CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG TRUYỆN NGUYỄN NGỌC THUẦN
2.3. Hình tượng thiên nhiên
2.3.3. Bức tranh thiên nhiên gắn với tâm trạng và cuộc sống của
Nếu văn học truyền thống lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho mọi sự so sánh khi miêu tả vẻ đẹp của con người thì trong văn học ngày nay, những vẻ đẹp của con người lại được thiên nhiên hóa, tức là vẻ đẹp của con người là chuẩn mực của mọi cái đẹp trong thế giới. Nguyễn Ngọc Thuần luôn nhìn thiên nhiên trong quan hệ đối sánh với con người, lấy con người làm chuẩn mực để đo cái đẹp của thiên nhiên: Nhà văn đã từng so sánh những con đò nghếch mõm dọc ngang như những nụ cười người ta thả xuống nước. Còn rất nhiều
những câu, đoạn văn miêu tả thiên nhiên trong sự tương quan, gắn bó với con người như: “Em thấy xa xa biển lúa hình như có một vài người. Họ đang lom khom. Những cái dáng cong cong giống lưng mẹ. Họ đang làm một việc gì đó.
Họ đang làm. Không rõ nét lắm. Như họ đang nô đùa. Họ cúi mình xuống vũng xanh. Sau đó họ nhấc mình lên. Cử chỉ như đang bơi lội” [17; 37]. Các yếu tố của thiên nhiên và con người dường như đang quyện vào nhau, bao phủ không gian là một màu xanh mượt và thấp thoáng bóng dáng những người nông dân chăm chỉ, hiền hòa, chất phác. Qua đó ta càng thấy được sự gắn bó mật thiết của thiên nhiên với con người. Dường như thiên nhiên không thể tách rời khỏi cuộc sống của con người và ngược lại.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần luôn tràn ngập thiên nhiên. Bởi lẽ thiên nhiên cũng chính là nơi để các nhân vật có thể bộc lộ được những tính cách của mình một cách rõ nét nhất. Một cậu bé yêu thiên nhiên, luôn chăm sóc cho cây cối và con vật trong vườn thì không thể là một người độc ác hay thiếu tình yêu thương. Nhân vật Trí Dũng trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ luôn mở rộng lòng trước thiên nhiên, cậu yêu những bông hoa, những cái cây được trồng trong khu vườn, yêu dòng sông nơi hàng ngày được tắm mát cùng bố và người bạn thân, yêu những con dế nhỏ mang đến cho mình niềm vui qua tiếng gáy của nó... Trên nền của tình yêu thiên nhiên sâu sắc đó, Dũng luôn đối xử hòa nhã, thân thiện và tốt bụng với những người xung quanh. Đọc truyện này, độc giả như được sống lại phần nào đó tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của mình, đồng thời cũng học được nhiều bài học quý về tình yêu thương đối với thiên nhiên và con người. Theo Nguyễn Ngọc Thuần thì những đứa trẻ yêu thiên nhiên là những đứa trẻ tốt bụng, đối xử thân thiện với mọi người xung quanh và ngược lại những đứa trẻ có hành động phá hoại thiên nhiên không thể là những người bình thường được. Anh cảm thấy đau xót trước những đứa trẻ có tâm hồn đen tối, độc ác với thiên nhiên.
