Chương 2. Cơ sở lý luận
2.2. Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam
2.3.3. Một số cơ chế, chính sách tài chính trong xây dựng NTM
Cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ xây dựng NTM được thể hiện rõ trong nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 800, bao gồm:
2.3.3.1 Nguồn vốn xây dựng NTM.
Nguồn vốn xây dựng NTM gồm 5 nguồn chính, đó là: (1) Đóng góp của cộng đồng; (2) Vốn đầu tư của doanh nghiệp; (3) Vốn tín dụng; (4) Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (có bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) và (5) Vốn tài trợ khác.
Nguồn đóng góp của cộng đồng, bao gồm:
- Công sức, tiền của đầu tư cải tạo nhà ở, xây mới và nâng cấp các công trình vệ sinh phù hợp với chuẩn mới; Cải tạo ao, vườn để có cảnh quan đẹp và có thu nhập; Cải tạo cổng ngõ, tường rào phong quang, đẹp đẽ…
- Đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình để tăng thu nhập.
- Đóng góp xây dựng công trình công cộng của làng, xã bằng công lao động, tiền mặt, vật liệu, máy móc thiết bị, hiến đất.
- Đóng góp tự nguyện và tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tư nhân
- Đầu tư xây dựng các công trình công cộng có thu phí để thu hồi vốn.
- Đầu tư kinh doanh các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, cung cấp dịch vụ.
- Đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức đào tạo và hướng dẫn bà con tiếp cận kỹ thuật tiến tiến và tổ chức sản xuất .
Vốn tín dụng
Nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước được phân bổ cho các tỉnh theo các Chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009-2015; Nguồn vay thương mại.
Vốn ngân sách
Vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn; Vốn trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
2.3.3.2. Các chính sách tài chính hỗ trợ xây dựng NTM
Chính sách hỗ trợ từ ngân sách (bao gồm các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã)
- Hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở, trường học đạt chuẩn, trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hoá xã,...
- Hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư,...
- Vốn hỗ trợ một phần cho các công trình khác.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác, như Chương trình giảm nghèo, Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình,...
- Vốn trái phiếu Chính phủ.
Chính sách hỗ trợ tín dụng
- Đối tượng được hưởng bao gồm hộ gia đình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn nông thôn, cá nhân, chủ trang trại,...
- Các lĩnh vực được ưu tiên vay vốn bao gồm: vay cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, diêm, thủy sản; vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; vay đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn,...
- Cơ chế đảm bảo tiền vay: các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thế chấp.
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
- Đối tượng thụ hưởng: các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký hoạt động theo luật pháp Việt Nam
- Các mức độ ưu đãi được áp dụng đối với dự án nông nghiệp thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi hoặc thực hiện ở vùng, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
- Loại ưu đãi đầu tư: về đất, hỗ trợ về kinh phí đào tạo nghề, thị trường, dịch vụ tư vấn doanh nghiệp khoa học công nghệ, hỗ trợ về kỹ thuật khoa học công nghệ,...
2.4. Các nghiên cứu có liên quan
Trong những năm qua, vai trò của KH&CN trong phát triển KT-XH là chủ đề đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà quản lý và các nhà khoa học. Tuy nhiên, cho đến nay còn rất ít các nghiên cứu liên quan đến chủ đề đánh giá hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã được công bố. Võ Ngọc Anh (2010) đã đánh giá tác động sau nghiệm thu các đề tài KH&CN tỉnh Bình Định giai đoạn 1995-2005. Về hiệu quả kinh tế, kết quả nghiên cứu cho thấy có 108 đề tài (chiếm 63% tổng số đề tài) mang lại lợi ích kinh tế ít nhất gấp 2 lần kinh phí nghiên cứu. Về hiệu quả xã hội, kết quả phân tích thống kê cho thấy có 136 đề tài (chiếm 79,5% tổng số đề tài) mang lại lợi ích tích cực. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng (2011) đã thực hiện việc điều tra và đánh giá hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN trên địa bàn tỉnh Lâm
Đồng giai đoạn 1996 - 2005. Nghiên cứu này đã xây dựng được các tiêu chí và dùng các tiêu chí này để đánh giá hiệu quả của các đề tài và dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 1996-2005. Dựa vào kết quả đánh giá thực trạng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh.
Trong một nghiên cứu khác, Nguyễn Đắc Đồng và các cộng sự (2015) đã đánh giá hiệu quả Chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015. Theo các tác giả, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần đánh giá và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời đó cũng là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, các tác giả đã đề xuất phương hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện Nghị Quyết số 24-NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho giai đoạn tiếp theo.
Tóm lại, cho đến nay chưa có nhiều đề tài đánh giá thực trạng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học & công nghệ vào thực tiễn. Phần lớn các đề tài đã thực hiện tập trung vào đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học & công nghệ. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết tốt nhất của tôi, cho đến thời điểm hiện tại chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào liên quan đến việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học & công nghệ phục vụ chương trình xây dựng NTM được thực hiện ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Cà Mau nói riêng.