Chương 3 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN MẠC CAN THỂ HIỆN
3.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và các thủ pháp ngoại hiện
Trước Mạc Can các nhà văn hiện thực đã cho rằng, muốn mô tả chân thật đời sống xã hội, muốn phản ánh trung thực những diễn biến của đời sống thì phải miêu tả tâm lí vì tâm lí bên trong của con người là động cơ sâu xa chi phối hành động bên ngoài. Muốn cắt nghĩa hành động của con người thì phải hiểu tâm lí, có nghĩa là tâm lí con người mới là địa hạt sâu xa nhất của hiện thực cuộc sống. Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc nhất
của thế kỉ trước từng được mệnh danh là bậc thầy tâm lí. Khi xây dựng thế giới nhân vật của mình, ông am hiểu sâu sắc các nét tâm lí, các dạng tâm lí, các quá trình tâm lí và sự kiện tâm lí. Ông chạm vào những ngõ ngách tâm lí của nhân vật, phân tích, mổ xẻ, phơi bày mọi biến thái tinh vi của tâm lí con người lên trang giấy, nhờ đó mà hình tượng nhân vật của Nam Cao hiện lên vô cùng sống động. Tuy nhiên nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vẫn là một nghệ thuật khó mà nếu nhà văn non tay viết thì khó lòng miêu tả tâm lí nhân vật được một cách sâu sắc.
Cuộc sống hôm nay bộn bề, phức tap, nhu cầu thẫm mĩ của bạn đọc không ngừng nâng cao đòi hỏi văn học vừa mở rộng phạm vi phản ánh, vừa đi sâu vào những số phận cuộc đời, những bi kịch nhân sinh. Văn học ngày càng có xu hướng tiến gần đến kiểu kết cấu cốt truyện, xây dựng nhân vật dựa theo dòng cảm giác, dòng ý thức. Các nhà văn chứng tỏ nỗ lực của mình trong việc đổi mới phương thức trần thuật và một trong những sáng tạo đó chính là thủ pháp trần thuật bằng tâm lí. Nhà văn linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật, có lúc đứng cao hơn nhân vật để miêu tả tâm lí nhân vật nhưng cũng có khi hoá thân vào trong từng nhân vật để nhân vật tự nói về mình. Khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật nhiều khi không còn nữa, người đọc khó phân biệt được đâu là lời nhân vật, đâu là lời trần thuật.
Truyện của Mạc Can với kiểu cốt truyện tâm lí nên mỗi truyện của ông như là một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Ở kiểu cốt truyện này, hệ thống sự kiện không phải là đối tượng quan tâm của nhà văn. Nếu xét trên phương diện cốt truyện là một hệ thống các sự kiện thì cốt truyện tâm lí có thể gọi là không có cốt truyện. Cốt truyện tâm lí là cốt truyện lấy diễn biến tâm lí nhân vật làm cơ sở cho sự phát triển của câu chuyện. Trong nghệ thuật tự sự Mạc Can không đi sâu vào các sự kiện của đời sống hàng ngày, mà quan tâm tới sự kiện trong tâm hồn nhân vật. Đó là những cung bậc cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở, niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, bất hạnh, cô đơn, hi vọng, tuyệt vọng, chán nản, niềm vui, nỗi buồn…những trạng thái, cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn con người. Nhân vật của Mạc Can là những con người tình cảm nên những trang truyện của ông tràn ngập những xúc cảm tâm lí. Khi xây dựng nhân vật, Mạc Can vừa cảm nhận tinh tế đời sống
nội tâm của nhân vật vừa tài tình trong việc diễn tả những cung bậc trạng thái tâm lí nhân vật bằng những cách thức, thủ pháp phù hợp. Vì thế, thế giới nhân vật của Mạc Can hiện lên đầy ám ảnh.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trước hết được thể hiên qua việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật. Khi trực tiếp đi sâu vào thế giới bên trong nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật nhà văn phải lựa chọn điểm nhìn trần thuật phù hợp. Ngoài những truyện được kể từ nhân vật xưng tôi, ngôi thứ nhất số ít thì hầu hết các truyện của Mạc Can, nhà văn đều lựa chọn điểm nhìn nhân vật bên trong. Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật lại mở rộng nhờ sự luân phiên thay đổi điểm nhìn: từ góc nhìn người kể chứng kiến, từ nhân vật này, đến nhân vật khác trong tình huống tâm trạng nên linh hoạt trong cách kể, giọng kể. Thế giới nhân vật được soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau vì thế hiện lên sống hơn, đa diện, đa chiều hơn.
