CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ MUA SẮM TẬP TRUNG BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1.5. Ý nghĩa, vai trò của mua sắm tập trung
Mua sắm tập trung tuân theo quy luật khách quan của thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật giá cả - giá trị. Cách thức mua sắm tập trung là phương thức tiên tiến, đem lại hiệu quả trong việc mua sắm tài sản công thể hiện thông qua số tiền tiết kiệm được, chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính đồng bộ về kỹ thuật, tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, tăng cường trang bị đồng bộ, hiện đại cho cơ quan Nhà nước, rút ngắn thời gian và
chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ [12, tr.65].
Mua sắm tập trung góp phần phát triển thị trường hàng hóa, các loại hàng hóa được mua sắm sẽ phát triển, doanh nghiệp cung cấp lớn mạnh, phát triển quy mô để có thể tham gia cung cấp cho bên mua. Chất lượng hàng hóa cũng tăng cao do nhu cầu của người mua đòi hỏi về chất lượng, từ đó kích thích thị trường trong nước phát triển.
Hai là, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Mua sắm tập trung mang lại cho Nhà nước những đầu tư mới về công nghệ, trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ thiết thực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mua sắm tập trung minh bạch thông qua việc đấu thầu rộng rãi tạo điều kiện cho các nhà thầu cạnh tranh lành mạnh và đưa ra những phương án công nghệ thiết bị, các điều kiện thương mại và tài chính cạnh tranh nhất để bên mời thầu lựa chọn. Các nhà thầu phải cạnh tranh để bán hàng, cung cấp dịch vụ, qua đó, bên mời thầu có thể chọn được nhà thầu cung cấp hàng hóa tốt nhất tương ứng với giá trúng thầu hợp lý và trong hạn mức được chi tiêu [12, tr.65].
Thông qua mua sắm tập trung, các hoạt động kinh tế đều được kích thích phát triển như các ngành sản xuất trực tiếp, các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến. Mua sắm tập trung kích thích các nhà thầu nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm và uy tín của mình trên thị trường, các doanh nghiệp dần dần lớn mạnh để cạnh tranh với nhau, tổng hợp nhiều lĩnh vực làm cho hoạt động kinh tế được diễn ra theo hướng chuyên môn hóa sâu và đa phương hóa rộng. Đây là hình thức đảm bảo sự công bằng và tạo cơ hội cho tất cả các nhà cung cấp tiềm năng.
Sự cạnh tranh trong mua sắm tập trung buộc các nhà thầu phải vươn lên trong hoạt động kinh doanh của mình, phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường sao cho sản phẩm khi chào phải phù hợp với yêu cầu về mặt kỹ thuật, tính năng sử dụng và giá cả cạnh tranh. Cũng nhờ đó, các nhà thầu nâng cao năng
lực và tích lũy nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để có thể cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Ba là, tiết kiệm chi phí.
Mua sắm tập trung góp phần giải quyết hài hòa mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Mua sắm tập trung giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tập trung tránh được sự lãng phí không đáng có. Việc tổ chức đấu thầu một lần để mua sắm số lượng lớn sẽ tiết kiệm đáng kể so với việc tổ chức đấu thầu nhiều lần.
Đồng thời giảm thiểu tối đa sự móc ngoặc giữa các bên (nhà thầu - nhà thầu, nhà thầu - bên mời thầu). Mua sắm tập trung không chỉ giúp bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu mà còn giúp tiết kiệm được nguồn vốn cho ngân sách Nhà nước.
Việc tập trung mua sắm vào một số ít đầu mối thay vì rất nhiều đầu mối cũng là tiền đề để giảm chi phí và nguồn nhân lực tổ chức mua sắm, thuận lợi cho việc kiểm soát hành vi tham nhũng. Chính vì vậy, Mua sắm tập trung được coi như công cụ hữu hiệu để chống các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí trong việc chi tiêu ngân sách Nhà nước, góp phần lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Bốn là, nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.
Quản lý tài sản Nhà nước gồm ba nội dung cơ bản: quản lý quá trình hình thành tài sản, quản lý quá trình khai thác sử dụng tài sản, quản lý quá trình kết thúc tài sản.
Trong ba nội dung cơ bản nêu trên, thì mua sắm tài sản công là khâu đầu tiên của quá trình quản lý tài sản Nhà nước, có vị trí then chốt để bảo đảm hiệu quả trong sử dụng, quản lý. Mua sắm tài sản công quyết định sự phù hợp hay không phù hợp về tài sản phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước; quyết định việc tài sản được sử dụng lâu dài hay không lâu
dài tùy theo chất lượng của tài sản mua sắm, quyết định chi phí về tài sản công trong tổng chi tiêu công.
Các cơ quan chức năng của Nhà nước, người đứng đầu đơn vị dễ dàng kiểm tra, kiểm soát quá trình mua sắm và sử dụng tài sản của từng đơn vị vì ngay từ khi đăng ký nhu cầu đến quá trình mua sắm, sử dụng đều được công khai, kiểm soát chặt chẽ. Do đó, mua sắm tập trung là công cụ quan trọng giúp Chính phủ quản lý chi tiêu, sử dụng nguồn chi thường xuyên để duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước và các tổ chức, đơn vị sao cho có hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.