CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NHTMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN - CHI NHÁNH THĂNG LONG
3.2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO QTRR TÍN DỤNG TẠI NHTMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN – CN THĂNG LONG
3.2.1. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp tín dụng cho khách hàng
Căn cứ quy trình cấp tín dụng tại Sacombank [17], quy trình cấp tín dụng tại CN Thăng Long gồm 10 bước cơ bản như sau:
− Bước 1: Tiếp xúc với khách hàng, hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ của khách hàng
− Bước 2: Thẩm định hồ sơ, lập tờ trình thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng
− Bước 3: Xét duyệt cấp tín dụng
− Bước 4: Thông báo cho khách hàng về quyết định cấp tín dụng
− Bước 5: Ký hợp đồng tín dụng và tiến hành thủ tục công chứng tài sản bảo đảm
− Bước 6: Làm thủ tục giao nhận TSĐB và nhập kho hồ sơ TSĐB
− Bước 7: Thực hiện giải ngân
− Bước 8: Thu nợ, lãi vay theo đúng định kỳ
− Bước 9: Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để lập “Báo cáo kiểm tra sau khi cho vay”, quản lý TSĐB nhằm phát hiện và xử lý các dấu hiệu rủi ro
− Bước 10: Thanh lý Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm
Để nâng cao quản trị rủi ro tín dụng tại Sacombank – CN Thăng Long thì việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp tín dụng cho khách hàng là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Bởi phần lớn các rủi ro đều xuất phát từ việc nhân viên chưa tuân thủ chặt chẽ các bước trong quy trình. Vì vậy, để giảm thiểu RRTD, các nhân viên cần thực hiện nghiêm túc quy trình từ bước đầu tiên là gặp gỡ, tiếp nhận hồ sơ của khách hàng đến giai đoạn thẩm định, ra quyết định phê duyệt tín dụng và sau cùng là giám sát sau vay. Cụ thể là:
− Đầu tiên (bước 1), các CBTD là những người trực tiếp gặp khách hàng, hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ cũng như các thông tin từ phía khách hàng. RRTD thường tập trung ở bước này, do khách hàng cung cấp thiếu thông tin hoặc không chính xác. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm, các CBTD cần phải nâng cao trình độ thẩm định sơ bộ về thông tin bằng việc thu thập tối đa thông tin từ khách hàng cung cấp và từ nhiều nguồn khác nhau, phân tích kỹ và khách quan, có ý thức trách nhiệm cao trong việc xử lý thông tin.
+ CBTD cần kiểm tra chính xác các thông tin liên quan đến hồ sơ pháp lý (kiểm tra xem khách hàng có đầy đủ các giấy tờ như CMND/ CCCD, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập doanh nghiệp… để xác định các giấy tờ này có bị làm giả hay hết hạn không); hồ sơ kinh tế (thu nhập của khách hàng, phương án trả nợ, báo cáo tài chính…) và TSĐB (có thuộc quyền sở
hữu của chính khách hàng chưa hay đã được làm TSĐB tại tổ chức khác) dựa trên thông tin khách hàng cung cấp và Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Để đối chiếu các thông tin khách hàng cung cấp, CBTD có thể kết hợp với một số cơ quan như tổng cục thuế, công an, chính quyền địa phương, sở địa chính, cơ quan quản lý cư trú,… để đối chiếu thông tin.
+ Để làm giảm thiểu tổn thất khi khoản vay xảy ra rủi ro thì Ngân hàng thường dùng TSĐB để xử lý. TSĐB như một nguồn thu nợ thứ hai khi nguồn thu từ thu nhập hay lợi nhuận từ phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng không đủ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khách hàng vay dựa vào uy tín của bản thân thông qua việc chứng minh nguồn thu nhập từ lương chứ không có TSĐB thì ngân hàng có thể sử dụng bảo hiểm khoản vay đã yều cầu khách hàng mua khi ký hợp đồng vay vốn để nhằm bù đắp tổn thất. Chi nhánh nên yêu cầu CBTD phải đạt tỷ lệ bảo hiểm khoản vay cho sp vay tín chấp tối thiểu 90% tổng số khoản vay cùng loại, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho ngân hàng. Bên cạnh đó, với các trường hợp có TSĐB, cũng chi nhánh cũng nên đề ra chính sách yêu cầu các CBTD khuyên khách hàng mua bảo hiểm tài sản thế chấp đối với các TSĐB dễ bị hỏng như máy móc, thiết bị với tỷ lệ tối thiểu 70% tổng số các khoản vay cùng loại, để vừa đảm bảo cho phía Ngân hàng, vừa đảm bảo cho khách hàng khi TSĐB đó gặp rủi ro.
