CHƯƠNG 2. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI ĐỐI VỚI BÊN THỨ BA
3.2 Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba
Nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba người viết có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, kiến nghị về quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường của bên thứ ba.
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ trả tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu thiệt hại xảy ra trong phạm vi số tiền bồi thường thì bên thứ ba có thể trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường mà không cần chủ xe yêu cầu bồi thường. Quyền yêu cầu bồi thường trực tiếp từ doanh nghiệp bảo hiểm của bên thứ ba cần nên được pháp luật xem xét, nếu thiệt hại xảy ra trong phạm vi số tiền bảo hiểm, pháp luật nên cho phép bên thứ ba trực tiếp đòi bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở chuyển quyền khiếu nại của bên mua bảo hiểm. Như vậy sẽ bảo vệ được quyền lợi của bên thứ ba, vì việc đòi bồi thường trực tiếp từ doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đảm bảo và nhanh chóng hơn việc đòi bồi thường từ chủ xe do doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng về tài chính, phải đảm bảo uy tín của mình trong kinh doanh. Bên thứ ba sẽ khắc phục được những hậu quả do bị tai nạn nhanh hơn, giúp họ ổn định cuộc sống. Vì lý do trên đây, pháp luật nên quy định bên thứ ba được quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Pháp luật cũng nên quy định cụ thể, trong trường hợp bên thứ ba trực tiếp đòi bồi thường từ phía doanh nghiệp bảo hiểm thì cần phải có những giấy tờ nào, thủ tục như thế nào. Điều này là cần thiết vì bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối
với bên thứ ba thực chất là bảo vệ quyền lợi về mặt tài chính cho những chủ thể bị chủ xe cơ giới gây ra thiệt hại.
Thứ hai, kiến nghị về quyền yêu cầu giám định của bên thứ ba khi xảy ra tai nạn giao thông.
Theo quy định của pháp luật nếu chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể thoả thuận chọn cơ quan giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của chủ xe cơ giới chỉ định giám định độc lập. Ở đây ta có thể thấy pháp luật chỉ quy định cho chủ xe cơ giới có quyền yêu cầu giám định độc lập còn bên thứ ba thì không có quyền này.
Trong khi đó bên thứ ba là bên liên quan trực tiếp trong việc giám định là bên gánh chịu tổn thất trong tai nạn giao thông do chủ xe cơ giới gây ra. Kết quả giám định còn có ý nghĩa quan trọng trong việc yêu cầu bồi thường của bên thứ ba đối với chủ xe cơ giới. Quy định của pháp luật về quyền yêu cầu giám định của chủ xe cơ giới nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ xe cơ giới nhưng lại không đề cập đến quyền này của bên thứ ba. Thiết nghĩ nếu kết quả giám định không đúng với thiệt hại mà bên thứ ba phải gánh chịu thì nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba. Vì vậy, người viết nghĩ pháp luật cần phải cho bên thứ ba quyền yêu cầu giám định độc lập để tạo sự công bằng giữa các bên, thực thi pháp luật một cách tốt hơn.
Thứ ba, kiến nghị về vấn đề quy định lỗi khi bồi thường thiệt hại.
Pháp luật quy định đối với thiệt hại về người, việc giải quyết bồi thường không tính tới mức độ lỗi của chủ xe, bên thứ ba dù có lỗi hay không vẫn được bồi thường, mức bồi thường được xác định theo quy định của Bộ Tài chính. Có nhiều trường hợp nạn nhân vi phạm luật giao thông dẫn đến tai nạn, nhưng chủ xe vẫn phải bồi thường điều này không công bằng với chủ xe cơ giới. Phải chăng pháp luật nên quy định hợp lý hơn về việc xác định mức độ lỗi trong việc bồi thường thiệt hại về người. Hiện nay, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 151/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 126/2008/TT-BTC có quy định nếu vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường thiệt hại về người bằng 50% mức bồi thường quy định. Đặt giả thiết, vụ tai nạn giao thông đó rất phức tạp khó có thể xác định được lỗi do chủ xe hay do bên thứ ba, cơ quan có thẩm quyền không thể xác định bên thứ ba có lỗi hoàn toàn hay không hoặc bên thứ ba chỉ có lỗi một phần nhưng mức độ nặng hơn lỗi của chủ xe cơ giới. Vậy trách nhiệm bồi thường
trong trường hợp này sẽ được quy định như thế nào. Theo người viết pháp luật cần quy định cụ thể hơn về vấn đề mức độ lỗi của chủ xe và bên thứ ba. Như vậy sẽ đảm bảo được sự minh bạch công bằng cho chủ xe khi tham gia giao thông đúng pháp luật, góp phần giảm bớt tình trạng tai nạn giao thông đáng báo động hiện nay và cũng tạo nên sự công bằng đối với người tham gia giao thông.
