Nhân vật có tính cách lạ lùng, hình dạng khác thường

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 39 - 44)

CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG TRUYỆN NGUYỄN NGỌC THUẦN

2.2. Hình tượng các nhân vật khác

2.2.1. Nhân vật có tính cách lạ lùng, hình dạng khác thường

Không quá khó để có thể kiếm tìm trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần những nhân vật có tính cách lạ lùng hoặc ngoại hình kỳ dị. Anh xây dựng những

nhân vật đó không phải ngẫu nhiên mà đều có dụng ý, anh muốn gửi gắm vào các nhân vật đó những suy nghĩ, những tâm sự về con người và cuộc đời.

Nhân vật chính trong Một thiên nằm mộng là một cậu bé kỳ lạ, có tính cách khá lạ lùng, khác thường. Em luôn nhìn cuộc sống thông qua những giấc mơ, suy tưởng của mình. Vì thế mà mọi sự vật, hiện tượng đều lung linh, huyền ảo và có vẻ phi thực tế. Ngay cả những khái niệm em dùng để gọi tên sự vật cũng khác thường: từ hai đứa trẻ “dính chùm vào nhau” thành “một đôi giàu có” đến “con gà bốn mươi lăm độ” hay “con nhện nằm đau”... là những cách gọi rất ngộ nghĩnh - Và chỉ có những đứa trẻ ngộ nghĩnh mới nghĩ ra được những cái tên lạ lùng như thế. Ngay mở đầu tác phẩm, nhân vật chính đã tự khắc họa chân dung của mình thông qua một bài thơ mà em sáng tác:

Trong giấc mơ em nằm nghiêng Cùng đàn sẻ tóc nâu

Và em nghiêng chút nữa Bầu trời đi lộn đầu.

Trong giấc mơ em thích buồn Vừa buồn lệ vừa dài

Nỗi buồn em sẽ chảy Hai dòng dài rất dài.

Trong giấc mơ em làm anh Một ông anh tay to

Nắm một đàn em nhỏ Vừa nắm vừa than thở Ôi đàn em dại khờ Khuôn mặt đầy giấc mơ (Ngu si mà thấy ghét...).

Bây giờ em vẫn nằm

Vừa nằm em vừa mơ

Em muốn nghiêng xuống nữa...

Em thích mình đau khổ Đau khổ và nằm nghiêng Khi nằm nghiêng em thấy Đau khổ nhiều quá chừng...

…...

[17; 7, 8]

Cái “khác lạ” của cậu bé lên mười này chính là vì “em thích mình đau khổ” và cách cắt nghĩa của em cũng thật đặc biệt, vì khi em đau khổ, mẹ sẽ đến bên, cười và nói: “Ôi cái cục đau khổ của tui!”. Không giống như những đứa trẻ lên mười khác, nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần thích buồn, thích đau khổ, lúc ngủ mơ cũng toàn thấy buồn, khóc, nước mắt “chảy rất dài”?

Cậu bé luôn chìm vào trong những giấc mơ, và dường như chỉ trong những giấc mơ thì cậu mới được sống với đúng những mong ước của mình. Nếu như những gì trong cuộc sống chưa thực hiện được, chưa hiểu được hết thì cậu mượn những giấc mơ của mình để tìm hiểu sự vật, hiện tượng. Việc đó không làm cho thực tế mất đi tính xác thực, mà trái lại hiện thực càng thêm mới lạ, độc đáo hơn.

Việc xây dựng những nhân vật có tính cách lạ lùng là một dụng ý của Nguyễn Ngọc Thuần, có thể, thông qua những nhân vật đó anh muốn gửi đến độc giả những thông điệp về cuộc sống, nghệ thuật. Cách tiếp cận cuộc sống đó có vẻ như hơi đặc biệt, khác thường nhưng nó có mục đích là mang đến cho cuộc đời những cảm xúc đẹp, những ấn tượng tốt và quan trọng hơn là mang đến cái nhìn toàn diện về cuộc sống, xã hội và con người. Một chút bay bổng, một chút lãng đãng sẽ làm cho con người cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước hiện thực nhiều khi là nghiệt ngã.

Bên cạnh những nhân vật có tính cách lạ lùng, Nguyễn Ngọc Thuần còn dày công xây dựng những nhân vật có hình dạng khác thường. Đó là loại nhân vật “dị nhân”, những nhân vật không may bị mất đi một phần cơ thể, cặp sinh đôi dính vào nhau… nhưng sự khác biệt về hình dạng không ảnh hưởng đến tâm hồn và tấm lòng cao cả của họ.

Như nhân vật chú Hùng trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ: “Bàn tay phải của chú chỉ có bốn ngón. Chú nói đó là vì chiến tranh. Một viên đạn bay ngang cắt đứt nó”. Mặc dù vậy, nhưng chú Hùng vừa là người vui tính vừa là người chăm chỉ và khéo léo. Chú làm gì cũng rất cẩn thận và khéo léo. Nhà “tôi”

có việc gì chú cũng sang làm giúp. Cả nhà “tôi” ai cũng yêu quý chú và “Bố gọi chú là người nhà vì việc lớn nhỏ chú đều làm giùm, và khi làm thì rất cẩn thận.

