Tình huống bi kịch gia đình

Một phần của tài liệu Chất trữ tình trong truyện Mạc Can (Trang 40 - 49)

Chương 2 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN MẠC CAN

2.1. Giới thuyết về tình huống

2.2.2. Tình huống bi kịch gia đình

Bi kịch gia đình trong các truyện của Mạc Can cũng muôn hình nhiều vẻ. Dường như hạnh phúc nào cũng giống nhau, nhưng nỗi bất hạnh thì mỗi gia đình mỗi khác. Viết về nỗi bất hạnh trong gia đình không phải Mạc Can là người đầu tiên. Bởi vì, bất cứ ai đã là nhà văn đều có trái tim nhạy cảm, nhất là nhạy cảm với những nỗi bất hạnh, đau đớn của con người. Có thể nói: nơi nào còn có những con người đau khổ, nơi ấy còn cần đến những nhà văn. Trong cuộc sống hiện đại, con người càng dễ rơi vào bi kịch của sự rạn

nứt, đổ vỡ của những mối quan hệ cha – con, mẹ - con, đặc biệt là vợ - chồng. Xã hội càng dân chủ thì tình trạng li hôn diễn ra càng nhiều.

Truyện của Mạc Can khai thác tình huống đổ vỡ hạnh phúc gia đình một cách thấm thía. Khi các mối quan hệ gắn bó máu thịt trong gia đình bị rạn nứt, mọi thành viên đều trở thành nạn nhân của nỗi bất hạnh. Ở tư cách nào con người cũng bị tổn thương. Sự thương tổn lớn nhất là thương tổn trong tâm hồn, nó ăn mòn tinh thần, nó khiến con người đau đớn, vật vã không thể nào thoát ra được. Sự rạn nứt ấy nhiều khi không nằm ở bề ngoài mà nó rạn nứt từ bên trong, không dễ gì cắt nghĩa, lý giải . Mâu thuẫn ngày một lớn dần lên, mặc dù từ phía này hay phía khác, mỗi thành viên đã cố hết sức hàn gắn nhưng càng cố gắng hàn bịt thì vết thương càng hở ra sâu hơn, rộng hơn, bi kịch hơn.

Những truyện tiêu biểu cho tình huống bi kịch gia đình của Mạc Can có thể kể đến là: Và … những hạt cát vẫn tìm nhau, Tờ 100 đô la âm phủ, Ai đi tìm tượng thần mỹ nữ, Con cua màu rêu, Mổ heo, Tấm ván phóng dao, Điện thoại khẩn cấp.

Cũng viết về bi kịch gia đình nhưng ở mỗi truyện, tác giả lại sáng tạo ra một tình huống khác nhau. Ở đó nhân vật phải đối diện với những éo le, trắc ẩn khác nhau vì thế nỗi đau đớn dằn vặt cũng không giống nhau. Mỗi nhân vật là một số phận, mỗi mảnh đời nhỏ nhoi, chịu đựng những trái ngang bất hạnh theo cách của riêng mình. Những người cha, người chồng, người mẹ, người vợ, những đứa con đều phải trải qua những cảnh huống éo le, đầy uẩn khúc.

Bi kịch gia đình trong Và… những hạt cát vẫn tìm nhau, được Mạc Can khai thác một kiểu tình huống, đó là tình huống bi kịch trong hôn nhân. Huy chàng trai trẻ nhiều tham vọng nhưng vô danh. Lúc còn là nhân viên tiếp thị, “Huy đã cố tình tìm mọi cách làm quen với Loan – con gái của một vị giám đốc công ty mỹ phẩm nổi tiếng và giàu sụ”. Cuộc chinh phục trắc trở cho đến khi Loan mang thai bé Quyên, hai người mới được làm đám cưới gấp gáp. Sau đó không bao lâu Loan hiểu rằng Huy cố tạo nên cái thai chính vì một động cơ hoàn toàn khác hơn là tình yêu. Đó là vết rạn nứt đầu tiên của hôn nhân. Huy bị nhà vợ xem thường và rồi ai cũng biết Huy lợi dụng Loan để bước vào thế giới thượng lưu. Với tình huống

