CHƯƠNG 1. LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.5. Bệnh thối trái trên dưa hấu do nấm Phytophthora capsici
1.5.1 Triệu chứng
Mầm bệnh tấn công trên tất cả các bộ phận của cây gây ra các triệu chứng khác nhau tùy loài kí chủ (Drenth và Sendall, 2001). Trên dưa hấu chúng gây thối dây, thối trái, cháy lá, chết rạp cây con, … Bệnh gây thiệt hại rất quan trọng lên năng suất dưa hấu ở điều kiện ẩm ướt đặc biệt là vào mùa mưa (Babadoost, 2001). Theo Agrios (2005), bệnh ảnh hưởng lên tất cả các giai đoạn tăng trưởng của cây, nấm bệnh tấn công trên thân lá và trái, gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng đặc biệt là vào mùa mưa.
Trên lá: những triệu chứng ban đầu là những vết nhũn nước và sự lõm vào của các mô bệnh. Sau đó vết bệnh sẽ khô lại, chuyển sang màu nâu và bị rách. Những tơ nấm màu trắng xuất hiện và phát triển trên các mô bệnh, chính giữa vết thối có các tơ nấm màu xám, rìa có màu nâu và nhũn nước (Gevens và ctv., 2008).
Trên thân: nấm bệnh tấn công làm xuất hiện những vết thương màu nâu sậm, nhũn nước vòng quanh thân, làm cho thân suy tàn và chết (Babadoost, 2001).
Trên trái: bệnh có thể tấn công ở hầu hết các giai đoạn. Quá trình xâm nhiễm diễn ra rất mau lẹ, trái bị nhiễm bệnh sẽ bị thối nhanh chóng. Vết bệnh ban đầu là những đốm úng nước, tròn, hơi lõm, không màu hoặc hơi nâu. Đặc biệt, các sợi nấm trắng mịn còn có thể phát triển bao phủ hết toàn bộ trái. Quan sát kĩ có thể thấy các đường tròn đồng tâm (Gevens và ctv., 2008).
1.5.2 Tác nhân
Do nấm Phytophthora capsici Leonian, thuộc lớp nấm noãn (Oomycetes), bộ Pythiales, họ pythiaceae, chi Phytophthora (CABI, 2001). Nấm Phytophthora capsici bao gồm 3 loại hình bào tử sinh sản vô tính là bọc bào tử (sporangia), bào tử động (zoospore), bào tử áo (chlamydospore) (Drenth và Senlall, 2001). Ngoài ra, nấm Phytophthora capsici còn có dạng noãn bào tử (oospore) được hình thành trong quá trình sinh sản hữu tính.
A
C D
B
Hình 1.6 Triệu chứng gây hại của nấm Phytophthora capsici (Nguồn: Huỳnh Long Hồ, 2010).
A & B. Triệu chứng trên trái; C. Bọc bào tử; D. Bào tử động hình thành trong bọc bào tử
1.5.3 Phổ kí chủ
Nấm Phytophthora capsici có phổ kí chủ rộng. Trong đó, kí chủ chính là cây tiêu, cà chua, dưa leo, cà tím, … kí chủ phụ gồm cây thuộc họ bầu bí, cây ca cao, cao su,
…(CABI, 2001).
1.5.4 Sự phát sinh và phát triển của bệnh Sự xâm nhiễm
Nấm Phytophthora capsici thuộc mầm bệnh trong đất, nấm có thể xâm nhiễm trực tiếp bằng bọc bào tử khi ở điều kiện mát mẻ, mưa ẩm bọc bào tử sẽ hình thành và phóng thích ra các động bào tử có 2 roi có thể bơi lội trong nước. Động bào tử theo nước mưa hoặc nước tưới xâm nhiễm trên ruộng và di chuyển sang những nơi khác Theo Burgess và ctv., (2008), thì động bào tử có vai trò quan trọng trong chu kì truyền bệnh. Những trái tiếp xúc với mặt đất hoặc những trái ở nơi thấp trên ruộng thường rất dễ bị xâm nhiễm. Những bào tử mới tạo ra nhanh chóng xâm nhiễm vào
trái hoặc các bộ phận khác của cây để gây bệnh. Sự xâm nhiệm này sẽ phát triển nhanh chóng khi gặp điều kiện thuận lợi (Gevens và ctv., 2008).
Sự lưu tồn
Tác nhân gây bệnh có thể lưu tồn trong đất, xác bả thực vật, hạt giống (CABI, 2001).
Theo Babadoost (2001), dạng noãn bào tử (oospore) là dạng lưu tồn chủ yếu nhất vì chúng có vách dày, có thể lưu tồn rất lâu trong đất. Khi không có mặt kí chủ, nấm có thể lưu tồn qua nhiều năm trong đất hơn 15 tháng.
Sự phát tán của mầm bệnh
Bệnh lan truyền chủ yếu do nước, mưa và gió. Ngoài ra mầm bệnh có thể được di chuyển theo vật liệu nhân giống, đất hoặc nông cụ có chứa mầm bệnh. Côn trùng cũng có thể mang nấm từ đất lên các bộ phân của cây (Agrios, 2005).
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bệnh
Nhiệt độ: thích hợp cho bệnh phát triển là từ 7- 370C, tối hảo nhất là 27- 320C (Gevens và ctv., 2008).
Ẩm độ cao là điều kiện cần thiết cho sự hình thành bào tử, sự nảy mầm của bọc bào tử và động bào tử để mở đầu cho sự xâm nhiễm (Drenth và Guest, 2004).
1.5.5 Biện pháp phòng trị Biện pháp canh tác
Chọn đất canh tác sạch bệnh, líp cao có hệ thống thoát nước tốt.
Chọn giống sạch bệnh, sử dụng màng phủ nông nghiệp, thu dọn xác bả thực vật. Bón phân hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt và tăng cường vi sinh vật đối kháng trong đất. Theo Gevens và ctv., (2008), luân canh cây bọ bầu bí với cây trồng khác 3 năm một lần.
Biện pháp sinh học
Theo Park và ctv., (2007), các dẫn xuất của salicylic acid như salaceyin A, 6-(9- methyldecyl) salicylic acid, và salaceyin B, 6-(9- methylundecyl) salicylic acid có khả năng chống lại sự xâm nhiễm của mầm bệnh do Phytophthora capsici gây ra.
Một số loại tác nhân như Bacillus megaterium, Trichoderma harzianum, Lysobacter antibioticus HS124 được ghi nhận là có khả năng chống lại nấm Phytophthora capsici như (trích dẫn từ dẫn Ngô Thị Kim Quyến, 2010).
Biện pháp hóa học
Sử dụng thuốc Metalaxyl có hiệu quả tốt nhất đối với việc phòng trừ nấm Phytophthora capsici gây bệnh chết rạp trên các cây được trồng từ hạt (Oliveira và ctv., 1995).
Theo Erwin và Ribeiro (1996), sử dụng sodium tetrathiocarbonate ở nồng độ 245 μg/ml làm giảm sự hình thành bọc bào tử nấm Phytophthora capsici với hiệu quả 65%.
Ngoài ra, có thể sử dụng các gốc thuốc như: chlorothalonil, maneb, hoặc mancozeb để tiêu diệt mầm bệnh (Zitter, 2003).