Nhân vật em bé tinh tế, nhạy cảm

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 32 - 37)

CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG TRUYỆN NGUYỄN NGỌC THUẦN

2.1. Hình tượng nhân vật trẻ em

2.1.2. Nhân vật em bé tinh tế, nhạy cảm

Các nhân vật chính trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần chủ yếu là những đứa trẻ rất tinh tế và nhạy cảm. Chúng không chỉ tinh tế với những biến thái, thay đổi của con người mà quan trọng hơn, chúng còn rất nhạy cảm với những thay đổi của thiên nhiên, đất trời. Chúng quan sát rất kĩ những biến chuyển của thiên nhiên để từ đó có những kết luận sâu sắc nhưng cũng rất ngộ nghĩnh, đậm chất trẻ thơ.

Đọc xong tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ta có cảm giác trong trẻo và yên tĩnh lạ lùng. Sở dĩ vậy, không chỉ vì Nguyễn Ngọc Thuần viết truyện trẻ con rất hay mà còn vì tác phẩm đã khơi gợi được những cảm xúc tốt đẹp và trong sáng mà con người ta luôn cố gắng hướng tới. Đó là tình yêu cuộc sống, là sự yêu thương, độ lượng với mọi người và với chính mình, là sống giản dị và trọn vẹn với tất cả những cái xấu, cái tốt đang diễn ra xung quanh hàng ngày, hàng giờ. Một cậu bé mới 10 tuổi nhưng đã biết rằng mỗi một cái tên là tiếng nói đẹp đẽ nhất, là bí mật mà chỉ bố mẹ mới biết; biết

“đau khổ” khi các bạn trêu cái răng khểnh của mình; biết rằng xung quanh có rất nhiều điều thú vị, chỉ cần mình để ý một chút là có thể phát hiện ra. Ví dụ:

cô giáo có một cái mũi rất hồng, nó hồng hơn mọi người và khi cô trợn mắt thì mắt cô thật to, cô có hai đôi guốc…, khi cười sảng khoái là lúc con người ta đang vui và hạnh phúc… Sự tinh tế nhạy cảm của em bé còn được thể hiện qua ý thức về thiệt thòi, mất mát của những người không lành lặn: “Một cơ thể lành lặn bao giờ cũng thật đẹp. Những con người mất đi một phần cơ thể là mất đi những niềm vui... Lần đầu tiên tôi thấy một niềm vui từ thân thể mình, và tôi cũng hiểu nỗi buồn của những người không còn đầy đủ thân thể”

[18; 25, 26]. Đó là “triết lý” ngây thơ nhưng vô cùng sâu sắc; là sự tinh tế, nhạy cảm của con người luôn hướng tới những giá trị nhân văn đích thực. Cậu bé 10 tuổi đã biết nâng niu, trân trọng giá trị con người của mình, chắc chắn

phải là một cậu bé tốt. Vì ý thức được vậy nên cậu luôn chủ động giúp đỡ những người không may bị mất một phần thân thể như ông Tư hàng xóm. Cậu sẵn sàng làm “đôi tay” của ông để ông sai khiến và trêu đùa, những lúc vui ông gọi: “bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh” [18; 31]. Em luôn là cầu nối giữa mọi người, cầu nối tình cảm của chú Hùng với cô Hồng để rồi họ thành vợ thành chồng, cầu nối yêu thương giữa những người bạn với thằng bé ăn xin.

Qua những lời kể của cậu bé, những người bạn đã sẵn sàng chia sẻ với thằng bé ăn xin con dế sống, củ khoai và cả đồ chơi hàng ngày…. Làng quê của em chính là mảnh đất của tình yêu thương, những đứa trẻ giàu lòng nhân ái, luôn sẵn sàng chia sẻ với những người thiệt thòi hơn mình. Đây là cách nghĩ của cậu bé: trước khi đi học về, hãy để quên một cái gì đó. Bởi lẽ: “Khi biết món quà của ai, ta sẽ yêu thương người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận một món quà không biết ai gửi, con sẽ yêu tất cả những người con quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gửi món quà đó. Chúng ta không nên biết người lạ mặt đã làm gì cũng là một điều hay…” [18; 61, 62]. Bố đã dạy cho em bài học rất ý nghĩa về tình yêu thương. Đó là việc biết ai tặng mình quà không quan trọng bằng việc mình yêu thương tất cả mọi người khi mình nghĩ rằng tất cả mọi người đều có thể là người đã mang lại cho mình niềm vui, sự tò mò hạnh phúc. Những bài học về tình thương, về cuộc sống luôn được em rút ra từ chính những điều mình quan sát được và từ những điều răn dạy bình dị, nhẹ nhàng mà bổ ích từ bố mẹ và những người hàng xóm. Sở dĩ có được những suy nghĩ sâu sắc, tinh tế và một tấm lòng giàu tình thương là vì em được sinh ra trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương. Bố mẹ