Mượn thiên nhiên để nói con người, Nguyễn Ngọc Thuần muốn gửi gắm rất nhiều tâm trạng, cảm xúc. Anh đã xây dựng thiên nhiên như những chứng nhân cho tấm lòng, tình cảm cũng như xúc cảm của con người: “Nhưng mà hình như em không thể im lặng trước một cánh đồng. Nhất là nó rộng như thế này. Không có lí do gì em phải im lặng trước một cánh đồng. Và khi nó xanh đến thế thì em lại càng muốn nói” [17; 29]. Cậu bé - nhân vật chính trong truyện Một thiên nằm mộng khi đi giữa cánh đồng lúa xanh mướt rập rờn trong nắng cậu thấy tâm hồn mình thật thoải mái biết bao. Đứng trước cánh đồng, cậu cảm thấy mình thật nhỏ bé và cậu tha hồ tưởng tượng ra nhiều điều thật thú vị. Theo cậu, đi dưới cánh đồng, người ta như đang đi dưới những bóng râm khổng lồ ở đó có những thiên thần đang dang rộng đôi cánh bay lượn tung tăng. Tất cả như đang cùng hòa vào bản nhạc du dương làm con người cảm thấy sảng khoái và cậu bé đã không thể giữ được im lặng khi đứng trước cánh đồng tươi đẹp đó. Cậu bé như đang muốn làm thơ, vẽ tranh, ca hát hoặc trải lòng mình với thiên nhiên bao la, mênh mông nơi đây. Tình yêu thiên nhiên - cánh đồng quê đã lớn dần thành tình yêu thương những người dân thôn quê từ sâu trong trái tim của cậu bé. Dường như Nguyễn Ngọc Thuần muốn gửi một thông điệp đến bạn đọc đó là: hãy đối xử thân thiện với thiên nhiên, bởi đó chính là cơ sở hình thành những đức tính tốt đẹp đáng quý trong tim mỗi con người. Đúng là đôi khi lòng nhân hậu được bắt nguồn từ những điều rất bình thường, giản dị trong cuộc sống này. Quan trọng là mỗi người nhận thức được và thực hiện như thế nào cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Với quan niệm: tính cách hay tâm hồn của con người không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ với con người mà còn được thể hiện khá rõ nét trong mối quan hệ với thiên nhiên. Một con người mà yêu thương, chăm sóc cây cối thì không thể là một người độc ác, tàn nhẫn được. Hiểu được nguyên
tắc này nên hầu hết các nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Thuần luôn được anh xây dựng trong mối tương quan, gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Và quả đúng như vậy các nhân vật của anh kể cả người lớn và trẻ nhỏ hầu hết đều là những con người giàu lòng trắc ẩn, biết yêu thương, chăm sóc con người, chăm sóc thiên nhiên.
Ngay cả khi con người chào đời cũng được bao bọc bởi thiên nhiên, thiên nhiên đã chứng kiến sự kiện vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi con người:
“Thiên thần trắng muốt thứ nhất báo tin, có một đứa trẻ vừa được sinh ra từ bông hoa thơm nhất trong vườn. Nó sinh ra lúc bình minh vừa mọc, nên trên thân thể nó đầy ánh sáng. Những ánh sáng diệu kỳ và âm thanh trên cái nền ánh sáng đó bỗng truyền đi xa lắm. Nó đánh thức những bà mẹ đang ngủ” [17; 62].
Mỗi đứa trẻ là một thiên thần, được sinh ra từ thiên nhiên, cụ thể là bông hoa đẹp nhất trong vườn, được bao bọc quanh ánh sáng của buổi bình minh, ánh sáng đẹp nhất trong ngày. Đó là điều kỳ diệu nhất của một con người.
Qua thiên nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần cũng đã làm nổi bật được các tính cách của nhân vật. Không cầu kỳ, không quá trau chuốt trong việc xây dựng nhân vật, chỉ thông qua mối quan hệ của các nhân vật với thiên nhiên, anh đã thể hiện được chân dung của các nhân vật một cách rõ nét. Đó chính là một phần quan trọng tạo nên những nét đặc sắc trong thế giới hình tượng truyện Nguyễn Ngọc Thuần.
Với một cái nhìn mới mẻ, tinh tế, một quan niệm nghệ thuật sâu sắc, Nguyễn Ngọc Thuần đã bộc lộ một cá tính sáng tạo, một phong cách độc đáo qua thế giới hình tượng trong những sáng tác của anh. Thế giới hình tượng nhân vật phong phú, đa dạng với những em bé bé bỏng, ngây thơ mà tinh tế, nhạy cảm; những em bé với giấc mơ đẹp cùng những hình tượng nhân vật có tấm lòng cao cả luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người và những nhân vật với tính cách lạ lùng, hình dạng khác thường, “dị nhân” nhưng tâm hồn hoàn hảo
đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của Nguyễn Ngọc Thuần. Anh đã xây dựng được một xã hội tràn ngập tình yêu thương, con người sống hòa hợp với nhau bằng tình cảm chân thật và thân thiện với thiên nhiên.
Thế giới hình tượng thiên nhiên trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần là bức tranh thiên nhiên đồng quê tươi đẹp, trong trẻo; bức tranh thiên nhiên biến đổi theo mùa, luôn gắn với tâm trạng và cuộc sống của con người. Bức tranh thiên nhiên đó mang đậm sự tinh tế, nhạy cảm không chỉ của tâm hồn một văn sĩ mà còn là sự tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn một họa sĩ - một con người thiết tha với người, với đời.