CHƯƠNG 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Thực trạng ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn Quận 8
Quận 8 có một hệ thống kênh rạch đa dạng và dày đặc, gồm 29 tuyến kênh rạch, với tổng chiều dài 105,9Km, dùng cho mục đích tiêu thoát nước và giao thông thủy.
Trong đó các tuyến kênh chính như kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm, rạch Nước Lên, rạch Bà Tàng, rạch Ruột Ngựa, sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm, đặc biệt là tuyến kênh Đôi chảy xuyên suốt từ Đông sang Tây tạo một ưu thế lớn về giao thông thủy cho Quận 8 từ hướng các tỉnh miền Tây với sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do địa bàn của quận nằm trong vùng có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều, khả năng kè và bê tông hóa hệ thống rạch còn hạn chế nên thường bị bồi lắng ở các con kênh, rạch gây cản trở phần nào tốc độ dòng chảy, nhất là ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước trong mùa mưa gây nên tình trạng úng lụt ở một số khu vực.
Do đặc thù địa hình thuận lợi nên dẫn đến việc Quận 8 là đơn vị có số nhà sống trên và ven kênh rạch tương đối cao nhất thành phố với 10.615 căn nhà, đa số là nhà cấp 3, cấp 4 kết cấu tạm bợ, chắp vá, dân cư chủ yếu là lao động nghèo.
Qua điều tra thực tế từ các HGĐVKR trên địa bàn Quận 8, hầu hết các hộ gia đình đều có trình độ học vấn thấp 63/80 các chủ hộ có trình độ chưa hết Trung học phổ thông, họ chủ yếu là những người nhập cư, sống chủ yếu bằng lao động làm thuê, buôn bán, chạy xe ôm,… thu nhập các hộ gia đình không cao, thu nhập bình quân trên đầu người là 580.000/người/tháng.
Hình 4.1. Biểu Đồ Tỷ Lệ Học Vấn Những Người Được Phỏng Vấn Trong Khu Vực
Biểu đồ dân trí
15%
33%
31%
21%
Cấp 1 Cấp 2 Cấp 3 Trên THPT
Nguồn tin: Kết quả điều tra
Nhìn chung dân cư sinh sống ven kênh rạch chủ yếu là những người nhập cư, và nhiều nhất là những hộ từ miền Tây lên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải rời quê lên thành phố làm ăn kiếm sống, việc ổn định chỗ ăn chỗ ngủ là nhu cầu cần thiết đối với họ, việc cất nhà tạm bợ ven kênh rạch không tốn chi phí bao nhiêu mà lại có chỗ ăn ngủ, không phải thuê nhà nên đó là phương án tốt nhất đối với họ. Đó cũng là lý do giải thích vì sao ven kênh rạch xuất hiện rất nhiều nhà tạm bợ, thậm chí làm nhà sàn trên kênh rạch hoặc làm chòi trên tàu để sống và sinh hoạt trên đó.
4.1.2. Tình hình ô nhiễm kênh rạch
Qua kết quả quan trắc vào 2 mùa: mùa nắng (tháng 4/2007) và mùa mưa (tháng 8/2007) cho thấy chất lượng nước mặt tại các hệ thống kênh tiêu thoát nước trên địa bàn Quận 8 bị ô nhiễm chủ yếu là hữu cơ và vi sinh (các thành phần BOD5, COD, Coliform có các giá trị rất cao vượt tiêu chuẩn cho phép). So sánh với cùng kỳ năm 2006 tại các vị trí giám sát mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh có giảm như: vị trí cầu Nhị Thiên Đường, trạm cảnh sát giao thông đường thủy thuộc hệ thống kênh Đôi – Tẻ, cầu Phú Định. Tuy nhiên, tại các vị trí giám sát, mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh vào mùa nắng cao hơn so với mùa mưa. Tại các vị trí quan trắc như khu vực gần chợ Bình Điền – sông Chợ Đệm, rạch Bà Tàng, trạm cảnh sát giao thông đường thủy, trạm cầu Phú Định, trạm ngã ba Tàu Hủ - Lò Gốm – Ruột Ngựa nồng độ chất ô nhiễm cao hơn
24
25
so với các vị trí khác, nguyên nhân do đây là khu vực giáp nước bị ảnh hưởng của triều lên và xuống của sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn, tại khu vực giáp nước nồng độ chất ô nhiễm ít được pha loãng mà còn tăng cao khi nước lớn.
Các thông số ô nhiễm: BOD, COD, Coliform cao chủ yếu là trong nước thải sinh hoạt. Kết quả quan trắc chất lượng nước kênh rạch Quận 8 cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm: BOD5, COD, Coliform cao điều này cho thấy ô nhiễm trong hệ thống kênh tiêu thoát nước Quận 8 là do nước thải sinh hoạt. Ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đang ngày một gia tăng do di dân từ các tỉnh khác vào thành phố và Quận 8 là một trong những quận có dân nhập cư trú ngụ khá đông. Ngoài ra do việc xây cất lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn quận còn nhiều mà chưa có các chính sách di dời, giải tỏa, ý thức của các HGĐVKR còn kém trong việc thải bỏ các chất thải sinh hoạt, tồn tại nhiều nhà vệ sinh trên sông. Bên cạnh đó ô nhiễm nước thải công nghiệp chưa qua hệ thống xử lý do các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh, nhất là các ngành chế biến thực phẩm chưa được di dời cũng góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm hữu cơ, tạo nguy cơ ô nhiễm cao đối với nguồn nước kênh rạch trên địa bàn quận.
Qua khảo sát thực tế, tình hình môi trường trên các tuyến kênh rạch vẫn còn rác trôi nổi, cỏ, lục bình, vỏ dừa đã làm hạn chế việc tiêu thoát nước cũng như việc bồi lắng làm hạn chế dòng chảy. Hiện nay, CTDVCI Q.8 đang thực hiện công tác vớt rác trên hai tuyến kênh chính là kênh Đôi và kênh Tàu Hủ với khối lượng rác bình quân 18 – 20 tấn/ngày.