CHƯƠNG 2. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI ĐỐI VỚI BÊN THỨ BA
2.2. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba
Hình thức hợp đồng là sự thể hiện ý chí của các bên giao kết hợp đồng. Theo Khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự năm 20054 quy định hợp đồng có thể giao kết bằng nhiều hình thức khác nhau có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tại Khoản 2 Điều 402 Bộ luật dân sự năm 20055 quy định nếu pháp luật có quy định hợp đồng phải tuân theo một hình thức nhất định thì các bên phải tuân theo hình thức đó.
Theo quy định tại Điều 570 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, văn bản hợp đồng bảo hiểm được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba là một trong những loại hợp đồng bảo hiểm, do đó hợp đồng này cũng tuân theo các quy định pháp luật về hình thức hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba phải được lập thành văn bản.
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba được thể hiện dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba (Giấy chứng nhận bảo hiểm). Khi chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe đã đóng đủ phí bảo hiểm.
Theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 103/2008/NĐ-CP6 quy định thì giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Trên giấy chứng nhận bảo hiểm phải ghi thời gian hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc. Chủ xe phải xuất trình giấy chứng nhận này khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
4 “1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.”
5 “2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.”
6 “1. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi là Giấy chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm.”
2.3. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba
2.3.1. Bên bảo hiểm
Bên bảo hiểm là bên đã nhận phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết nhận rủi ro bảo hiểm về phía mình. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì bên nhận bảo hiểm chỉ có thể là một tổ chức có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được gọi là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm này phải có quyền kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba. Doanh nghiệp bảo hiểm được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán bảo hiểm bắt buộc. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép thành lập, tổ chức, và hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải tuân theo những quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 59 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 các loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bao gồm: công ty cổ phần bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, hợp tác xã bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Công ty cổ phần bảo hiểm là loại doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều cổ phần, do các cổ đông tham gia đóng góp thông qua hình thức phát hành cổ phiếu. Công ty cổ phần bảo hiểm có tư cách pháp nhân, có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu. Cổ đông có thể là cá nhân, có thể là tổ chức. Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 số cổ đông tối thiểu phải là ba, không hạn chế số lượng tối đa. Các cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty và có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005. Nếu như trước đây khi Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chưa được sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức kinh doanh bảo hiểm, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng để phù hợp với Luật doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan quy định này đã bãi bỏ thay vào đó là công ty trách nhiệm hữu hạn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai loại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Công ty trách nhiệm một thành viên là loại hình doanh nghiệp do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu và chịu trách
nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có số lượng thành viên không ít hơn hai và không quá năm mươi người cùng góp vốn thành lập. Thành viên có thể là cá nhân, có thể là tổ chức và tổ chức góp vốn phải là tổ chức có tư cách pháp nhân. Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp.
Hợp tác xã bảo hiểm đã được bổ sung vào theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Hợp tác xã theo quy định hiện hành thì thành viên hợp tác xã không chỉ là thể nhân, mà còn có thể có cả pháp nhân. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, hoạt động trong mọi lĩnh vực và ngành nghề. Vì thế quy định hợp tác xã là tổ chức kinh doanh bảo hiểm là hoàn toàn thích hợp. Hợp tác xã do cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2003. Hợp tác xã hoạt động với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao đời sống vật chất của từng xã viên. Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy, và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.7
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro. Thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là bên mua bảo hiểm vừa là chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Các thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ đều có quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh trong phạm vi vốn và tài sản
7 “Điều 1 Luật hợp tác xã năm 2003
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.”
của mình. Số lượng thành viên tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ không thấp hơn mười thành viên.
Ta có thể thấy rằng pháp luật không cho phép doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Vì những lý do sau:
Thứ nhất, bảo hiểm là loại hình kinh doanh đòi hỏi phải có bộ máy tổ chức chặt chẽ, đội ngũ nhân viên làm việc trình độ chuyên môn cao, quản lý thống kê lựa chọn các rủi ro, giải quyết các khiếu nại của khách hàng. Bảo hiểm là hoạt động kinh doanh phức tạp cần có đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý đáp ứng được công việc.
