Chương II: Dấu ấn Đường thi trong thơ Hồ Dzếnh
1. Bối cảnh văn hóa Việt Nam thời Hồ Dzếnh
1.1. Văn hóa hiện đại Việt Nam thời thực dân cai trị trước CMT8
Tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam kỳ). Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở Bắc Kỳ. Miền Bắc khi đó rất hỗn độn do những mối bất hòa giữa người Việt và người Hoa lưu vong. Chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát nổi mối bất hòa này. Cả Trung Hoa và Pháp đều coi khu vực này thuộc tầm ảnh hưởng của mình và gửi quân đến đó, nhưng cuối cùng thì người Pháp đã chiến thắng.
Pháp tuyên bố là họ sẽ bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ, nơi họ tiếp tục duy trì các hoàng đế bù nhìn cho đến Bảo Đại (làm vua từ 1926 đến 1945). Vào năm 1885, các quan lại Việt Nam tổ chức phong trào kháng chiến Cần Vương chống Pháp nhưng thất bại.Việt Nam bị chia làm 3 kỳ thuộc Liên bang Đông Dương. Vào năm 1887, hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương. Ở trung ương là Phủ toàn quyền Đông Dương (ban đầu thủ phủ ở Sài Gòn, năm 1902 đặt ở Hà Nội). Đứng đầu Phủ toàn quyền gọi là Toàn quyền Đông Dương, là người có quyền hành cao nhất trong thể chế chính trị Pháp trên toàn cõi Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Cao Miên. Đứng đầu ở 3 kỳ là: Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ, cả ba đều nằm dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của viên Toàn quyền Đông Pháp, trực thuộc bộ thuộc địa. Đến năm 1893 quyền kiểm soát của Toàn quyền Đông Pháp được mở rộng thêm, bao gồm cả Ai Lao.
Sau thất bại của phong trào Cần vương cuối thế kỷ 19, người Pháp đã cũng cố hoàn toàn việc tổ chức cai trị tại Việt Nam. Cuộc cải cách trong giáo dục trong thập niên 1910 đã xóa bỏ hoàn toàn nền nho học với chữ Hán cả nghìn năm trong chế độ phong kiến Việt Nam để thay thế bằng phong trào tân học theo chữ Quốc ngữ đã tạo ra một tầng lớp trí thức mới, đó là những người xuất thân từ truyền thống nho giáo nhưng được tiếp cận với văn hóa phương Tây. Đại diện tiêu biểu cho giới này là Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã mở đầu cho phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du vận động tăng cường dân trí,
dân chủ, nhân quyền và cải cách xã hội cho người Việt trước tầng lớp người Pháp cai trị.
Tuy nhiên sự phát triển các phong trào này sau đó bị chính quyền thực dân dẹp bỏ vì nhận thấy nguy cơ đối với chế độ thuộc địa của họ.
Với sự biến động của lịch sử các dân tộc tại Việt Nam, trải qua hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, đời sống tinh thần nói chung của người dân Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều của văn hoá Trung Hoa. Với ba hệ tư tưởng Tam giáo đã thâm nhập vào đời sống tinh thần cũng như vào tôn giáo của người Việt Nam là Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Đạo giáo và Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc và thâm nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên qua tầng lớp thống trị người Trung Hoa. Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ và có hai phái đã du nhập vào Việt Nam bằng hai ngả khác nhau: phái Đại thừa vào Việt Nam qua Trung Quốc cùng với Đạo giáo và Nho giáo. Còn phái Tiểu thừa qua các nước Đông Nam Á láng giềng vào Việt Nam thịnh hành ở cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tam giáo có những thời kỳ phát triển rất mạnh và cũng có lúc mờ nhạt tại Việt Nam, nhưng nhìn chung ảnh hưởng của Tam giáo rất sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng, nhất là Phật giáo. Và đến lượt mình, các tầng lớp dân chúng tại Việt Nam đã tiếp thu các tôn giáo mới một cách có chọn lọc và sáng tạo, hay nói cách khác các tôn giáo mới du nhập đã được bản địa hoá để phù hợp với phong tục tập quán và tín ngưỡng của người dân địa phương.
