Chương 2: NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH
2.4 Các hành vi xâm phạm chủ yếu đối với CTMT
2.4.1 Các hành vi xâm phạm quyền đối với CTMT là tác phẩm
Tại Điều 28 Luật SHTT quy định 16 hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tất cả các loại hình tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật nói chung,66 trong đó có một số hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với CTMT chủ yếu hiện nay:
2.4.1.1 Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì hành vi xâm phạm đối với CTMT phổ biến nhất là hành vi sao chép CTMT mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác của CTMT.67
CTMT là một loại hình tác phẩm đặc biệt bởi vì bản gốc và bản sao của nó hoàn toàn giống nhau cho nên khó có thể phân biệt được, do vậy các cá nhân, tổ chức muốn sao chép CTMT cũng dễ dàng hơn và khó bị tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả CTMT phát hiện ra. Việc sao chép CTMT bất hợp pháp này sẽ làm giảm cho phí rất niều cho việc mua bản quyền một CTMT nào đó. Ví dụ điển hình cho hành vi này là một người mua một bản sao CTMT có cấp phép chỉ dành cho việc sử dụng của một người và chỉ đối với một máy tính nhưng người này lại tải lên nhiều máy, chia sẻ CTMT đó với bản bè, đồng nghiệp... do đó, hành vi của người này là hành vi xâm phạm bản quyền đối với CTMT.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào sao chép CTMT mà không được phép của tác giả, chủa sở hữu quyền tác giả cũng là hành vi xâm phạm bản quyền.
Luật đã loại trừ một trường hợp là “Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được” thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả đối với CTMT đó (Khoản 3 Điều 19a Nghị định
66 Xem thêm Điều 28 Luật SHTT.
67 Khoản 6 Điều 28 Luật SHTT.
100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan).
2.4.1.2 Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật SHTT thì việc sử dụng CTMT mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền thù lao và quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật thì bị xem là hành vi xâm phạm bản quyền đối với CTMT.
Một ví dụ cho trường hợp này là vụ việc tại tại công ty TNHH Tiếng kêu vù vù (ZOOM Co. Ltd) đã sử dụng trái phép phần mềm hệ thống Discreet Flame của Autodesk, là phần mềm chuyên dụng để sản xuất hậu kỳ các chương trình truyền hình.
Theo thông tin từ chủ sở hữu thì phần mềm chuyên dụng Autodesk Discreet Flame có giá trị tới 4 tỷ đồng (gần 200 nghìn USD). Có thể thấy việc CTMT bị sử dụng một cách trái phép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chủ sở hữu của CTMT và hành vi này sẽ bị xử phạt.
2.4.1.3 Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình
Đây cũng là một hình thức xâm phạm CTMT rất dễ xảy ra trong thời đại công nghệ thông tin. Trong các biện pháp tự bảo vệ của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì việc áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đối với CTMT của mình là biện pháp quan trọng nhất nhưng đôi khi biện pháp này vẫn bị những người có khả năng về công nghệ phá hỏng. Chẳng hạn như chủ sở hữu đã tạo mật mã cho một CTMT nào đó để bảo vệ quyền tác giả của mình và không ai có thể xâm phạm nhưng cá nhân, tổ chức khác lại cố ý bẻ khóa hay làm vô hiệu hóa mật mã do chủ sở hữu tạo ra để lấy cắp bản quyền CTMT đó mà không phải trả chi phí cho chủ sở hữu.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là việc một chương trình chuyên dụng để thiết kế nhà thép tiền chế (ASFAD) thuộc bản quyền của Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam đã bị một cá nhân trước đó là nhân viên của Công ty thực hiện hành vi bẻ khóa và rao bán cho bất cứ ai có nhu cầu sử dụng chương trình đó với giá là
30 triệu đồng.68 Theo đó, hành vi của cá nhân trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với ASFAD và đã gây tổn thất rất nhiều đến lợi ích của Công ty Zamil.
Do đó, cá nhân hay tổ chức có hành vi cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với CTMT thì là hành vi xâm phạm bản quyền và phải bị xử lý theo pháp luật.
2.4.1.4 Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm
Đây cũng là hành vi phá vỡ biện pháp tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ của chủ sở quyền tác giả CTMT. Các chủ sở hữu CTMT thường sẽ đăng những thông tin về chủ sở hữu cũng như những thông tin về CTMT của mình cho mọi người biết cách thức để sử dụng chương trình đó.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định 100/2006 Hướng dẫn Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì việc đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Như vậy nếu tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý xóa hoặc thay đổi một trong những thông tin trên có nghĩa là họ đã thay đổi những thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà tác giả, chủ sở hữu CTMT đặt ra nhằm bảo vệ CTMT của họ, và hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: trên trang web của Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đăng các thông tin: © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ, tên tổng biên tập, địa chỉ trụ sở, điện thoại, đặc biệt cuối cùng còn ghi thêm “Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử Chính phủ' hoặc 'www.chinhphu.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này”. Như vậy có nghĩa là, trang web này thông báo cho mọi người biết là bản quyền thuộc về Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam và nêu rõ những thông tin quản lý về trang web đó, nếu ai có bất cứ hành vi cố ý xóa, thay đổi một trong những thông tin đó tức là đã có hành vi xâm phạm bản quyền đối với trang web đó.