ấy, nhà văn đẩy bi kịch này đến bi kịch khác. Dù giàu có, sang trọng, thành đạt trong sự nghiệp kinh doanh của mình nhưng Huy chưa bao giờ chạm tới được gấu áo của nữ thần tình yêu. Huy sống vật vờ và chưa một lần cảm nhận được chất muối của hạnh phúc gia đình. Loan có nhân tình. Còn ông Huy tìm tới những quán bar, rồi đi khiêu vũ đến tận khuya, say khướt ông ghé qua quán cà phê nhạc tiền chiến, gặp một cô gái khác, cả hai lại tìm chỗ trao đổi như tình nhân.“Sáng chủ nhật ông lại lái xe tới biệt thự mênh mông của Loan nó rộng lớn hơn ông tưởng, nằm yên tĩnh trong một khu trang trọng và vắng vẻ”. Người giúp việc nói: “Tối hôm qua bà chủ không có ở nhà”. Câu chuyện còn được đẩy lên kịch tính bởi tình huống thứ hai.

Ông Huy lại một lần nữa bị Loan đọc tẩy cả hành vi và ý nghĩ của mình.

Đó là tình huống liên quan đến bức tĩnh vật cũ kỹ vẽ một bình sứ mạo dáng chiếc giày cao gót của phụ nữ có cành hoa màu đỏ thắm vắt ngang chiếc giày. Bức tranh chuyển động theo hướng nhìn khi Loan bước đi ánh sáng của chao đèn soi bức tranh một cách khác hẳn, rồi bỗng nhiên chiếc giày biến mất. Huy đặt hoa hồng trên tranh và cài danh thiếp mua nó. Cách đây vài ngày đích thân Huy làm công việc quảng bá cho phòng tranh, sau đó ông đã ngủ với nữ họa sĩ, và bây giờ tiền mua bức tranh coi như tăng thêm.

Huy không ngờ là Loan biết điều đó và Loan đã một mình tới phòng tranh và phát hiện ra bức tranh đáng sợ. Người đàn bà này không nói với chồng cả hai việc, mà một việc có thể gây rối là bức tranh. Tình huống ấy làm tăng bi kịch của gia đình, làm cho cả Loan, ông Huy và bé Quyên đều phải sống trong sự lạnh lẽo đến gần như đông cứng lại.

Cũng là tình huống bi kịch gia đình nhưng trong Tờ 100 đô la âm phủ, bi kịch lại đến từ một giấc chiêm bao của Hà. Người phụ nữ đã từng trải qua những năm tháng đắng cay, cơ cực của cuộc đời, từng muốn quên đi cái quá khứ đau buồn, nhục nhã. Từ thân phận của một cô gái đi khách, bán hoa, gái dù, Hà đã cắt đứt quãng đời đen tối ấy và dũng cảm làm lại cuộc đời. Hà xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, là chủ của một quán cà phê và quầy tạp hóa ăn nên làm ra. Thế nhưng, để có một mái ấm gia đình, để được yên thân, được làm vợ như bao người phụ nữ khác, Hà đã gá nghĩa với một anh chàng sứt môi. Hà chăm chút vun vén, lo lắng cho gia đình và cũng yêu thương chồng hết mực, dù Hà ý thức được chồng mình không bằng ai

nhưng luôn luôn cố gắng để chồng không buồn. Thế rồi Hà mơ “thấy mình được ai đó cưới” và đem giấc mơ kể với chồng. Anh hằn học nói với Hà:“mày là con đĩ”. Tác giả còn khéo đẩy tình huống lên một lớp lang khác đó là “trong đêm Hà mơ ,dưới gối Hà có ai đặt tờ 100 đô la âm phủ”. Nhưng cuối cùng mọi nỗ lực của Hà đều trở về với con số không tròn trĩnh.

Hà suốt đời đi tìm hạnh phúc nhưng ngay cả trong giấc mơ cũng không trọn vẹn. Cái hạnh phúc mà Hà cố công tạo dựng, xây đắp nó cũng mong manh như sương khói, hư ảo như những giấc mơ.

Mỗi gia đình là một cảnh đời, mỗi nhân vật là một số phận. Trong Con cua màu rêu với cách kể mang màu sắc hư ảo, bi kịch của gia đình Son - Thị được Mạc Can xây dựng bằng tình huống độc đáo, mang màu sắc hư ảo góp phần làm nên thành công của truyện. Đó là tình huống người chồng

“thấy mình ngủ chung giường với cua, ôm ấp một con cua màu rêu” nhưng thức giấc lại “thấy mình ôm vợ”. Đêm Son nhìn mặt Thị không khác con cua, sợ quá đâm quẩn. Thuốc thang tốn nhiều tiền bạc, Son vẫn quẩn. Vợ chồng Son – Thị lấy nhau đã lâu nhưng không có con, gia cảnh thêm buồn.

Nhiều người cho rằng do Thị ác tâm nên trời không thương, không cho lộc.

Trước đó nhà văn đã đặt câu chuyện vào cái tình thế để dẫn dắt người đọc:

Son làm nghề xây hòn non bộ, tượng thủy quái nhỏ. Vợ Son là Thị bán cua cá ngoài chợ. Người làng cười Son sống nhờ vạt áo đàn bà vì cua cá thì bán chạy còn hòn non bộ thì không. Son vẫn ngông nghênh cho mình là một nghệ sĩ lớn sinh bất phùng thời nên hay cáu bẳn với vợ. Nhiều tình tiết trong truyện đẩy bi kịch gia đình Son – Thị đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Nhưng may thay câu chuyện lại kết thúc có hậu nhờ cách giải quyết tình huống bất ngờ và thú vị của tác giả.

Trong Điện thoại khẩn cấp, Mạc Can đặt ra cho người đọc một tình huống có tính phổ biến trong xã hội hiện đại: người đàn bà có chồng theo gái, nên chán sống và gọi điện thoại đến cho ông Hề già khóc nức nở, nghẹn ngào. “Hu hu hu… ông ơi chắc con chết liền tại đây quá đi, con giết con con, con giết chồng con, con tự tử”. Trước tình huống ấy rõ ràng hạnh phúc gia đình đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Người chồng chỉ suốt ngày say mê việc hẹn hò, tình tự với cô ca sĩ, không thiết gì nghĩ đến gia đình, chán vợ không muốn nhìn thấy vợ. Còn người vợ - tâm trạng của một

người bị phụ tình bao giờ cũng đau đớn, uất ức và suốt ngày lại phải chứng kiến việc chồng mình ôm ấp hình ảnh người đàn bà khác một cách say mê thì nỗi đau càng bị đẩy đến cực điểm, cao trào. Lúc này, người vợ không thể nghĩ ra được một điều gì minh mẫn sáng suốt, cách để giải quyết bế tắc là tìm đến cái chết. May thay người vợ đã kịp tìm đến ông Hề - bi kịch ấy dần dần được tháo gỡ. Tình huống truyện không có gì mới nhưng cách giải quyết tình huống vừa hợp lý vừa thấm đẫm tình cảm nhân văn sâu sắc.

Cũng có khi bi kịch gia đình diễn ra bởi chính từ cái chuyện cơm áo gạo tiền, chính cuộc sống mưu sinh quá đỗi ngặt nghèo. Câu chuyện Tấm ván phóng dao kể về một gia đình gánh xiếc trôi nổi trên những con kênh, những xóm làng Nam Bộ, mỗi thành viên trong gia đình đều đã hết sức nỗ lực kiếm sống: ông Trần – chủ gánh hát, bà vợ, và ba đứa con mà số phận nghèo hèn đã không buông tha họ. Truyện có nhiều tình huống gay cấn tạo nên cái dư vị buồn, chất chứa những suy tư, chiêm nghiệm, day dứt, nghiền ngẫm về con người, cuộc đời để rồi họ chợt nhận ra: “Cuộc đời không phải là một chuỗi xâu chuỗi thực sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt khóc, hạt cười, hạt hạnh phúc và vô hạnh, nó là xâu chuỗi vô thường…, [11, 23]. Cả câu chuyện đặt ra một chuỗi những câu hỏi tại sao? “Tại sao tôi không được sống bình thường như những người khác xung quanh tôi, tại sao tôi dốt nát mê muội, tôi có quyền được sống làm người, được học hành, yêu thương và có hạnh phúc chứ?”. Những câu hỏi dằn vặt đầy nhân tính đẩy kịch tính của câu chuyện lên cao trào. Rõ ràng cuộc sống bình thường cũng chỉ là ước mơ quá xa vời đối với họ. Mọi người trong gia đình đều nhận ra bi kịch và câu chuyện kết thúc khi gánh xiếc gia đình tiêu tan, người anh bị tù đày, người cha thất cơ nghiện ngập, cô thiếu nữ xinh đẹp trót mang thai với anh Hai rồi cũng qua đời. Sau bao năm, chỉ còn lại trên khoảnh sân căn nhà heo hút gần nghĩa địa, bà Tư xơ xác thất thường mưa nắng, khi tỉnh khi mê với vết thương trên đầu và một ông Ba đạp xích lô thỉnh thoảng đến thăm em gái.

Trong truyện “Người nói tiếng bồ câu”, bi kịch gia đình cũng từ tình huống “cơm áo không đùa với khách thơ”. Truyện kể về nhân vật ông Su Da ấp ủ hoài bão trở thành văn sỹ suốt cuộc đời cong sườn cặm cụi viết không biết cơ man nào là sách. Nhưng khổ nỗi bao nhiêu lần bản thảo của

ông gửi đến nhà xuất bản thì bấy nhiêu lần trước khi trả bản thảo cho ông bao giờ nhà xuất bản cũng: “kiếm cớ gửi kèm theo tờ giấy in sẵn lời cảm ơn chân thành, còn chúc mừng cho sự cộng tác lâu dài, mong nhận được nhiều tác phẩm khác”. Cho đến lúc đã già ông tin chắc rằng cuốn tiểu thuyết mình mong đợi đã lâu viết về loài bồ câu, với một cách viết riêng, độc đáo được người bạn Văn Sĩ già đánh giá cao. Ông chắc mẫm chuyến này mình sẽ trở thành nhà văn sau khi được các văn sĩ tốt bụng giúp ông năm triệu đồng để in cuốn sách. Nhưng về đến nhà: “Ông lại đem chuyện có tiền in sách nói với vợ, trong lúc con dâu của ông nằm ổ đẻ, thằng Trái Cây con trai ông thì cần có cái gì làm ăn. Bà nhà vốn thiết thực hơn ông, không có chuyện“bồ câu” chim trời cá nước chút nào. Bà nói: “ông không chịu lo làm ăn gì ráo, suốt ngày chỉ lo ba cái chuyện ngâm vố. Có cháu nội rồi đó, thằng Trái Cây cần chiếc Honda để chạy xe ôm, ông nuôi tụi nó nổi không ? Năm triệu này tui lấy mua chiếc xe cho thằng Trái Cây”[16, 27].Và cuốn tiểu thuyết của ông Su Da đành phải gác lại, câu chuyện với tình huống vừa bi vừa hài, người đọc cười ra nước mắt.

Truyện Khách sạn cánh đồng Diều được Mạc Can viết về bi kịch hôn nhân trong tình huống: khi ông Kiêm Hùng trở thành một doanh nhân thành đạt thì Phượng vợ ông, sinh bé Hân nhưng oái ăm đứa bé lại không phải là con ông. Bé Hân là kết quả một đêm gởi thân dưới tầng hầm sân khấu ẩm thấp tỉnh lẻ, trong chuyến đi thực tập lưu diễn, Phượng đã có thai với người bạn trai có tài có tên Hân. Sinh xong một thời gian ngắn Phượng bỗng thấy mình nhớ nghề diễn. Phượng quay lại nhưng không thành công, Phượng lại qua sân khấu nhưng thất bại. Cho tới khi người ta phát hiện ra Phượng chết trong một căn phòng của một khách sạn nhỏ vùng ven thành phố. Ông Kiêm Hùng một mình gà trống nuôi con, con bú sữa bình. Ông không hề biết bé Hân có xuất xứ từ một đêm nào đó, dưới bóng tối của cái hầm sân khấu kịch nói không có khán giả. Và lúc này bà Ly đã xuất hiện trong đời ông Kiêm Hùng. Tình huống trong truyện tái hiện bi kịch của một gia đình vợ chồng tài hoa là những doanh nhân có tiếng nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều có những nỗi đau riêng. Cách viết của Mạc Can đem đến những dư vị mới cho người đọc trong cách nhìn về những mối quan hệ đời sống, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình khi

chung tay xây dựng tổ ấm. Chuyện có nhiều yếu tố hoang đường kỳ ảo nhưng không kém phần hiện thực, hấp dẫn.

2.2.3. Tình huống bi kịch tình yêu

Bên cạnh tình huống bi kịch gia đình thì tình huống bi kịch tình yêu cũng được Mạc Can tập trung khai thác. Dù rằng viết về tình yêu chưa phải là sở trường của Mạc Can. Song những sáng tác đã đi vào lòng độc giả chứng tỏ rằng Mạc Can không phải không thành công với đề tài tình yêu.

Những câu chuyện tình buồn, ngang trái, dở dang được Mạc Can viết một cách tự nhiên, bình dị mà cũng thật cảm động .

Mỗi bi kịch là một dáng vẻ, một bức lưu ảnh về cuộc đời, về những con người, những lứa đôi, những cuộc tình, có khi là lặng thầm suốt một đời không nói, có khi chưa kịp nhận lấy một ngày vui thì đã phải kết thúc bằng cái chết. Tình yêu muôn đời là vậy, tạo hóa khéo xoay vần, làm khổ những trái tim đa sầu đa cảm. Rõ ràng bi kịch tình yêu trong các truyện của Mạc Can có nhiều gam màu, cũng vì éo le nghịch cảnh nhưng không phải nghịch cảnh éo le nào cũng giống nhau. Có thể kể đến những truyện tiêu biểu cho tình huống này: Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa, Tấm ván phóng dao, Cõi tạm, Bản tường trình (số 1) từ Đảo xanh, Tờ 100 đô la âm phủ, Va…nhũng hạt cát vẫn tìm nhau…

Những truyện viết về bi kịch tình yêu của Mạc Can hầu như không cố công nhấn mạnh cái bi mà chỉ làm nổi bật lên bi kịch của mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa khát vọng được yêu nhau, gắn bó với nhau của những chàng trai, cô gái và thực tại ngang trái, nghịch cảnh chia cắt hai người. Mâu thuẫn ấy có nhiều khi là ở ngay chính trong con người họ, đó là mâu thuẫn giữa niềm khao khát có một tình yêu đẹp với sự mặc cảm, nỗi tự ti không dám dành lấy tình yêu về mình mà ngậm ngùi với tình yêu thầm lặng để rồi suốt đời hoài niệm tiếc nuối về một tình yêu không thành. Trong tình huống đổ vỡ tình yêu, người đọc lại thấy một sự mâu thuẫn khác đó là mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc, giữa bề ngoài và bên trong. Bên trong đau đớn, xót xa nhưng bên ngoài nhiều khi thờ ơ lạnh nhạt. Nhân vật cố gắng kiềm chế tình cảm và cũng có lúc họ lựa chọn cái chết để giữ gìn tình yêu, lòng tự trọng của bản thân mình cũng như tôn trọng những nguyên tắc sống của họ.

Một phần của tài liệu Chất trữ tình trong truyện Mạc Can (Trang 40 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w