Chương 3 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN MẠC CAN THỂ HIỆN
3.1. Giới thuyết về nhân vật
Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm văn học.
Con người ấy có thể có tên riêng hoặc có thể không, là những con người cụ thể hay chỉ là những ẩn dụ nhằm chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó của tác phẩm. Nhân vật là trung tâm của sự miêu tả nghệ thuật, chứa đựng linh hồn của tác phẩm nghệ thuật đó. Đó vừa là nơi gửi gắm thông điệp của nhà văn vừa là nơi tiếp nhận, giải mã những vấn đề hiện thực hoặc phi hiện thực cốt yếu được đặt ra trong tác phẩm.
Nhân vật văn học có chức năng cơ bản là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kỳ vọng về con người, là “phương tiện khái quát tính cách số phận con người và các quan niệm về chúng” [61, 29]. Nhân vật đồng thời còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người.
Nhân vật văn học thể hiện quan niệm của nhà văn về con người, cũng là phương tiện để nhà văn khái quát tính cách số phận con người nên giữa nhân vật và con người có mối quan hệ thống nhất với nhau. Tuy nhiên, nhân vật văn học bao giờ cũng mang tính ước lệ, không thể đồng nhất nhân vật văn học với con người có thật ngoài đời. Nhân vật là con người nhưng con người ấy được thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật, là một “con người trên giấy” [61, 109] . Hơn nữa :“Nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa với ý đồ nghệ thuật của nhà văn”( B.
Brech). Như vậy nhân vật văn học là đối tượng mà thông qua đó nhà văn chuyển tải được toàn bộ tư tưởng nghệ thuật của mình.
3.1.2. Vai trò của nhân vật
Đã có nhiều giáo trình lí luận văn học bàn về vai trò của nhân vật văn học song nhìn chung tất cả đều thống nhất quan niệm: Nhân vật có vai trò rất quan trọng, nhất là trong tác phẩm tự sự . Tác phẩm tự sự có thể khắc
họa được những nhân vật đầy đặn nhất, đa diện nhất khác hẳn nhân vật ở thể loại trữ tình và kịch. Vì vậy, nhân vật tự sự có thể được miêu tả từ những biểu hiện bên ngoài và cả những biểu hiện bên trong thông qua con đường trực giác. Khắc họa nhân vật, sự kiện, chi tiết của tác phẩm cũng hết sức phong phú và đa dạng, sự đa dạng ấy bao gồm, những chi tiết về chân dung, ngoại hình, tâm sinh lý… bao gồm cả những chi tiết về tư tưởng, liên tưởng. Có thể khẳng định không có một bộ môn nghệ thuật nào có phương thức biểu hiện tối ưu như thế.
Như vậy, nhân vật thực chất là “phương tiện tất yếu quan trọng nhất để thể hiện tư tưởng trong các tác phẩm kịch và tự sự, nó là phương diện có tính thứ nhất của tác phẩm ấy, quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu nữa”
[78, 18]. Cốt truyện có thể vay mượn, có thể không nhất thiết phải qua kinh nghiệm của bản thân tác giả, nhưng nhân vật trong tác phẩm phải là đứa con tinh thần, là sản phẩm của vốn sống trực tiếp của nhà văn. Một ý kiến khác cho rằng: “Truyện ngắn sống bằng nhân vật. Ở một góc độ nào đó, nhân vật sáng tạo nên cốt truyện, cốt truyện chính là sự phát triển của tính cách” [99, 127]. Thông qua nhân vật người ta còn nhận ra đặc trưng thể loại, “khi thuyết minh tư tưởng của các tác phẩm tự sự, kịch, điều quan trọng trước hết là phải hiểu chức năng của hệ thống nhân vật, nội dung và ý nghĩa của nó” [78, 215 – 216]. Tóm lại nhân vật văn học vừa là phương tiện, đối tượng để nhà văn gửi gắm ý đồ nghệ thuật của mình vừa định hình cốt truyện thông qua sự phát triển của tính cách nhân vật, nghĩa là nhâ vật góp phần quan trọng sáng tạo nên cốt truyện.
