CHƯƠNG III: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Đánh giá thực trạng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các
3.3.1. Kết quả đạt được
Nghiên cứu thực trạng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV Việt Nam có thể nhận thấy một số kết quả đạt được như sau:
Thứ nhất, số lượng DNNVV tăng lên nhanh cả về chất lượng và số lượng, các DNNVV đã và đang hoàn thiện về năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kết quả đó phản ánh qua hàng năm DNNVV đóng góp 40% GDP, 33%
giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, giải quyết hơn 5 triệu việc làm cho người lao động góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội.
Thứ hai, dư nợ tín dụng DNNVV tăng đều qua các năm, qua đó cho thấy mức độ uy tín của các DNNVV với ngân hàng được cải thiện, khách hàng DNNVV đã trở thành nguồn khách hàng quan trọng cho các ngân hàng.
Thứ ba, các ngân hàng đã có nhiều đổi mới trong việc đáp ứng nhu cầu tín dụng ngân hàng của DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như thủ tục vay vốn thông thoáng hơn, giảm lãi suất cho vay, mở rộng quy mô tín dụng, việc tiếp cận vốn của DNNVV đã trở nên dễ dàng hơn khi các chương trình ưu đãi cho DNNVV được truyền thông tốt thông qua thư điện tử và trung tâm chăm sóc khách hàng… Kết quả bước đầu cho thấy dư nợ tín dụng DNNVV tăng đều qua các năm.
3.3.2. Hạn chế
a) Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bên cạnh những kết quả đạt được, song các DNNVV Việt Nam còn một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các DNNVV chưa chủ động trong việc xây dựng bản thân hoàn thiện để đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng của các ngân hàng. Các DNNVV luôn thụ động trong việc đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng ngân hàng, chỉ khi có nhu cầu vay chủ DNNVV mới bắt đầu tìm hiểu các điều kiện xét cấp. Hậu quả của sự thụ động đó dẫn
38
đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, tỷ suất sinh lời không đạt được như ban đầu đề ra điều này dẫn đến không có nguồn trả nợ hoặc không đủ để trả nợ ngân hàng làm gia tăng nợ quá hạn cho ngân hàng ảnh hưởng mức độ uy tín của DNNVV đối với ngân hàng.
Thứ hai, tài sản đảm bảo là một trong những trở ngại chính trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV. Để giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng, tài sản đảm bảo là điều kiện ưu tiên để ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho DNNVV đặc biệt là những doanh nghiệp không có nhiều thông tin tài chính trên thị trường,… Tài sản đảm bảo như một hình thức đảm bảo khoản nợ của doanh nghiệp cũng như là lòng tin của doanh nghiệp về tính khả thi của phương án vay vốn.
Với đặc điểm quy mô vốn nhỏ, tài sản đảm bảo của DNNVV thường có giá trị thấp so với giá trị khoản vay hoặc không nằm trong danh mục tài sản đảm bảo được chấp nhận của ngân hàng. Do DNNVV đa số chuyển từ hình thức hộ kinh doanh cá thể sang loại hình DNNVV nên hay vi phạm nguyên tắc thực thể kinh doanh trong kế toán khi mà cá nhân góp vốn bằng tài sản vào doanh nghiệp nhưng chưa chuyển đổi pháp lý sang doanh nghiệp nên khi thế chấp tài sản đó ngân hàng sẽ không chấp nhận tài sản làm thế chấp.
Thứ ba, tính minh mạch của báo cáo tài chính chưa cao. Do công tác tài chính- kế toán của DNNVV chưa được chú trọng đầu tư nên trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm chế độ, chuẩn mực kế toán. Báo cáo tài chính thường nộp cho cơ quan thuế, ngân hàng… thường khác nhau với mục đích tối ưu hóa lợi ích của mình. Bên cạnh đó, các DNNVV vẫn chưa tách biệt được vốn đầu tư cá nhấn và vốn đầu tư của doanh nghiệp nên trong sổ sách thường không đúng với thực tế của doanh nghiệp. Do vậy, khi đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp hay khả năng trả nợ, ngân hàng đánh giá không đúng với nội tại của doanh nghiệp.
Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực của DNNVV còn thấp. Chủ DNNVV thường yếu kém trong công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng tầm nhìn chiến lược kinh doanh lâu dài của DNNVV, thiếu hụt kiến thức về tài chính kế toán, khả năng dự đoán biến động thị trường, biến động giá còn thấp… dẫn đến chất lượng của những
39
phương án/kế hoach sản xuất kinh doanh thường thấp, mang tính dập khuôn, do vậy chưa thuyết phục được các ngân hàng cấp tín dụng.
b) Về phía các ngân hàng
Hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng được các ngân hàng tích cực triển khai. Song bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như sau:
Một là, mặc dù các ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực trong việc mở rộng thị trường khách hàng DNNVV song các ngân hàng chưa có những nghiên cứu chính thức về đối tượng DNNVV dẫn đến việc cải cách chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với phân khúc khách hàng DNNVV, tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng còn thấp. Các cơ chế chính sách thường là các khung chung áp dụng cho tất cả các khách hàng mà không có khung riêng cho phân loại khách hàng doanh nghiệp theo quy mô, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp start-up mới đi vào hoạt động thì chưa có những chính sách tín dụng riêng.
Hai là, các chương trình tín dụng cho DNNVV còn riêng lẻ với những điều kiện và giới hạn nhất định. Thông thường các chương trình tín dụng của các ngân hàng thường chỉ áp dụng cho DNNVV có quan hệ với ngân hàng như mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, thu chi tiền qua ngân hàng… với mức ưu đãi lãi suất cố định trong một khoảng thời gian ngắn sau đó sẽ là lãi suất thả nổi điều này gây trở ngại lớn cho DNNVV khi chủ yếu các khoản vay là dài hạn, gia tăng áp lực trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Bên cạnh đó, với những ngân hàng có quy mô nhỏ thì đối tượng khách hàng DNNVV được hưởng chương trình tín dụng chỉ áp dụng cho một số ngành nghề nhất định với những điều kiện khắt khe về doanh thu hay báo cáo tài chính…
Ba là, mặc dù theo đánh giá của chủ DNNVV quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn của ngân hàng tuy đã thông thoáng hơn, nhanh gọn hơn nhưng vẫn còn một số ngân hàng thủ tục vay vốn quá chặt chẽ như yêu cầu hoạt động từ 2 năm trở lên, phải có báo cáo tài chính ít nhất hai năm, tài chính lành mạnh… thì mới xem xét cấp tín dụng.
Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích do các ngân hàng lo ngại về rủi ro tín dụng khi mở rộng tín dụng cho DNNVV. Các quy định này là rào cản lớn đối với DNNVV, đặc biệt khi mà mỗi năm có hơn 100.000 DNNVV thành lập mới, và một
40
lượng DNNVV được khuyến khích chuyển từ loại hình kinh doanh hộ gia đình sang loại hình DNNVV thì yêu cầu về điều kiện thời gian hoạt động không đáp ứng được.
Tình trạng DNNVV không tiếp cận được tín dụng ngân hàng trở nên trầm trọng hơn nếu trong thời gian tới không có giải pháp can thiệp kịp thời.
Bốn là, các hình thức đảm bảo tiền vay còn hạn chế, các ngân hàng chủ yếu chấp nhận bất động sản là tài sản thế chấp, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo còn thấp. Như đã đề cập ở trên, điều kiện về tài sản đảm bảo là một trong những tiêu chí hàng đầu khi ngân hàng xem xét cấp tín dụng, điều kiện này được chú trọng hơn tính khả thi của phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh của DNNVV. Tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, nguyên vật liệu… mới chỉ được chấp nhận khi DNNVV vay vốn ngắn hạn mà các khoản vay của DNNVV chủ yếu là khoản vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, giá trị của tài sản đảm bảo khi ngân hàng thẩm định thường thấp hơn thị trường, khoảng 80%-90% giá trị thị trường, vì các ngân hàng sẽ có một phòng thẩm định riêng biệt tách khỏi các bộ phận khi tính toán giá trị thường đưa ra giá trị thấp giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
41