Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC
2.1. Cấu tạo cốt truyện
2.1.3. Sự kiện kết thúc
Sau khi giới thiệu về chàng ngốc và trình bày hàng loạt những hành động ngốc nghếch của nhân vật dẫn đến thất bại hết lần này đến lần khác của ngốc, truyện đi đến trình bày sự kiện kết thúc cho cuộc đời ngốc. Sự kiện kết thúc được triển khai theo hai xu hướng:
+ Kết thúc bằng sự thất bại, đó là cái chết của nhân vật ngốc: có thể ngốc bị trâu húc, bị ngã lộn cổ trên cây, bị đánh chết… Chẳng hạn trong truyện Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời mẹ dặn (dân tộc Việt) kể về anh chồng ngốc nghếch làm theo lời vợ dặn một cách máy móc, dập khuôn, không hề có sự suy xét vấn đề trước khi hành động. Từ việc đi buôn đến ăn trộm rồi ăn xin anh đều nhất nhất làm theo lời vợ dặn, vợ bảo cách ứng xử trong trường hợp này nhưng anh ta lại áp dụng vào trường hợp khác. Vì vậy mà anh ta nhận hết thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng anh ta bị trâu húc chết do thấy chúng húc nhau nhớ lời vợ dặn gặp người ta đánh nhau phải vào can ngăn “thôi thôi dĩ hòa vi quý”. Hay kết cục của anh ngốc trong truyện Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì) cũng vậy. Anh ta phải nhận cái chết do hành động ngốc nghếch của mình, khi nhìn thấy một con kiến bò ngược từ thân cây xuống thì anh ta bắt chước và cuối cùng bị ngã lộn cổ mà chết. Thậm chí còn có những anh chàng ngốc phải nhận cái chết do không
phân biệt được thế nào là sống, thế nào là chết như hai anh Bự và Ngốc trong truyện Rủ nhau đi kiếm mật ong (dân tộc Việt), kết thúc truyện Bự bị đánh chết. Như vậy ngốc phải nhận cái chết là do sự ngốc nghếch, sự kém hiểu biết của ngốc, do ngốc không nắm được bản chất của cuộc sống. Tác giả dân gian để ngốc chết là hợp với quy luật của tự nhiên, quy luật của cuộc sống.
+ Kết thúc ngốc may mắn được hưởng hạnh phúc, giàu có do hàng loạt những yếu tố ngẫu nhiên hoặc nhờ sự giúp đỡ của vợ mà trở nên khôn ngoan hơn . Trong truyện Làm cho công chúa nói được (dân tộc Việt) kể về Mồ Côi, một anh chàng ngốc nghếch, hiền lành may mắn mà lấy được công chúa chỉ vì thực hiện những hành động ngốc nghếch như đun bếp nấu cơm, nấu nước trái với quy luật tự nhiên mà khiến công chúa bực mình nói ba câu. Chính vì thế mà, kết thúc truyện, nhà vua đồng ý cho Mồ Côi lấy được công chúa và được sống hạnh phúc, giàu sang. Hay truyện Chàng ngốc được kiện (dân tộc Việt) kể về anh chàng ngốc bị lừa nhiều lần, từ lúc đi ở cho nhà phú ông bị phú ông lừa trả cho ba nén vàng giả. Anh định đi lên kinh thành ngao du một phen cho thoả lòng mong ước. Rồi từ ba nén vàng anh bị người ta lừa đổi lấy sáu nén bạc, một bó giấy dó, rồi cái chong chóng tre, rồi cuối cùng là con niềng niễng có đôi cách xanh đỏ như “ngọc lưu li” ngốc đến kinh đô gặp vua dâng ngọc nhưng viên quan đại thần đã mở túi ra xem và con niềng niễng bỗng bay đi mất. Ngốc ta kêu khóc ầm ĩ, kể lại câu chuyện: “Tôi đi ở mười năm được ba nén vàng, rồi ngàn lụa định kiến, rồi cái thiên địa vận, mới đổi được ngọc lưu li này định đem dâng vì ông này nên nó đã đi mất rồi”. Câu nói của ngốc đã làm nhà vua cảm động trước ý tốt của anh ngốc và ban cho ngốc một chức quan, từ đấy ngốc được sống trong giàu sang và trở nên khôn ngoan hơn. Như vậy, ta thấy kết thúc cuộc đời ngốc được giàu sang, hạnh phúc là nhờ hàng loạt những yếu tố may mắn ngẫu nhiên đến với ngốc. Ngoài ra còn có những anh chàng ngốc may mắn có được những cô vợ thông minh, giỏi giang, hiểu chuyện và luôn chịu nhẫn nhục trước mọi sự chê cười của người
đời vì lấy phải anh chồng ngốc nghếch. Những anh ngốc thật may mắn nhờ có vợ mà họ trở nên khôn ngoan hơn, giỏi giang hơn. Chẳng hạn như truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), truyện Anh chồng ngốc (dân tộc Việt) kể về những anh chồng ngốc nghếch, đần độn nhưng may mắn lấy được những cô vợ giỏi giang, thông minh, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Họ luôn là người dẫn đường chỉ lối cho chồng làm ăn. Dù hết sức chỉ bảo chồng nhưng anh ta vẫn không làm việc gì nên thân khiến những cô vợ bị người đời cười chê, mỉa mai. Tuy rất tủi hổ nhưng họ vẫn nhẫn nhục chịu đựng, có lúc có ý định tự tử nhưng khi ra sông thấy có người còn ngốc hơn chồng mình nên quay về nhà quyết tâm dạy dỗ chồng khôn ngoan hơn.