Thủ tục bồi thường rườm rà phức tạp của doanh nghiệp bảo hiểm cũng là một nguyên nhân khiến chủ xe cơ giới không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba mặc dù đây là bảo hiểm bắt buộc. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập Hồ sơ bồi thường. Thực tế khi xảy ra tai nạn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bảo hiểm là rất ít, các thủ tục giấy tờ có liên quan đều do chủ xe tự thực hiện để yêu cầu bồi thường.
Thứ tư, kiến nghị về vấn đề khuyến mại bảo hiểm.
Khuyến mại bảo hiểm là vấn đề đang được các nhà bảo hiểm quan tâm hiện nay. Có rất nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm mua bảo hiểm khuyến mại là bảo hiểm giả.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp bảo hiểm có kiểm soát được việc bán bảo hiểm của đại lý hay không. Một số doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp người mua bảo hiểm mua bảo hiểm giả của doanh nghiệp họ thì họ lại trở thành người bị hại. Thiết nghĩ, pháp luật cần có những quy định nhằm bảo vệ người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Một số ý kiến của người mua bảo hiểm lại cho rằng khi mua bảo hiểm khuyến mại thì quyền lợi của người mua vẫn được bảo đảm, nhưng ta có thể thấy rằng bảo hiểm khuyến mại gây cho người mua nhiều bất lợi hơn so với một số ít người mua được đảm bảo quyền lợi. Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khuyến mại bảo hiểm tự nguyện chính vì điều này doanh nghiệp bảo hiểm đã gộp chung bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc để khuyến mại nhằm thu hút khách hàng và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Đối với trường hợp này các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Vậy pháp luật cần quy định chặt chẽ vấn đề khuyến mại bảo hiểm, cần đưa ra những giải pháp cho từng trường hợp cụ thể.
Thứ năm, kiến nghị về việc pháp luật cần có những chế tài nhằm hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới xảy ra.
Cùng với tốc độ phát triển của thị trường bảo hiểm, mức độ và cách thức trục lợi bảo hiểm cũng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn. Tâm lý của người mua bảo hiểm là
mua bảo hiểm để được chia sẻ rủi ro, để an tâm là mình sẽ được bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người mua bảo hiểm gian dối, sau khi xảy ra tai nạn rồi mới mua bảo hiểm hoặc gian lận để đòi tiền bồi thường. Các hình thức trục lợi ngày càng đa dạng, tình trạng trục lợi bảo hiểm là khá phổ biến nhưng để phát hiện được lại rất khó khăn. Mặc dù đã áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp phòng ngừa gian lận bảo hiểm, song trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không thể ngăn chặn hết được những vụ trục lợi bảo hiểm với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Sự thiếu chặt chẽ của các quy định pháp luật khiến cho các cơ quan chức năng chưa tích cực trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận bảo hiểm đã tạo điều kiện cho chủ xe thực hiện hành vi này càng nhiều hơn khi có cơ hội, dù cho doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện hành vi của chủ xe thì chủ xe cũng không bị sự trừng phạt của pháp luật dẫn đến tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến. Do pháp luật chưa có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, nên các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải nghĩ cách tự cứu mình. Để chống trục lợi bảo hiểm, các doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất là doanh nghiệp bảo hiểm huỷ hợp đồng và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Thiết nghĩ pháp luật cần có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm, răn đe những trường hợp vi phạm pháp luật đề cao sự công bằng.