Chủ đề đạo đức gia đình

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 22 - 26)

Chương 1:CHỦ ĐỀ VÀ NHÂN VẬT TRONG KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC

1.2. Các dạng chủ đề trong kiểu truyện chàng ngốc

1.2.2. Chủ đề đạo đức gia đình

Bên cạnh chủ đề về trí tuệ của con người, kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam còn có một chủ đề nữa đó là chủ đề đạo đức gia đình. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt: “Đạo đức là đường lối

phải theo để duy trì trật tự xã hội, nề nếp gia đình, nhiệm vụ đối với bản thân”

[14;tr.27]. Quan niệm đạo đức của người Việt được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, được giáo dục từ trong gia đình đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyện cổ tích sinh hoạt đã phản ánh truyền thống đó bằng những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, chinh phục trái tim người đọc. Qua nghiên cứu, khảo sát truyện, chúng tôi thấy, chủ đề đạo đức gia đình trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam là một chủ đề lớn và đây cũng là một chủ đề xuất hiện trong kiểu truyện chàng ngốc. Tuy không phải là chủ đề chính của tất cả kiểu truyện chàng ngốc nhưng đây cũng là chủ đề rất đáng quan tâm, tìm hiểu. Nội dung chủ yếu đó là xoay quanh mối quan hệ vợ chồng, đó là những anh chồng ngốc nghếch luôn được đặt trong mối quan hệ với người vợ thông minh, giỏi giang.

Với chủ đề đạo đức gia đình của kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi thấy có hai xu hướng:

Thứ nhất là hướng đến ngợi ca tình cảm thuỷ chung, tình yêu thương của hai vợ chồng dành cho nhau. Bên cạnh đó còn ngợi ca nghị lực, sự hi sinh, vượt qua mọi thử thách khó khăn để gìn giữ hạnh phúc, biết chấp nhận và bằng lòng với hạnh phúc mình đang có của các cặp vợ chồng. Chẳng hạn như trong truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng)… đều kể về những anh chàng ngốc không để đâu hết ngốc, dù có cô vợ thông minh hết lòng vẽ đường chỉ lối cho chồng làm ăn nhưng ngốc vẫn hoàn ngốc, hết lần này đến lần khác thất bại khiến người vợ bị người đời mỉa mai. Vợ ngốc tủi thân định ra sông tự tử nhưng khi thấy có người còn ngốc hơn chồng mình như dùng sàng múc nước hay mò kim dưới nước, mang giỏ thủng đựng cá, nàng bỏ ý định tự tử quay về nhà quyết tâm dạy dỗ chồng trở thành người khôn ngoan hơn. Ngoài ra còn nhiều truyện khác như Cuộc phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Tù lì tám tiền (dân tộc Việt), Chàng ngốc săn hươu, Thằng ngốc (dân tộc Hà

Nhì)… đều xoay quanh mối quan hệ vợ chồng, những cô vợ dù ra sức chỉ bảo chồng nhưng anh chồng vẫn không làm nổi việc gì nên hồn khiến họ vừa rất bực mình nhưng cũng rất thương chồng. Đặc biệt trong truyện Tù lì tám tiền kể về anh chàng rất thương yêu vợ nhưng ngốc nghếch. Người chồng không thông minh ấy đã liên tục đến bên giường vợ lúc ốm để hỏi: Mình ăn gì để tôi mua. Đang ốm bực mình vì bị hỏi nhiều, người vợ liền đáp: Ăn cái con tù lì.

Nghe thấy thế, người chồng ra chợ tìm mua con tù lì. Anh ta đã đi tìm đi hỏi khắp các chợ: chợ trên, chợ dưới, chợ Đông, chợ Đoài để tìm mua con tù lì cho vợ trong nhiều ngày mà không tìm mua được con tù lì nào. Trên đường đi anh gặp phải nhiều chuyện xảy xa với mình: như mất khố đi tìm ở đám ma, khóc ở đám cưới, gặp hai mẹ con con hổ thì xông vào bắt... Do ứng xử vụng dại mà bị đánh, bị mắng bị hổ vồ suýt mất mạng. Song tất cả những điều đó không làm anh từ bỏ ý định mua con tù lì. Cuối cùng anh mua con mèo nhầm tưởng con tù lì. Người chồng về đến cổng đã reo to: Tôi mua được tù lì đem về cho bu nó ăn không nào. Người vợ bật dậy, vừa giận chồng vừa xấu hổ với mọi người vừa rất thương chồng đã cất công lặn lội mua con tù lì. Người nghe thấy được sự hồn nhiên, tình cảm chân thành của người chồng dành cho vợ. Người vợ đã cảm nhận được tình yêu thương mà chồng dành cho. Câu chuyện không chỉ kể về những hành động ngốc nghếch của chàng ngốc mà còn thể hiện hạnh phúc giản đơn trong gia đình. Niềm vui hiện lên trên gương mặt người chồng khi mua được con tù lì và nụ cười của vợ khi nhận được con tù lì.

Tất cả những câu chuyện trên đều thuộc chủ đề đạo đức gia đình và đều thiên về ngợi ca tình cảm chân thành, thuỷ chung của vợ chồng chàng ngốc dành cho nhau. Dù anh chồng có những hành động ngốc nghếch những họ rất yêu vợ, yêu vợ chân thành và những cô vợ cũng rất thương chồng dù rất bực mình với những hành động xuẩn ngốc của chồng nhưng họ vẫn đồng lòng chấp nhận khó khăn trong cuộc sống cùng chồng giữ gìn hạnh phúc mình đang có.

Thứ hai, trong những truyện chàng ngốc có chủ đề đạo đức gia đình, chúng tôi còn thấy một số truyện phê phán những cô vợ không có nghị lực

cùng chồng vượt qua khó khăn của cuộc sống mà khi thấy chồng mình quá ngu dốt thì buồn rầu, chán nản bỏ chồng về nhà bố mẹ đẻ và lấy một người giỏi giang, thông minh, giàu có hơn chồng. Nhưng cuối cùng thấy ngốc nói được mấy câu học lỏm của người khác rồi tưởng chồng không còn ngốc nữa thì lại quay về xin chồng tha lỗi và theo chồng về. Chẳng hạn như trong truyện Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Giáy)… Trong truyện Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt), anh chồng ngốc lấy được một cô vợ thông minh, xinh đẹp nhưng khi bố mẹ ngốc chết, vợ ngốc vô cùng chán nản vì lấy phải anh chồng ngốc và cô ta bỏ ngốc về nhà bố mẹ đẻ, rồi có ý muốn lấy một người chồng giàu có, thông minh hơn ngốc. Về phần ngốc do qua đần độn, ngốc nghếch không biết làm gì để khuyên bảo vợ ở lại cũng chẳng nghĩ đến việc thưa kiện. Anh ta cứ để cho đôi bên tổ chức đám cưới. Phải đến khi được những người hàng xóm báo tin vợ ngốc sắp lấy chồng và khuyên ngốc đi học khôn thì ngốc mới lên đường đi học khôn. Ngốc đến đâu nghe thấy ai nói gì cũng nhẩm học thuộc. Và khi đến đám cưới của vợ, ngốc nhớ lại và đọc những câu đó trước mọi người. Bố mẹ vợ và vợ ngốc khi chứng kiến những điều ngốc nói trong đám cưới rất văn chương, hàm ý vì thế rất sợ ngốc đi kiện quan. Cuối cùng, vợ của ngốc phải quay về với chồng ngốc. Việc vợ ngốc quay về với ngốc không phải vì tình yêu chồng mà vì sợ bị kiện cáo, sợ bị mang tiếng là phản bội, bỏ chồng lấy kẻ giàu sang, quyền quý. Qua những câu chuyện này, tác giả dân gian muốn phê phán những người vợ dễ thay lòng đổi dạ, ham tiền bạc, giàu sang, quyền thế mà dễ dàng bỏ chồng, không biết cùng chồng vượt qua khó khăn của cuộc sống để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Như vậy, qua khảo sát những truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi thấy, chủ đề đạo đức gia đình xoay quanh mối quan hệ vợ chồng cũng là chủ đề chiếm tỉ lệ khá lớn trong kiểu truyện chàng ngốc của Việt Nam bên cạnh chủ đề trí tuệ con người.

Tóm lại, có thể nói kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam có hai chủ đề, đó là chủ đề trí tuệ của con người và chủ đề đạo đức gia đình. Trong hai chủ đề này thì chủ đề về trí tuệ của con người là chủ đề chính, xuyên suốt toàn bộ những truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc.

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)