Bức tranh thiên nhiên đồng quê thôn dã, tươi đẹp, trong trẻo

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 51 - 54)

CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG TRUYỆN NGUYỄN NGỌC THUẦN

2.3. Hình tượng thiên nhiên

2.3.1. Bức tranh thiên nhiên đồng quê thôn dã, tươi đẹp, trong trẻo

Người đọc có thể bắt gặp trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần nhiều trang miêu tả bức tranh thiên nhiên giàu sức sống. Đó là những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Ở đây không có những cảnh núi non hùng vĩ, cảnh sông nước bao la, chỉ có thiên nhiên đồng quê thân thiết và bình dị. Một bức tranh đồng quê vào buổi sáng hay buổi trưa nắng vàng; một cánh đồng lúa xanh tốt; một con đường làng ngoằn ngoèo; những khu vườn trồng hoa đầy hương thơm, màu sắc… Tất cả đều là chất liệu làm nên sự hấp dẫn của truyện Nguyễn Ngọc Thuần. Thiên nhiên là những thứ rất gần gũi và thân thiết với các nhân vật của anh. Thiên nhiên là nơi để con người chia sẻ tâm tư, con người nghỉ ngơi thư thái, với những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật và cũng là nơi để họ có thể tìm kiếm những cảm xúc đẹp đẽ, thiêng liêng. Có thể nói, những sắc màu rạng rỡ, những âm thanh gần gũi quen thuộc, những hương thơm nồng nàn quyến rũ đều có trong bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng ngôn từ tài hoa của Nguyễn Ngọc Thuần.

Khu vườn trồng hoa là hình tượng thiên nhiên đặc sắc, nổi bật nhất trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần. Dường như Nguyễn Ngọc Thuần có sự gắn bó rất mật thiết với những khu vườn nên anh miêu tả khu vườn trồng hoa thật sinh động, đẹp mắt với tình cảm yêu thương, gắn bó và trân trọng sâu sắc: “Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn” [18; 46]. Trong truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, người bố đã dạy cho nhân vật “tôi” một khả năng đặc biệt là dùng mũi và tai để đoán tên sự vật và khoảng cách mà không cần nhìn. “Tôi” có thể đoán được tất cả các loài hoa trong vườn nhờ mùi hương của chúng. “Tôi” còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét” [18; 47].

“Những bông hoa thơm hơn và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó. Không chỉ vậy, bạn còn thấy nguyên cả khu vườn. Bạn có thể nhìn thấy bông hồng ngay trong đêm tối. Đêm bạn nằm, đắp chăn kín người nhưng bạn vẫn có thể đi dạo.

Bạn sẽ không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì, những bông hoa sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát” [18; 48].

Một khu vườn rộng, đẹp như trong cổ tích với những sắc màu và hương vị khác nhau. Biết bao loài hoa là biết bao sự nâng niu, trân trọng, biết bao tình yêu của “tôi” đối với khu vườn. Sống hòa nhập với thiên nhiên, được hằng ngày tiếp xúc với hoa, với những vẻ đẹp thuần khiết càng giúp cho “tôi”

thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống xung quanh hơn.

Dường như ngòi bút của Nguyễn Ngọc Thuần luôn thần tình, biến hóa khi anh miêu tả thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên qua ngòi bút của anh luôn có sự cách tân, đổi mới, không bị trùng lặp hay sáo mòn. Thiên nhiên các mùa hiện lên luôn rực rỡ bởi các màu sắc sáng tươi và lung linh. Phải chăng đó là

