Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU QUY LUẬT SINH TRƯỞNG CỦA RỪNG THÔNG BA LÁ (Pinus kesiya Royle ex Gordon) TẠI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHI LIÊNG HUYỆN ĐAM RÔNG, TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 26 - 31)

Chương 3. ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

3.2. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu cụ thể ở khóa luận này là những lâm phần Thông ba lá trồng ở các năm: 1986, 1991, 1996 và 2001 thuộc Ban QLR Phi Liêng- Đam Rông – Lâm Đồng.

3.2.2. Đặc điểm phân bố thông ba lá

Tên gọi chính: Thông ba lá; tên địa phương: Ngo trắng;

Tên khoa học là: Pinus kesiya Royle ex Gordon;

Thuộc họ thực vật: Pinacea.

Thông ba lá phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Ấn Độ,

… Ở Việt Nam, thông ba lá phân bố tự nhiên ở các tỉnh: Lâm Đồng, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh,… Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng Thông ba lá tự nhiên lớn nhất nước, phân bố ở độ cao từ 900 – 1.500 m. Ở miền Bắc, thông ba lá phân bố ở độ cao từ: 800 – 1.200 m, cây thường mọc thuần loài hay hỗn giao với các loài cây lá rộng nhưng không đáng kể.

3.2.3. Hình thái và đặc điểm sinh trưởng

Là loài cây gỗ lớn có thể cao 30 - 35 m; đường kính có thể đạt tới 70 - 80 cm, thậm chí có cây đạt trên 90 cm. Thân tròn thẳng, vỏ dầy mầu nâu sẫm, nứt dọc sâu, bong mảng, có khả năng chịu lửa tốt, cành thô màu đỏ nâu. Gỗ mềm, nhẹ, màu vàng đến vàng da cam; tỷ trọng d = 0,65 – 0,7; lá màu xanh thẫm, mềm, thường có 3 lá dạng kim mọc cụm trong một bẹ lá trên chồi ngắn (1,2 cm) tập trung thành từng cụm đầu cành; lá dài từ 10 – 25 cm, quả hình nón trứng, viên chùy dài 5 – 9 cm thường quặp xuống, đôi khi có quả hơi vẹo đầu; vảy quả dài và có rốn rất rõ, có khi có gai nhọn.

Hạt có cánh dài 1,5 – 2,5 cm; 1kg hạt có từ 35.000 – 45.000 hạt. Thông ra hoa vào

tháng 3 – 4, quả chín vào tháng 11 đến tháng 12, quả chùy không rụng như thông hai lá. Thông trồng từ 6 – 7 tuổi có thể ra hoa nhưng số lượng khoảng 10% - 20%, chất lượng hạt kém.

3.2.4. Đặc tính sinh thái

Thông ba lá thích hợp trong vùng khí hậu nhiệt đới, phân bố ở độ cao từ 800 – 1900 m so với mặt nước biển và lượng mưa hàng năm trung bình > 1500 mm/ năm. Là loài cây ưa sáng, nhưng lúc nhỏ cần che bóng ít; có khả năng chịu được lạnh và có khả năng sinh trưởng tốt ở các loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau; mọc nhanh như loài cây tiên phong nhưng sau đó bền vững, ổn định về cấu trúc; kiểu rừng thưa.

Cây thông sinh trưởng tốt trên đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến cát pha, thoát nước, độ pH = 4,5 – 5,5; độ dày tầng đất > 50 cm; độ dốc < 300 nhưng cũng sinh trưởng được trên đất nghèo xấu, khô hạn, nhiều đá lẫn. Thông không thích hợp trên đất bí chặt, úng nước, đất kiềm mặn, đất có đá vôi.