Hàng loạt các truyện của Mạc Can được kể bởi nhân vật xưng tôi như:
Cõi tạm, Những bức tường biết nói, Tờ 100 đô la âm phủ, Tấm ván phóng dao, Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa, Khách sạn cánh đồng Diều…
Nhân vật tôi ở đó có thể là một người chứng kiến, cũng có thể là người trong cuộc trực tiếp tham gia vào diễn biến cốt truyện. Song dù là kể lại câu chuyện của chính mình hay với vai trò là người chứng kiến kể lại thì người kể đều rất thấu hiểu cuộc đời và những biến động nội tâm của chính mình và những nhân vật khác rồi tái hiện lại bằng lời kể của mình. Với sự lựa chọn này Mạc Can có điều kiện đi sâu vào thế giới tâm hồn con người, và diễn tả nó một cách sâu sắc, ám ảnh hơn.
Nhân vật tôi trong Tấm ván phóng dao chính là cậu Ba con trai thứ hai của ông bà Trần, người đã kể lại câu chuyện bi thương về chính gia đình mình, chính cuộc đời của những người anh em và chính thân phận mình.
Không có gì làm tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm/ Tôi sinh ra trên một dòng sông, mái nhà của gia đình tôi là mui một chiếc ghe nhỏ. Cha tôi một người hát rong, sống lưu linh, lưu địa…[11,12]. Suốt cả thiên truyện nhân vật tôi như trần tình lại toàn bộ mọi diễn biến tâm trạng với phức hợp những cảm xúc muôn hình nhiều vẻ. Đúng như cảm nhận của nhà văn Hồ Anh Thái khi giới thiệu tác phẩm: “ Mọi sự kiện, mọi biến động của đời sống bên ngoài vừa được tái hiện trực tiếp lập tức được đẩy ra xa, đưa qua
màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại trong đó những đường đồ thị run rẩy. Chuyện thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người được dịp trào ra, ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xoá mờ đi, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm tinh tế, nhiều vẻ. Nhiều trang văn đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người…”.
Nhân vật tôi trong Những bức tường biết nói lại là nhà văn Trần: “ Ngẫu nhiên làm sao mà tôi, một người viết tầm tầm, thích dấn thân tìm chút tư liệu về cuộc sống quanh tôi, tôi lại mượn được căn gác xép ở chung với những người không nhà, họ cứ sống đời du mục…” [12, 49], nhân vật tôi thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của họ: “ Tôi là kẻ không nhà ở nhà mướn chuyên nghiệp, nhờ vậy mà biết được rõ tâm sự của kẻ không nhà” [12, 51]. Mạc Can, thông qua cái nhìn của nhân vật tôi, chỉ rõ cái nghịch cảnh để từ đó người đọc thấu hiểu hơn thực trạng nghèo khổ của con người.
Cũng tương tự như vậy, nhân vật tôi trong Tờ 100 đô la âm phủ vừa là người chứng kiến vừa là nhân vật tham gia vào diễn biến câu chuyện, nên những tác động của các nhân vật khác cũng tạo nên xáo động trong tâm tư nhân vật tôi: “Tôi nhớ Hà vô cùng. Thân tôi cũng khó thể kiếm một nơi vợ đàng hoàng, biết làm ăn như Hà. Cố nhân gặp lại thì nhiều nhưng chỉ sống với nhau một thời gian, cũng không tin nhau nổi, đành chia tay”
[12,133]. Có khi nhân vật tôi bộc lộ nỗi niềm: “ Nếu là tôi, tôi sẽ không nói với Hà điều tàn nhẫn đó. Xá gì một giấc chiêm bao!” Và “Một năm sau tình cờ gặp lại nhau, nghe Hà kể chuyện đám cưới trong mơ và tờ tiền một trăm đô la âm phủ, tôi đã nói với Hà câu đó. Hà nhoẻn cười, hai đứa tôi lặng yên và nhìn sâu vào mắt nhau, nơi đã từng chứng kiến bao khổ nhục cuộc đời” [12, 134]. Đoạn văn với giọng điệu ngậm ngùi chất chứa bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm trĩu nặng bên trong.
Nhân vật tôi trong Người đàn bà ngồi nhìn qua khung cửa chính là nhân vật Cầm, một cô giáo dạy ở vùng quê heo hút. Suốt một đời lặng lẽ u buồn, người bạn duy nhất chỉ là những tờ báo và trong một lần đọc tờ báo Xuân, cô thấy có một nhà báo đã viết về cô và cái huyện heo hút của cô. Cô mong muốn được gặp nhà báo đó và cô mong muốn một cái gì không rõ, cô
đã khóc: “ Một bà già ngồi chờ bao nhiêu năm trên song cửa, chạm nước mắt viễn mơ. Một bóng người trở về. Lại không đủ chính xác và tình lý, là người đàn ông của mình” [13, 157]. Câu chuyện là tiếng nói thân phận con người, tiếng nói của sự khát khao hạnh phúc, đặc biệt là ở người phụ nữ.