“em” luôn quan tâm, chia sẻ giúp đỡ mọi người và luôn biết cách khơi dậy tình yêu trong lòng con cái. Chẳng hạn, bố không thích ăn ổi, nhưng sẵn sàng ăn chúng với một vẻ thích thú khi được cậu bé hàng xóm mang sang cho. Khi

“em” thắc mắc, bố đã giải thích rằng bố không cưỡng lại được trước một món

quà vì nó bao giờ cũng đẹp, khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì nó, một nụ hôn cũng là một món quà sang trọng, con cái là một món quà lớn nhất mà cha mẹ có. Theo lô gíc ấy, “em” đã đón nhận cuộc sống với một thái độ trân trọng và biết ơn như nhận những món quà, đó là một lối sống thật đẹp. Cũng chính vì vậy, “em” đã đem lại rất nhiều niềm vui và xúc động cho những người xung quanh. “Em” khiến cô giáo Hà cảm động khi quan tâm đến những đôi guốc của cô và có lối an ủi thật ngộ khi đôi guốc màu xanh ưa thích của cô không thể dùng được nữa vì nó đã bị gãy gót: “Không sao cả, màu đỏ trông cô cũng vẫn đẹp. Em sẽ không nhìn đôi guốc nữa, em sẽ nhìn khuôn mặt cô, khuôn mặt sẽ không bao giờ cũ, khuôn mặt sẽ không bao giờ bị gãy gót” [18; 55]. “Em” đã an ủi người mẹ mất con là cô Hồng bằng một lối rất riêng, đó là hay sang thăm cô vào những buổi chiều, phụ giúp cô làm việc gì đó, nhờ cô đan cho chiếc mũ len chỉ để thỏa mãn niềm vui đan mũ của cô, tặng cô những bông hoa lạ trong vườn, khiến lòng cô ấm trở lại. Về phần mình, “em” cũng được đón nhận một món quà tương tự, đó là một cái nhìn trìu mến của cô Hồng, cái nhìn khiến “em” không thể quên và “em” đã có một đêm ngon giấc chỉ vì cái nhìn đó.

Cùng với nguyên lí sống trao yêu thương, em đã có một kiểu quan sát, lắng nghe và cảm nhận cuộc sống rất riêng của mình, vì vậy, ở đâu và ở ai, em cũng phát hiện ra những điều đẹp được ẩn giấu hoặc tỏa sáng, và rất ít có điều gì lọt khỏi sự chú ý của em. Em có thể bí mật quan sát hành vi của một cậu bé ăn xin, để hiểu rằng cậu ta đã làm một việc kì quặc là đi tìm cỏ xanh cho một con dế đã chết khô mà cậu ta luôn mang trong bao diêm và trò chuyện với nó. Em đã bí mật làm người lạ mặt tặng cậu bé ăn xin một con dế sống và bí mật quan sát sự chuyển động của từng ngón tay, thấm thía nỗi đau và niềm vui của từng cái nhìn, từng giọt nước mắt. Em sung sướng vì đã làm được một việc tốt, đã tặng cho người khác được một

niềm vui. Cái hạnh phúc đó cứ tích tụ mỗi ngày, giúp em trở thành người

“giàu có” nhất trên đời.

Các nhân vật trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ tinh tế, nhạy cảm trong quan hệ với con người mà còn tinh tế, nhạy cảm trong sự cảm nhận thiên nhiên.

