Mô típ “chàng ngốc thất bại”

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 50 - 53)

Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC

2.2. Mô típ đặc trưng

2.2.4. Mô típ “chàng ngốc thất bại”

Qua khảo sát truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi đã tìm thấy 6/25 truyện xuất hiện mô típ “chàng ngốc thất bại”, chiếm 24% trong kiểu truyện chàng ngốc. Tiêu biểu như những truyện: Rủ nhau đi kiếm mật ong (dân tộc Việt), Trứng ngựa (dân tộc Mường), Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì), Ba chàng rể (dân tộc Việt), Tù lì tám tiền (dân tộc Việt)… Chúng tôi nhận thấy mô típ này thiên về kiểu kết thúc cho cuộc đời của chàng ngốc.

Trong truyện, chàng ngốc thực hiện một loạt những hành động ngốc nghếch, trái với quy luật của tự nhiên. Tất cả đều là những hành động máy móc dập khuôn, thụ động mà không hề có sự suy xét trước sau trước một tình huống nào. Vì thế chàng ngốc gặp hết thất bại này đến thất bại khác, thất bại của ngốc có thể là làm hỏng việc, không làm nên việc gì hoặc là thất bại và phải nhận cái chết. Chàng ngốc được đặt vào nhiều tình huống bất ngờ trong cuộc sống như đi buôn, đi săn thú, đi kén rể… nhưng ngốc không tự giải quyết được việc gì mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, nhưng dù được chỉ bảo cặn kẽ ngốc vẫn làm hỏng việc và nhận lấy thất bại, thất bại lớn nhất là cái chết. Trong hai kiểu thất bại đó, chúng tôi thấy, sự thất bại lớn nhất, phổ biến nhất là chàng ngốc phải nhận một kết cục đáng buồn là cái chết. Chàng ngốc chết là do không nắm được quy luật của tự nhiên, không hiểu được bản chất của các sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Tác giả dân gian để ngốc chết là đúng quy luật của tự nhiên. Trong truyện: Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn, Thằng ngốc, Rủ nhau đi kiếm mật ong… Ở những truyện này đều kể về những anh chàng ngốc không để đâu hết ngốc.

Hơn nữa có nhiều nhân vật ngốc còn được đặt trong mối quan hệ tương phản

đối lập với những cô vợ thông minh, có nhiều kinh nghiệm sống, là người dẫn đường chỉ lối cho những ông chồng ngốc nghếch. Và khi đặt bên cạnh những chị vợ nhiều kinh nghiệm sống thì ngốc lại càng biểu hiện sự ngốc nghếch đến không tin nổi. Nhưng mâu thuẫn là người vợ càng hướng dẫn chỉ đường thì chồng càng đi từ thất bại này đến thất bại khác (Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn, Thằng ngốc). Kết quả là chàng ngốc phải chết, chết bởi chính sự thiếu hiểu biết của mình. Có những chàng ngốc không phân biệt được thế nào là chết và thế nào là sống như truyện Rủ nhau đi kiếm mật ong kể về hai chàng ngốc tên là Bự và Ngốc rủ nhau đi kiếm mật ong. Họ cho rằng mật ong là chất lỏng nên chỉ có ở dưới nước nên cả hai rủ nhau ra sông tìm. Bự sai Ngốc lặn xuống tìm mật ong, Ngốc lặn xuống để cho Bự cầm nạng đứng trên thuyền đè đến nửa buổi mới thả ra, khi ấy Ngốc đã chết nhăn răng từ bao giờ. Điều đáng nói khi Ngốc chết Bự tưởng chưa chết và mắng: “cái thằng tham lam, ăn một bụng mật ở dưới ấy rồi còn nhăn răng ra mà cười”. Phải đến khi bọn lái thuyền nói hắn mới biết Ngốc đã chết.

