Cùng với sự ra đời ngày càng nhiều của các CTMT thì những hành vi xâm phạm chúng cũng ngày càng nhiều hơn tinh vi hơn, chủ yếu là do những nguyên nhân
sau:
3.5.1 Nguyên nhân từ hệ thống pháp luật
- Thứ nhất, do các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung, mà rải rác trong quá nhiều văn bản, như: Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1997 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2008), Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2001), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng dân sự năm 2005, Luật Hải quan năm 2002… và trong nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành các luật, pháp lệnh nêu trên.
Trong khi đó, những quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ lại chưa thật đầy đủ, chưa đồng bộ, đặc biệt là những quy định về các biện pháp và chế tài xử lý mới chủ yếu dừng ở các hình thức xử lý hành chính, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Chế tài về hình sự chỉ được áp dụng với cá nhân, trong khi nhóm tội về sở hữu trí tuệ chủ yếu là do tổ chức thực hiện, vì vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân được. Các quy định về yếu tố cấu thành của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tội xâm phạm quyền tác giả chưa cập nhật được những nội dung mới trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chưa phù hợp với yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, như Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
- Thứ hai, trên thực tế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện có tới 6 loại cơ quan (UBND các cấp, thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra văn hóa, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan) cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Theo thông lệ ở các nước trên thế giới thì tòa án phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, vai trò của tòa án rất mờ nhạt so với các cơ quan hành chính. Mỗi năm có tới hàng nghìn vụ vi phạm sở hữu trí tuệ được xử lý bởi các cơ quan hành chính, nhưng số vụ được đưa ra xét xử tại tòa án lại không quá 10 trường hợp. Chưa kể, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ
máy tính…79
- Thứ ba, chế tài trong việc xử lý xâm phạm CTMT là rất thấp, chủ yếu là xử phạt hành chính nhưng số tiền lại rất ích, các doanh nghiệp sai phạm có thể sẵn sàng bỏ số tiền bị phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục hành vi đó vì lợi nhuận vẫn cao hơn so với phần bị phạt.
Nhìn chung, chính từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ như vậy cho nên việc thực thi pháp luật trên thực tế vẫn còn chưa nghiêm túc, dẫn đến việc vi phạm bản quyền quá nhiều như hiện nay.
3.5.2 Nguyên nhân từ tâm lý chung của người dân
- Thứ nhất, các hành vi xâm phạm CTMT luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên rất có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy, trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với các doanh nghiệp có số lượng máy tính lớn thì việc sao chép các phần mềm một cách bất hợp pháp sẽ làm giảm chi phí rất nhiều cho việc mua bản quyền, còn đối với các hành vi mua bán các CTMT mà không được phép của chủ sở hữu sẽ đem lại lợi nhuận rất cao không cần phải có nhiều vốn.
- Thứ hai, người tiêu dùng có thu nhập và kinh tế thấp. Các CTMT hiện nay đều có giá bản quyền rất cao mà điều kiện thu nhập của người dân vẫn còn thấp (năm 2010 ước khoản 1200 USD/người/năm),80 nhưng các ứng dụng đơn thuần như Word 2010, Excel 2010, PowerPoint 2010 và các ứng dụng văn phòng trực tuyến sẽ được bán với giá 149 USD. Vậy câu hỏi đặt ra là sinh viên Việt Nam cũng như nhân viên văn phòng với mức lương 150 USD hàng tháng có mạnh dạng bỏ ra tiền túi để sử dụng những sản phẩm phần mềm bản quyền. Trong khi đó với chiếc máy tính cần phải có nhiều ứng dụng như vậy thì cần có cả ngàn đô để trang bị mọi thứ đều mua bản quyền thì bằng chi phí cả năm lương của nhân viên, do vậy rất nhiều người chọn giải pháp là vi phạm pháp luật và họ biết rằng vấn đề thi hành pháp luật của Nhà nước còn chưa chặt chẽ nên và họ cho rằng họ sẽ an toàn nên đó đã trở thành thói quen.
79 Thông tin pháp luật dân sự, “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, trang web: http://thongti nphapluatdansu .wordpress.com/2010/06/02/4991/ , [ngày cập nhật: 02/6/2010].
80 Tin nhanh Việt Nam, “Thu nhập của người Việt năm nay có thể đạt 1200 USD”, trang web: http://vnexpress.n e t / gl/kinh-doanh /2010/09/3ba209ce/ , [ngày cập nhật:20/9/2010].
Cho nên lợi dụng tình hình này, nhiều tổ chức, cá nhân không có ý thức tôn trọng pháp luật đã tiến hành sao chép CTMT không thuộc sở hữu của mình để bán lại với giá rẻ hơn cho người tiêu dùng. Và như trên đã phân tích, một bản gốc và bản sao CTMT đều hoàn toàn giống nhau nên người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn CTMT rẻ hơn để mua. Do vậy, lợi nhuận từ các CTMT là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm phạm diễn ra ngày nhiều hơn.
- Thứ ba, hiện nay có rất nhiều các phần mềm có mã nguồn mở để thay thế cho các phần mềm có bản quyền và vẫn có hiệu quả rất cao, nhưng đa số người tiêu dùng lại không biết đến và các doanh nghiệp phần mềm cũng không có chính sách tuyên truyền cho họ biết để sử dụng. Do đó, khi các phần mềm có giá cao mà họ không có khả năng mua bản quyền thì họ chỉ có lựa chọn duy nhất là bẻ khóa những phần mềm đó để sử dụng, dẫn đến việc vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng.
- Thứ tư, phần lớn các chủ thể quyền đối với CTMT chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ, bởi vì trình độ và hiểu biết về tác hại của xâm phạm CTMT đối với bản thân tác giả, chủ sở hũu CTMT và đối với lợi ích của cộng đồng còn rất hạn chế. Hiện nay rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào có chiến lược về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề sở hữu trí tuệ là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa việc xâm phạm CTMT của mình. Một số chủ thể vẫn áp dụng những biện pháp kỹ thuật để hạn chế việc bẻ khóa của người khác nhưng những cách thức đó vẫn mang lại hiệu quả chưa cao, do vậy các chủ thể cần nâng cấp những biện pháp kỹ thuật lên trình độ cao hơn, hiệu quả hơn để nâng cao tính bảo mật cho mã nguồn CTMT của mình cũng như để bản quyền CTMT không bị xâm phạm.
- Thứ năm, các doanh nghiệp hiện nay thường không chịu phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, chẳng hạn nhu việc có tình trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Nếu có kiểm tra thì hầu như các doanh nghiệp đều có biện pháp để đối phó như xóa hết các CTMT không có bản quyền khi kiểm tra, sau khi cơ quan kiểm tra đi khỏi thì họ lại tải những phần mềm đó về tiếp tục sử dụng.
Nói tóm lại, xét về tâm lý của người dân về việc việc vi phạm bản quyền chủ yếu là do ý thức của người dân chưa cao, chưa ý thức được tác hại của hành vi xâm phạm bản quyền đối với nền kinh tế cũng như ý thức tôn trọng pháp luật của họ chưa cao để đảm bảo pháp luật được thực thi một cách tốt nhất. Do vậy có thể nói, con ngừi là yếu tố hàng đầu dẫn đến hành vi xâm phạm bản quyền CTMT.