Mô típ “chàng ngốc gặp may”

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 53 - 57)

Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC

2.2. Mô típ đặc trưng

2.2.5. Mô típ “chàng ngốc gặp may”

Đối lập với mô típ “chàng ngốc thất bại”, kiểu truyện chàng ngốc có mô típ “chàng ngốc gặp may”. Qua khảo sát truyện, chúng tôi tìm thấy có 18/25 truyện có mô típ “chàng ngốc gặp may”, chiếm 72% trong kiểu truyện chàng ngốc. Như vậy mô típ này chiếm tỉ lệ lớn nhất trong kiểu truyện chàng ngốc. Tiêu biểu như truyện: Làm cho công chúa nói được (dân tộc Việt), Nói khoác mất con gái (dân tộc Tày, Cao Lan, Dao), Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa dài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Anh chồng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt, Giáy ), Chàng ngốc được kiện (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi buôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc săn hươu ( dân tộc Hà Nhì)…

Chúng tôi nhận thấy rằng, mô típ “chàng ngốc gặp may” là mô típ theo kiểu kết thúc có hậu cho cuộc đời của chàng ngốc. Đó là kiểu kết thúc khá tốt đẹp cho những chàng ngốc và có hai kiểu kết thúc gặp may:

- Một là chàng ngốc gặp may nhờ sự giúp đỡ của vợ mà trở nên khôn ngoan hơn và được sống hạnh phúc. Chẳng hạn như truyện: Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Anh chồng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng)… Tất cả những anh chồng trong những truyện này đều là những người ngốc nghếch, đần độn nhưng thật may mắn có được những chị vợ khôn ngoan, thông minh, giỏi giang, hiểu chuyện và đặc biệt luôn chịu nhẫn nhục bỏ qua những lời chê bai, mỉa mai của người ngoài vì đã lấy phải anh chồng ngốc nghếch mà kiên trì cùng chồng vượt qua khó khăn của cuộc sống ra sức dạy dỗ chồng trở thành người khôn ngoan hơn hoặc thi đỗ trạng nguyên như trong truyện Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng) cô vợ đã rất buồn rầu, chán chường, tủi thân khi ra sức hướng dẫn chồng buôn bán mà anh ta thật ngốc nghếch thất bại hết lần này đến lần khác, rồi còn bị chê cười: “Hoa em đẹp cắm bãi phân trâu, không người săn sóc héo đi không”, nàng đến sông

toan tự vẫn thì thấy một người dùng sàng để tìm kim. Bấy giờ, nàng nghĩ có người còn ngốc hơn chồng mình liền bỏ ý định tự tử và về nhà dạy dỗ chồng đỗ trạng nguyên. Như vậy, chàng ngốc gặp may mắn có được những cô vợ thông minh, giỏi giang và rất thương chồng nên đã chấp nhận hạnh phúc mình đang có, bỏ qua lời đàm tiếu của người ngoài mà dạy dỗ chồng trở thành người khôn ngoan hơn.

- Hai là chàng ngốc gặp may do hàng loạt những yếu tố ngẫu nhiên như giành được thắng lợi nhờ sự may rủi, sự giúp đỡ của người khác hoặc do nói mò mà trúng, nói khoác gặp thời. Tiêu biểu là những truyện như: Chàng ngốc được kiện (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt, Giáy), Làm cho công chúa nói được (dân tộc Việt), Chàng ngốc săn hươu (dân tộc Hà Nhì), Người có mười con trâu (dân tộc Tày), Một người dại nhất (dân tộc Mèo)…

Chẳng hạn truyện Chàng ngốc được kiện (dân tộc Việt) kể về anh chàng ngốc bị lừa hết lần này đến lần khác. Ban đầu anh bị phú ông lừa trả tiền công ở mười năm bằng ba nén vàng giả. Anh định đi lên kinh thành ngao du một phen cho thoả lòng mong ước. Từ ba ném vàng giả anh bị lừa đổi lấy sáu nén bạc, rồi một bó giấy dó, một cái chong chóng tre “thiên địa vận”, con niềng niễng có đôi cánh xanh đỏ giống “ngọc lưu li”, ngốc đến kinh đô gặp nhà vua dâng ngọc. Nhưng viên quan đại thần đã mở túi ra xem trước và làm con niềng niễng bay đi mất. Ngốc kêu ầm ĩ bắt đền, kể lại câu chuyện “Tôi đi ở mười năm được ba nén vàng, rồi sáu nén bạc, rồi ngàn lụa định kiến, rồi cái thiên địa vận, mới đổi được ngọc lưu li này định đem dâng vì ông này nên nó đã đi mất rồi”. Một câu nói của ngốc đã làm cho vua cảm động trước ý tốt của anh và ban cho ngốc một chức quan và từ đấy ngốc được hưởng giàu sang và khôn ngoan hơn. Trong truyện Một người dại nhất (dân tộc Mèo) cũng vậy kể về một anh ngốc đi buôn, trên đường đi anh ta bị gạ đổi năm con ngựa lấy sáu con dê, rồi bảy con gà, rồi cuối cùng là tám quả bí. Anh ta hí hửng tưởng mình đổi những thứ ấy đều có lãi. Anh gánh bí về nhà khoe bố mẹ và bị mắng

cho một trận. Anh biết mình dại quá cầm dao bổ bí ra nhưng không ngờ trong đó có một quả có rất nhiều vàng. Từ đấy, anh ngốc trở thành người giàu có.