3.2. Các loại nhân vật thường gặp trong truyện Mạc Can
Có nhiều tiêu chí khác nhau có thể chia nhân vật thành nhiều kiểu loại khác nhau. Chẳng hạn dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ. Dựa vào đặc điểm tính cách, việc truyền đạt lý tưởng của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Dựa vào thể loại văn học ta có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch. Tuy nhiên, sự giao thoa giữa các thể loại sẽ tạo nên những thể “lai ghép”. Và như vậy những sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối.
Các nhân vật văn học cụ thể trong thực tế văn học hết sức đa dạng. Ở đây, chúng tôi không chủ định phân loại các nhân vật trong một tác phẩm dựa trên những đặc điểm của nhân vật đó, hay dựa vào vai trò của nhân vật trong cốt truyện, mà chỉ đưa ra một cách phân loại tương đối các kiểu loại nhân vật ứng với các loại truyện trữ tình phục vụ cho đối tượng nghiên cứu mà thôi.
Trong một tác phẩm truyện, nhân vật là một trong những yếu tố thể hiện tài năng, sở trường, vốn sống, kinh nghiệm sống, thế giới tâm hồn của nhà văn, đồng thời quyết định sự thành bại của nhà văn đó. Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết thì nhiệm vụ của nhà văn là phải đặt ra được, phải xây dựng được những nhân vật với những động cơ bên trong, những khát vọng cụ thể của nó: “Truyện ngắn có nhiều khả năng trong việc thể hiện quan niệm về con người… nắm bắt những nét bản chất của cuộc sống… chuyển tải những vấn đề của thời đại, con người một cách chính xác và nhạy bén.
Cũng chính điều này cho phép nhà văn thử nghiệm và triển khai những khía cạnh mới mẻ, linh hoạt trong quan niệm nghệ thuật về con người…
[61, 124]. Còn nhân vật trong tiểu thuyết thông thường nhà văn có điều kiện xây dựng “đứa con tinh thần” của mình một cách hoàn chỉnh, toàn diện hơn.. Nhân vật ở trong truyện được miêu tả, thể hiện qua các biến cố, xung đột, tình huống, ngôn từ, chi tiết, giọng điệu, kết cấu nằm trong cấu trúc tổng thể của toàn bộ tác phẩm.
Cũng như các nhân vật ở các thể loại khác, nhân vật truyện ngắn mang trong mình đặc thù của một loại hình nghệ thuật theo thời gian, nghĩa là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian và mang tính quá trình. Vì thế, càng ngày các nhân vật văn học càng trở nên phong phú, đa dạng. Sự tìm tòi, phát hiện thêm các hình thức mới cho thể loại được thể hiện trước hết vì sự tìm tòi đổi mới trong cách xây dựng nhân vật.
Ở các truyện trữ tình, nhân vật được tác giả xây dựng bằng hệ thống chất liệu là thế giới cảm xúc, cảm giác và phức hợp những cảm giác mà người ta gọi là tâm trạng. Diễn biến của truyện phát triển nương theo mạch cảm xúc tâm trạng đó của nhân vật. Vì vậy, ở những truyện đậm chất trữ tình các phương diện khác của nhân vật như ngoại hình, hành động nhà văn
ít đi sâu tái hiện mà chỉ tập trung tái hiện các cung bậc trạng thái cảm xúc, tâm trạng nhân vật.