− Tiếp theo (bước 2), một bước vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cho việc cấp trên ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Nếu các CBTĐ đưa ra các kết luận không chính xác thì rủi ro mà Ngân hàng gặp phải đối với các khoản vay đó rất lớn. Hiện nay, trình độ chuyên môn về thẩm định của các CBTĐ tại Chi nhánh Thăng Long vẫn còn hạn chế bởi đội ngũ nhân viên còn khá non trẻ. Do đó, việc nâng cao trình độ của đội ngũ CBTĐ là vô cùng cần thiết. Các yếu tố thẩm định ở đây là: Thẩm định năng lực pháp lý của khách hàng, phương án sử dụng vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, thẩm định về các bảo đảm khoản vay như TSĐB.
+ Thẩm định về năng lực pháp lý của khách hàng, các CBTĐ cần kiểm tra thật kỹ xem có các giấy tờ chứng minh năng lực pháp lý của khách hàng có đùng không,
có bị làm giả hay khai sai thông tin không bằng cách đối chiếu với thông tin tại các cơ quan, bang ngành liên quan. Ví dụ đối với đăng ký thành lập doanh nghiệp, CBTĐ có thể kiểm tra thông tin trên trang của Tổng Cục thuế.
+ Khi thẩm định phương án sử dụng vốn, đối với những phương án vay vốn không hợp lý nên từ chối cấp tín dụng ngay từ đầu, tránh tình trạng một số cán bộ do áp lực chỉ tiêu mà cấp tín dụng vội vàng. Hoặc những trường hợp có phương án vay vốn chưa đáng tin cậy và đảm bảo chắc chắn thì các CBTĐ cũng phải thu thập các chứng từ chứng minh. Mọi chứng từ đều phải được kiểm tra có tính hợp lệ rõ ràng. Đối với cho vay theo dự án đầu tư thì cần xác định xem dự án có phù hợp với bối cảnh kinh tế hay không, dự án đó có thuộc danh mục các ngành được địa phương đó cho phép đầu tư hay đang khuyến khích không, có nhiều đối thủ cạnh tranh hay không, khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường… Cần phát hiện kịp thời các trường hợp khách hàng sử dụng vốn với mục đích trái pháp luật, thuộc đối tượng hạn chế và cấm cho vay.
+ Thẩm định về năng lực tài chính và năng lực kinh doanh của khách hàng giúp cho Ngân hàng có thể nắm được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, triển vọng và khả năng thanh toán. Năng lực tài chính được thể hiện thông qua các chỉ tiêu tổng tài sản có, tài sản nợ, cơ cấu nguồn vốn, lãi/ lỗ…
Những nguồn thu nhập không ổn định hay những doanh nghiệp có tình hình tài chính không ổn định cần xem xét cẩn thận là có nên cho vay hay không hoặc chỉ nên chấp nhận một mức hợp lý. Năng lực kinh doanh của khách hàng được phân tích thông qua các yếu tố như thiết bị máy móc, công nghệ, lao động, giá cả, chất lượng sản phẩm. CBTĐ cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố này để có thể xác định thực trạng và triển vọng hoạt động kinh doanh của khách hàng, đưa ra các kết luận chính xác.
+ Đối với bảo đảm khoản vay, Ngân hàng có thể sử dụng bảo đảm bằng tài sản hình thành khoản vay, hay bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba. Ngân hàng cần phân loại khách hàng để áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay thích hợp cho từng đối tượng khách hàng. Khi sử dụng bảo đảm tiền vay bằng tài sản, cần phải chú ý
tài sản có đầy đủ tính pháp lý, được định giá phù hợp, đúng mức và kiểm tra rõ ràng để tránh tình trạng xảy ra tranh chấp về sau khi cần xử lý tài sản đảm bảo.