Ở hai loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chưa đáp ứng được điều kiện này.
Thứ hai, do tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh là vô hạn, phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ đối với các hoạt động của công ty. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh không thể kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm và độ rủi ro cao.
Thứ ba, kinh doanh bảo hiểm cần sự ổn định, lâu dài. Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh khi có những sự kiện xảy ra với chủ sở hữu có thể hoạt động của doanh nghiệp sẽ chấm dứt. Nếu trường hợp đó xảy ra trách nhiệm bảo hiểm của khách hàng cũng không còn được đảm bảo.
2.3.2. Bên tham gia bảo hiểm
Bên tham gia bảo hiểm là bên đã nộp cho bên bảo hiểm một khoản tiền là phí bảo hiểm. Bên tham gia bảo hiểm có thể là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi có nhu cầu cho xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba.
Bên tham gia bảo hiểm là chủ xe cơ giới. Vậy chủ xe cơ giới ở đây có thể là chủ sở hữu xe cơ giới. Đó chính là người hoặc tổ chức có tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe. Chủ xe cơ giới cũng có thể là người hoặc tổ chức được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới. Trường hợp này sẽ được thể hiện dưới hai hình thức hợp đồng thuê xe và hợp đồng mượn xe. Chủ sở hữu xe cơ giới ký kết hợp đồng này để giao xe cho người hoặc tổ chức sử dụng xe một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Để có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba, bên tham gia bảo hiểm phải đảm bảo quy định về năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự. Năng lực chủ thể của bên tham gia bảo hiểm, nếu bên tham gia bảo hiểm là cá nhân thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự. Năng lực hành vi dân sự là khả năng tự có của chủ thể trong việc thực hiện kiểm soát và làm chủ hành vi của mình, bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Nếu bên tham gia bảo hiểm là tổ chức, tổ chức có thể là pháp nhân thì khi giao kết hợp đồng pháp nhân đó đã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật sẽ đại diện tổ chức ký kết hợp đồng với bên bảo hiểm.
2.3.3. Bên thứ ba trong hợp đồng bảo hiểm
Bên thứ ba là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra. Những người sau đây sẽ không được xem là bên thứ ba trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba:
Thứ nhất, lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó. Trong trường hợp này, có thể là chủ xe hoặc là người do chủ xe thuê để thực hiện công việc thì họ không thể là bên thứ ba trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba.
Thứ hai, người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó. Ở đây đã có một loại hình bảo hiểm dành cho họ đó là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách trên xe, bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe. Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó không thể là bên thứ ba trong trường hợp này.
Thứ ba, chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó. Chủ sở hữu xe cơ giới không thể là bên thứ ba trong trường hợp này vì chủ sở hữu xe đang lưu thông xe nếu xảy ra tai nạn thì người mà chủ xe gây ra thiệt hại mới là bên thứ ba. Đối với trường hợp, chủ sở hữu xe đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó thì khi xảy ra tai nạn do xe gây ra mà người bị thiệt hại là chủ sở hữu xe thì chủ sở hữu xe chính là bên thứ ba.
Bên thứ ba được quy định ở đây là người bị tai nạn do chính xe cơ giới gây ra cho nên những trường hợp loại trừ này hoàn toàn hợp lý. Bên thứ ba trong tai nạn giao thông không giới hạn số người. Tùy theo từng vụ thực tế bên thứ ba có thể là một hoặc nhiều người.
Bên thứ ba không có mối ràng buộc với doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm chỉ tồn tại giữa bên tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, bên thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc yêu cầu bồi thường là quyền của chủ xe cơ giới đối với doanh nghiệp bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nếu pháp luật không có quy định khác thì bên thứ ba chỉ có quyền đòi bồi thường đối với bên tham gia bảo hiểm, trên cơ sở đó doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho bên tham gia bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba thuộc về bên tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận về việc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho bên thứ ba bị thiệt hại. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay mặt chủ xe cơ giới thương lượng với bên thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại.