Mô típ “vợ khôn chồng dại”

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 42 - 45)

Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC

2.2. Mô típ đặc trưng

2.2.1. Mô típ “vợ khôn chồng dại”

Mô típ “vợ khôn chồng dại” là mô típ đặc trưng của kiểu truyện chàng ngốc. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có 15/25 truyện có mô típ này, chiếm 60% trong kiểu truyện chàng ngốc tiêu biểu như: Bợm già mắc bẫy hay là mưu trí đàn bà (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Gíay), Con vợ khôn lấy thằng chồng dại (dân tộc Việt), Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Tù lì tám tiền (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Anh chồng

ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi buôn (dân tộc Việt), Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì)… Như vậy, mô típ “vợ khôn chồng dại” chiếm số lượng khá lớn trong kiểu truyện chàng ngốc.

Ở mô típ này, chúng tôi thấy, nhân vật đều là những anh chồng được đặt trong mối quan hệ tương phản đối lập với những cô vợ. Đó là sự tương phản đối lập về mọi mặt, đặc biệt là mặt trí tuệ. Nếu những anh chồng là những người ngốc nghếch, làm theo lời vợ một cách máy móc, dập khuôn, không có sự suy xét trước một việc gì thì những cô vợ lại luôn được sự ưu ái, họ đều là những người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, giỏi giang, tháo vát, có nhiều kinh nghiệm sống và đặc biệt là người luôn vẽ đường chỉ lối cho chồng trong mọi việc. Chẳng hạn trong truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt) kể về một anh chàng ngốc nghếch, không biết làm việc gì nên thân nhưng lấy được cô vợ thông minh, tháo vát. Cô vợ bảo chồng đi bán mấy tấm vải và dặn: “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe”. Anh chồng ngốc chỉ biết làm theo lời vợ mang ra chợ bán và gặp một ông già mua cho nhưng ông ta lại không mang theo tiền nên bảo ngốc đến nhà lấy tiền. Nhà ông ta ở chỗ “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Nhưng ngốc tìm mãi không thấy có chỗ nào như vậy. Đến khi về nhà, ngốc kể với vợ, cô vợ thông minh đã đoán ra ngay đó là nhà của thầy đồ, nhà đó có một cái trường học, gần đó có một bụi lau, trước sân có trồng hành tỏi. Ngốc theo lời chỉ dẫn của vợ và tìm được nhà ông lão. Qua tiếp xúc, biết đó là anh chàng ngốc lấy được cô vợ khôn, thông minh, ông già bèn tặng cho vợ ngốc một món quà trong đó có gói một cục phân trâu ở giữa có cắm một bông hoa nhài. Ngốc chẳng hiểu gì cứ đem về cho vợ, khi mở ra cô vợ hiểu ngay ý ông lão muốn mỉa mai, chê cười vì lấy phải anh chồng ngốc nên bỏ nhà ra sông tự tử. Nhưng ra đến sông cô vợ thấy có một ông già cứ xách cái giỏ đựng cá trên bờ câu cá. Cô bỏ ý định tự tử vì biết có người còn ngốc hơn chồng mình. Như vậy, anh chồng

ngốc không để đâu hết ngốc này làm gì cũng phải nhờ vào sự chỉ dẫn của vợ.

Điều đặc biệt anh ta ngốc đến nỗi người ta mỉa mai vợ mình mà cũng không biết khiến vợ mình thấy tủi thân muốn tự tử. Hay trong truyện Anh chồng ngốc (dân tộc Việt) cũng vậy, truyện đã đặt anh chồng ngốc đối lập với cô vợ hiền lành, thông minh, giỏi giang hết lòng chỉ bảo chồng cách làm ăn cho hiệu quả nhưng ngốc vẫn hoàn ngốc. Anh chồng đần độn hết chỗ nói, ngày ngày chỉ biết ăn, vợ sai đâu làm đấy. Một hôm do con nhỏ ốm, vợ phải ở nhà trông nom nên bảo chồng đem chó ra chợ bán. Biết chồng ngốc nghếch, nàng dặn đi dặn lại: “Đến chợ hễ ai người ta trả tám quan tiền ngay, quan tư tiền chịu thì bán. Nếu không được giá thì chịu khó dắt về, còn nếu bán được hơn thì càng hay”. Ngốc đem chó ra chợ bán gặp một cụ già mua cho và hẹn ba hôm sau đến nhà cụ già lấy tiền. Nhà cụ ở nơi “Hữu thuỷ vô ngư, hữu ngư vô thuỷ” và

