CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ MUA SẮM TẬP TRUNG BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
2.4. Đánh giá thực trạng công tác mua sắm tập trung tại Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2018
2.4.2. Đánh giá công tác mua sắm tập trung tại Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2018
2.4.2.1. Những mặt mạnh và nguyên nhân
Qua hai năm thực hiện, việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung tại Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng đảm bảo cơ bản các tiêu chí và đạt được kết quả bước đầu:
Việc mua sắm đã tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ của Nhà nước và danh mục tài sản mua sắm tập trung do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành và công bố.
Thực hiện mua sắm trong phạm vi dự toán được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả.
Bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính Nhà nước, cải cách tài chính công.
Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Quá trình đấu thầu được tổ chức công khai, minh bạch, việc xử lý tình huống trong đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật. Tuân thủ việc công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.
Mua sắm tập trung giải quyết hài hòa mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.
Giảm đầu mối thực hiện mua sắm, tiết kiệm chi phí, nhân lực của các cơ quan, đơn vị; kiểm soát được mặt bằng giá cả tài sản, đồng thời cơ bản
đồng bộ các trang thiết bị, phù hợp nhu cầu sử dụng, kinh phí của các đơn vị.
Nhờ phương thức này tiết kiệm được 837,5 triệu đồng.
Việc thực hiện mua sắm tài sản tập trung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản chỉ cần căn cứ vào Thỏa thuận khung Quỹ đã ký với nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn để trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản, thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn góp phần tiết kiệm nhân lực, chi phí so với việc phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ từng đơn vị.
Giúp cho Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính giám sát quá trình đấu thầu, mua sắm tập trung của một đơn vị là Quỹ sẽ tập trung hơn, dễ dàng hơn việc giám sát hàng trăm đơn vị đấu thầu, mua sắm nhỏ lẻ. Vì thế, sẽ kiểm soát tốt hơn tham nhũng trong đấu thầu mua sắm tài sản Nhà nước.
Mặt khác, Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng chỉ là đầu mối đứng ra tổ chức đấu thầu, xác định giá mua sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ, lựa chọn nhà cung cấp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trên cơ sở tổng hợp đăng ký nhu cầu mua sắm của các đơn vị sử dụng tài sản, mà không nắm giữ tiền phân bổ từ ngân sách, không thực hiện việc thanh toán với nhà thầu, từ đó sẽ giảm được nguy cơ tiêu cực, tham nhũng.
Khi mua sắm tập trung, giá tài sản phải theo thỏa thuận khung đã ký giữa Quỹ và nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn. Cho nên, các đơn vị mua sắm tài sản không thể mua với giá vượt khung, sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; góp phần hạn chế được lãng phí trong mua sắm tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, còn hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm tài sản Nhà nước do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.
Ngoài ra, các thông tin về mua sắm tập trung đều phải công khai, từ nhu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến kết quả mua sắm, các khoản hoa
hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có)… Qua đó sẽ bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công, đồng thời thuận tiện cho các đơn vị trong việc tra cứu, kiểm tra thông tin mua sắm tập trung tài sản có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình.
Như vậy, việc triển khai tích cực, tổ chức bài bản mua sắm tập trung sẽ góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, mua sắm tập trung còn đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần hạn chế tình trạng trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả.
Do mua sắm tập trung nên các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản có nhiều thời gian cho công tác chuyên môn hơn, cũng như có điều kiện rà soát, thực hiện sắp xếp, điều chuyển, sử dụng có hiệu quả tài sản trong quá trình quản lý, sử dụng.
Ngoài ra, mua sắm tập trung cũng hứa hẹn góp phần tạo đơn hàng lớn cho doanh nghiệp trong nước.Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, lợi ích dễ thấy là khi mua sắm tập trung, sẽ tạo ra những đơn hàng lớn hơn cho doanh nghiệp, thay vì những đơn hàng nhỏ lẻ. Như khi Quỹ Đầu từ và Phát triển đất Hải Phòng mua sắm tập trung máy tính để bàn cho tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố thì đơn hàng lên tới hơn ba trăm máy một năm trong năm 2018, thậm chí là hơn một nghìn máy (như năm 2017). Trong cả 2 năm này, sản phẩm máy tính bàn FPT Elead của Công ty TNHH phân phối Synnex FPT là một trong những sản phẩm sản xuất trong nước theo quy định đã được công bố ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước đều trúng thầu.
Qua đó hứa hẹn, nhà sản xuất khi nhìn thấy tiềm năng từ "thị trường"
mua sắm tập trung, thì có thể xây dựng chiến lược đầu tư lớn, mở rộng sản
xuất kinh doanh, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao với giá cả ổn định, hợp lý, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước về kinh tế.
2.4.2.2. Những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan, khách quan
Công tác mua sắm tập trung tài sản Nhà nước tại Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Thứ nhất, thời gian tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung còn chậm và kéo dài, chưa đảm bảo thời gian quy định là các đơn vị đầu mối phải gửi nhu cầu, tổng hợp xong chậm nhất ngày 31/01 hàng năm dẫn đến tiến độ thực hiện mua sắm chậm, chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng tài sản.
