Đặc điểm tiền sử

Một phần của tài liệu Nghiên cứu Đặc Điểm lâm sàng, cận lâm sàng và biến thể một số gen Ở trẻ mắc Động kinh kháng thuốc (Trang 120 - 124)

Trạng thái động kinh là một trong những cấp cứu thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em với hậu quả thần kinh nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Trong nghiên cứu này, tôi sử dụng điểm cắt cho tiêu chuẩn chẩn đoán trạng thái động kinh của ILAE 2015 là cơn co giật kéo dài trên 5 phút hoặc không có hồi phục ý thức giữa các cơn, thời gian này được rút ngắn so với thời gian co giật kéo dài 30 phút của tiêu chuẩn trước đó [111]. Chính vì thế nên khi so sánh với các nghiên cứu trước năm 2015 chúng tôi nhận thấy các tỉ lệ khác nhau khi đánh giá trạng thái động kinh.

Theo Loddenkemper T. năm 2011, có khoảng 17 đến 23 trong số 100.000 trẻ em bị trạng thái động kinh mỗi năm với tần suất cao nhất gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi [112]. Theo nghiên cứu của ở Anh, tỉ lệ hiện mắc ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi là 51/100.000 trẻ, 1 tuổi đến 4 tuổi là 29/100.000 trẻ và trẻ từ 10 đến 15 tuổi là 2/100.000 trẻ [113].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, chỉ ghi nhận được 31 trong số 213 trẻ có tiền sử trạng thái động kinh theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ILAE 2015. Tỉ lệ nghiên cứu của chúng tôi là 14,6% trong đó 28 trẻ thuộc nhóm động kinh kháng thuốc chiếm tỉ lệ cao hẳn so với nhóm đáp ứng thuốc. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với OR = 17,3, p = 0,000. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của tác giả Gururaj và cs (2006), Xue-Ping W. và cs (2019), Karaoğlu P.và cs (2021) đều cho thấy tiền sử trạng thái động kinh có mối tương quan với tình trạng kháng thuốc trong điều trị động kinh [60],

[106], [109]. Như vậy, trạng thái động kinh là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong tiên lượng động kinh kháng thuốc, điều này cũng đã được đưa ra trong kết quả của nhiều nghiên cứu trên thế giới. Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi phân tích đa biến cũng ghi nhận trạng thái động kinh có mối tương quan với tình trạng kháng thuốc với OR = 24,1, p = 0,00. Kết quả này của chúng tôi tương tự với kết quả của Chentouf A. và cs (2016) [114]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại không chấp nhận mối tương quan này. Lý giải cho sự mẫu thuẫn này, các tác giả Arafa M.A. và cs (2011) và Moinuddin A. và cs (2019) cho rằng những đợt trạng thái động kinh xảy ra thường sau khi tình trạng kháng thuốc đã được thiết lập [115], [116] . Chính vì vậy, trạng thái động kinh được xem như là một đặc điểm hơn là nguyên nhân của động kinh kháng thuốc. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận được từ nghiên cứu của Berg A.T và cs (1996), theo tác giả này khi có trạng thái động kinh thường kèm theo có bất thường về thần kinh và trong những trường hợp không ghi nhận được bất thường lúc ban đầu thì sẽ xuất hiện sau đó [117]. Chính vì vậy, tác giả cho rằng sự hiện diện của trạng thái động kinh trước khi bắt đầu chẩn đoán động kinh có thể là yếu tố tiên lượng có ý nghĩa, nó có thể là dấu hiệu của nguyên nhân động kinh tiềm ẩn kể cả khi không có dấu hiệu gì gợi ý tại thời điểm chẩn đoán.

4.1.2.2. Co giật sơ sinh

Trong nhóm nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận được 20 trẻ có tiền sử co giật sơ sinh chiếm 9,38%, trong nhóm động kinh kháng thuốc và nhóm động kinh đáp ứng, co giật sơ sinh chiếm tỉ lệ lần lượt là 15,18% và 2,97%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với OR = 5,85, p = 0,006. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Gururaj A. và cs (2006) với 9,5% trẻ có tiền sử co giật sơ sinh và sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm với p = 0,001 [106]. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ có tiền sử co giật sơ sinh của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Berg A.T và cs (1996) với tỉ lệ 10,5% và nghiên cứu của Kwong K.L. và cs (2003) với tỉ lệ 2,7% trẻ tiền sử co giật sơ sinh [117], [118]. Điều này có thể