Các truyện hiện đại và hậu hiện đại (xét cả truyện ngắn trữ tình và tiểu thuyết tâm lý) có khuynh hướng phá vỡ mô hình thể loại truyền thống, nhiều truyện ngắn giảm lược nhân vật một cách tối đa hoặc chỉ có cái bề ngoài đơn giản nhưng lôgic tâm lý nằm ở tầng dưới bên trong của mạch ngầm hoặc nhiều khi không có cốt truyện, không có sự kiện mà chỉ là những suy ngẫm, cảm xúc về một vấn đề nào đó. Nhân vật trong truyện theo đó cũng có những đổi mới cho phù hợp với lôgic vận động của thể loại. Cuộc sống vốn phong phú và đa dạng, sáng tạo nghệ thuật là quá trình tìm tòi không mệt mỏi để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống.
Văn xuôi Mạc Can thấm đẫm chất trữ tình với những tình huống tâm trạng, ở đó nhân vật rơi vào những đổ vỡ, éo le, những bất trắc, uẩn khúc, khổ đau chỉ có thể đối diện với lòng mình mà xót xa đau đớn. Từ những tình huống phần nhiều các truyện (truyện ngắn và truyện dài) của Mạc Can đều khắc họa thế giới nội tâm sâu thẳm với những giằng xé, suy tư, dày vò, mặc cảm, đau đớn, tủi hờn hết sức tinh tế và phức tạp của con người. Ngòi bút Mạc Can đã đi sâu khám phá vào cõi tinh thần sâu kín của con người với mọi cung bậc của cảm xúc và diễn tả nó một cách thấm thía và ám ảnh.
Người đọc qua các truyện của Mạc Can ấn tượng bởi sự tinh tế, sâu sắc của nhà văn khi đi sâu miêu tả những bi kịch, bất hạnh của con người. Nhà văn như trải lòng mình vào trang viết và hóa thân vào nhân vật “nhân vật có phần nhiều cuộc sống của tôi”. Với Mạc Can viết kịch là một niềm vui, viết văn là cách để cảm nhận cuộc sống. Ở cuối mỗi cuốn sách luôn có một cái gì đó đọng lại trong lòng người đọc. Đó là điều mà người viết tâm đắc, Mạc Can viết văn như để “trả nợ cho những người trong gánh hát gia đình, như để giải bày những ẩn uất, dằn vặt trong con người”. Tập truyện ngắn Tờ 100 đô là âm phủ (2004) với nhiều truyện ngắn tiêu biểu như: Những bức tường biết nói, Xe đêm, Khẩu thuật, Tờ 100 đô la âm phủ, Cõi tạm, Và… những hạt cát vẫn tìm nhau, Người nói tiếng bồ câu, hàng loạt các tác phẩm của ông miêu tả chuyện đời thường với những quan hệ đời thường.
Tên tuổi của Mạc Can được bạn đọc đặc biệt chú ý sau khi cuốn tiểu thuyết
“Tấm ván phóng dao” ra đời. Tác phẩm đạt giải thưởng từ cuộc thi tiểu
thuyết của Hội Nhà văn. Mạc Can thật sự bất ngờ trước thành công ấy và ông thú thật “ đã không cầm nổi giọt nước mắt hạnh phúc khi những cố gắng của mình bấy lâu đã được đền đáp”. Người đọc tìm thấy ở đó những trang viết khá chân thực và cảm động về một gia đình xiếc vào những năm 80 của thập kỷ trước, thấy được bức tranh phong tục văn hóa đa dạng của vùng quê Nam Bộ, nghiền ngẫm những triết lý cuộc đời mà nhà văn gửi gắm. Tác phẩm nói lên nỗi buồn trần thế và nỗi lòng nhân ái. Sau đó Mạc Can cho ra đời tập truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu (2006). Tập truyện ngồn ngộn hơi thở cuộc sống. Qua những câu chuyện kể Mạc Can mong người ta sống tử tế với nhau, ông tâm sự: “Tôi thích nhất Người đưa thư vui tính. Tôi viết bằng giọng của đứa con nít trong truyện, cũng là cháu nội tôi. Tôi chẳng lập ngôn gì hết, nhưng qua những câu chuyện mình kể, tôi mong người ta sống tử tế với nhau hơn”.