Còn nhân vật tôi trong Khách sạn cánh đồng Diều lại là người chứng kiến và kể lại mọi việc khi đi dự lễ khai trương toà khách sạn sang trọng, đẹp đẽ toạ lạc trên cánh đồng Diều của ông Kiêm Hùng. Ông Kiêm Hùng là người chủ khách sạn và đồng thời cũng là bạn thủa hàn vi với nhân vật tôi. Ông yêu và lấy Phượng người bạn cùng học với ông mà không biết Phượng đã mang hình hài đứa con của người khác. Phượng chết để lại cho ông đứa con gái tên Hân. Sau đó ông Hùng lấy bà Ly nhưng do mãi mê làm giàu nên bà Ly đã ngoại tình với tên tài xế của ông. Buổi lễ khai trương khách sạn có nhiều khách khứa ra vào trong số đó có đám bạn của Hân, con gái ông, và cả những tên trộm trà trộn vào. Buổi lễ kết thúc, bọn trộm khoắng hết đồ trong nhà, còn bà vợ thì bỏ đi, chỉ còn lại ông với toà nhà trống rỗng. “ Ngồi trong một cái kho tăm tối trên chiếc ghế bành bằng nhung nay đã sờn rách, ông gặp lại những người bạn cũ, những đồ vật của ông thời còn nghèo, nghe chúng trò chuyện với nhau những câu triết lí: Chỉ có khi đời tàn như vậy mới biết còn có cái tình”[13, 136]. Cuối cùng ông trở thành một kẻ trắng tay, và nhảy lầu tự tử. Với nghệ thuật miêu tả tâm lý,
“Mạc Can đem đến cho người đọc một thứ văn học vừa lộng lẫy, vừa bi thương, vừa trần thế, vừa ảo mộng. Dường như không thể phân biệt được đâu là ông, đâu là nhân vật. Những gì ông viết ra, ông đã để cuộc đời ông, những sự đời ông gặp, lấn sâu vào nhân vật của mình” [29].
Với những truyện được kể ở ngôi thứ ba, Mạc Can cũng lựa chọn điểm nhìn từ bên trong nhân vật. Qua đó nhân vật có điều kiện bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nhà văn hoá thân vào bên trong nhân vật, để nhân vật tự nói lên nỗi niềm của mình. Điểm nhìn được luân phiên thay đổi từ nhân vật này sang nhân vật khác, từ người kể sang nhân vật. Tâm trạng nhân vật được hiện lên rất tự nhiên không cần dẫn dắt, không cần phân tích.
Những truyện tiêu biểu cho cách miêu tả tâm lí nhân vật theo hướng này:
Điện thoại khẩn cấp, Người đưa thư vui tính, Xe đêm, Con cua màu rêu, Ai
đi tìm tượng thần Mỹ Nữ, Người nói tiếng bồ câu, Và…những hạt cát vẫn tìm nhau, Bản tường trình số 1 từ đảo xanh.
Truyện Điện thoại khẩn cấp kể về một người phụ nữ có chồng theo gái, trong lúc đau đớn tuyệt vọng đã tìm đến ông Hề mong được chia sẻ và giúp đỡ. Câu chuyện là sự đan cài cảm xúc của từng nhân vật: ông Hề, bà Hề, người phụ nữ có chồng ngoại tình…Tâm trạng của từng nhân vật được dịp tuôn trào một cách tự nhiên, đó là nỗi đau khổ muốn tự tử của người vợ có chồng ngoại tình: “Hu hu hu bởi vậy con mới khổ, ông ơi chắc con chết liền tại đây quá đi, con giết con con, con giết chồng con, con tự tử…” [12, 10]. Và đây là tâm trạng ông Hề: “Người đàn bà lại khóc, tiếng khóc nức nở của người đàn bà bên kia máy điện thoại làm cho ông Hề già cũng muốn khóc theo. Nhiều khi đọc một chuyện gì, coi một phim gì cảm động quá ông cũng lén lau nước mắt, làm bộ như sổ mũi, không khéo bà Hề cười ông” [12, 12].
