Chương 2 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN MẠC CAN
2.3. Ý nghĩa của tình huống trong truyện của Mạc Can
Ở trên chúng ta đã phân loại tình huống trong truyện của Mạc Can thành ba dạng, tình huống lưu lạc, tình huống bi kịch gia đình, tình huống bi kịch tình yêu. Cả ba dạng tình huống này đều thiên về tình huống trữ tình đó là tình huống tâm trạng. Chính tình huống này đã giúp Mạc Can lựa chọn được điểm nhìn trần thuật hợp lý, từ đó triển khai hấp dẫn cốt truyện, tạo nên nhiều hiệu quả thẩm mĩ bất ngờ. Hơn nữa, vì là tình huống tâm
trạng nên tác giả đã lựa chọn điểm nhìn là của người kể, xuất phát từ ký ức, hoài niệm. Ở đó, nhà văn miêu tả tâm trạng nhân vật, phân tích tâm lý để đi đến hành vi, hành động của nhân vật, dựa vào ký ức ghi nhớ những cảm xúc, suy tư. Nhìn vào hệ thống truyện của Mạc Can, người đọc dễ dàng nhận thấy: mạch liên kết của truyện không phải là hệ thống sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian, mà chính chuỗi tâm tư hoặc các sự kiện tâm lý được tổ chức theo một quy tắc vô hình nào đó. Quy tắc đó tạo ra định hướng phát triển cho mạch truyện, thúc đẩy sự phát triển của truyện. Nói khác đi, trong truyện của mình, Mạc Can đã chuyển thế giới nội tâm của con người vận động theo thời gian. Những sự kiện tâm lý, hồi ức về nhân vật, về sự suy nghĩ, đánh giá khác nhau giữa nhân vật này với nhân vật khác, cách lý giải từng chi tiết… Tất cả đều được kể lại trong dòng suy tư của nhân vật này đến nhân vật khác. Trong truyện vì thế không có hoặc rất ít những sự kiện hành động trực tiếp, mà những sự kiện tâm lý vận động theo thời gian, ký ức.
Như vậy, tìm hiểu ý nghĩa của tình huống trữ tình trong truyện Mạc Can, chúng tôi thấy rằng tình huống trữ tình đã quy định kiểu kết cấu của truyện, đó là kết cấu theo dòng cảm xúc của nhân vật. Theo đó, diễn biến mạch truyện cũng chính là mạch tâm tư, tình cảm của nhân vật. Và tình huống trữ tình chi phối cách thức trần thuật trong truyện của tác giả; từ việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật, triển khai diễn biến mạch truyện, kết thúc truyện. Nghệ thuật trần thuật thiên về phân tích, mổ xẻ, miêu tả thế giới nội tâm tinh tế của con người khiến cho truyện của Mạc Can nhiều khi rất khó tóm tắt cốt truyện, Người đọc phải đọc nhiều lần mới nhận ra được những vỉa tầng sâu xa nhấtửtong tâm hồn con người, khai thác tinh tế thế giới nội tâm, nội cảm nhân vật và màu sắc trữ tình đậm đà trong truyện của tác giả.
Ở một số truyện các tình tiết sắp xếp có vẻ hết sức ngẫu nhiên bởi vì nó là dòng ý thức, mà đã là ý thức, tư tưởng hồi ức lại thuộc về thế giới sâu thẳm bên trong con người. Thế giới đó còn đầy những bí ẩn mà con người không dễ gì lý giải. Vì vậy, khi diễn biến mạch truyện là diễn biến tâm lý nhân vật thì tính thời sự của truyện cũng ít được chú ý, chất trữ tình của truyện đậm đà hơn.
Trong tình huống trữ tình, nhà văn luôn có những cách bắt đầu và kết thúc truyện riêng. Bi kịch tâm trạng bao giờ cũng chính là một lát cắt tâm trạng của nhân vật trên dòng đời được nhà văn kéo giãn ra. Từ lát cắt tâm trạng ấy, người đọc có thể hình dung ra được số phận của nhân vật. Qua đó, người đọc có dịp xâm nhập vào những trải nghiệm, những lý giải, uẩn khúc của thế giới bên trong nhân vật, từ đó hiểu được giá trị nhân văn của tác phẩm.