Chú đóng hàng rào rất khéo, dây kẽm gai căng như dây đàn.” [18; 25].

Chú Hùng là một trong số những người vẫn may mắn, nhiều người còn đứt cả bàn tay, bàn chân: “Như ông Tư xóm tôi, chỉ còn khúc mình”, vì “Năm đó ông bảo vệ lớp học. Khi nghe tiếng máy bay, ông đã dẫn cả lớp xuống hầm trú. Không ngờ có một thằng bé vì quá sợ chui xuống gầm bàn nên ông đã bỏ sót. Khi đếm lại thấy thiếu một người, ông vội vàng chạy lên tìm” ... “Ông bế nó lên, người nó mềm nhũn. Ông nói đừng sợ nhưng biết chắc rằng nó đang sợ lắm. Rồi bỗng dưng một trái bom rơi xuống. Ông không còn biết gì. Trước đó ông định ép nó vào người, ông định ép nó vào ngực mình nhưng không kịp. Một luồng sáng lóe lên như cắt đứt đôi tay của ông. Khi ông tỉnh lại thì đứa bé đã chết rồi. Ông còn sống được là bởi vì ông là người lớn, sức chịu đựng tốt hơn. Người ta nói khi ẵm đứa bé lên, bàn tay của ông vẫn còn trên người nó.” [18; 28]. Ông Tư là người hi sinh thân mình vì người khác và luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Vì che chở cho một đứa bé không kịp xuống hầm trú ẩn ông đã để lại một phần thân thể của mình lại tại ngôi trường ấy. Bây giờ, ông mất cả hai tay và hai chân nên chỉ ở nhà

không đi lại được nhưng lúc nào ông cũng cảm thấy ân hận vì đã không cứu sống được đứa bé ấy. Dù mang trên mình thương tật và nỗi đau về một thân thể không lành lặn nhưng ông không bao giờ gợi nhớ lại chuyện cũ bởi vì ông sợ chị Hồng con gái ông sẽ buồn. Một con người hết lòng vì mọi người, một người cha hết lòng vì con như thế khiến mọi người phải nể phục.

Nhân vật có hình dạng khác thường nhất trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần có lẽ là cặp anh em thằng Tí bị dính chùm vào nhau trong Một thiên nằm mộng. Sự khác thường về hình dạng của hai anh em đã làm cho biết bao đứa trẻ trong làng sợ hãi nhưng vẫn tò mò muốn gặp. Chúng được coi như những con quỉ: “Anh em thằng Tí chứ không ai khác. Một bàn tay trong ba cái tay của chúng chạm lên người em. Chúng cào cào như những con quỉ vờn mồi.

Chúng rên hừ hừ trên cổ áo, sau đó chúng còn rờ vào cái bụng mềm xèo của em, cười hắc hắc. Rồi nó còn rờ xuống cái quần của em” ... “chúng lầm bầm gì đó với nhau lâu lắm. Có lẽ đang phân vân nên ăn thịt hay khiêng em về” [17; 88, 89]. Tuy bề ngoài của anh em Tí đáng sợ như thế nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ rất ngây thơ, hồn nhiên. Chúng cũng khao khát được sống hòa đồng như những đứa trẻ bình thường, không làm cho mọi người sợ hãi. Khi biết sẽ được phẫu thuật, cưa để tách đôi ra, chúng đã rất lạc quan, tin tưởng đến lúc đó hai anh em sẽ là hai con người tách biệt để có thể chơi đùa cùng những đứa trẻ khác. Bình thường hai anh em hay tị nạnh, cãi vã nhau nhưng lúc này chúng lại rất vui vẻ, hòa thuận, nhường nhịn nhau, thằng anh sẵn sàng nhường cho thằng em hai cái tay, mình chỉ nhận một.

Trong hoàn cảnh khó khăn, tính cách, phẩm chất con người mới thực sự bộc lộ. Thậm chí biết rằng rất có thể sau khi phẫu thuật nhiều khả năng sẽ chỉ có một đứa sống, chúng càng cảm thấy tình anh em gắn bó, yêu thương.

Có thể nói các nhân vật có hình dạng khác thường trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần đã góp phần giúp độc giả thấy được cái nhìn đa diện về con

người và cuộc sống của anh. Khi quan sát cuộc sống, nhìn nhận, đánh giá con người, Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ nhìn vẻ ngoài của họ mà anh tập trung quan sát, tìm hiểu những điều thẳm sâu trong trái tim tâm hồn, tính cách họ.

Anh thấy được trí tưởng tượng phong phú, những cảm nhận sâu sắc và nghị lực phi thường của những người, đặc biệt những đứa trẻ không may bị tật nguyền… Đó là những “dị nhân” nhưng hoàn toàn không phải là dị biệt.

Bên trong sự khuyết tật về thể xác là những tâm hồn trong trẻo, khát khao với sự sống, hết mình với cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh.

Nguyễn Ngọc Thuần đã thể hiện một cái nhìn đầy nhân văn, và có lẽ chính bởi cái nhìn nhân văn này mà Nguyễn Ngọc Thuần đã kéo bạn đọc tới gần để cảm nhận, để yêu những câu chuyện của anh; để văn chương không xa lạ với đời, để con người mãi sống với nhau tốt hơn, đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)