2.1. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
2.1.1.1. Quyền tham dự và phát biểu trong các Đại Hội đồng cổ đông, biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện ủy quyền
Quyền biểu quyết là quyền cá nhân quan trọng nhất của cổ đông, quyền này cho phép cổ đông tham gia vào các quyết định của công ty, thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham dự và biểu quyết các vấn đề quan trọng trong công ty.
Tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp thì, cổ đông có thể thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Điều này có nghĩa là khi cổ đông phổ thông sở hữu càng nhiều cổ phần thì quyền biểu quyết của họ càng lớn, cổ đông nắm giữ bao nhiêu cổ phần thì ý kiến của họ sẽ mặc nhiên có giá trị gấp bấy nhiêu lần so với một cổ phần trong công ty17.
Cổ đông thực hiện các quyền của mình thông qua Đại hội đồng cổ đông họp định kỳ hoặc bất thường, quyết định các vấn đề quan trọng như: định hướng phát triển công ty; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; quyết định tổ chức lại, giải thể công ty…bằng cách biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, hoặc gởi ý kiến bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Điều lệ có quy định. Quyết định được thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản có giá trị như quyết định được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông18.
Ở Mỹ, cổ đông có thể thực hiện với sự nhất trí hoàn toàn bằng văn bản mà không cần tổ chức cuộc họp. Một số bang còn cho phép tham dự Đại hội đồng cổ đông bằng điện thoại truyền hình hoặc các phương tiện điện tử khác, và một số bang còn cho phép thực hiện hành động hoặc coi như hành động được thực hiện, bởi các cổ đông với ý kiến tán thành của đa số19.
17 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46
18 Điều 104, 105 Luật Doanh nghiệp 2005.
19 ALAN B.MORISON, những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, NXB Chính trị quốc gia, trang 530.
Thực hiện quyền biểu quyết của mình, cổ đông góp phần đảm bảo cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra một cách thuận tiện, tiết kiệm kinh phí cho các lần triệu tập, chuẩn bị và tổ chức cuộc họp; đảm bảo đủ tỷ lệ biểu quyết để các quyết định tại cuộc họp được thông qua, cổ đông vừa thể hiện được ý chí của mình mà công ty lại nắm bắt kịp thời các cơ hội làm ăn kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này có một số vấn đề nổi bật như: phương thức bầu dồn phiếu, tỷ lệ biểu quyết, cổ đông thực hiện quyền biểu quyết của mình như thế nào…20
Bầu dồn phiếu
Quyền biểu quyết bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị là một trong những vấn đề quan trọng của cổ đông. Thành viên Hội đồng quản trị là những người thay mặt cho cổ đông đưa ra phần lớn các quyết định quan trọng của công ty. Vì vậy, điểm c khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp quy định việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu vào Hội đồng quản trị và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên21.
So với Luật Doanh năm 1999 thì phương thức bầu dồn phiếu thể hiện bước tiến bộ rõ rệt trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ vì các cổ đông lớn luôn muốn có nhiều đại diện trong Hội đồng quản trị, họ thường chia phiếu cho nhiều người để có nhiều đại diện nhưng phương thức bầu dồn phiếu giúp các cổ đông nhỏ dồn phiếu lại với nhau,nâng cao vị thế của mình lên bằng cách chỉ dồn cho một đại diện. Quy định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đảm bảo cho cổ đông thiểu số có tiếng nói hiệu quả hơn, hơn thế nữa nó có ý nghĩa trong việc điều chỉnh quyền sử dụng đồng vốn và quyền kiểm soát công ty của các cổ đông chi phối, từ đó dẫn đến cải thiện hoạt động quản trị công ty. Đối với công ty cổ phần, giờ đây lá phiếu của cổ đông nhỏ lẻ sẽ trở nên có giá trị hơn trước nhiều. Những cổ đông nắm giữ trên 10% vốn điều lệ cũng dễ dàng vào Hội đồng quản trị mà không cần hợp tác với các chức danh quản lý trong Hội đồng quản trị, cổ đông nhà nước hay những cổ đông lớn khác. Với cơ chế này thì các nhà đầu tư bên ngoài sẽ có vai trò tích cực chủ động trong việc tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mà không còn bị phụ thuộc như trước nữa22.
Luật Doanh nghiệp quy định việc bầu các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải theo phương thức bầu dồn phiếu nhưng chưa hướng dẫn chi tiết nên trong thực tiễn áp dụng lúng túng, dẫn đến tranh chấp quyền lực khá nhiều tại các công ty cổ phần. Những khó khăn vướng mắc này đã được tháo gỡ hoàn toàn tại Điều 17 Nghị định 139. Theo quy định tại Điều này, phương thức bầu dồn phiếu được áp dụng
20 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
21 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
22 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
đối với tất cả các công ty cổ phần bao gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp Luật Chứng Khoán có quy định khác. Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người họ đề cử. Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do đại hội quyết định và theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm23. Nếu Điều lệ không quy định khác hoặc Đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau:
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa hai ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 30% đến 40% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử ba ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 40% đến dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa bốn ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 50% đến dưới 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa năm ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 60% đến dưới 70% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa sáu ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 70% đến dưới 80% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa bảy ứng cử viên;
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 80% đến dưới 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được quyền đề cử tối đa tám ứng cử viên.
Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử24.
Thế nhưng, còn tồn tại một vướng mắc về điều kiện trúng cử của thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát giữa quy định của Luật Doanh nghiệp và nghị định 139. Theo nghị định thì người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp. Theo quy định tại điểm a khoản c Điều 104 Luật Doanh nghiệp thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện: được số cổ đông đại diện ít nhất 65%
tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu
23 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
24 Điều 17 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007.
dồn phiếu. Như vậy, xuất phát từ những quy định này thì điều kiện trúng cử của thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát có thể được hiểu theo hai cách sau:
Thứ nhất, người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát phải có số phiếu bầu cao tương ứng, nhưng ít nhất phải bằng 65% tổng số cổ phần của cổ đông tham dự họp.
Thứ hai, người trúng cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu từ cao xuống thấp mà không theo tỷ lệ khống chế25.
Ở Mỹ thì phương thức bầu dồn phiếu chỉ được áp dụng dễ dàng trong các công ty không phát hành chứng khoán, còn ở các công ty phát hành chứng khoán thì không khả thi vì số lượng cổ đông quá lớn. Trong việc bầu chọn Ban giám đốc “ trừ khi có những quy định khác trong điều khoản thành lập công ty không thì các giám đốc được bầu chọn bằng đa số phiếu, có nghĩa là các ứng viên có số phiếu bầu lớn nhất sẽ được chọn, cho dù họ đạt được sự tán đồng từ đa số cổ phiếu có quyền tham gia bỏ phiếu hay không”26. Quy định này tương tự với quy trình bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị tại nước ta theo cách hiểu thứ hai.
Trên thực tế, tại Việt Nam các cơ quan nhà nước đã giải thích theo cách thứ nhất.
Tỷ lệ biểu quyết
Công ty cổ phần có số lượng cổ đông rất lớn có khi lên đến hàng ngàn người, bất cứ cổ đông nào dù sở hữu nhiều hay ít cổ phần thì họ đều là chủ của công ty, luật quy định quyền biểu quyết của cổ đông nhằm mục đích để cổ đông thực hiện vai trò làm chủ của mình, nhưng nếu ai cũng biểu quyết và mỗi cổ đông lại có những ý kiến khác nhau thì phải làm sao? Để giải quyết vấn đề vướng mắc này luật chỉ trao quyền biểu quyết cho cổ đông biểu quyết, Luật Doanh nghiệp đồng thời cũng đưa ra một tỷ lệ nhất định để thông qua quyết định của công ty, tỷ lệ này thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của cổ đông, đúng thì họ hưởng lợi, sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Những quyết định không quan trọng của doanh nghiệp thì phải đạt ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Đối với những vấn đề quan trọng thì tỷ lệ biểu quyết là 75%. Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định27.
So với Luật Doanh nghiệp năm 1999, tỷ lệ biểu quyết trong các trường hợp này đã được nâng cao, điều này đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và có nhiều ý nghĩa cho cả cổ đông. Cụ thể là:
25 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
26 ALAN B.MORISON, những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, NXB Chính trị quốc gia, trang 528.
27 Điều 76,77,102,104 Luật Doanh nghiệp 2005.
Cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 20% vốn Điều lệ có quyền phủ quyết những quyết định không phù hợp với lợi ích của họ vì trên thực tế ít khi tập hợp được 100% cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả cổ đông.
Điều kiện tổ chức Đại hội cổ đông cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, cần phải tranh thủ được nhiều sự ủng hộ của cổ đông, nhất là các cổ đông lớn.
Việc tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản phải đạt trên 75% vốn điều lệ sẽ hạn chế hình thức lấy ý kiến bằng văn bản và các vấn đề được Đại hội cổ đông quyết định, Hội đồng quản trị cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn những nội dung của cuộc họp.
Cuối cùng, với những phương thức bầu dồn phiếu thì việc thôn tính công ty sẽ khó khăn hơn trước. Người thôn tính toàn bộ doanh nghiệp thì phải nắm giữ trên 75%
vốn điều lệ thì mới được toàn quyền quyết định, một khi chưa đạt tỷ lệ trên thì vẫn có thể bị nhóm cổ đông khác phủ quyết mọi quyết định về đường lối phát triển của doanh nghiệp28.