Nguyên nhân chủ quan do Quỹ nhân lực có hạn, bổ sung nhiệm vụ nhưng không được bổ sung biên chế, đội ngũ cán bộ thực hiện việc mua sắm tập trung ít, kiêm nhiệm, kinh nghiệm chưa có, năng lực còn hạn chế mà đây là nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, khối lượng công việc lớn nên tiến độ chậm.
Nguyên nhân khách quan, mua sắm tập trung là nhiệm vụ mới, tâm lý chung vẫn muốn tự chủ động mua sắm nên các đơn vị còn chưa quan tâm đúng mức, chậm trễ trong việc tổng hợp, gửi đăng ký nhu cầu mua sắm và số liệu chưa chính xác, liên tục điều chỉnh đăng ký do đơn vị được phân bổ dự toán mua sắm muộn nên chưa có căn cứ để đăng ký số chuẩn mà thường là tạm đăng ký, sau đó khi được phân bổ dự toán lại điều chỉnh lại đăng ký. Như năm 2018 đến ngày 19/6/2018 mới có quyết định phân bổ dự toán mua sắm tài sản cho các sở, ngành, đơn vị vì vậy Quỹ lại phải rà soát, điều chỉnh lại nhu cầu đăng ký mua sắm tập trung.
Đặc biệt, một số đơn vị đăng ký cùng loại tài sản, nhưng lại nhiều thông số kỹ thuật và mức giá khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian tổng hợp, thống nhất đồng bộ về thông số kỹ thuật, mức giá.
Thứ hai, tiến độ mua sắm tập trung, bàn giao máy móc, thiết bị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các đơn vị.
Nguyên nhân chủ quan, do việc tổng hợp nhu cầu của Quỹ bị chậm như đã nêu ở trên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các bước tiếp theo của mua sắm tập trung.
Nguyên nhân khách quan, các đơn vị đăng ký chậm, Quỹ lại không chủ động được trong quá trình đề nghị phê duyệt tổng dự toán mua sắm tập trung, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà bị phụ thuộc vào tiến độ thẩm định, phê duyệt của Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân thành phố. Quỹ gửi Tờ trình đề nghị thẩm định Tổng dự toán từ ngày 26/6/2018, nhưng đến ngày 10/9/2018 Sở Tài chính mới có thông báo thẩm định, đề nghị phê duyệt dự toán và ngày 28/9/2018 UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Tổng dự toán. Ngày 04/10 Quỹ đề nghị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì ngày 16/10 Sở Tài chính lập báo cáo thẩm định và ngày 31/10/2018 Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mặc dù theo quy định của Luật Đấu thầu thời gian phê duyệt tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định.
Ngoài ra, sau khi ký thỏa thuận khung, số lượng máy móc thiết bị lớn, không nhà thầu nào có sẵn số lượng lớn như vậy, thêm nữa các đơn vị mua sắm tài sản vẫn tiếp tục điều chỉnh nên nhà thầu được lựa chọn phải làm việc với tất cả các đơn vị để tổng hợp, thống kê lại số lượng chuẩn mới đặt hàng nên mất khá nhiều thời gian.
Vì vậy cả quá trình từ đăng ký, chờ đấu thầu đến bàn giao tài sản rất dài, không kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị.
Thứ ba, thương hiệu, chủng loại tài sản mua sắm tập trung không đáp ứng được hết nhu cầu của các đơn vị.
Vì nhu cầu sử dụng tài sản của các đơn vị rất đa dạng về thương hiệu, thông số kỹ thuật, giá tiền mà mua sắm tập trung chỉ đáp ứng được những nhu cầu chung nhất, phổ biến nhất. Nhiều đơn vị ý kiến, không ủng hộ mua sắm
tập trung vì đề nghị được mua máy móc thương hiệu này nhưng lại phải mua máy móc thương hiệu khác. Quỹ không thể đáp ứng yêu cầu của các đơn vị vì theo quy định của Luật đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu không được ghi rõ thương hiệu, xuất xứ của thiết bị để đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, chỉ được ghi thông số kỹ thuật. Kết quả mua sắm tập trung phải mua loại máy theo thương hiệu do nhà thầu được lựa chọn đã chào trong hồ sơ dự thầu.
Thứ tư, việc bàn giao, lắp đặt, bảo hành, bảo trì cũng gặp nhiều khó khăn.
Do địa bàn thành phố rộng, các đơn vị có trụ sở trên toàn thành phố, quy trình mua sắm bị kéo dài nên khi bàn giao tài sản thường tập trung vào cuối năm;nhà thầu trúng thầu nhiều đơn vị, nên việc ký hợp đồng, bàn giao tài sản khó thực hiện đồng thời, mà cần sắp xếp ưu tiên theo đối tượng, nhóm khu vực nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí bàn giao, lắp đặt. Đối với các nhà thầu có trụ sở tại thành phố Hải Phòng còn thuận lợi, nhiều nhà thầu có trụ sở tại các tỉnh khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có cơ sở bảo hành tại thành phố, nhưng việc vận chuyển, bàn giao, bảo hành, bảo trì vẫn bị chậm trễ, không đáp ứng kịp thời yêu của đơn vị mua sắm tài sản.