Như vậy, ngốc gặp may mắn rất ngẫu nhiên. Hay truyện Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt) do học lỏm được năm câu văn chương, triết lí của người đi đường mà ngốc đến đám cưới của vợ bỗng nhớ lại năm câu đó mà đọc khiến mọi người đều hoảng sợ và cha mẹ vợ ngốc sợ ngốc đi kiện liền trả lại lễ, rồi cho vợ ngốc theo chàng về. Như vậy, nhờ nói mò mà trúng, nói khoác gặp thời nên ngốc đã chiến thắng và giành lại được vợ chứ ngốc không hề hiểu bản chất của những câu nói đó. Hay trong truyện Làm cho công chúa nói được (dân tộc Việt) kể về anh chàng Mồ Côi ngốc nghếch đã vô tình làm cho công chúa nói được bằng sự ngốc nghếch của mình và may mắn được kết hôn với công chúa và sống hạnh phúc giàu sang.

Như vậy, với mô típ “chàng ngốc gặp may”, tác giả dân gian đã xây dựng thành công những anh chàng ngốc nghếch may mắn. Sở dĩ tác giả dân gian để cho những chàng ngốc gặp may là vì những chàng ngốc chỉ có nhược điểm là quá ngốc nghếch họ không phải là những kẻ xấu xa độc ác. Họ không bao giờ làm hại ai, nếu có làm hại người khác cũng chỉ bởi sự ngốc nghếch, thiếu hiểu biết và vô tâm của anh ta gây nên mà thôi. Và do trong cuộc sống có quá nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều khi nhân dân muốn tin hoặc thậm chí muốn có sự may rủi để có thể làm thay đổi cuộc sống của họ, giúp họ có thể lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Nó giống như một cơn gió mát làm dịu bớt những âu lo, những đắng cay, nhọc nhằn của cuộc sống thực. Dẫu ngốc có được may mắn thì đó cũng không phải phần thưởng hay sự ưu ái nào của nhân dân, cái quan trọng là dẫu ngốc có được may mắn thì nhân dân vẫn phê phán sự thiếu hiểu biết, sự thụ động, máy móc của những anh chàng ngốc.

Tóm lại, qua khảo sát truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi đã tìm ra được năm mô típ rất đặc trưng của kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam: mô típ “vợ khôn chồng dại”, mô típ

“chàng ngốc làm theo lời vợ dặn”, mô típ “chàng ngốc học khôn”, mô típ

“chàng ngốc thất bại” và mô típ “chàng ngốc gặp may”. Năm mô típ này đã tạo thành cốt truyện hết sức độc đáo và hấp dẫn cho kiểu truyện chàng ngốc.

Tất cả đều là những công thức nghệ thuật được tác giả dân gian vận dụng sáng tạo, sinh động và linh hoạt trong quá trình sáng tạo truyện cổ tích về nhân vật chàng ngốc. Điều này tạo hứng thú đặc biệt đối với người thưởng thức, nhất là trẻ nhỏ trong việc tiếp nhận kiểu truyện. Đồng thời với việc sử dụng năm mô típ trên đã giúp cho tác giả dân gian có thể thoả sức thể hiện trí tượng phong phú của mình để phóng đại, cường điệu hoá nét thiểu năng trí tuệ của chàng ngốc nhằm mục đích phê phán những con người ngốc nghếch, đần độn và qua đó tác giả dân gian có thể gửi gắm bài học giáo huấn, răn dạy con người: cần phải biết ứng xử một cách linh hoạt trong cuộc sống, không nên máy móc, dập khuôn, thụ động trước hoàn cảnh. Nếu con người không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình thì tất yếu họ sẽ nhận lấy thất bại.

Tiểu kết

Như vậy trong chương 2 này, chúng tôi đã tiếp tục đi nghiên cứu hai phương diện rất quan trọng làm nên đặc trưng riêng biệt của kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam đó là cấu tạo cốt truyện và khảo sát các mô típ đặc trưng của kiểu truyện. Qua quá trình nghiên cứu hai phương diện này, chúng tôi đã có những kết luận sâu sắc hơn về gía trị của kiểu truyện chàng ngốc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và vai trò không thể thiếu của kiểu truyện đối với đời sống tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)