Trường hợp cho vay không bảo đảm bằng tài sản chỉ nên áp dụng đối với các khoản vay có mức độ an toàn cao, thuộc đối tượng mà Ngân hàng phải duy trì mối quan hệ tín dụng lâu dài. Tuy nhiên, Ngân hàng có thể chủ động đề nghị khách hàng bổ sung TSĐB bằng nguồn thu từ hợp đồng kinh tế, hay sử dụng uy tín của Ban lãnh đạo để cam kết.
− Sau đó, các cán bộ lần lượt thực hiện các bước 3,4,5,6, 7 để hoàn tất việc giải ngân cho khách hàng. Trong bước giải ngân, các cán bộ làm công tác này cũng phải thật thận trọng kiểm tra kỹ thông tin về quyết định cấp tín dụng của cấp trên để thực hiện giải ngân chính xác, tránh các sai sót xảy ra.
− Đến bước 8, là bước thu nợ, lãi vay theo đúng định kỳ sau giải ngân. Tại bước này, để giảm thiểu rủi ro thì cần các CBTD và cán bộ thuộc bộ phận nhắc nợ cần chủ động đôn đốc, nhắc nhở khách hàng trả nợ theo lịch đã được thoả thuận giữa khách hàng và Ngân hàng đối với các trường hợp nghi ngờ, có dấu hiệu không có khả năng hoặc thiện chí trả nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng có hệ thống nhắc nợ tự động qua SMS nhưng vẫn có trường hợp khách hàng không nhận được SMS này, do đó cần phải tăng cường kiểm tra và nâng cấp hệ thống này để nó có thể phát huy tối đa hiệu quả.
− Tiếp đến, tại bước 9, Ngân hàng phải thường xuyên theo dõi biến động dư nợ của khách hàng và hợp đồng tín dụng (trong hạn hay quá hạn) và phân loại nhóm nợ của khách hàng (1,2,3,4,5). Ngoài ra, công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay cũng phải được thực hiện định kỳ và đột xuất khi phát hiện khách hàng có những dấu hiệu bất thường.
+ Cần kiểm tra xem khách hàng có thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng tín dụng về mục đích, phương án sử dụng vốn thông qua xem xét hồ sơ giải ngân từng lần và thực tế hoạt đông của khách hàng (trong đó xem thực tế khách hàng đã làm những việc gì là quan trọng nhất).
+ Phân tích tình hình sản xuất kinh doanh của dự án thông qua phân tích các BCTC định kỳ hay những báo cáo giả định mà họ giả định trong tương lai để xem tình hình sản xuất kinh doanh trong tương lai có khả quan và cần chú ý điều gì không. Đặc biệt, cần chú ý tham khảo các kết quả kiểm toán độc lập.
+ Kiểm tra, đánh giá hiện trạng của TSĐB tiền vay, thực hiện nghiêm chỉnh việc định giá lại TSĐB theo định kỳ để có những biện pháp bảo đảm bổ sung trong trường hợp giá trị TSĐB sụt giảm so với lần định giá trước.
+ Định kỳ 1 hoặc 2 lần trên tháng, kết hợp với kiểm tra đột xuất khi CBTD thấy có những dấu hiệu nghi ngờ về việc khách hàng đang sử dụng vốn vay sai mục đích. Từ đó, nắm bắt kịp thời tình hình doanh nghiệp thông qua kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh. Trong quá trình kiểm tra, giám sát vốn vay, ngân hàng đánh giá mức tín nhiệm của khách hàng. Nếu phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng vay và TSĐB, không có khả năng trả nợ đúng hạn, không có thiện chí trả nợ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguy cơ bị phá sản,… thì ngân hàng phải yêu cầu khách hàng hoàn trả nợ trước hạn hoặc xử lý ngay theo quy định của Sacombank và NHNN.
− Cuối cùng là bước Thanh lý Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng bảo đảm (bước 10) sau khi khách hàng đã tất toán hợp đồng.
Tóm lại, việc tuân thủ chặt chẽ các bước trong quy trình cấp tín dụng như trên sẽ giúp cho Sacombank – CN Thăng Long hạn chế tối đa rủi ro cũng như tổn thất cho mình.