Thứ năm, các đơn vị đầu mối chưa quan tâm, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản chưa coi trọng công tác mua sắm tập trung nên việc đăng ký không sát với nhu cầu thực tế, nhiều đơn vị vẫn quan niệm cứ đăng ký là được cấp phát hoặc cứ đăng ký còn mua hay không tính sau, đã đăng ký nhưng không dành kinh phí cho mua sắm tập trung.
Có tình trạng đơn vị đầu mối tự áp đặt đăng ký loại tài sản cho đơn vị cấp dưới, đến khi triển khai ký hợp đồng mua sắm tài sản, các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản mới ý kiến là không có nhu cầu với loại tài sản đó nên lại phải điều chỉnh.
Trong quá trình triển khai ký hợp đồng, các đơn vị đầu mối còn thiếu phối hợp trong việc thông báo, đôn đốc các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản
thực hiện; không bố trí cán bộ phụ trách nên khi Quỹ hay nhà thầu liên lạc, đơn vị có sự đùn đẩy trách nhiệm.
Các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc thỏa thuận khung ký giữa Quỹ và nhà thầu được lựa chọn, một số đơn vị sử dụng tài sản đã từ chối mua tài sản, không chịu ký hợp đồng, hủy hợp đồng, số khác lại yêu cầu điều chỉnh giảm số lượng tài sản với nhiều lý do khác nhau như hết kinh phí, không còn nhu cầu… thậm chí có đơn vị đã ký hợp đồng, nhận bàn giao, đã sử dụng tài sản nhưng khất lần, không thanh toán cho nhà thầu mặc dù trong năm đơn vị đó đã được cấp kinh phí mua sắm tài sản.
Thứ sáu, chưa có chế tài hiệu quả xử phạt đối với các đơn vị vi phạm chưa nghiêm túc thực hiện thỏa thuận khung hay hợp đồng đã ký. Mặc dù có quy định là quá thời gian do đơn vị mua sắm tập trung thông báo mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không ký hợp đồng mua sắm tài sản thì không được phép mua sắm tài sản đó và bị thu hồi dự toán. Tuy nhiên vì Quỹ là đơn vị sự nghiệp, không phải cơ quan quản lý Nhà nước nên với các đơn vị vi phạm, Quỹ chỉ có thể làm văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nên chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng trên. Mặt khác, Quỹ cũng chưa dứt khoát, kiên quyết trong việc thực hiện nhiệm vụ;chưa tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng vi phạm hợp đồng của các đơn vị.
Thứ bảy, còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thanh toán mua sắm tập trung.Còn thiếu sự thống nhất trong việc kiểm soát chi của kho bạc Nhà nước thành phố, kho bạc Nhà nước quận, huyện
Trong quá trình triển khai thực hiện thỏa thuận khung, Quỹ đã thông báo bằng văn bản cho Kho bạc Nhà nước thành phố và Kho bạc Nhà nước quận, huyện về mẫu hợp đồng theo đúng quy định của Nhà nước về mua sắm tập trung. Nhưng với mỗi Kho bạc, nhân viên kiểm soát chi khác nhau lại gây khó khăn, yêu cầu nhà thầu, đơn vị phải sửa hợp đồng theo ý mình, làm kéo dài thời gian thanh toán.
Do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức, danh mục của các thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ nên các đơn vị thuộc khối y tế, giáo dục và đào tạo mua số lượng lớn máy móc, thiết bị phổ biến theo phương thức mua sắm tập trung gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ trong quá trình thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Thứ tám, tổ chức đấu thầu tập trung với số lượng lớn khiến công tác đấu thầu cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế với những gói thầu đã thực hiện tại Quỹ tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia nhưng không đủ năng lực, khi liên danh thì trong quá trình thực hiện lại xảy ra vướng mắc, mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp khiến công tác giám sát thực hiện hợp đồng của Quỹ thêm phức tạp, khó quản lý. Trên địa bàn thành phố có ít doanh nghiệp lớn đáp ứng đủ năng lực theo quy định hồ sơ mời thầu của Quỹ, các doanh nghiệp ở địa phương khác lại ngại xa không muốn tham gia vì vậy quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, thậm chí kéo dài vì phải gia hạn thời gian do không đủ số lượng nhà thầu tham gia mở thầu theo quy định.
Thứ chín, thiếu sự phối hợp đồng bộ, hài hòa với nhau giữa Quỹ, đơn vị đầu mối, đơn vị sử dụng tài sản, Kho bạc Nhà nước và nhà thầu cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện mua sắm tập trung.
Thứ mười, việc áp dụng mua sắm tập trung chưa đi đôi với đấu thầu qua mạng.
Đấu thầu qua mạng điện tử được xác định là phương thức minh bạch, công khai và hiệu quả. Việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng có rất nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, tăng cường tính cạnh tranh do có nhiều nhà thầu tham gia, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Tuy nhiên hiện nay việc mua sắm tập trung tại Quỹ Đầu tư và Phát triển đất Hải Phòng chưa đi đôi với đấu thầu qua mạng là một hạn chế lớn cần khắc phục.