Cậu bé “tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã được bố tập cho một khả năng rất đặc biệt là dùng mũi và tai để đoán tên sự vật và khoảng cách mà không cần nhìn thấy. Chú bé đã luyện tập khả năng đó rất nhuần nhuyễn đến mức có thể đoán được tất cả các loài hoa trong vườn nhờ mùi hương của chúng. Và có thể nghe thấy tiếng hét của cậu bạn suýt chết đuối ở ngoài sông hoặc khi bị lạc giữa rừng, dựa vào hương hoa lài để có thể tìm về nhà. Như thế có thể thấy, trạng thái nhị nguyên vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của chú bé không phải là không nhìn thấy gì mà là để nhìn thấy thế giới trong trạng thái nguyên sơ và phong phú của nó bằng trí tưởng tượng tinh khôi của một đứa bé ngây thơ. Đó là một thế giới nhiều chiều kích và nhiều hình dạng mà nếu đơn thuần dựa vào thị giác, chúng ta sẽ chỉ nhận ra một phần vẻ đẹp của nó mà thôi. Từng ngày nắng, từng ngày mưa, từng buổi học, từng giờ chơi, cửa sổ tâm hồn của chú bé không ngừng mở ra để khám phá thế giới và con người xung quanh. So với những điều bí mật mà chú đang giữ thì những điều bí mật chưa khám phá còn lớn lao hơn biết chừng nào. Có thể thấy rằng Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng nhân vật Trí Dũng không chỉ bằng những gì chú thể hiện ra mà bằng cả những gì cảm nhận được, lưu giữ cho riêng mình. Mặc dù còn nhỏ nhưng “tôi” luôn có những suy nghĩ rất người lớn và chững chạc. Những cảm nhận, ghi nhận của chú bé không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về nhân vật mà còn giúp ta có thêm những hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ con. Đắm mình trong tưởng tượng, cảm giác và khứu giác, con người lại có một con mắt thần kì diệu khác, khiến cho khi vừa nhắm mắt vừa mở

cửa sổ vào sớm mai, người ta có thể nghe được khu vườn nói gì, có thể nhắm mắt đi dạo trong vườn mà không lạc lối, có thể đoán biết loài hoa nào đang nở, thậm chí, có thể trùm chăn trên giường giữa đêm mà vẫn đi dạo trong vườn được như bình thường. Nhưng quan trọng nhất, cậu bé “tôi” ấy đã biết truyền những cảm giác và những phát hiện ấy cho bạn đọc âm nhạc của trái tim, bằng những lời tự bạch thấm đẫm chất thơ cổ tích, du dương và huyền bí như tâm hồn. Bạn đọc có thể gặp và đồng cảm với rất nhiều những đoạn văn như thế trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần. Đây là cảm giác sâu sắc về cây đàn vắng chủ trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ: “Đêm ngủ tôi mơ thấy chiếc piano gõ từng nhịp một. Những bài hát từ đó tuôn ra như dòng suối.

Một giấc mơ toàn âm thanh. Khi tỉnh dậy vào lúc nửa khuya, tôi vẫn như còn nghe thấy tiếng đàn. Tôi đi nhẹ ra vườn, trèo lên cây vú sữa, nhìn về hướng nhà thờ. Tôi biết nơi đó những bài hát còn đang trong giấc ngủ, đang nằm trong những phím ngà chờ người đánh thức. Chờ ma-xơ Hiền” [18; 136].

Nhân vật chính trong Một thiên nằm mộng có cảm nhận tinh tế về khu vườn mùa xuân: “Bây giờ là mùa xuân. Những bông hoa đã nở. Chúng gần như không thiết chờ đợi gì, vì ngày cứ xanh um lên. Em biết, trong buổi tối như hôm nay chúng vẫn cứ xanh. Em cũng biết, trên cái chảng ba của cái cây cao nhất trong vườn, con nhện đã không còn ở đó nữa. Nhưng hôm qua khi em ra thăm, một con nhện mới toanh đã xuất hiện. Nó đang lưỡng lự trong chiếc tổ ấy. Khuôn mặt nhỏ thó, quen quen kì lạ. Nó là con nhện cũ đã qua mùa đầu thai. Em biết như vậy. Nó đã được đầu thai chỉ trong một đêm. Sau giấc ngủ đến với nó trên mi và nó đã trở lại xanh tươi trong khu vườn này” [17; 126].

“Em” có những cảm nhận về thiên nhiên, về nắng rất độc đáo: “Em lang thang ra chỗ bà cả Sề vậy. Đường làng vắng hoe. Em vừa đi vừa nghiêng đầu. Mấy hôm nay chẳng có cái gì tuyệt cú mèo, tuyệt mắt mèo hoang và dã thú. Một vài hạt nắng sâm sấp trên ngọn cây. Trông chúng buồn tẻ làm sao. Chúng chẳng có

gì khác hơn là khoe ra một màu vàng” [17; 87]. Nắng màu vàng thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng thấy chúng có thể nằm “sâm sấp” trên ngọn cây thì không phải ai cũng có thể nhận ra, miêu tả được.

Nhìn chung, hình tượng em bé nhạy cảm, tinh tế trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần thường là nhân vật chính - cũng là người kể chuyện với suy nghĩ độc đáo, sâu sắc đã dẫn dắt câu chuyện, cũng là dẫn dắt người đọc đi đến những cảm nhận tinh tế về sự thay đổi trong tình cảm con người và các biến thái trong thiên nhiên. Những nhân vật đáng yêu này đã góp phần không nhỏ vào thành công của thế giới hình tượng truyện Nguyễn Ngọc Thuần.

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)