Cổ đông thực hiện quyền biểu quyết của mình
Về phía cổ đông, không phải ai bỏ tiền ra mua cổ phiếu đều có hiểu biết về kinh doanh, về pháp luật. Chính vì thế, không phải bất kỳ ai cũng hiểu được hết về quyền và nghĩa vụ của mình. Chính sự thiếu hiểu biết này mà nhà đầu tư thường bị thua thiệt.
Trong khi đó, về phía công ty, các công ty lại không tạo điều kiện hay thậm chí là cản trở cổ đông thực hiện quyền của mình. Thực vậy, quyền tham dự và quyền biểu quyết là những quyền căn bản của các cổ đông phổ thông. Luật Doanh nghiệp quy dịnh mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Điều lệ của tất cả các công ty đều ghi nhận nhưng khi áp dụng vào thực tế, nhất là khi thông báo triệu tập Đại hội đồng cổ đông, các công ty cổ phần đều quy định cổ đông muốn tham dự Đại hội đồng cổ đông phải sở hữu số cổ phần nhất định hoặc được người khác ủy quyền số cổ phần mà công ty quy định. Lý giải cho những quy định này, một số công ty cho rằng không đủ cơ sở vật chất để đảm bảo cho tất cả các cổ đông cùng dự họp.Hiện nay luật chưa dự liệu biện pháp chế tài nào đối với Hội đồng quản trị khi cố tình cản trở quyền biểu quyết của cổ đông trong khi trên thực tế việc này vẫn thường xuyên xảy ra, cổ đông không thể thực hiện quyền biểu quyết của mình29.
Về phía Luật Doanh nghiệp, ngoài các hạn chế trên thì các quy định của Luật Doanh nghiệp đôi khi chưa tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để cổ đông thực hiện quyền của mình một cách tốt nhất.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp quy dịnh trong trường hợp triệu tập Đại hội đồng cổ đông công ty phải gởi thông báo mời họp bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là bảy ngày trước ngày khai
28 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
29 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.
mạc cuộc họp30. Quy định này giúp cổ đông thu xếp thời gian, công việc để nghiên cứu tài liệu về cuộc họp hoặc sắp xếp việc ủy quyền cho người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Do đó cổ đông chỉ thực hiện được quyền của mình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông nếu nhận được thông báo kịp thời. Đôi khi quyền này bị cản trở bởi một số yếu tố:
Một là, trong quá trình gởi-nhận thông báo triệu tập gặp sự cố do lỗi bưu điện hoặc do lỗi của công ty nhưng các bên đều không có lưu lại giấy tờ để chứng minh, do vậy công ty không thể chịu trách nhiệm và quyết định cũng đã thông qua, cổ đông đương nhiên phải chịu phần thiệt.
Hai là, Địa chỉ thường trú theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là “ địa chỉ đăng ký trụ sở chính đối với tổ chức; địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đại chỉ nơi làm việc hoặc địa chỉ khác của cá nhân mà người đó đăng ký với doanh nghiệp để làm địa chỉ liên hệ”. Tuy nhiên, đối với cổ đông nước ngoài là tập đoàn kinh tế bao gồm tổ chức có tư cách pháp nhân, tập đoàn đó thực chất là cổ đông nhưng giao cho một pháp nhân độc lập của mình tham gia góp vốn. Khi thông báo được gởi thì sẽ gửi về địa chỉ của pháp nhân đó chứ không phải là địa chỉ trụ sở chính của tập đoàn kinh tế nước ngoài. Ở một số nước khác trên thế giới pháp luật của họ cho phép các tổ chức kinh tế được sử dụng địa chỉ khác với địa chỉ trụ sở chính để nhận thư từ, giao dịch, địa chỉ này theo tiếng Anh gọi là “care of”.Vậy tại sao luật Việt Nam không cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận thư thông báo tại một địa chỉ nào đó thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin nhanh hơn31.
Thứ hai, thông qua quyền biểu quyết, Luật Doanh nghiệp đã có những quy định đảm bảo cho cổ đông thực hiện quyền làm chủ của mình nhưng quyền của cổ đông cũng chỉ là quyền trên giấy nếu thiếu đi các tố quyền, tức là thiếu quyền viện cầu công lý, khiếu nại ra Tòa và yêu cầu can thiệp hoặc nếu có thì cũng chỉ là những quy định chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn.
Điều 107 Luật Doanh nghiệp chỉ quy định đơn giản rằng cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty; trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty. Liên quan đến quy định này, Luật của Trung Quốc, cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy các nghị quyết của Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông nếu vi phạm các nguyên tắc triệu tập, thông tin và biểu quyết hay có bằng chứng cho thấy cổ đông đa số lạm dụng lợi thế của mình để chèn ép cổ đông thiểu số. Trái lại, Luật Doanh nghiệp lại cho phép cổ đông có quyền yêu cầu trọng tài hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng
30 Điều 100 Luật Doanh nghiệp 2005.
31 http://www.saigonluat.vn/?vnTRUST=act:public%7Cpublicid:46.