Dõi theo hành trình sáng tạo văn học của Mạc Can, ta nhận thấy đây là cây bút đầy nội lực, viết đa dạng ở nhiều thể loại, nhiều thể tài, nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều mối quan hệ mới và đời sống xã hội. Nhưng dù ở thể loại nào một điều dễ nhận thấy nhân vật đều có phần cuộc sống của Mạc Can: Những số phận hẩm hiu, những cuộc đời đau khổ, những người thất cơ, lỡ vận hoặc có phần đời không suôn sẻ. Trong đó, cuộc sống của những người dân thành thị nghèo là mảng sống, là vùng “thẩm mỹ” có sức vẫy gọi với ngòi bút nhà văn. Những cảnh sống đời thường với vô vàn những vấn đề mới phát sinh ngày càng trở nên thời sự trong dư luận xã hội… cả một phức hợp, những tạp âm đời thường va đập vào người sáng tác. Cuộc sống đời thường và tâm tư tình cảm của những kiếp người nghèo khổ trở thành mảng đề tài chính trong sáng tác của Mạc Can. Dù ở thể tài truyện ngắn hay tiểu thuyết Mạc Can đều đề cập đến những vấn đề đời thường của con người, từ sinh hoạt đến thế sự với cảm hứng đạo đức và sự thức tỉnh về nhân cách.
Trong số những đối tượng mà nhà văn quan tâm thì những con người nghèo khổ được Mạc Can dành cho tình cảm đặc biệt. Mỗi truyện như một mảng đời của nhà văn được “xắn ra” từ mảnh đất cuộc sống của những kiếp người nghèo khổ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những nụ cười hồn nhiên xúc động. Văn Mạc Can không tập trung vào những cái gì lớn lao
của xã hội, của cuộc đời mà ông nhìn cuộc sống thế nào thì viết thế ấy.
Truyện của Mạc Can có cái chân thật của đời sống và con người nghèo hèn, khổ đau. Có thể nói, nhà văn không chỉ gắn bó, thấu hiểu mà như cùng hóa thân vào nỗi đau nhân vật, để cất lên tiếng nói xót xa, thương cảm. Nhà văn luôn trăn trở làm sao thể hiện được nỗi lòng, tâm trạng của những con người ấy một cách đầy đặn nhất, sâu sắc nhất. Mạc Can đã có lần tâm sự:
“Tác phẩm đầu tiên là tôi viết về tôi, về cuộc đời của tôi, cũng như kể chuyện lại cho mọi người nghe. Sang đến những tác phẩm sau là viết về người ta khó hơn vì phải nghĩ”. Nhà văn trăn trở làm sao trong chính trang viết của mình diễn tả được cái đau, cái buồn, cái trớ trêu, tuyệt vọng của cảnh đời cơ cực, khốn khó, bần hàn. Mạc Can viết về họ, về những nỗi cay cực khốn khó của họ cứ như cứa vào tâm can người đọc.
Trong những truyện của Mạc Can, nhân vật với đa dạng ngành nghề.
Họ có thể là nghệ sỹ, là lái xe, là doanh nhân, là nhà văn, nhà báo, là phóng viên, thậm chí là nghề xe ôm, thợ may, bán bún, bán phở, giúp việc gia đình, là nông dân, công nhân, là người đưa thư, là giáo viên…thậm chí là những cô gái làm nghề “bán hoa”, bán ve chai, đồng nát, hớt tóc dạo….
nhưng tất cả họ đều được nhà văn khai thác ở khía cạnh nội tâm với nhiều tầng lớp cảm xúc và tâm trạng. Mạc Can thiên về tập trung khai thác những diễn biến tình cảm có éo le, những nỗi lòng trắc ẩn của nhân vật trong cuộc sống đời thường.
