Sinh viên với hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập chiếm một bộ phận những người thuộc độ tuổi từ 18 – 25 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển ổn định, đồng đều về hệ xương, cơ bắp, tạo ra nét đẹp hoàn mỹ ở người thanh niên, đồng thời là tiền đề quan trọng cho sự phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách.
Hoạt động nhận thức của sinh viên phát triển mạnh. Bản chất hoạt động nhận thức của những người sinh viên trong các trường ĐH – CĐ là đi sâu, tìm hiểu những môn học những chuyên ngành khoa học cụ thể một cách chuyên sâu để nắm đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp, quy luật của các khoa học đó, với mục đích trở thành những chuyên gia về các lĩnh vực nhất định. Hoạt động nhận thức của họ một mặt phải kế thừa một cách có hệ thống những thành tựu đã có, mặt khác lại phải tiếp cận với những thành tựu khoa học đương đại và có tính cập nhật, thời sự. Chính vì vậy, nét đặc trưng cho hoạt động học tập của sinh viên là sự căng thẳng nhiều về trí tuệ, sự phối hợp nhiều thao tác tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa. Đa số sinh viên có khả năng tiếp thu bài học một cách nhạy bén có chọn lọc và họ thường không thỏa mãn với những điều mà giảng viên đã trình bày qua bài giảng ở trên lớp. Họ có nhu cầu nhận thức vấn đề ở phạm vi lớn hơn và ở mức độ sâu hơn.
Về mặt tình cảm, theo B.G. Ananhev và một số nhà Tâm lý học khác, lứa tuổi thanh niên, sinh viên là thời kì phát triển tích cực nhất của những loại tình cảm cấp cao như tình cảm trách nhiệm, tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ. Những tình cảm này biểu hiện rất phong phú trong hoạt động và trong đời sống của sinh viên. Đặc điểm của nó là tính hệ thống và tính bền vững hơn so với thời kỳ trước đó. Hầu hết sinh viên đều bộc lộ sự chăm chỉ, say mê của mình đối với chuyên ngành và nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Nhân cách của sinh viên phát triển khá toàn diện và phong phú về các mặt sau:
Tự ý thức: Là một trình độ phát triển cao của ý thức, nó giúp sinh viên có hiểu biết về thái độ, hành vi, cử chỉ của mình để chủ động hướng hoạt động của mình theo những yêu cầu đòi hỏi của tập thể, của cộng đồng xã hội. Sinh viên có khả năng tự ý thức về bản thân mình. Khả năng này xuất hiện trước đó rất lâu nhưng đến lứa tuổi này mới hoạt động mạnh, vì ở lứa tuổi này sinh viên thực sự biết mình là ai trong mối quan hệ học tập hết sức căng thẳng và đối mặt với yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai. Hầu hết, sinh viên không chỉ học theo những chương trình đào tạo chính khóa mà còn tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện về những gì mà họ cho là cần thiết. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng và cần thiết trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho những chuyên gia trong tương lai.
Động cơ học tập: Nhìn chung động cơ học tập của sinh viên phù hợp, thể hiện thông qua sự hăng say, tích cực học tập trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó động cơ học tập của sinh viên cũng chịu sự chi phối của hứng thú, niềm tin, thế giới quan, hoàn cảnh sống… và
có thể do những yếu tố nằm ngoài bản thân chủ thể như: gia đình, xã hội, bàn bè.
Mặt ý chí: Thanh niên sinh viên ngày càng có khả năng kiên trì, có ý chí vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách do cuộc sống và học tập đặt ra. Họ cũng biết tự kiềm chế
những nhu cầu ham muốn không lành mạnh của mình nhằm tôi luyện nhân cách của bản thân.
Sự phát triển về định hướng giá trị: Định hướng giá trị của sinh viên là phương thức họ sử dụng để phân biệt các sự vật theo ý nghĩa của chúng đối với bản thân mình. Từ đó
hình thành nội dung cơ bản của xu hướng và động cơ hoạt động của sinh viên. Theo tác giả
Vũ Thị Nho, sinh viên thường thể hiện rõ các phẩm chất sau:
+ Có tư duy kinh tế, tính toán hiệu quả.
+ Năng động, nhanh nhẹn, thích nghi với hoàn cảnh
+ Dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm để thực hiện những ý tưởng thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế hội nhập và phát triển toàn cầu.