“Hữu kim vô chỉ, hữu chỉ vô kim”. Về nhà anh chồng ngốc kể đầu đuôi cho vợ nghe, cô vợ thông minh liền hiểu ngay và chỉ đường cho chồng tìm đến nhà của cụ đồ. Quả đúng như lời vợ nói, anh chồng đã tìm được nhà cụ đồ.

Khi đến nhà cụ đồ, ông cụ hỏi chàng ngốc và biết được đó là cô vợ thông minh nhưng lấy phải anh chồng ngốc. Ông cụ trả tiền và làm cơm đãi ngốc, sau khi ngốc về ông cụ còn gửi một gói quà về cho vợ ngốc, trong đó là một nắm gạo tám thơm trắng tinh, giữa có mấy quả cà ủng. Anh chồng ngốc nghếch đến nỗi không hiểu ẩn ý mỉa mai của ông cụ nên cứ đem gói quà về cho vợ. Khi cô vợ mở gói quà ra thì cô hiểu ngay ý ông già muốn mỉa mai, chê cười vì cô thông minh như vậy mà lấy phải anh chồng đần độn. Buồn tủi cô bế con ra đi nhưng khi ra đến sông thấy có ông cụ già cứ mò tìm kim ở sông và nói: “Cái kim này của bà nhà tôi để lại. Khi mất bà nó dặn lại là đừng có đánh mất. Nó chẳng đáng là bao nhưng lại rất quý. Vợ chồng ăn ở với nhau đã có con sống con chết thì phải chung thuỷ với nhau đến cùng chứ”. Nghe cụ già nói nàng thấy mình không thể bỏ chồng đi được, vì thế nàng quay về quyết tâm khuyên răn chồng trở nên con người khá giả. Trong quá trình khảo

sát, chúng tôi có khảo sát thêm 5 truyện chàng ngốc nước ngoài để so sánh, tìm ra nét khác biệt của truyện Việt Nam so với truyện nước ngoài. Chúng tôi thấy rằng, mô típ “vợ khôn chồng dại” không xuất hiện trong truyện cổ tích chàng ngốc của nước ngoài mà chỉ có ở truyện cổ tích Việt Nam vì trong truyện chàng ngốc của nước ngoài không có nhân vật người vợ mà chỉ có nhân vật bố hoặc mẹ là những người khôn, thông minh dẫn đường chỉ lối cho con còn anh con trai của họ là những anh chàng ngốc nghếch. Chẳng hạn như truyện Phiêu lưu của anh chàng ngốc của Miến Điện kể về anh chàng ngốc nghếch mặc dù người mẹ thông minh hết lòng chỉ bảo nhưng anh ta ngốc vẫn hoàn ngốc, cuối cùng vì tưởng con hổ là ông sư nhớ lời mẹ vái chào và bị hổ ăn thịt. Như vậy, mô típ “vợ khôn chồng dại” là mô típ chỉ có trong truyện chàng ngốc của Việt Nam. Nó đã tạo nên đặc trưng rất riêng cho kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.

Có thể nói, tác giả dân gian đã sử dụng mô típ “vợ khôn chồng dại” để khắc hoạ rõ nét sự ngốc nghếch của anh chồng. Nhờ biện pháp nghệ thuật tương phản đối lập mà tác giả dân gian đã làm cho nhân vật chàng ngốc hiện lên đầy đủ với bản tính ngốc nghếch của mình trong sự đối lập với những cô vợ thông minh, giỏi giang. Qua đó thể hiện thái độ phê phán sự đần độn, ngốc nghếch đến không thể tin nổi của anh chàng ngốc.

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)