Không chỉ dừng lại ở đó càng hành động Bự càng chứng tỏ sự ngu dốt, ngốc nghếch của mình. Khi thấy mùi thối hắn nghĩ mình đã chết và đào hố tự chôn sống mình. Phải đến khi lũ trẻ lấy roi quất túi bụi vào người Bự mới nhảy vọt khỏi chỗ chôn và cho rằng nhờ cây roi của bọn trẻ hắn mới sống lại và xin chúng cho cây roi có phép thần thông. Chính sự ngu dốt đã làm cho Bự phải chịu kết quả cuối cùng là cái chết. Khi thấy một đám ma, Bự lấy cây roi “cải tử hoàn sinh” để cứu cho người chết sống lại. Nhưng người chết không thấy sống lại mà chỉ thấy da thịt văng ra. Cuối cùng Bự bị người ta đánh chết. Như vậy, sự ngu dốt, kém hiểu biết không phân biệt được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng của hai tên Ngốc và Bự đã làm cho chúng phải nhận kết cục đáng đời là cái chết. Hay truyện Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện là theo lời vợ dặn, hài hước kể về ông chồng ngốc nghếch, cứ máy móc làm theo lời vợ dặn mà không hề có sự suy xét đến tình huống xảy ra sự việc. Kết quả là anh ta luôn bị những trận đòn nhừ tử và cuối cùng anh ta bị chết do hành động

xông vào đám trâu húc nhau để khuyên chúng “thôi thôi dĩ hoà vi quý”. Việc làm đó của anh ta chẳng những không làm hai con trâu thôi húc nhau mà chúng còn hăng tiết húc thủng bụng, kết thúc cuộc đời của anh chàng ngốc.

Truyện Trứng ngựa (dân tộc Mường) kể về một mường từ lang đến dân đều ngốc nghếch. Thấy người mường Chếch chăn ngựa, một anh ngốc hỏi: “Ngựa đẻ con hay đẻ trứng”. Người kia biết anh ta ngốc nghếch thì nói trêu: “Đẻ trứng, ấp sẽ có con”, anh ngốc kia tưởng thật hí hửng về bảo với lang đem quà cáp đến xin trứng về ấp. Như vậy, cả mường ấy bị một trận lừa của người mường Chếch, họ đưa cho những anh ngốc một quả gấc chín và bảo cách ấp.

Cả mường ngốc hí hửng thay nhau canh trứng ấp. Một hôm có con nai vào ăn cỏ, họ tưởng trứng đã nở ra ngựa liền bắt nai, đem về cho lang cưỡi. Lang cưỡi, nai chạy thục mạng khiến lang va phải cây ngã chết. Điều buồn cười là những anh ngốc không biết lang chết, họ thay nhau đứng canh mà không thấy lang tỉnh dậy. Cuối cùng, thấy mùi hôi thối lúc ấy họ mới biết lang chết. Nhưng do ngốc nghếch họ đã bị cây đè chết khi chặt cây làm quan tài cho lang.

Để cho chàng ngốc thất bại và nhận cái chết không phải vì nhân dân căm thù ngốc như căm thù cái xấu, cái ác. Trong quan niệm của nhân dân, sự ngốc nghếch, thiếu hiểu biết là không thể chấp nhận được trong cuộc sống nhưng cũng không phải là cái khiến cho nhân dân căm phẫn cao độ. Cái chết của ngốc là để nhấn mạnh, khắc hoạ sâu sắc bài học thất bại của con người khi không nắm được quy luật của tự nhiên của cuộc sống để có những ứng xử cho phù hợp

Với mô típ “chàng ngốc thất bại”, tác giả dân gian muốn gửi gắm bài học giáo huấn sâu sắc: con người cần phải linh hoạt trong ứng xử trong từng hành động cho phù hợp với từng hoàn cảnh hiện thực cuộc sống. Nếu con người cứ hành động máy móc, không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình thì sẽ thất bại.

Một phần của tài liệu Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)