Nhiệt độ bình quân hàng năm từ 180 – 200C, có khả năng chịu hạn khá cao (độ ẩm cây héo tạm thời 15 – 18 %, héo vĩnh viễn có độ ẩm 5,6%; tính chịu nóng kém hơn các loài thông khác: ở mức 500C tế bào lá đã bị tổn thương từ 50 – 70 %; độ mất nước cây héo thấp từ 5 – 9%), chứng tỏ là loài cây sử dụng nước khá tiết kiệm và có thể sống được trong điều kiện khô hạn.

Có khả năng tái sinh hạt mạnh ở nơi đất bị thoái hóa và xói mòn sau nương rẫy, không tái sinh chồi, chịu đựng được sương muối. Tuy nhiên, cũng thường hay bị bệnh lở cổ rễ ở giai đoạn vườn ươm và rơm lá, trắng lá khi cây lớn.

Thông ba lá có nấm rễ giúp cho cây hấp thụ được nước và một số chất khoáng ở dạng thông khó hấp thu được, nhưng nấm cộng sinh chỉ phát triển trong điều kiện đất có độ pH chua và tơi xốp.

3.2.5. Đặc điểm lâm sinh học của thông ba lá

Thông ba lá tỉa cành tự nhiên cao, thân thẳng, quả cho nhiều hạt, tạo điều kiện thuận lợi cho tái sinh tự nhiên. Thông ba lá là loài cây dễ gieo ươm và gây trồng ở điều kiện sinh thái phù hợp.

Theo phân loại trong “ Thảm thực vật rừng Việt Nam” của Thái Văn Trừng (1987), rừng thông ba lá là rừng thứ sinh, cây ưa sáng như một loài cây tiên phong ổn định. Nếu giữ gìn tốt, không bị chặt phá và lửa cháy thì rừng thông ba lá có xu hướng

trở lại trạng thái rừng lá rộng nguyên sinh. Nếu bị chặt phá và lửa rừng cháy thường xuyên thì thành rừng thưa và suy thoái thành trảng cây bụi hoặc trảng cỏ.

Lửa là nhân tố sinh thái để hình thành rừng thông nhưng cũng là nhân tố dẫn dến sự suy thoái, hủy diệt rừng thông.

Rừng thông ba lá là rừng thuần loài hay hỗn giao theo tầng và thường chiếm tầng cây gỗ ưu thế, còn cây lá rộng chiếm tầng phụ.

2.3.6. Công dụng và ý nghĩa kinh tế

Là loài cây gỗ lớn, sản phẩm chính là gỗ, nhựa, chất đốt. Gỗ phục vụ cho xây dựng, làm trụ mỏ, làm cột điện tạm thời, làm hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu giấy sợi nhân tạo, gia dụng, … Nhựa thông dùng để chưng cất tinh dầu, làm sơn, vecni, dược liệu, văn phòng phẩm, … Gỗ và nhựa cung cấp cho hơn 50 ngành công nghiệp khác nhau.

Cây chịu được đất đai cằn cỗi, khả năng phân hóa cải tạo lớp đất mặt nên được chọn như loài cây tiên phong trên đồi núi trọc. Rừng thông có giá trị lớn về mặt phòng hộ, bảo vệ môi trường và làm tăng vẻ đẹp cảnh quan của Thành Phố.

2.3.7. Kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc cây Thông ba lá

* Nội dung công việc và thời vụ tương ứng:

- Từ tháng 11 đến tháng 12: chuẩn bị đất, hạt giống;

- Từ tháng 01 đến tháng 02: gieo ươm;

- Từ tháng 03 đến tháng 05: chuẩn bị hiện trường trồng rừng;

- Từ tháng 06 đến tháng 08: thực hiện trồng rừng;

- Từ tháng 09 đến tháng 10: Chăm sóc rừng mới trồng.