ảnh hưởng từ tư duy của một họa sĩ chuyên nghiệp? Truyện của Nguyễn Ngọc Thuần miêu tả rất nhiều cảnh thiên nhiên làng quê trong sáng, thơ mộng, nên thơ: “Cánh đồng này thật rộng lớn. Nó như một bãi xanh. Từ đây gần như em không còn nhìn thấy những ngôi nhà” [17; 29]. Màu xanh của những cây lúa đang thì con gái được trải ra trong một không gian rộng lớn khiến cánh đồng càng trở nên mênh mông hơn. Đi giữa cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay làm “em” cảm thấy choáng ngợp, “em” cứ tưởng như mình đang chui vào cánh đồng như những thiên thần chui vào bóng râm. Cậu bé nhân vật chính trong Một thiên nằm mộng khi đứng trước cánh đồng rộng lớn bao la ấy đã không thể giữ im lặng được. “Không có lí do gì em phải im lặng trước một cánh đồng. Và khi nó xanh đến thế thì em lại càng muốn nói” [17; 29]. Đứng trước một cánh đồng rộng lớn, với một màu xanh ngút ngàn con người ta có thể làm thơ, vẽ tranh, ca hát hoặc trải lòng mình để rồi con người cùng hòa quyện vào thiên nhiên cùng thiên nhiên hát bản tình ca về tình yêu tha thiết đối với cuộc sống tươi đẹp này. Thiên nhiên cũng như con người vậy cũng biết biến đổi để làm mình trở nên đẹp hơn. Khi trời bắt đầu lắc rắc từng hạt mưa nhỏ, rồi sấm chớp thi nhau nổi lên đì đùng “cánh đồng ra chiều ngả nghiêng lắm. Nó cứ xoay tròn trong màu xanh. Nó cứ xoay tròn trong cái màu vàng. Thật là vĩ đại”.

Chứng kiến được sự biến đổi mau lẹ của thiên nhiên quả là một điều tuyệt diệu dành cho con người. Phải là người yêu thiên nhiên am hiểu và gắn bó sâu sắc với thiên nhiên thì nhà văn mới có thể miêu tả tỉ mỉ và dành những trang văn hay về thiên nhiên đến thế. Đặc biệt là trong bức tranh thiên nhiên, con người bao giờ cũng hiện hữu là một bộ phận không thể tách rời: “ Buổi tối tôi trèo lên cây vú sữa nghe dế gáy. Những con dế nhà tôi luôn được ăn cỏ tươi.

Tôi nhìn những vì sao xa và chọn một ngôi sao sáng nhất rồi đặt cho nó một cái tên” [18; 93]. Thiên nhiên trong truyện của Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ đẹp, nhiều màu sắc mà còn rất sinh động với sự góp mặt của những tiếng dế gáy, những âm thanh đẹp. Phải là một người tinh tế, quan sát thiên nhiên sâu sắc thì mới có được những phát hiện thú vị như vậy. Trên cái nền thiên nhiên

tươi đẹp đó, các nhân vật hiện lên thật thánh thiện. Con người chiêm ngưỡng, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên và qua thiên nhiên mà trí tưởng tượng của con người được thăng hoa, được thả sức bay bổng đến bất tận.

Theo Nguyễn Ngọc Thuần thì phải là thiên nhiên thực mới đáng quý, đáng trân trọng, còn nếu là thiên nhiên được mô phỏng, được tạo ra thì thật buồn cười. Việc mô phỏng thiên nhiên chính là biểu hiện của khao khát được đắm chìm, hòa hợp trong thiên nhiên, đất trời. Con người sinh ra từ thiên nhiên, được bao bọc, nuôi sống bởi thiên nhiên nên luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên để cuộc sống được tốt đẹp, an toàn, bền vững hơn. Đây là một khát vọng chính đáng nhưng không dễ thực hiện.

Có thể thấy trong bức tranh thiên nhiên nông thôn của Nguyễn Ngọc Thuần ngoài những màu sắc và âm thanh còn xuất hiện rất nhiều nắng. Nắng tạo nên vẻ riêng cho thiên nhiên của Nguyễn Ngọc Thuần. Nắng trải dài trên những con đường, trên những ngọn cây, nắng tràn ngập trong các khu vườn. Nắng không chỉ nhuộm vàng, tô điểm cho thiên nhiên mà còn mang tâm trạng của các nhân vật: “Một vài vạt nắng sâm sấp trên ngọn cây. Trông chúng buồn tẻ làm sao. Chúng chẳng có gì khác hơn là khoe ra một màu vàng” [17; 87]. Nắng tràn trên các cánh đồng làng quê, làm cho cảnh vật thêm lung linh, huyền ảo, tươi tắn và rực rỡ hơn.

Thiên nhiên tươi sáng, trong trẻo, rực rỡ với những sắc màu tươi sáng kết hợp với ánh sáng lung linh của nắng đã trở thành những điểm nhấn quan trọng, gây ấn tượng mạnh với độc giả trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần.

Một phần của tài liệu Khảo sát một số hình tượng trong truyện nguyễn ngọc thuần qua hai tác phẩm vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và một thiên nằm mộng (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)