CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG TRUYỆN NGUYỄN NGỌC THUẦN
2.1. Hình tượng nhân vật trẻ em
2.1.1. Nhân vật em bé bé bỏng, ngây thơ
Thế giới trẻ thơ hồn nhiên tràn đầy những điều kì diệu, khiến người lớn luôn ao ước. Những đứa trẻ bé bỏng, ngây thơ, đáng yêu với khả năng đánh thức tình yêu thương trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là những em bé lên chín, mười, chúng bé bỏng về tuổi tác và cả trong những suy nghĩ, ước muốn. Tiêu biểu là nhân vật chính trong Một thiên nằm mộng, em luôn muốn mình thật bé bỏng trong mắt của mẹ để được yêu thương, chăm bẵm và đặc biệt là: “Em thích mình đau
khổ lắm, vì lúc đó mẹ sẽ đến bên em vừa cười mẹ vừa nói, ôi cái cục đau khổ của tui! Đôi tay mẹ chạm vào em như chạm vào đau khổ, từng ngón mềm mại và nương nhẹ. Mẹ cười to. Em rúc vào lòng mẹ và em cười. Em chỉ thích cười trong lòng mẹ” [17; 9]. Đó là cách hiểu về “đau khổ” của em - thật bé bỏng và ngây thơ, em thích mình đau khổ, đau khổ trong lòng mẹ. Lòng mẹ là nơi em có thể cười, có thể khóc. Vì ở đó em được chia sẻ, được an ủi, động viên.
Cũng trong Một thiên nằm mộng, nhân vật em - người kể chuyện đã rất ngây thơ khi luôn tin vào tất cả những điều anh Toàn nói: “Anh Toàn bảo, muốn luyện linh đơn phải hứng chín giọt sương trên nhánh cỏ chân gà mọc trên ngôi mộ phía bên phải vào lúc mười hai giờ đêm. Nhưng phải là đêm rằm. Và tuyệt đối không được gây tiếng động. Sau đó nhỏ chín giọt sương vào cái bình thủy tinh đã được chôn dưới đất chín mươi ngày. Sau đó lại phải phơi sương chín mươi đêm. Uống vào sẽ thần tiên hiệu nghiệm” [17; 11, 12].
Giống như biết bao các bạn nhỏ khác, “em” luôn tin vào những điều diệu kì trong cuộc sống, như tin vào những câu chuyện cổ tích vậy. Niềm tin đó giúp
“em” sống tốt hơn cùng hy vọng và mong ước những điều tốt lành đến với những người thân yêu. “Em” lý giải việc lớn lên của mình thật ngây thơ, hồn nhiên theo cách hiểu của trẻ con: “Nhẹ nhàng em ngồi xuống mặt đất. Em nhìn chiếc bóng của mình. Chiếc bóng em trải dài, chúng lớn một cách kỳ lạ.
Chúng lớn hơn em, hay là em đã lớn lên từ lúc nào mà em không hay.
Em đã lớn trong giấc ngủ, trong những lần em nằm mơ. Đôi chân em dài ra.
Chúng đã mọc trong giấc ngủ của em. Chúng rình rình lúc em sơ ý. Những giấc mơ đã làm em lớn lên, em tin như vậy” [17; 117, 118]. Những giấc mơ giúp “em” lý giải nhiều điều bí ẩn, kỳ lạ trong cuộc sống, đưa “em” tới những chân trời mới lạ của tri thức, suy tưởng và ước mơ. “Em” luôn bé bỏng, ngây thơ trong suy nghĩ, trong tình thương vô bờ của mẹ, trong cách nhìn nhận, đánh giá của mọi người xung quanh.
Nhân vật “tôi” - người kể chuyện trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ cũng rất bé bỏng và ngây thơ. Trong “tôi” những điều bố mẹ nói luôn là những chân lý. Bố mẹ là niềm tin và sự ngưỡng mộ của em. Vì thế mỗi khi cần nêu một lời nhận định manh tính “triết lý”, khái quát, em đều dẫn lời của bố, mẹ: “cũng theo lời bố nói, một đứa trẻ khi ra đời, bà mụ sẽ đập đập vào mông gọi nó dậy”
[18; 10]; “Bố nói, giấc ngủ của đứa trẻ đẹp hơn một cánh đồng” [18; 14]; “theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm” [18;15 ]; “Mẹ nói, những người có “gia đình”
vất vả lắm” [18; 64]; “Mẹ tôi nói ngày mưa, nỗi buồn bao giờ cũng nhiều hơn ngày nắng, nhất là những ngày mưa kéo dài” [18; 103]; “Mẹ tôi nói một đứa bé sẽ trao cho người phụ nữ một cái quyền thiêng liêng nhất, quyền làm mẹ.
Không có đứa bé, họ sẽ không được làm mẹ. Họ đau khổ lắm. Họ sẽ thấy mình mất đi nửa cuộc đời. Bởi cuộc đời người phụ nữ luôn gắn với những đứa bé, là kho báu quí giá không có gì đánh đổi với họ” [18; 124]; “Bố tôi nói, người sống là một âm thanh nên khi sống, người ta sẽ gây nên tiếng vang bằng chính cuộc sống của mình” [18; 181]; “Bố tôi nói cần phải gieo những hạt mầm vào khu vườn, nhưng tôi cũng biết, mỗi một gương mặt là một hạt mầm gieo vào trí tưởng tượng của tôi” [18; 184]. Với “tôi” mỗi lời bố mẹ nói luôn là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, hành động, để từ đó định hướng cho những việc làm của mình. Trong mắt bố mẹ, “tôi” luôn bé bỏng và ngây thơ và chính bản thân
“tôi” cũng luôn muốn mình nhỏ bé để được âu yếm, vuốt ve, được cười, khóc trong lòng bố mẹ.
Những nhân vật bé bỏng, ngây thơ trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ giúp bạn đọc thấy được tâm hồn, tính cách của trẻ con, cách tiếp cận, tìm hiểu thế giới của chúng mà còn thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm. Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều xứng đáng được hưởng tình yêu thương và sự nâng niu, trân trọng của tất thảy mọi người. Những sinh linh bé bỏng, ngây thơ đó cần phải được bảo vệ, được che chở, cách biệt hẳn với những cái xấu xa, những điều độc ác, những khoảng tối của xã hội.