* Phương pháp trồng rừng bằng cây con tạo sẵn trong túi bầu:

STT Loài cây trồng

Mật độ (cây/ha)

Xử lý thực

Hàng cách hàng (m)

Cây cách

cây (m)

Cuốc băng

(m)

Băng chừa (m)

Cuốc hố (cm)

1 Thông ba lá

3300 Toàn diện

3 1 1 2 30x30x30

2 Thông ba lá

3300 Toàn diện

2 1,5 1 1 30x30x30

* Thu hoạch trái, chế biến hạt:

Thông ba lá ra hoa vào tháng 3 – 4 hàng năm, sau 22 – 23 tháng quả chín (quả chín vẫn còn bám ở cành trong nhiều năm không rụng), thu hoạch vào tháng 11 – 12.

Khi quan sát, quả chùy màu xanh chuyển sang màu cánh dán, mắt mở ra là có thể thu hoạch được. Chỉ được hái quả trên cây gần thành thục và thành thục ( 30 tuổi trở lên), cây thẳng, khỏe mạnh, tán đều, không sâu bệnh, không bị tổn thương.

Sau khi hái quả bỏ vào bao tải đem về ủ từ 3 – 5 ngày, không ủ quá dày, nếu dày phải đảo quả, lót bao. Khi quả chùy chuyển màu nâu đem ra phơi trên sân gạch, xi măng, nong, nia, … Sau một ngày, dùng cào để cào quả chùy thu lượm hạt làm sạch, phơi nhẹ 1 – 2 lần rồi cất trữ, không nên phơi hạt trên nền xi măng hoặc nắng gắt vì hạt có dầu. Cất trữ hạt trong bình, lọ, vại,…được làm bằng sành sứ; để nơi thoáng mát hoặc cất trữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 00 – 050C.

* Tỷ lệ chế biến:

- 65 kg quả được 1 kg hạt;

- 1 kg quả = 60.000 – 65.000 hạt;

- Độ thuần > 90 %;

- Tỷ lệ nảy mầm > 80 %;

- Hạt càng để lâu tỷ lệ nảy mầm càng giảm.

3.2.7.1. Kỹ thuật gieo ươm tạo cây con

Tạo cây con bằng hạt trong túi bầu, có thể chọn vườn ươm cố định hay vườn ươm di động tùy theo điều kiện thực tế tại đơn vị. Phải chuẩn bị đất vườn ươm từ tháng 11 – 12 năm trước, tiến hành cuốc lật, đập nhỏ và đem sàng đất. Trộn 20 % đất mùn thông, 3 – 5 % lân, 5 % phân chuồng trộn đều sau đó cho vào túi bầu PE (07 x 14cm), tháng 1 – 2 cấy cây hay gieo hạt nứt nanh vào túi bầu; chăm sóc và huấn luyện cây con trước khi mang ra ngoài thực địa trồng.

Tiêu chuẩn cây con xuất vườn dựa trên những chỉ số kỹ thuật sau:

- Tuổi cây: từ 6 – 8 tháng tuổi.

- Chiều cao cây con: từ 15 – 20 cm.

- Đường kính cổ rễ: 1,5 – 2 cm.

3.2.7.2. Xử lý thực bì, làm đất trồng rừng

Xử lý thực bì toàn diện trên diện tích đất thiết kế trồng rừng và đốt, dọn sạch thảm thực bì. Cuốc theo băng: cuốc 1 m chừa 1 m hoặc cuốc 1 m chừa 2 m tùy theo quy cách trồng, kích thước hố 30 x 30 x 30 cm. Thời vụ trồng từ tháng 6 – 8. Chăm sóc từ tháng 9 – 10.

- Chăm sóc năm 1, năm 2: xử lý thực bì toàn diện, dẫy cỏ, vun xới xung quanh gốc cây (đường kính 1 m).

- Chăm sóc năm 3, năm 4: phát cỏ thực bì toàn diện, tỉa cành thấp. Bên cạnh đó, theo dõi sâu bệnh để xử lý kịp thời và thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Chương 4

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU QUY LUẬT SINH TRƯỞNG CỦA RỪNG THÔNG BA LÁ (Pinus kesiya Royle ex Gordon) TẠI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHI LIÊNG HUYỆN ĐAM RÔNG, TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)