68 An ninh thủ đô, “Bẻ khóa an cắp phần mềm độc quyền”, trang web: http://www.anninhthudo.vn/Phap-luat/Be- khoa-an-cap-phan-mem-doc-quyen/415077.antd ,[ngày cập nhật: 18/9/ 2011].
2.4.1.5 Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bản sao chụp tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm. (khoản 4, điều 4 nghị định 100/2006). Cá nhân, tổ chức khi thực hiện một trong các hành vi: nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hay truyền đạt CTMT đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả CTMT đó thì sẽ bị xem là hành vi xâm phạm bản quyền.
Trên đây là những hành vi xâm phạm bản quyền CTMT chủ yếu nhất trong thời đại công nghệ hiện nay, ngoài những hành vi đó thì còn có những hành vi khác cũng có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể quyền đối với CTMT như hành vi chiếm đoạt quyền tác giả của CTMT, hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hoặc phân phối bản sao CTMT mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả...
2.4.2 Các hành vi xâm phạm quyền đối với CTMT là bí mật kinh doanh
Các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh được quy định tại Điều 127 Luật SHTT. Cụ thể như sau:
2.4.2.1 Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó
Đây là hành vi nhằm chống lại các biện pháp bảo vệ của sở hữu để có được một phần hay toàn bộ bí mật kinh doanh một cách bất hợp pháp. Ví dụ như đối với bí mật kinh doanh là CTMT thì khi chủ sở hữu CTMT đã cài mật mã trong máy tính để không ai có thể tiếp cận được CTMT đó mà tổ chức, cá nhân khác không có quyền biết bí mật đó lại cố ý tìm mọi cách mở được mật mã nhằm tiếp cận bí mật kinh doanh thì đây là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh và phải chịu sự xử lý theo pháp luật.
2.4.2.2 Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó
Ở đây bao gồm hai hành vi là bộc lộ hoặc sử dụng thông tin bí mật kinh doanh một cách trái pháp luật, trừ những trường hợp bộc lộ hoặc sử dụng bí mật kinh doanh
mà pháp luật cho phép được quy định tại Khoản 3 Điều 125 Luật SHTT, tức là người khác có quyền thực hiện các hành vi như: bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp; bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng; sử dụng dữ liệu bí mật thử nghiệm không nhằm mục đích thương mại; bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập; bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.
Thông tin bí mật đối với CTMT chính là các câu lệnh hay là các mã nguồn để thiết lập nên một CTMT. Theo đó, người nào cố ý truy cập, bộc lộ hoặc sử dụng mã nguồn của một CTMT mà không thuộc quyền quản lý hoặc sở hữu của mình và cũng không thuộc những trường hợp được phép bộc lộ nói trên thì bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh của người khác và phải chịu xử lý theo pháp luật.
2.4.2.3 Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh
Người có nghĩa vụ bảo mật bí mật kinh doanh có thể là chủ sở hữu, người quản lý bí mật kinh doanh và bao gồm tất cả những người biết được thông tin bí mật đó.
Theo đó người nào có những hành vi như lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của những người có nghĩa vụ bảo mật trên nhằm tiếp cận, thu thập hoặc bộc lộ bí mật kinh doanh thì sẽ vi phạm pháp luật.
Ngoài ra luật còn quy định về việc vi phạm hợp đồng bảo mật cũng là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hợp đồng bảo mật ở đây thường là những hợp đồng được ký kết giữa công ty với những thành viên của công ty về việc bảo mật một CTMT nào đó, nếu như một trong các bên có hành vi vi phạm hợp đồng bảo mật thì sẽ bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh.
2.4.2.4 Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền
Có thể hiểu điều luật này như sau: khi một cá nhân, tổ chức tiến hành nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc xin lưu hành sản phẩm làm ra từ bí mật kinh doanh mà có tổ chức, cá nhân khác cố tình tiếp cận hoặc thu thập thông tin bí mật đó thông qua đơn của người xin cấp phép mặc dù cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin đó, như vậy những hành vi này là xâm phạm bí mật kinh doanh của người khác.
2.4.2.5 Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được
Đây là hành vi cố ý sử dụng bí mật kinh doanh của người khác một cách bất hợp pháp vì họ đã biết được bí mật đó không phải của mình mà vẫn bộc lộ, sử dụng nó, như vậy sẽ gây tổn thất rất nhiều cho chủ sở hữu bí mật đó. Do vậy hành vi này phải chịu xử lý của pháp luật.
2.4.2.6 Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật SHTT
Khác với những hành vi trên, hành vi này thường chỉ áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền, theo Điều 128 Luật SHTT quy định “trong trường hợp pháp luật có quy định người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hoá phẩm phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh thu được do đầu tư công sức đáng kể và người nộp đơn có yêu cầu giữ bí mật các thông tin đó thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp việc bộc lộ là cần thiết nhằm bảo vệ công chúng”. Như vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền không thực hiện nghĩa vụ bảo mật những thông tin mà người nộp đơn trong những trường hợp trên có yêu cầu thì được xem là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh và cơ quan đó sẽ phải chịu xử lý của pháp luật.