Tiểu kết chương 1
Stress là một khái niệm đa bình diện, nó có thể được tiếp cận dưới ba góc độ sinh lý - xã hội và tâm lý. Trong đề tài này, chúng tôi tiếp cận stress dưới góc độ tâm lý, nghĩa là
nhấn mạnh đến sự tương tác giữa nhận thức, hành vi ứng phó của cá nhân đến các sự kiện gây stress.
Ứng phó là một khái niệm phức tạp và nó được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Chúng tôi tiếp cận chúng theo quan điểm của Lazarus (1984), trong đó xem xét ứng phó là một chuỗi tương tác liên tục của con người với môi trường bao gồm từ nhận thức, cảm xúc và hành vi phản ứng của con người trước một sự kiện gây căng thẳng.
Không có sự thống nhất trong việc phân loại ứng phó. Tùy vào mục đích và đối tượng nghiên cứu cụ thể mà mỗi tác giả có cách phân loại khác nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân loại ứng phó theo quan điểm của Tobin và các cộng sự (1989) với 8 loại:
giải quyết vấn đề, cấu trúc lại nhận thức, bộc lộ cảm xúc, tìm kiếm hỗ trợ xã hội, lảng tránh vấn đề, mơ tưởng, đổ lỗi cho bản thân và cô lập bản thân.
Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến quá trình ứng phó với stress của cá nhân. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chú trọng đến mối quan hệ của chỗ dựa và tinh thần lạc quan, nét nhân cách lo âu với hành vi ứng phó của SV.
SV có nhiều đặc điểm tâm lý cơ bản. Trong đó, đặc điểm hoạt động học tập, giao tiếp, tình cảm bạn bè, tình yêu và khả năng tự ý thức đều tiềm tàng các tác nhân gây stress đòi hỏi SV phải có năng lực ứng phó.
CHƯƠNG 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu
Ngày 24/10/2006 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Quảng Bình. Chức năng nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Bình và các vùng phụ cận, kể cả hợp tác, hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho các tỉnh biên giới của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Năm 2007 Trường tuyển sinh đào tạo đại học hệ chính quy khóa đầu tiên với 421 sinh viên các ngành: Sư phạm Toán – Lý, Sư phạm Văn – Sử; Sư phạm Tiểu học, Tiếng Anh, Nuôi trồng thủy sản và Tin học. Năm 2011 Trường liên kết với Đại học Đà Nẵng đào tạo cao học các ngành Kinh tế phát triển và Khoa học máy tính.
Việc chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế sang hệ thống tín chỉ được triển khai từ năm học 2008-2009, đến năm 2010 cơ bản chuyển hẳn sang đào tạo theo tín chỉ.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý Trường Đại học từng bước được hoàn thiện. Khi mới thành lập trường Đại học, có 9 khoa: Toán – Tin; Tự nhiên – Kỹ thuật; Ngoại ngữ; Xã hội- Du lịch-Kinh tế; Mác Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh (gồm cả nhóm Giáo dục quốc phòng);
Sư phạm Tiểu học – Mầm non; Âm nhạc –Mỹ thuật (bao gồm cả bộ phận Giáo dục thể chất); Nông –Lâm – Thủy sản; Giáo dục thường xuyên (khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lý trước đây); có 7 phòng: Đào tạo; Tổ chức – Hành chính – Tổng hợp; Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Công tác sinh viên; Quản trị; Kế hoạch – Tài chính; Quản lý khoa học và Đối ngoại; 01 Ban quản lý dự án xây dựng; Trung tâm Tin học- Ngoại ngữ. Năm 2011 thành lập khoa Giáo dục thể chất quốc phòng và tách bộ môn Kinh tế thuộc khoa Xã hội – Du lịch – Kinh tế thành khoa Kinh tế; phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đổi tên thành phòng Đảm bảo chất lượng; phòng Quản lý khoa học và Đối ngoại đổi thành phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Như vậy, hiện tại Trường có 20 đơn vị trực thuộc gồm 11 khoa, 7 phòng, 1 ban QLDA và 1 Trung tâm Tin học –Ngoại ngữ.
Từ một trường CĐSP trở thành cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp, đa hệ là sự cố gắng to lớn của cán bộ, giảng viên Nhà trường và sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo, của các cơ quan ban ngành. Đến nay Trường Đại học Quảng Bình đã có quy mô, ngành nghề khá bề thế; đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng; quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng; cơ sở, vật chất, trang thiết bị được tăng cường, đã và đang là địa chỉ quan tâm của người học và của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.