được lý giải bởi sự tiến bộ trong chăm sóc trẻ chu sinh, trẻ sinh non và chẩn đoán tiền sản, giúp giảm được tần suất tử vong sơ sinh do phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, phòng ngừa sinh ngạt và điều trị tốt các bệnh lý thời kỳ sơ sinh.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, trong nhóm động kinh kháng thuốc, có tới 15,2% trẻ có tiền sử co giật sơ sinh, cao hơn nhiều so với chỉ 3% trong nhóm động kinh đáp ứng thuốc. Trong báo cáo phân loại, định nghĩa các hội chứng của ILAE 2022 đánh giá các hội chứng động kinh lứa tuổi sơ sinh tiên lượng nặng, nguyên nhân đầu tiên được xếp là nguyên nhân di truyền [65]. Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự với các nghiên cứu của các tác giả Berg A.T và cs (1996), Kwong K.L. và cs (2003) và Gururaja A. và cs (2006) với tỉ lệ tiền căn co giật trong nhóm động kinh kháng thuốc lần lượt là 17,1%, 13,6% và 18% [106], [117], [118]. Khi phân tích hồi quy đa biến ghi nhận tiền sử co giật sơ sinh có mối tương quan với tình trạng kháng thuốc với OR = 5,7, và p = 0,04. Một nghiên cứu trên cộng động ở trẻ mắc động kinh tại Rochester Minnesota, Annergers J.F và cs (1979) thấy rằng những trẻ mắc động kinh giai đoạn sơ sinh, có biểu hiện chậm phát triển tâm thần - vận động chỉ có 46% cơ hội đạt kiểm soát cơn co giật [119].

Chính vì vậy, những trẻ mắc động kinh có cơn co giật khởi phát sơ sinh càng tiên lượng xấu về khả năng đáp ứng với điều trị thuốc. Mặt khác co giật ở độ tuổi này sẽ làm gia tăng khoảng thời gian não bộ chịu ảnh hưởng từ cơn co giật và càng làm nặng nề thêm tổn thương não.

4.1.2.3. Co giật do sốt

Trong vài thập kỷ gần đây, các tiến bộ quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh học thần kinh, kĩ thuật gen và sinh học phân tử đã mở thêm những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của động kinh, đồng thời với sự cập nhật mới của ILAE về đề xuất tiêu chuẩn chẩn đoán động kinh trong lâm sàng năm 2014 và phân loại động kinh năm 2022 [14], [65]. Các nghiên cứu về hội chứng động kinh ở trẻ có tiền sử co giật do sốt trước đây chưa chẩn đoán và mô tả có thể

do số ca bệnh ít, các hội chứng hiếm gặp hay cần phải theo dõi trong một thời gian dài. Hội chứng động kinh liên quan co giật do sốt ngày càng được chẩn đoán chính xác hơn với các tiêu chuẩn rõ ràng. Cụ thể, với sự đóng góp của hình ảnh học và xét nghiệm gen các hội chứng Dravet - một bệnh não động kinh có tiên lượng lâu dài nặng, hay hội chứng FS+, GEFS+, MTLE với xơ chai hồi hải mã được phát hiện nhiều hơn. Do đó, khi chúng tôi khảo sát tiền sử do giật do sốt trong nhóm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu ghi nhận 58 trẻ có tiền sử co giật do sốt chiếm 27,23%. Trong nhóm kháng thuốc, tỉ lệ này là 35,71%. Sự khác biệt tỉ lệ trẻ có tiền sử co giật do sốt giữa 2 nhóm nghiên cứu có ý nghĩa thống kê với OR = 2,54, p = 0,004. Kết quả chúng tôi tương đồng với nhóm nghiên cứu Xue-Ping W. và cs (2019) [109]. Khi phân tích hồi quy đa biến, chúng tôi cũng ghi nhận tiền sử co giật do sốt có mối tương quan với động kinh kháng thuốc với OR = 2,6, p = 0,04.

Trong 58 trẻ có tiền sử co giật do sốt chúng tôi ghi nhận có 7 trường hợp mắc hội chứng động kinh điển hình gồm 4 hội chứng Dravet, đây là hội chứng có yếu tố tiên lượng động kinh kháng thuốc. Theo tác giả Scheffer I.E. và cs hội chứng Dravet và bệnh động kinh di truyền kèm co giật do sốt (GEFS+) đều có thể phát sinh do đột biến SCN1A - gen mã hóa tiểu đơn vị α1 của kênh natri.

GEFS+ đề cập đến hội chứng động kinh gia đình trong đó ít nhất hai thành viên trong gia đình có kiểu hình phù hợp với GEFS+. GEFS+ bao gồm một loạt các mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng, từ co giật do sốt đến hội chứng Dravet. Hội chứng Dravet là một hội chứng động kinh khởi phát nghiêm trọng ở nhóm tuổi sơ sinh với nhiều loại cơn khác nhau, kèm theo tình trạng chậm phát triển tâm thần - vận động. Hơn 70% trường hợp mắc hội chứng Dravet có đột biến SCN1A. Ngược lại, chỉ có 10% họ GEFS + có đột biến SCN1A. GEFS+ cũng có liên quan đến đột biến gen mã hóa tiểu đơn vị beta 1 kênh natri. Sự không đồng nhất về kiểu hình đặc trưng của họ GEFS+ có thể là do các gen biến đổi.

Việc giải thích tầm quan trọng của đột biến SCN1A đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về kiểu hình trong GEFS + trong khi đột biến cắt ngắn de novo có thể liên

quan đến kiểu hình nghiêm trọng. Việc nhận biết sớm hội chứng Dravet rất quan trọng vì việc kiểm soát tích cực các cơn động kinh có thể cải thiện kết quả phát triển [120].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu Đặc Điểm lâm sàng, cận lâm sàng và biến thể một số gen Ở trẻ mắc Động kinh kháng thuốc (Trang 120 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)