Trong những truyện đó, nhân vật hiện lên ở những xao động, tinh vi, tinh tế với những khát khao, rung động, ước mơ, hoài niệm… sâu thẳm bên trong tâm hồn. Tính cách nhân vật ít được nhà văn tập trung khai thác, cốt truyện mờ nhạt không rõ ràng, diễn biến câu chuyện thường là diễn biến nội tâm của nhân vật. Thực tế cho thấy càng đối mặt với cuộc sống thời hiện đại các tác giả đương đại càng có xu hướng sáng tác những truyện đậm đà màu sắc trữ tình. Vì thế, khi xây dựng nhân vật, chất liệu tình cảm, cảm xúc được sử dụng đậm đặc, cốt truyện với hệ thống sự kiện bị đẩy xuống hàng thứ hai. Truyện của Mạc Can tiêu biểu cho loại truyện như vậy.
Những chương trước của luận văn đã nói, tình huống trong truyện của Mạc Can thiên về tình huống trữ tình, nên nhân vật của ông cũng nghiêng về “kiểu con người tình cảm”. Tình huống trữ tình thường là tình huống bi
kịch, đau khổ nên nhân vật “con người tình cảm” của Mạc Can phải đối diện với lòng mình mà đau đớn, xót xa. Các cung bậc trạng thái cảm xúc trong tâm hồn con người là vô cùng tinh vi và phức tạp, chúng ta sẽ khó lòng phân định được một cách tách bạch rạch ròi các cung bậc, sắc thái ấy.
Song trên thực tế, qua quá trình khảo sát truyện của Mạc Can, chúng tôi nhận thấy tất cả những kiểu tình cảm, trạng thái cảm xúc của nhân vật đều có thể quy tụ về trạng thái chủ yếu đó là buồn đau. Buồn là trạng thái mà hầu hết các nhân vật của Mạc Can đều đã trải nghiệm. Nhân vật của ông đã từng trải qua, từng thấm thía những cơn buồn nhiều lúc mù mịt, vây bủa con người, khiến con người này không biết làm sao để thoát ra khỏi nó.
Trong các truyện của Mạc Can thân phận của con người nhiều khi thật mong manh, hèn mọn. Các nhân vật của ông luôn phải đối mặt với những bi kịch cuộc đời. Mà theo cách nói của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư:“Thay vì tách bạch từng loại cảm giác ta cứ cho nhân vật đau”. Nó bao gồm hết những cảm xúc đổ vỡ nát lòng, nó diễn tả mọi bi kịch của đời.
Trong quan niệm của nhà văn, cuộc đời luôn có những bi kịch mới, có khi ta vừa trải qua bi kịch này lại phải tiếp tục đối mặt với bi kịch khác.
Dường như Mạc Can tâm niệm “đời là bể khổ” theo giáo lý nhà Phật.
Ở đề tài này, chúng tôi khảo sát thế giới nhân vật của ông qua những đặc điểm nhân vật và cách thức xây dựng nhân vật để từ đó nhận diện một đặc điểm khá nổi bật trong truyện Mạc Can là truyện trữ tình. Nhân vật của Mạc Can là kiểu nhân vật nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc, cảm giác, thân phận trong nhiều tình huống éo le, bi kịch của cuộc đời. Theo đó chúng tôi phân loại nhân vật trong truyện của Mạc Can gồm các kiểu nhân vật như sau:
- Nhân vật với thân phận nghèo hèn và cuộc sống lưu lạc - Nhân vật buồn- đau với bi kịch gia đình
- Nhân vật buồn- đau với bi kịch tình yêu.
Tuy nhiên, mọi sự phân chia đều có ý nghĩa tương đối, và mỗi loại nhân vật đều có thể mang trong mình những phức hợp cảm xúc của loại nhân vật khác.
3.2.1. Nhân vật với thân phận nghèo hèn và cuộc sống lưu lạc
Xuất thân trong một gia đình nghèo, Mạc Can sớm bị đẩy ra môi trường xã hội lăn lộn với cuộc sống mưu sinh nên ông đã có điều kiện tiếp