Công giáo được du nhập vào Việt Nam từ khoảng 4 thế kỷ nay, tuy việc truyền đạo lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn nhưng ở Việt Nam từ lúc đầu cũng đã có một số lượng người theo Công giáo, từ cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp đã xâm lược hoàn toàn Việt Nam thì việc truyền đạo mới được tự do dễ dàng. Hiện nay có khoảng 8% dân số là tín đồ Công giáo. Cùng với Công giáo, một hệ phái khác của đạo Cơ đốc là Tin Lành cũng xâm nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, đạo Tin Lành được phổ biến tới các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên,...ước tính hiện nay có khoảng hơn 1 triệu người theo đạo. Đạo Hồi là tôn giáo của một bộ phận người Chăm ở Việt Nam, được du nhập vào từ thế kỷ XV tại vương quốc Chăm Pa ở miền Trung Việt Nam, sau đó theo chân một bộ phận người Chăm di cư tới vùng An Giang, Tây Ninh vào thế kỷ XIX.
Ngoài các tôn giáo du nhập từ bên ngoài trên, tại miền Nam Việt Nam có các tôn giáo Hoà Hảo và Cao Đài. Đây là hai tôn giáo bản địa Việt Nam, đạo Hoà Hảo được sáng lập từ năm 1939 và đạo Cao Đài được sáng lập từ năm 1926. Hiện nay hai tôn giáo bản địa này phát triển mạnh khắp Nam Bộ và ra cả một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Về chữ viết, theo một số nghiên cứu khảo cổ, từ thời Hùng Vương người Việt đã có chữ viết riêng gọi là chữ Khoa Đẩu mà người Trung Quốc miêu tả là giống đàn nòng nọc đang bơi. Tới thời Bắc thuộc, chữ Hán là chữ viết chính thức ở Việt Nam. Sau khi dành độc lập từ thế kỷ X, với ý thức dân tộc cũng như các từ vựng không có trong chữ Hán, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm dùng song hành với chữ Hán. Chữ Nôm được hoàn chỉnh vào thế kỷ XII và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII. Tuy nhiên chữ Nôm chỉ được dùng trong lĩnh vực văn chương, còn trong hành chính thì vẫn dùng chữ Hán.
Từ thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo phương Tây vào Việt Nam truyền đạo Công giáo đã dựa trên ký tự Latinh để chuyển âm tiếng Việt sang chữ Lalinh và đây là cơ sở cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ hiện nay của Việt Nam. Mặc dù chữ Quốc ngữ đã có từ thế kỷ XVII nhưng phải tới đầu thế kỷ XX khi người Pháp đô hộ hoàn toàn Việt Nam thì họ mới cho phổ biến chữ Quốc ngữ làm thành một công cụ giao tiếp thuận lợi trong xã hội Việt Nam. Ngoài chữ Quốc ngữ là chữ viết chung của người Việt và của Việt Nam, một số dân tộc khác cũng sử dụng song hành chữ viết của dân tộc mình như chữ Khmer của người Khmer ở Nam Bộ, chữ Akhar Thrah của người Chăm, chữ Thái của người Thái ở vùng Tây bắc,...nhằm gìn giữ văn hoá của dân tộc mình cũng như tiếp nhận các tri thức mới từ chữ Quốc ngữ dịch sang.
Trong văn học, với chữ Hán và chữ Nôm được sử dụng trong một thời gian dài.