Tình huống truyện bao giờ cũng đóng vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại. Nó là nhân tố tổ chức thiên truyện, bao trùm, chi phối các thành tố khác của văn bản truyện. Tình huống là một sự kiện bất thường của cuộc sống được nhà văn tái hiện trong tác phẩm. Ở đó, tính cách, tâm hồn nhân vật được bộc lộ đầy đủ và tư tưởng chủ đề của tác phẩm cũng hiện lên một cách rõ nét. Có thể khẳng định, qua những tình huống lưu lạc, tình huống bi kich tình yêu và gia đình trong các truyện của Mạc Can ta nhận thấy cái nhìn đầy yêu thương, trân trọng của tác giả đối với những con người, những thân phận nhỏ bé chịu nhiều bất hạnh trên đường đời. Đó là biểu hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc trong sáng tác của Mạc Can. Ở đây, tình cảm, lương tri, thái độ trân trọng đối với giá trị tinh thần của con người đã soi sáng vào trong từng cảnh ngộ, trong những trang văn làm dấy lên ở người đọc một mối liên tưởng đồng cảm sâu sắc. Tình thương, lòng nhân đạo đã cảm hóa, thức tỉnh lương tri vốn luôn ẩn chứa trong chiều sâu nội tâm của con người. Mạc Can viết về cuộc đời của họ như viết lên chính cuộc sống của bản thân mình. “Tấm ván phóng dao đã chất chứa cả một ấu thơ cơ cực và đẫm nước mắt, nó thể hiện được đời sống, tính cách nhân vật phản ánh cả một thời kỳ Nam Bộ những thập niên trước. Nó thuyết phục người đọc khi nói lên thân phận con người trong gánh hát gia đình lặn lội kiếm sống vậy mà số phận nghèo hèn vẫn không buông tha họ. Câu chuyện là một chuỗi dài những bi kịch”[33]
Qua những tình huống éo le và nghịch cảnh của nhân vật, người đọc thấu hiểu được niềm cảm thông, sự xót xa của nhà văn đối với những nỗi bất hạnh của con người. Ngòi bút của Mạc Can đi sâu vào từng mảnh đời, từng số phận, miêu tả những nỗi khổ, nỗi bất hạnh, những bi kịch mà con người chịu đựng để từ đó khám phá ra vẻ đẹp trong tâm hồn họ. Con người
không chỉ được nhìn nhận trong mối quan hệ với hoàn cảnh mà còn được nhìn nhận như là một cấu trúc nội tại tinh vi, đa diện với nhiều nét tính cách phức tạp.
Viết về nhân vật trong những hoàn cảnh éo le tăm tối ấy, Mạc Can không thể hiện cái nhìn bi quan về số phận con người. Đọc văn Mạc Can ta thấy cách nhìn của ông về con người, về cuộc đời vừa thấu đáo, vừa độ lượng. Phát hiện sâu xa nhất trong nét đẹp lương tri con người, tác phẩm của Mạc Can đóng vai trò tích cực trong việc làm cho con người trở nên đẹp hơn. Nhân vật của Mạc Can dù rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nào vẫn luôn cố gắng sống tốt, sống vị tha và giàu đức hy sinh. Đó là người diễn viên trẻ trong Cõi tạm, là ông già trong Xe đêm, là Hạnh, Duyên, Sinh, Hà nhà báo Trần trong Những bức tường biết nói, là Cần, Tòng trong Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa “tất cả được Mạc Can viết lên bằng cả tấm lòng yêu thương”.
Rõ ràng những tình huống mà Mạc Can xây dựng trong tác phẩm là những nỗi đau có thể bắt gặp đâu đó xung quanh cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy, nó giống như những trang đời mà nhà văn trải lòng mình trên trang viết, chắt ra những giọt nước mắt đau khổ từ cuộc sống nên tạo được sự đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc. Tạo dựng được những tình huống trữ tình như vậy, thực sự nhà văn đã chuyển tải được những thông điệp sâu sắc về tình đời, tình người, giúp cho con người gần người hơn.
Chương 3