà bỏ bê quân khí hư hao thì không kể là quan hay lính đều bắt tội theo từng món vũ khí. Một món phạt 80 trượng, tăng đến hơn 20 món thì chém. Đó là nói về kẻ cố ý phá hư vũ khí"[33, tr. 499].
Chế tài được áp dụng với mức độ tăng dần theo ý thức chủ quan do bất cẩn để hư hỏng, mất mát hay là hành vi cố tình.
Đối với hành vi tàng trữ trái phép quân khí, Điều 15 Hoàng Việt Luật lệ quy định rõ "Tư tàng quân khí":
Phàm tư hữu của dân gian như nhân mã, súng phóng lửa, thuốc pháo, cờ Đạo mang là hiệu lịnh, các thứ ấy thuộc quân khí, cấm dùng. Ai phạm mỗi món phạt 80 trượng, thêm mỗi món tăng 01 bực...Tư gia có các món ấy thì nó không phải là đồ ở trong qui cách tư gia, cho nên cấm dùng nó... [33, tr. 500].
Đây là những quân khí chỉ có những người đã được triều đình chỉ định mới được sử dụng, cất giữ, do đó nếu không phải những người này mà tự ý dùng thì phải chịu tội theo quy định của triều đình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do điều kiện đặc thù của đất nước với nhiệm vụ chính trị là đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước nên hoạt động trấn áp tội phạm nói chung và các loại tội phạm liên quan đến sử dụng, buôn bán, tàng trữ vũ khí, VLN cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên, ở giai đoạn này do hệ thống văn bản pháp luật và tổ chức bộ máy cơ quan bảo vệ pháp luật còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện nên hiệu quả đấu tranh cũng có những hạn chế nhất định. BLHS chưa ra đời, nên ở giai đoạn này khi đòi hỏi cấp thiết về nhu cầu trừng trị các loại tội phạm liên quan đến vũ khí, VLN thì các văn bản được xây dựng cũng không mang tính hệ thống mà mang nhiều ý nghĩa trong vấn đề giải quyết tình huống. Nhà
nước đã ban hành những văn bản cụ thể để đối phó với tình hình tội phạm về sử dụng vũ khí như Thông tư số 442-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/01/1955 về việc trừng trị một số tội phạm, trong đó có đề cập đến trừng trị loại tội phạm có sử dụng vũ khí. Bên cạnh đó trong những trường hợp cụ thể Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cũng ban hành những văn bản mang tính cá biệt để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Năm 1985, BLHS ra đời điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hình sự. Cho đến khi BLHS năm 1999 ra đời, BLHS năm 1985 đã trải qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Các quy định liên quan đến VKQD, phương tiện KTQS, VLN trong BLHS năm 1985 được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
- Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt VKQD, phương tiện KTQS được quy định tại Chương "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia", đây là quy định chưa thực sự hợp lý và chưa xác định đúng tính chất của quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm. Do đó, BLHS năm 1999 đã có quy định lại, cụ thể quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội xâm hại tới được xác định đó là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Nếu những hành vi này được thực hiện với mục đích chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp mà bị truy cứu về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp...).
- Hành vi vận chuyển trái phép VKQD, phương tiện KTQS chưa được quy định là tội phạm; do đó, cũng không có dấu hiệu định khung tăng nặng là vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự qua biên giới như quy định của BLHS hiện hành.
- Trong BLHS năm 1985 không quy định hình phạt tiền, phạt quản chế hoặc cấm cư trú là hình phạt bổ sung. Do tình hình thực tế và nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi nên trong quá trình xây dựng BLHS năm 1999 các nhà làm luật đã nghiên cứu để luật hóa các quy định trên.
- Ngoài ra đối với tội phạm này, BLHS năm 1985 quy định khung hình phạt rất rộng, trong đó mức tối đa của khung hình phạt là hình phạt tử hình (Điều 95 BLHS năm 1985).
Đối các hành vi liên quan đến chế tạo, tàng trữ, sử dụng chất nổ cũng được BLHS năm 1985 quy định tại Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Điều 96), cũng giống với các hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt VKQD, phương tiện KTQS, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì quy định như vậy là chưa hợp lý, do đó, BLHS hiện hành cũng đã sửa đổi những quy định này. Ngoài ra, BLHS năm 1985 chưa có các quy định về VKTS và CCHT, những thiếu sót này đã được khắc phục về cơ bản trong BLHS năm 1999.