Cùng với việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật, Mạc Can còn miêu tả nội tâm nhân vật thông qua độc thoại nội tâm như một phương tiện hữu hiệu để phân tích tâm lí nhân vật. “Độc thoại nội tâm là phát ngôn của nhân vật nói với bản thân mình, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lí bên trong, kiểu độc thoại thầm mô phỏng hoạt động, suy nghĩ- xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [4, 127]. Nhân vật trong tác phẩm của Mạc Can thường có những nỗi đau lặng lẽ, lặn sâu vào bên trong nên hầu như bề ngoài nhân vật không biểu lộ tình cảm của mình bằng đối thoại với các nhân vật khác. Những nỗi đau âm thầm lặng lẽ từ sâu thẳm bên trong nên rất nhiều chỗ độc thoại nội tâm có dịp phát huy hết vai trò tích cực của nó. Nhân vật luôn tự mình nói với mình, tự dằn vật, băn khoăn, đau đớn. Vì vậy sử dụng lời độc thoại nội tâm, nhà văn có điều kiện khắc hoạ sâu sắc nỗi đau nhân vật, số phận, đồng thời qua đó làm nổi bật tính cách, vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật. Đây là ý nghĩ của cậu Ba trong Tấm ván phóng dao: “Lúc nào cũng vậy, khi tôi nhắm mắt, ban đầu thường có những đốm sáng lập loè, đó là ánh lửa trong chiếc đèn bão, thời thơ ấu của tôi, rồi là chữ, chỉ có chữ, tôi khát chữ tới độ điên cuồng, ở kiếp nào đó, ở một thế giới nào đó…tôi là một nhà thông thái. Tôi biết quá nhiều điều, nhưng rồi tôi đã là sai một điều gì đó, khiến cho tôi bị xoá đi, cả tôi và cả những điều
tôi học, giờ đây tôi biến thành kẻ lưu đày, u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói…” Đó là lối miêu tả nội tâm làm cho trang văn đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người, nhưng trong nỗi buồn thấm thía còn có cả sự cảm thông, rộng lượng: “Dù cho mọi người không thể chọn trước cho mình một cảnh cửa để chào đời, một gia đình hoặc một xứ sở song khi đã đứng bên một dòng sông nào, uống ngụm nước ngọt của dòng sông đó, yên bình trên miền đất hiền hoà nuôi mình lớn lên như tôi hay những lữ khách khắp bốn phương trời, thì đất dưới chân mình chính là quê hương của mình, nên cúi xuống tạ ơn đất nước đó. Tôi yêu mến những vùng đất, dòng sông, nơi tôi đi qua và hay lặng lẽ ngắm nhìn với nhiều xúc động mãnh liệt”.
Cũng trong thiên truyện ấy, nhà văn để cho bà Trần tự xem bói cho mình, bà nói với bà: “ Bà sinh ra đã quá nghèo rồi, còn gặp ông chồng giang hồ lãng tử cũng nghèo rớt mồng tơi. Phải trên sáu mươi tuổi gia đình bà cơ may mới có nhà có cửa như người ta, mới cất đầu lên nổi nghe chưa”[11, 34]. Tác giả để cho nhân vật có những ao ước trong tưởng tượng về một cuộc sống khác cho cả gia đình, thật đáng thương. Đó là hiệu quả tối ưu mà nghệ thuật độc thoại nội tâm mang lại.
Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật đã giúp nhà văn khắc hoạ được rõ nét thế giới nội cảm của con người, với những mất mát, khổ đau, ước mơ, hy vọng… của nhân vật. Nhờ thủ pháp này mà Mạc Can không miêu tả nhiều về nội tâm nhân vật mà cả thế giới tâm hồn nhân vật vẫn được phơi bày trên trang giấy, tạo độ sâu lắng cho những trang viết, đồng thời giúp nhà văn bộc lộ sự đồng cảm của mình đối với nhân vật một cách tính tế, thấm thía.
3.3.2. Các thủ pháp ngoại hiện
Với sự chi phối của cảm hứng trữ tình, kiểu cốt truyện trong các truyện của Mạc Can là cốt truyện tâm lí, nên nhân vật trong các truyện của Mạc Can chủ yếu là kiểu con người tình cảm. Truyện của Mạc Can không đem đến cho người đọc bức chân dung đầy đủ về ngoại hình nhân vật mà tô đậm ấn tượng về chuỗi cảm xúc, suy tư, tình cảm của nhân vật trong suốt diễn biến của câu chuyện. Nhà văn khi miêu tả dáng vẻ bề ngoài của nhân vật chỉ chú trọng một vài chi tiết với mục đích nhằm khắc hoạ sâu hơn thế