Như vậy, với cốt truyện được triển khai theo cấu trúc trên, chúng tôi thấy một đặc điểm nổi bật của cốt truyện chàng ngốc đó là cốt truyện có cấu tạo theo kiểu xâu chuỗi, tức là cốt truyện là một chuỗi sự kiện. Xâu chuỗi ở đây không phải là tập hợp từng mẩu chuyện đơn giản một cách ngẫu nhiên, không cần tuân thủ trật tự trước sau mà cốt truyện chuỗi của kiểu truyện chàng ngốc phải theo trật tự để làm nổi bật tính lôgic hợp lí của tình tiết. Mỗi một tình tiết kể về một sự kiện, một “cuộc phiêu lưu nhỏ” mà anh chàng ngốc đã trải qua. Chúng được tập hợp, được xâu chuỗi lại hình thành nên cốt truyện cho kiểu truyện chàng ngốc. Truyện cổ tích không quan tâm đến miêu tả nhân vật với đầy đủ ngoại hình, nội tâm, tâm lí, cá tính… mà quan tâm đến một hệ thống các sự kiện. Suốt tiến trình của câu chuyện là một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau làm nổi bật hành động và bản chất của nhân vật chàng ngốc. Truyện Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt) rất tiêu biểu kiểu cấu tạo chuỗi này. Truyện mở đầu bằng sự kiện giới thiệu anh chàng ngốc và lời khuyên của vợ ngốc khi bảo chồng đi buôn: “Ngày xưa có anh chàng ngốc nghếch, đần độn. Từ ngày có vợ, vợ anh thấy chồng ăn không ngồi rồi ngày này sang ngày khác, thì không được vui lòng. Cho nên
một ngày, nàng thủ thỉ: - Ngồi ăn núi lở. Anh phải đi làm một nghề gì mà nuôi thân, nếu không thì khó mà ăn ở với nhau được lâu”. Sau đó, truyện đi vào phần trọng tâm là trình bày chuỗi sự kiện diễn biến xảy ra từ khi chàng ngốc cầm tiền của vợ đưa cho đi buôn. Qua 14 tình tiết từ khi ngốc cầm tiền của vợ đưa cho đi buôn - buôn vịt - buôn lợn - buôn nồi đất - buôn vôi - chuyển nghề đi ăn trộm - đi ăn xin… nhưng lần nào cũng thất bại vì làm theo lời vợ dặn một cách máy móc, dập khuôn, không hề có sự suy xét khi hành động. Cuối cùng bị trâu húc chết, đây là sự kiện kết thúc cuộc đời của anh chàng ngốc. Trong kiểu truyện chàng ngốc, nhân vật chính là các chàng ngốc luôn đóng vai trò chủ chốt, là người xâu chuỗi các sự kiện tạo nên sự liền mạch và hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức của tác phẩm. Với cốt truyện được triển khai theo kiểu xâu chuỗi này, tác giả dân gian đã diễn tả tỉ mỉ, rõ ràng cuộc đời và những hành động của chàng ngốc để làm nổi bật bản tính ngốc nghếch của anh ta.
Tóm lại, có thể nói, với ba phần được trình bày như trên, chúng tôi thấy rằng cấu tạo cốt truyện của kiểu truyện chàng ngốc được triển khai theo kiểu xâu chuỗi, là một chuỗi các sự kiện, tình tiết (sự kiện mở đầu, sự kiện diễn biến, sự kiện kết thúc). Đây là một sáng tạo nghệ thuật hết sức thông minh, tài tình của tác giả dân gian để cường điệu, phóng đại nét tính cách thiểu năng trí tuệ của kiểu nhân vật chàng ngốc. Qua đó đem đến cho người đọc tiếng cười trí tuệ, tiếng cười phê phán nhẹ nhàng để đúc rút cho con người bài học giáo huấn sâu sắc: phải biết ứng xử sao cho phù hợp từng hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu con người hành động thụ động, máy móc, không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình thì sẽ thất bại.