Các tác phẩm văn học cổ nhất còn lưu lại được sáng tác vào thế kỷ XI và chủ yếu liên quan đến đạo Phật khi đó đang thịnh hành tại Việt Nam. Đó là những bài thơ của các vị sư giải thích về cơ sở căn bản của đạo Phật cũng như bình luận về các biến cố lịch sử hay các đề tài về ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, từ thế kỷ XIII nhiều công trình về lịch sử, địa lý và địa chí bằng chữ Hán đã xuất hiện. Khi hệ thống chữ Nôm được hoàn chỉnh vào thế kỷ XIII, nhiều tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm lần lượt xuất hiện, một trong những tác phẩm sớm nhất bằng chữ Nôm còn để lại đến hôm nay là các bài thơ của Nguyễn Trãi, các tác phẩm đồ sộ của ông bao gồm một tuyển tập hàng trăm bài thơ Nôm có tên Quốc âm thi tập ở thế kỷ XV, và kế tiếp là Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, các bài thơ của Hồ Xuân Hương và đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Từ đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi, với sự phát triển của công nghệ in ấn cùng với những tiếp xúc với văn học phương Tây, văn học Việt Nam xuất hiện các thể loại văn học mới, văn xuôi chiếm vị trí quan trọng trên văn đàn cùng với thơ ngự trị trước đó. Các thay đổi trong đời sống văn học đã xuất hiện với sự ra đời của phong
trào Thơ Mới vào những năm 1930, đây là một phong trào hiện đại nhằm giải phóng thơ Việt Nam ra khỏi những luật lệ gò bó của thơ Trung Quốc cổ. Nền văn học Việt Nam từ thời kỳ này xuất hiện nhiều trào lưu, có những tác phẩm chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, có những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực và cũng có những tác phẩm gắn liền với chính trị đó là dòng tác phẩm cách mạng.
Từ những biến động xáo trộn đó khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ Mới những năm 1930-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mĩ cái “tôi” của tác giả, thẩm mĩ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời. Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân, Thơ Mới là thơ của cái “tôi”, một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái “tôi” bấy giờ không làm việc “tải đạo” nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định. Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ giữa xã hội. Trong Thơ Mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của Thơ Mới. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu. Và nhà thơ Hồ Dzếnh đã sống và sáng tác thơ văn trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ vừa chịu sự áp bức của triều Nguyễn vừa lại phải đương đầu với thức dân Pháp xâm lược. Từ đó chúng ta có thể thấy Hồ Dzếnh thật là một nhà văn đầy tài năng, đáng cảm phục.
1.2. Chân dung Hồ Dzếnh
Đã là một bản thể trong cuộc sống ai cùng gần phải sống sao cho xứng đáng.
Xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận ở con tim và khối óc của mỗi người. Suy nghĩ để hành
động, cảm nhận để yêu thương. Hành động như thế nào để có những việc làm ý nghĩa thật sự đáng tôn vinh. Và yêu thương như thế nào để tạo được một khối tình trong trẻo có sức sống bền bỉ với thời gian. Trên thực tế trong cuộc sống muôn màu muôn vẽ này khó có ai thực hiện trọn vẹn được điều đó. Đó là một con số rất ít nhưng điều đáng quý là trong con số ít ấy có thi sĩ Hồ Dzếnh.
Hồ Dzếnh (1916 – 1991) là một nhà thơ tài hoa, mang trong người một xuất thân đặc biệt với cuộc đời trầm luân nhiều biến động. Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (phiên âm theo chữ Hán là Hồ Dzếnh). Xuất thân của Hồ Dzếnh là một hiện tượng khá đặc biệt.
Cha ông là người tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc tên là Hà Kiến Huân chạy loạn sang cư trú tại Việt Nam khoảng năm 1890, và đã sang một chuyến đò duyên nợ với cô gái lái đò tỉnh Thanh Hóa tên là ĐặngThị Văn (mẹ Hồ Dzếnh). Bắt đầu mối giao tình giữa hai thân phận, gặp gỡ giữa hai buồn rầu, hai định mệnh khắc khe. Sau những ngày bên nhau hạnh phúc Hồ Dzếnh đã ra đời. Đó là một lương duyên nhưng một định mệnh phải diễn ra, để có một thi sĩ Hồ DZếnh tài hoa, trầm lặng giữa cuộc đời bề bộn. Hồ Dzếnh được sinh ra tại Quảng Trường – Quảng Xương – Thanh Hóa. Ông là một trong những người sáng lập viên Hội nhà văn Việt Nam (1957).
Hồ Dzếnh đến với thơ, văn từ rất sớm. Năm 1937 Hồ Dzếnh đã có thơ văn in trên Trung Nam Bắc chủ nhật và tiểu thuyết thứ 7. Năm 1942 xuất bản tác phẩm hồi kí Chân trời cũ và tập thơ Quê ngoại (1943) đã khẳng định tài năng của Hồ DZếnh thật sự nổi dậy và chứa chan nồng nàn cái thần khí tinh hoa trời đất. Với bản tính trầm lặng, Hồ Dzếnh ý thức rất rõ những điều mình mang đến cho cuộc đời này, và điều đó thật sự là một thành quả sáng giá, bởi nó không ồn ào mà lại có sức vang mạnh mẽ.
Thuở nhỏ thi sĩ sống với gia đình ở xứ thanh thuộc huyện Như Xuân, sau đó ông vào học trường dòng ở thị xã Thanh Hóa. Khi lên bậc trung học, ông học ở Hà Nội. Cuộc đời ông trải qua bao thăng trầm, khổ lụy, hầu như nỗi buồn vây kín một con người đa tài, đa cảm như ông. Điều đó góp phần tạo nên tố chất quyết định cho sự lóng lánh ở kiệt tác tinh thần nhà thơ Hồ Dzếnh. Tại đất Hà Thành, ông phải vừa học vừa làm, một học sinh trung học phải tự kiếm sống bằng nghề gia sư và làm công cho các hiệu buôn người Hoa.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Dzếnh ở Thanh Hóa. Năm 1953, gia đình Hồ Dzếnh gặp nhiều khó khăn, vợ chết con còn thơ dại. Trước tình cảnh đó Hồ Dzếnh phải vào Hà Nội làm phóng viên cho báo Thần Chung xuất bản tại Sài Gòn những năm 1953 – 1954.
Ngay những năm đất nước đau thương chìm trong máu lửa, Hồ Dzếnh cũng gặp phải những
đau đớn vô vàn. Sau khi hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội hòa nhập cùng các giới văn nghệ sĩ cách mạng. Năm 1957, ông là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, được bầu làm Ủy viên ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông mất ngày 13/08/1991 tại nhà riêng ở Hà Nội. Sự ra đi của Hồ Dzếnh đã để lại tổn thất lớn lao cho nền văn học Việt Nam.
Thi sĩ Hồ Dzếnh viết văn hay làm thơ đều đặt cả tâm huyết của mình vào đó. Ông say mê sáng tác như ép sát cuộc đời mình vào từng trang viết thấm đẫm hay dòng máu Hoa – Việt. Hồ Dzếnh đã tạo ra được cái chân thành hết mình. Nếu như ở các thi sĩ khác, nhà văn khác khi ta nắm bắt được tác phẩm văn chương thì vẫn không hiểu rõ được con người của họ. Bởi tác phẩm văn chương và nhà văn từ xưa đến nay vốn không là một. Nhưng khi đến với khung trời thơ Hồ Dzếnh ta dường như mê mẫn, ngất ngây bị cuốn hút vào ngay cuộc đời vào chính chân dung con người đầy nỗi niềm của ông. Hồ Dzếnh đã sống và sáng tác bằng cả con tim và khối óc của mình. Một con tim, khối óc đầy chân thành, đầy trách nhiệm với bản thân, với quê hương, dân tộc.
Qua đó ta thấy cả cuộc đời Hồ Dzếnh phải chịu bao đau thương, biến động xót xa.
Và ông đã cứng cỏi vươn lên , tự rèn cho mình một ý chí sắt đá, một tâm hồn rộng mở với độ mềm dẻo của tình yêu thương. Bằng đôi mắt tinh tế, nồng hậu nhà thơ đã nhìn đời thật thấu đáo ở nhiều góc cạnh, nỗi niềm nhà thơ như hòa nguyện khắp nơi, ẩn chứa điều gì đó vừa ẩn hiện, mơ hồ, vừa gần gũi đến xốn xang. Để rồi bao thế hệ phải thổn thức trước một thế giới nghệ thuật dẫu không nhiều nhưng đầy nghĩa đầy tình.
Nước non đầy nghĩa đầy tình
Đọc thơ, em có thấy mình trong thơ?